Header Ads

  • Breaking News

    Vũ Linh –Tình hình tranh cử Mỹ

     

    Các cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc của Mỹ cực kỳ phức tạp, thường kéo dài cả hai năm trời, kể cả thời gian thả bong bóng thăm dò hậu thuẫn của mình, đi vận động đồng minh, kiếm tiền, chuẩn bị sách lược tranh cử, tìm người hợp tác, thảo chương trình chính trị trước khi đi rao bán, rồi vận động nội bộ,…

    Thực tế cuộc chạy đua chỉ chính thức bắt đầu khi cả hai đảng đã chọn xong đại diện, và cuộc đua được bắn phát súng mở màn sau lễ Lao Động -Labor Day- đầu tháng 9, năm nay nhằm Thứ Hai 5/9.     Nghĩa là bây giờ mới bắt đầu.

    Tức là bây giờ là lúc ta cần định vị hai tay đua đang đứng ở đâu và chuyện gì sẽ xẩy ra. Việc gì sẽ xẩy ra trong cuộc bầu năm nay mang ý nghĩa đặc biệt nhất vì có nhiều yếu tố chưa bao giờ thấy trong lịch sử chính trị Mỹ, do đó, chẳng có anh ‘chuyên gia’ nào đoán được gì. Đó là những yếu tố:

    1. Dịch COVID đang tấn công mạnh đúng mùa bầu cử, khiến ai cũng sợ, do đó, không ai tiên đoán được sẽ có bao nhiêu người chịu đích thân đi bầu, bao nhiêu người bầu bằng thư;

    2. Bầu bằng thư sẽ có thể có cả mấy chục triệu người, gấp mấy chục lần các cuộc bầu trước; không ai biết được chuyện gì sẽ xẩy ra trong thực tế.

    3. Có thể nói cuộc bầu năm nay là một trong những cuộc bầu mà dân Mỹ sẽ có một lựa chọn rõ rệt nhất giữa hai ý thức hệ bảo thủ và cấp tiến. Đảng DC và ngay cả đồng minh TTDC của họ,  chưa bao giờ thiên tả như ngày nay, trong khi đảng CH dưới TT Trump chưa bao giờ thiên hữu như ngày nay.

    4. Yếu tố độc đáo nhất của cuộc bầu năm nay là yếu tố… Trump! Là người gây xúc động tranh cãi về cá nhân có thể nói mạnh nhất lịch sử chính trị Mỹ. Các vấn đề kinh bang tế thế, chính sách bảo thủ hay cấp tiến,… mất rất nhiều ý nghĩa, và một số rất lớn cử tri chỉ đi bỏ phiếu vì thích hay ghét cá nhân ông Trump thôi. Cái mà người Mỹ gọi là ‘identity politics’, tức là chính trị theo lý lịch cá nhân, chưa bao giờ thống trị bầu bán như năm nay. Nhìn vào các bài báo công kích TT Trump, kể cả báo vẹt dịch, hầu hết chỉ  đánh cá nhân, như nói láo, vô đạo đức, tà dâm,… Chỉ vì một lý do rất đơn giản là công kích TT Trump về thành quả của ông thôi quả là quá khó thôi.

    Tất cả những cái ‘chưa bao giờ xẩy ra’ nêu trên đã đảo lộn tất cả mọi suy tư, diễn giải bình thường, do đó, đã như viết, cuộc bầu năm nay là một dấu hỏi khổng lồ chỉ có câu trả lời sau khi đã có bầu cử. Rất có thể là cả mấy tuần sau ngày bầu cử không chừng.

    Dù vậy, ta cũng vẫn có thể nhận xét một số chuyện quan trọng ngay bây giờ. Ta sẽ bàn qua 3 vấn đề: các thăm dò dư luận, bầu bán bằng thư, và trường hợp rắc rối không có kết quả kịp thời.

    Thăm dò dư luận

    Bây giờ đúng là cao điểm của thăm dò. Quý độc giả đọc báo thấy mỗi ngày đều có đủ loại thăm dò, với đủ loại con số, từ đủ các cơ quan ngôn luận, đủ viện nghiên cứu, đủ trường đại học, chẳng ai biết đâu mà mò.

