Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Xã Đồng Tâm 4/2017, thời điểm xảy ra vụ người dân bắt giữ 38 công an
Dù vụ Đồng Tâm có được xét xử như thế nào, bao nhiêu bản án 'nặng nề' được đưa ra, thì chính quyền và nhà nước cũng có điều phải rút kinh nghiệm qua vụ việc xung đột bạo lực này, một nhà quan sát thời sự từ Hà Nội, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính nói với BBC News Tiếng Việt hôm thứ Tư 9/9.
"Tôi đánh giá là với kinh nghiệm và khi quan sát, thấy rằng kiểu gì phía chính quyền qua và sau vụ này cũng phải xử lý nội bộ.
"Việc này sẽ không tránh được, chẳng hạn với một số người ra quyết định tấn công hay bắn chết ông Lê Đình Kình v.v… Bởi vì những 'tai nạn' mà công an bị như thế này, chắc chắn là có trách nhiệm của người lãnh đạo trong ngành công an chứ không thể nào mà dễ dàng mà bỏ qua được. Rõ ràng là có vấn đề về mặt nghiệp vụ.
"Như thế, chắc chắn tôi nghĩ trong nội bộ họ sẽ xử lý, chỉ có điều là họ không làm rùm beng lên mà thôi. Thông thường họ vẫn làm như vậy, tức là họ sửa sai, bề ngoài họ không nhận sai, nhưng những xử lý ở cấp nội bộ tôi đoán có thể xảy ra ở cấp lãnh đạo, chứ không chỉ dừng ở cấp lính tráng, cấp thấp."
Công an Hà Nội không nên vừa 'tấn công' vừa 'điều tra, truy tố'?
Sau ba ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, khai mạc từ hôm 07/9/2020, có ý kiến từ trong nhóm luật sư bào chữa và hỗ trợ tư pháp cho các bị cáo tại phiên xử kiến nghị Tòa án đình chỉ phiên xử, trả lại hồ sơ để điều tra lại vì các chứng cứ không đầy đủ để buộc tội các bị cáo, thiếu cơ sở, thiếu thuyết phục và thiếu khách quan v.v…
Về diễn biến này, ông Dương Quốc Chính bình luận:
"Tôi nghĩ kiến nghị hay yêu cầu đó cũng hợp lý thôi vì Công an Hà Nội chính là bên tham gia trong việc tấn công hôm 09/1/2020, nhưng đồng thời họ lại tham gia luôn trong việc điều tra, truy tố, kết tội, cho nên rất là khó để đảm bảo tính công bằng.
"Cho nên khi người ta đề nghị một cơ quan khác, có thể là cấp trên hoặc có thể là một tổ chức, thiết chế khác với chính họ, thì tôi nghĩ là nó sẽ hợp lý hơn là chính Công an Hà Nội đứng ra làm hai việc một lúc."
Trong cuộc trao đổi với BBC hôm 09/9, nhà quan sát thời sự từ Hà Nội cho biết bản thân ông đặt ra nhiều câu hỏi cần giải đáp xung quanh vụ án:
"Mới đây tôi có nêu trên trang Facebook cá nhân một số câu hỏi xung quanh vụ việc và vụ án Đồng Tâm. Tuy nhiên, tôi mới tự giải đáp được nửa câu số chín mà tôi đặt ra, tức là có vẻ người của Tổ đồng thuận có mua lựu đạn hay không.
"Các bị cáo được công bố lời khai nói là có, nhưng riêng trái lựu đạn được quy cho là của ông Kình thì tôi thấy các căn cứ chưa chắc chắn để nói rằng nó đã nằm trong số đó, trong khi các bị cáo được tường thuật lại khai trước tòa là số quả được họ ném ra "để dọa", vì "không rút chốt".
"Qua bút lục, ghi chép được các luật sư bào chữa công bố, ông Bùi Viết Hiểu, bị cáo tại phiên tòa, có khai là ông Kình không hề cầm lựu đạn và con cháu cũng không đưa lựu đạn cho ông Kình.
"Tức là khả nghi là quả lựu đạn 'nằm trong tay ông Kình' khi ông bị hạ sát chỉ là ngụy tạo mà thôi, đó cũng là dấu hỏi mà tôi nghi ngờ ngay từ đầu và đã đặt ra và bây giờ có vẻ như giả thuyết về ngụy tạo này là đúng.
"Còn các câu hỏi khác thì tôi chưa hề thấy sáng tỏ qua mấy ngày xử án, qua những thông tin mà báo chí chính thống của nhà nước tường thuật từ phiên tòa.
