Dưới thời Trump, kinh tế Mĩ có khá hơn trước? Câu trả lời dứt khoát đã có đối với những người ghét Trump (NO) và những người ủng hộ Trump (YES). Tuy nhiên, tôi nghĩ sự thật nằm đâu đó giữa hai thái cực NO và YES, và cái 'Wisdom of the Crowd' (trí khôn đám đông) sẽ quyết định vận mệnh chánh trị của ông ấy.
Là người ngoài cuộc, tôi cố gắng tìm câu trả lời cho những câu hỏi về tình hình kinh tế, xã hội, đối ngoại, v.v. dưới thời ông Trump và Obama, nhưng không cách nào có được câu trả lời thoả đáng. Lí do là những tờ như NYT, WP, CNN thì không thể tin được sự khách quan của họ; ngược lại những tờ như NR thì lúc nào cũng nói 'hồng' cho Trump. Càng không thể tin những trang tiếng Việt vì đa số chỉ là cánh tay nối dài không đầy đủ của những tờ cánh tả. Chúng ta thử tham khảo các tờ ngoài cuộc như BBC, Aljazeera xem sao.
Trump có thật sự làm cho kinh tế Mĩ tốt hơn?
Ông Trump từng 'nổ' rằng chánh phủ ông đã xây dựng một nền kinh tế lớn nhứt (trước khi đại dịch xảy ra). Đúng không? Số liệu chánh thức cho thấy trong 3 năm dưới thời Trump, tỉ lệ tăng trưởng trung bình là 2.5%. Nhưng thời Obama tỉ lệ tăng trưởng là 2.3%. Như vậy Trump nói có phần đúng [1].
Tỉ lệ thất nghiệp: Ông Trump nói rằng dưới thời ông tỉ lệ thất nghiệp ở Mĩ thấp nhứt? Đúng không? Theo báo BBC thì đúng: tỉ lệ thất nghiệp dưới thời Trump là 3.5%, thấp nhứt trong 50 năm. Nhưng trước đó, thời Obama cũng đã có xu hướng giảm tỉ lệ thất nghiệp.
Lương trung bình: Dưới thời Trump, lương trung bình (tính trên mỗi giời) tăng chừng 2.1% vào năm 2019. Nhưng trước đó dưới thời Obama lương trung bình cũng đã tăng ở tốc độ 2.4% vào năm 2015 [2]. Như vậy, Trump thừa hưởng một phần từ sự phát triển thời Obama.
Tỉ lệ dân nghèo: Ông Trump tuyên bố rằng dưới thời của ông, tỉ lệ nghèo thấp nhứt trong lịch sử các đời tổng thống (ông này hay dùng chữ lớn). Đúng không? Theo BBC thì đúng. Tỉ lệ dưới thời ông Trump (2020) là 10.5%, so với 12-15% trước thời ông ấy lên làm tổng thống. Chỉ tính riêng năm 2019, số người nghèo ở Mĩ đã giảm đến 4.2 triệu so với năm 2018. Như vậy, ông Trump có vẻ nói đúng.
Trump có 'bring back jobs'? Dưới thời Obama và trước đó Mĩ mất nhiều việc làm cho Tàu, nên một trong những chiêu bài tranh cử của Trump là sẽ trả lại công việc cho người Mĩ: "We will bring back our jobs." Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ông Trump đã giữ lời hứa. Kể từ ngày Trump chấp chánh, nền kinh tế Mĩ đã thêm 6.2 triệu việc làm trong vòng 33 tháng [3]. Nhưng các chuyên gia khác thì cho rằng ông Trump chỉ thừa hưởng di sản do Obama để lại thôi.
Câu hỏi quan trọng là giữa Trump và Biden ai sẽ điều hành kinh tế tốt hơn? Theo kết quả điều tra người tiêu thụ thì Trump sẽ làm tốt hơn. Chừng 38% người tiêu thụ nghĩ rằng với Trump cầm quyền nền kinh tế Mĩ sẽ khá hơn; tỉ lệ này cho Biden là 32% [4].