    Nói chung, cách đây không lâu, các thăm dò đều cho thấy cụ Biden thắng TT Trump một cách áp đảo, với hậu thuẫn cao hơn TT Trump từ 7% tới 15% hồi tháng 7 khi cao trào Bờ Lờ Mờ, chống kỳ thị da đen, với biểu tình gần như thường trực mỗi ngày trên cả mấy chục thành phố lớn của Mỹ.

    Nhưng rồi gần đây, gió có vẻ đã đổi chiều. Ngay sau khi đảng DC tổ chức đại hội, bình thường là lúc hậu thuẫn lên cao nhất khiến nhiều chuyên gia tiên đoán sẽ là đại hội… đám ma chôn cất Trump, thì hậu thuẫn của cụ Biden lại tuột xuống mức thấp nhất, trung bình chỉ còn hơn TT Trump có từ 3% tới 7%. (1)

    Các tay bắt cá độ chuyên nghiệp của Las Vegas đã chuyển hướng rõ rệt nhất. Đầu tháng 8, hy vọng thắng của cụ Biden so với TT Trump là 61-37; qua tới ngày 31/8 thì hai bên ngang nhau 50/50.

    Quan trọng hơn cả là thăm dò tại các tiểu bang xôi đậu then chốt nhất: Florida, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, North Carolina. Tại đây, cụ Biden vẫn thắng, nhưng thắng khít nút, trong vòng sai lầm thống kê, nghĩa là các thăm dò đều hoàn toàn vô nghĩa. (2)

    Thậm chí, báo Anh Express còn dám khẳng định TT Trump sẽ tái đắc cử. (3)

    Có hai yếu tố quan trọng nhất có thể giải thích sự tuột dốc gần đây của cụ Biden.

    –      Thứ nhất, đảng DC đã sai lầm khi không chịu lên án các cuộc nổi loạn bạo động, đốt nhà, cướp tiệm, … của đám Bờ Lờ Mờ và Antifa. Ban đầu, đảng DC chủ trương kín đáo cổ võ hay ít nhất không công khai chống các phong trào này, tìm cách khai thác sự chống đối kỳ thị và chống đối cảnh sát biến qua chống đối TT Trump. Trong suốt bốn ngày đại hội đảng, trong gần 100 diễn giả, không có bất cứ một người nào dám hé miệng nói một câu nào về các cuộc nổi loạn đó. Nhưng đảng DC đã sai lầm khi các cuộc bạo động lớn mạnh quá mức họ dự đoán. Con cọp mà họ thả ra đã hung hiểm gấp bội mọi ước tính của họ, đã quay qua vồ họ luôn. Trong khi đảng CH và TT Trump bình tĩnh đưa lá bài ‘luật lệ và trật tự’, thu hút ngay hậu thuẫn của đa số dân Mỹ, nhất là các phụ nữ sống trong các vùng ngoại ô các thành phố lớn, là những người mà vấn đề an toàn cho gia đình, cho con cái, luôn luôn là ưu tiên số một, bất cần biết đảng nào, tổng thống nào.

    Lúc sau này, cụ Biden đã thức tỉnh, lên tiếng chỉ trích chung chung các cuộc bạo động tại Kenosha, nhưng đây là việc làm vừa quá yếu vừa quá muộn, Mỹ gọi là ‘too little, too late’, lại mang tính chạy theo thời thế chứ không phải là thái độ lãnh đạo hướng dẫn dư luận.

    Không cần nói chi xa, nhìn vào cụ lẩm cẩm Biden, không một ai tin cụ có khả năng kềm chế đám khùng điên đang nổi loạn hết. Những người ủng hộ cụ Biden chỉ dám hy vọng cụ Biden làm tổng thống sẽ khiến nổi loạn mất đối tượng Trump nên các chống đối sẽ xì hơi. Hoặc khi TT Biden ra hàng loạt quyết định nịnh đám nổi loạn, chẳng hạn như tăng trợ cấp, ra luật khóa tay cảnh sát, ân xá tất cả đám nổi loạn,…