"Có một vấn đề nữa mà tôi thấy đáng quan tâm là lý do dẫn tới vụ tấn công. Điều này, tôi thấy Tòa hay Hội đồng Xét xử dường như không đả động, thông tin nói là đại diện Công an Hà Nội không tham dự phiên tòa, hoặc Hội đồng Xét xử 'gạt đi' trong phần yêu cầu của các luật sư, khi luật sư muốn hỏi về kế hoạch, lý do vụ tập kích v.v...
"Qua thông tin tham khảo và những gì quan sát được, tôi thấy kế hoạch đó, mà được cho là do Công an Hà Nội lập, Ủy ban Nhân dân Hà Nội phê duyệt, nhưng lại không được tòa, Hội đồng Xét xử công bố và các luật sư cũng không được đọc."
Vì sao nhiều bị cáo 'nhận tội'?
Truyền thông, báo chí chính thống Việt Nam đưa tin qua ba ngày xét xử sơ thẩm vụ án cho hay nhiều bị cáo đã 'cúi đầu nhận tội', 'xin lỗi bị hại', tỏ ra 'ăn năn, hỗi lỗi' và xin khoan hồng.
Bình luận về điều này, ông Dương Quốc Chính nói:
"Thực ra việc nhận tội số đông như vậy tôi nghĩ là dễ hiểu, việc các bị can bị 'tra tấn', 'nhục hình', 'ép cung' là có khả năng rất cao.
"Ông Lê Đình Công, con trai ông Kình, người bị Viện Kiểm sát đề nghị mức án tối đa là 'tử hình' đã khai với luật sư ngay trước tòa, qua bút lục được công bố từ các luật sư, rằng 'mười ngày thì bị đánh cả mười ngày như một', thì có thể suy ra là cần phải xem lại họ có bị áp lực hay không.
"Còn ngay câu trả lời của ông Lê Đình Chức, một bị cáo khác trong vụ án và cũng là con trai ông Kình, qua bút lục công bố của luật sư, thì rất đáng nghi ở chỗ khi được luật sư bào chữa hỏi vết thương xuất phát từ đâu, thì ông nói là không biết vết thương ở đâu ra và cũng nói là ông không đi nằm viện.
"Trong khi nhìn trong clip mà truyền hình nhà nước VTV và báo chí Việt Nam công bố thì công chúng có thể nhìn thấy rõ là ông ấy có một vết thương ở đầu rất là lớn, có người nói là như bị mất một phần hộp sọ và 'lõm hẳn' vào cỡ bằng 'ba ngón tay', thì tức là ông ấy phải bị thương rất nặng, chứ không phải là nhẹ.
"Mà kiểu bị chấn thương sọ não như thế, thì không thể không nằm viện được, thế mà bị cáo này lại nói là không 'nằm viện' và 'không biết' vết thương do đâu. Đó là một lời khai rất đáng nghi ngờ, cho dù rằng đó là chính do ông ấy khai trước Tòa vì nó thiếu logic, nó không khớp lắm."
Thấy gì qua báo chí và dư luận?
Nhà quan sát thời sự từ Hà Nội cũng đưa ra bình luận của mình về những gì ông quán sát được qua cách thức báo chí, truyền thông nhà nước đưa tin và các chiều cạnh ý kiến trong dư luận về phiên xử và vụ án.
"Tôi thấy là báo chí nhà nước đưa tin không được kỹ, so với nhiều vụ khác, họ đưa tin lướt lướt thôi. Ngay cả cơ quan quan trọng nhất của báo chí nhà nước là truyền hình VTV, họ cũng đưa một cách rất tóm tắt, rất không cụ thể.
"Tôi cho rằng có thể ý đồ của bên Tuyên giáo là họ không muốn vụ này trở nên quá rầm rộ, hoặc như thế nào đó.
"Còn về dư luận, tôi thấy sự chia rẽ trong đánh giá, nhận định vụ việc và vụ án vốn có từ trước và trong thời gian nhiều tháng qua thì không thể kể hết được.
"Chuyện này theo tôi là đương nhiên, chỉ có điều khi tôi theo dõi thì thấy là ý kiến của phía bênh vực công an, chính quyền thì thường là không có mấy lý lẽ đáng kể.
"Lý lẽ ở đây là lý lẽ hoàn toàn khách quan, dựa trên hiểu biết, lập luận, bằng chứng và cái nhìn của pháp luật, hiểu biết pháp luật, chứ không phải là thứ lý lẽ dựa trên ý thức hệ.