Tóm lại, trên phương diện kinh tế, mặc dù có quá nhiều ồn ào và hoả mù thông tin, những dữ liệu khách quan cho thấy chánh phủ Trump đã duy trì được sự phát triển kinh tế dưới thời Obama, và có những chánh sách giúp tăng thêm GDP, tăng thu nhập gia đình, giảm tỉ lệ thất nghiệp, và giảm tỉ lệ dân nghèo. Những dữ liệu này có thể giải thích tại sao nhiều người vẫn ủng hộ Trump dù ông bị phe Dân Chủ cùng báo chí thiên tả tấn công triền miên.
"Wisdom of the Crowd"
Nếu các bạn (như tôi) là độc giả của tờ New York Times thì sẽ thấy câu nói "không có tin nào là tin lành" (no news is good news) vô cùng phù hợp hiện nay. Cứ mỗi sáng tôi mở máy đọc "Your Daily Briefing" (tóm lược tin trong ngày) của NYT, tôi không hỏi hôm nay có bài nào hay, mà hỏi hôm nay họ có bài nào mới thoá mạ ông Trump!
Mỗi ngày, trong suốt 3 năm qua, NYT đều có bài bài Trump. Trump làm bất cứ điều gì hay nói bất cứ câu nào cũng đều bị NYT viết trại đi hay làm cho xấu hơn. Và, theo thời gian, các bạn sẽ có cảm nhận rằng chánh phủ Trump là một nhóm bất tài, vô dụng, chỉ phá hoại nền kinh tế Mĩ. Các bạn cảm thấy hình như NYT đang nói cho thế giới biết rằng Trump là một kẻ thù nguy hiểm của người Mĩ và nước Mĩ. Kẻ thù.
Cựu tổng thống Dwight D. Eisenhower từng nói rằng người dân thường sáng suốt hơn chánh phủ [5]. Và, tôi nghĩ rằng người dân cũng sáng suốt hơn báo chí, bất kể là báo chí cánh tả hay cánh hữu.
Câu nói của ông Eisenhower và sự kiện Trump đắc cử năm 2016 làm tôi nhớ đến khái niệm "Wisdom of the Crowd" (có thể tạm dịch là "Trí khôn đám đông") mà tôi có lần đề cập trước đây. Khái niệm Trí khôn đám đông do nhà khoa học đại tài Francis Galton phát kiến. Một cách ngắn gọn, lí thuyết Trí khôn đám đông cho rằng nếu chúng ta hỏi một đám đông để dự báo về một kết quả, thì đám đông sẽ dự báo chính xác hơn bất cứ chuyên gia thông thái nào [6]. Lí thuyết đó có thể ứng dụng trong bầu cử: lựa chọn của đám đông lúc nào cũng đúng hơn là lựa chọn của bất cứ học giả nào hay nhà báo nào.
Lí thuyết Trí khôn đám đông có vẻ ứng nghiệm trong lần bầu cử trước. Chúng ta còn nhớ năm 2016, giới báo chí cánh tả và chánh trị gia ra sức tung hoả mù để khuynh đảo người dân không bầu cho ông Trump. Nhưng kết quả là ông ấy đắc cử! Và, những dữ liệu trên cho thấy có lẽ họ đã chọn đúng người.
Thật vậy, trong thể chế dân chủ như Mĩ, và dưới 'ánh sáng' của Trí khôn đám đông, người dân lúc nào cũng chọn đúng người lãnh đạo mình. Nếu trí khôn đám đông nghĩ rằng ông Trump điều hành nền kinh tế khá hơn như kết quả survey này [4], thì ông sẽ còn tại vị. Nếu trí khôn đám đông cho rằng chánh phủ ông Trump quá dở thì chắc chắn cử tri sẽ cho ông ấy 'lên đường' vào ngày 3/11 sắp tới.
_______
[1] https://www.bbc.com/news/world-45827430
[2] https://www.businessinsider.com.au/9-charts-comparing...
[3] https://www.usatoday.com/.../jobs-creation.../4249422002
[4] https://www.aljazeera.com/.../data-v-spin-the-truth-about...
[5] Nguyên văn câu nói là "Governments are far more stupid than their people", tức "Các chánh phủ ngu xuẩn hơn người dân nhiều".
[6] https://www.pnas.org/content/114/26/E5070
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1096568717457111
Không có nhận xét nào