    –  Thứ nhì, chính cụ Biden cũng đã sai lầm khi dùng sách lược tranh cử nhẹ nhàng, kín đáo, Mỹ gọi là ‘low key’, trốn dưới hầm, không đi gặp quần chúng cử tri, không họp báo,… Một phần vì muốn đưa ra hình ảnh một chính khách điềm đạm, trái ngược với hung thần Trump, một phần quan trọng hơn là ông ý thức được cái tật hay nói nhầm, nên càng nói ít càng tốt. Sách lược này có hại trong môi trường chính trị Mỹ, là môi trường càng ít khiêm tốn càng có lợi! Dù thích hay không, đó là nét đặc thù của văn hóa chính trị Mỹ, khi tất cả các ứng cử viên chính trị đều biểu diễn tối đa màn tự đấm ngực khoe khoang đủ loại tài cán, cái gì mình cũng nhất. Khiêm tốn thì kết quả bầu bán cũng sẽ khiêm tốn theo thôi.

    Trở lại chuyện thăm dò, tính chính xác của các thăm dò thật ra rất thấp. Có thể vì rất nhiều thăm dò được làm vì nhu cầu chính trị, để phục vụ bộ máy tuyên truyền, cố tình tìm cách đưa ra những con số có lợi cho một mục tiêu nào đó. Dù phần lớn các thăm dò lương thiện hơn, nhưng kết quả vẫn không chính xác hơn vì có quá nhiều ‘bí số’.

    Thông thường các thăm dò chỉ có thể thực hiện được với trên dưới một vài ngàn người tối đa. Số người được tuyển chọn để trả lời câu hỏi trên nguyên tắc phải gồm đủ thành phần, tượng trưng cho khối cử tri Mỹ, chẳng hạn, như tỷ lệ người đi bầu, tỷ lệ dân da trắng, da đen, phụ nữ, người già, trình độ học vấn, dân thành thị hay thôn quê, tỷ lệ CH hay DC,… Tất cả những tỷ lệ đó không có gì rõ ràng như 1+1=2 hết. Mỗi cơ quan thăm dò có cách ước tính riêng, giải thích tại sao các con số giữa các cơ quan thăm dò khác nhau một trời một vực.

    Một ví dụ cụ thể: một cơ quan thăm dò ước tính có 40% dân theo đảng DC, 40% dân theo CH và 20% dân không đảng nào, những người được họ chọn để đặt câu hỏi sẽ đúng theo tỷ lệ đó. Một cơ quan thăm dò khác cho là có 35% DC, 20% CH, và 45% độc lập. Dĩ nhiên kết quả thăm dò của hai cơ quan đó sẽ khác nhau xa.

    Cách họ đặt câu hỏi cũng sẽ đưa đến kết quả khác nhau.

    Có một yếu tố rất quan trọng trong thăm dò, Mỹ gọi là ‘Bradley effect’, hiệu ứng Bradley.

    Ông da đen Tom Bradley trước đây là thị trưởng Los Angeles, trong 20 năm (1973-1993), rất uy tín và được hậu thuẫn khá mạnh. Năm 1982, ông ra tranh cử thống đốc Cali. Tất cả các thăm dò đều cho thấy ông sẽ thắng áp đảo, không khác gì bà Hillary sau này. Bất ngờ kết quả bầu cử, ông Bradley thua đậm, sau này được giải an ủi là tên của ông được đặt cho phi trường Tom Bradley International Airport của Los Angeles, mà tất cả dân Việt đi VN từ Los đều phải đi qua.

    Sau khi ông thất cử, các chuyên gia xúm vào nghiên cứu, khám phá ra khi thăm dò, rất nhiều người da trắng đã không dám nói chống ông Bradley, sợ mang tiếng kỳ thị da đen, nhưng khi vào phòng phiếu thì đã không bỏ phiếu cho ông này. Đó là hiệu ứng Bradley, người được thăm dò không dám nói thật vì sợ mang tiếng này nọ. (4)

    Hiệu ứng Bradley đã một phần nào giải thích việc ông Trump thắng bà Hillary trong khi tất cả thăm dò đều cho thấy ông Trump sẽ đại bại.