"Khi tranh luận vấn đề này mà thuần túy có tính pháp luật, bỏ ra bên cạnh những suy diễn chính trị hay chủ quan, định kiến ý thức hệ, thì nhiều ý kiến ủng hộ công an và chính quyền tỏ ra nghèo nàn, đuối lý, hoặc không có lý gì cả.
"Các tranh cãi của lề đó tỏ ra rất cảm tính, bằng chứng là họ đã quy kết sớm những bị can, bị cáo là 'khủng bố, trong khi thiếu hay không có căn cứ để kết luận như thế, trong khi ngay chính cáo trạng của chính quyền đưa ra cũng không hề có kết tội 'khủng bố'.
"Cho nên việc tranh luận trái ngược quan điểm thì rất rõ, nhưng một phe rõ ràng không dựa trên lập luận pháp lý, khoa học, bằng chứng v.v… mà thiên về quy kết, rồi có những phát ngôn cáo buộc, màu sắc tục tĩu, chửi rủa, chửi bới là chính mà thôi."
Mức án, hiệu quả răn đe và điều gì có thể xảy ra tiếp?
Về mức án mà tòa có thể sẽ tuyên ở phiên sơ thẩm với một số bị cáo chính của vụ án, Kiến trúc sư Dương Quốc Chính nói với BBC:
"Đây là dự đoán theo quan điểm riêng của tôi, người ta có thể sẽ tuyên án mức án tử hình, nhưng cũng có trường hợp là trong phiên phúc thẩm, nếu các bị cáo chống án, kháng nghị, thì có thể sẽ được giảm xuống mức hình phạt thấp hơn, như là chung thân chẳng hạn.
"Nếu đặt mình vào phía Hội đồng Xét xử, bên chính quyền và Công an Hà Nội đã đưa ra cáo buộc có vụ ba sỹ quan công an bị thiêu chết, tức là vụ án giết người, mà không tuyên mức án nặng, thì có thể 'khó' giải thích với phía công an. Nhưng đó chỉ là đánh giá trên góc độ của người xét xử mà không phải là trên góc độ pháp luật và khoa học tư pháp, tố tụng.
Khi được hỏi liệu có điều gì mà nhà nước, chính quyền có thể thấy cần rút kinh nghiệm qua vụ việc này, ông Dương Quốc Chính nói thêm với BBC:
"Tôi nghĩ rằng chắc cũng sẽ có nhiều điều phải rút kinh nghiệm và sửa đổi chứ không phải là không.
"Thứ nhất là việc được cho là đàn áp với người dân, tôi thấy rằng thực ra việc này cũng không đáng phải bị xử lý như vậy.
"Tôi thấy rằng những ai ra quyết định trong việc đàn áp này cũng có phần trách nhiệm, có nghĩa là nhà cầm quyền phải nhìn vào vụ này để rút kinh nghiệm xử lý trong tương lai, tránh một sự thể mà khi bị đẩy vào đường cùng đã xảy ra như vậy.
"Thứ hai, liên quan tranh chấp đất đai, thì các vụ việc khiếu nại, tranh chấp, xung đột cũng đã xảy ra nhiều ở Việt Nam, có thể chính quyền, nhà nước trước sau rồi cũng sẽ phải tính đến việc cải cách và sửa đổi về luật pháp liên quan đến đất đai, nếu không muốn các vấn đề tranh chấp, xung đột trở nên ngày càng khó xử lý hơn.
"Nhân đây, trở lại với các bản án nặng có thể được tuyên trong vụ Đồng Tâm, tôi nghĩ là có thể những người dân đang khiếu kiện, khiếu nại, đấu tranh về đất đai, ruộng đất liên quan chính quyền, hay chịu ảnh hưởng từ các quyết định thu hồi, thu mua, tái phân phối quyền sử dụng đất của họ cho người khác bởi nhà nước, có khả năng lo sợ rất là cao.
"Bởi vì họ đang nhìn thấy cách xử lý qua vụ việc Đồng Tâm, thế nhưng có lẽ vì quyền lợi sát sườn, cơm áo của họ, thì sợ vẫn sợ, nhưng đến lúc nào đấy thì họ vẫn phải đấu tranh, chứ làm sao mà khác đi và có thể tránh được nếu các quy định, chủ trương của nhà nước, chính quyền và mọi sự vẫn giữ nguyên như cũ," ông Dương Quốc Chính nói với BBC từ Hà Nội hôm 09/9/2020.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54093879
Không có nhận xét nào