    Bây giờ, các chuyên gia cũng đã nhận thấy một hiện tượng tương tự, nhiều người không dám thú nhận sẽ bầu cho ‘hung thần Trump’ vì sợ mang tiếng ủng hộ tay kỳ thị, tay vô đạo đức,…

    Ta cũng không thể quên khối mà TT Nixon gọi là khối ‘đa số thầm lặng’ -silent majority-, không ồn ào tuyên bố vung vít, không xuống đường biểu tình, chỉ lẳng lặng vào phòng bỏ phiếu. Đó là khối đã mang lại chiến thắng áp đảo lớn nhất lịch sử cho TT Nixon năm 1972 trong khi cả triệu người ồn ào xuống đường biểu tình chống ông. Ông đối thủ phản chiến McGovern chỉ thắng được đúng một tiểu bang Massachusetts và District of Columbia (thủ đô Washington).

    Một thăm dò thật lạ lùng: theo Đại Học Montmouth, cụ Biden được 51% ủng hộ so với TT Trump 42%; thế nhưng được hỏi họ tin ai sẽ đắc cử, thì lại có 48% tin TT Trump sẽ thắng, so với 43% tin vào cụ Biden. Nghĩa là đa số dân Mỹ không tin ở các thăm dò.

    Thăm dò cũng là phương cách nhào nặn hay lèo lái tư tưởng của thiên hạ, tùy thuộc người được hỏi và cách đặt câu hỏi. Khi TTDC có thái độ chống Trump tới hơn 90% ngay từ 2016, và khi hầu hết giới trí thức đều chống Trump thì thăm dò bất lợi cho Trump từ khối TTDC và các trường đại học như ta thấy hiện nay là hệ quả tất nhiên.

    Nhưng tình trạng dân trí Mỹ cao hơn nhiều, họ đọc báo, coi TV của TTDC nhưng không dễ bị lừa. Chỉ cần nhìn vào kết quả bầu cử năm 2016, khi mà TTDC tiên đoán ông Trump chỉ có 2% hy vọng thắng thì biết.

    Đạo diễn thiên tả cực đoan Michael Moore, là một trong số rất nhỏ những người ngay từ đầu năm 2016 đã tiên đoán ông Trump sẽ hạ đo ván bà Hillary trong cuộc bầu cuối năm đó, đã lên tiếng cảnh giác đảng DC coi chừng Trump sẽ đại thắng năm nay. Theo anh Moore, chưa khi nào cử tri CH của TT Trump hăng say, lên tinh thần như bây giờ, và đây là yêu tố quyết định trong tất cả các cuộc bầu cử.

    [Ở đây, xin phép được mở ngoặc: cái tinh thần hăng say chưa từng thấy được thể hiện rõ nét nhất trong cộng đồng tỵ nạn Việt. Trong gần nửa thế kỷ từ ngày dân tỵ nạn đặt chân đến nước Mỹ, chưa bao giờ lại có tình trạng người tỵ nạn Việt ào ào mở ra hàng loạt phong trào tự phát ủng hộ TT Trump tại cả chục tiểu bang như bây giờ, cho dù các báo lớn của cộng đồng tỵ nạn như NV, VB, và cả đài SBTN đều theo đuôi TTDC Mỹ đánh Trump chết bỏ. Đến độ bên DC đã phải hốt hoảng thành lập một nhóm dân Việt tỵ nạn ủng hộ cụ Biden để chống trả. Nhóm tỵ nạn Việt ủng hộ Biden (tất cả đều là cử tri đảng DC dĩ nhiên, trong đó có cả một bà dân biểu liên bang Mỹ gốc tỵ nạn) đã đưa ra bích chương quảng cáo của họ, được viết trên nền vàng với ba sọc đỏ trên góc, hiển nhiên sợ bị hiểu lầm nên cố ý xác nhận họ thuộc thành phần VNCH. Điều miả mai khổng lồ  là họ lại đi hậu thuẫn cụ Biden, một người chống VNCH mạnh nhất, luôn luôn biểu quyết cắt đứt mọi viện trợ quân sự và kinh tế giúp VNCH, và chưa một lần nào biểu quyết một xu cho ngân sách cứu trợ dân tỵ nạn.]

    Về thăm dò, còn một chuyện quan trọng nhất không thể lơ là: tất cả thăm dò, bất kể chính xác hay không, chỉ phản ảnh tình trạng nhất thời của lúc thăm dò thôi, một vài ngày hay một vài tuần sau là khác hết. Bây giờ tới ngày bầu còn hai tháng nữa, trong chính trị Mỹ tương đương với hai thế kỷ, chớ nên hấp tấp tin vào thăm dò.

    Trên nguyên tắc, ta phải quên các thăm dò đi. Hay ít ra thì cũng phải nhìn vào thăm dò với con mắt dè dặt nhất.

    Bầu cử bằng thư

    Đảng DC, với sự phụ họa của TTDC đang hô hào cổ võ cho việc bầu bằng thư. Trên nguyên tắc, họ lấy cớ nguy cơ dịch COVID có thể phát tác mạnh khi cả trăm người xếp hàng sát nách nhau để vào phòng phiếu như những cuộc bầu trước đây. Trên thực tế, đây chỉ là một mánh rẻ tiền của đảng DC tìm cách chiếm lợi thế.

    Việc bầu bằng thư giúp cho đảng DC qua nhiều cách: có thể gian lận, giúp DC có phiếu của cử tri DC nhiều hơn, bầu sớm bất lợi cho TT Trump, và có thể trễ nãi kết quả đưa đến tình trạng không kịp có tổng thống đúng hạn định của Hiến Pháp.

    Ta xem lại cho kỹ những việc này.

    Gian lận: Không ai chối cãi được bầu bằng thư trong thời kỳ bầu sơ bộ vừa qua đã hết sức luộm thuộm với cả trăm ngàn phiếu bầu bị hủy bỏ, thu hồi, hay tới chậm trễ, bất hợp lệ, đủ kiểu. Từ đó, ai cũng có thể suy diễn ra việc gian lận rất dễ dàng. Phiếu cử tri ma, phiếu giả, tráo phiếu, chặn phiếu,… cả vạn cách. Hầu hết bất lợi cho phe CH và TT Trump khi a) Nghiệp Đoàn Nhân Viên Sở Bưu Điện đã chính thức ra tuyên cáo ủng hộ cụ Biden, và b) phần lớn các công chức lo chuyện bầu bán tại các thành phố lớn là thành viên Hiệp Hội Các Công Chức, Service Employees International Union (SEIU), là cánh tay nối dài của đảng DC từ cả mấy chục năm qua.

    Chuyện gian lận không phải là chuyện phịa do TT Trump mới chế ra.

    Năm 2005, một ủy ban đặc nhiệm lưỡng đảng cầm đầu bởi cựu TT Carter bên DC, và cựu ngoại trưởng James Baker bên CH, đã nghiên cứu về việc bầu bằng thư và đã kết luận rất rõ ràng bầu bằng thư rất nguy hiểm vì rất dễ gian lận. (5)

    Một chuyên gia của đảng DC cũng đã thú nhận có rất nhiều cảnh gian lận đã xẩy ra. (6)

    Một bằng chứng cụ thể nhất mới đây: một ông tòa tại Iowa đã bắt thu hồi hơn 50.000 đơn xin bầu bằng thư. Trên nguyên tắc, muốn bầu bằng thư, cử tri phải làm đơn xin phép trước. Các quan chức DC tại Iowa, trong mục đích lộ liễu ép dân bầu bằng thư, đã tự động gửi cả trăm ngàn đơn xin bầu bằng thư cho các cử tri dù chưa có ai yêu cầu, trong đó có 50.000 đơn đã được điền sẵn phần lớn, gồm tên tuổi, địa chỉ của cử tri, được gửi tới tận nhà. Cử tri chỉ cần đánh vào ô nêu lý do muốn bầu bằng thư rồi gửi. Quan tòa cho rằng việc này vi phạm trắng trợn luật bầu cử và ra lệnh thu hồi hết những đơn điền sẵn này. (7)

    Trong câu chuyện này, phe DC mới tung ra mánh mới: hù dọa thiên hạ đi bỏ phiếu có thể sẽ bất an vì sẽ có chống phá, đánh nhau, bạo động tại phòng phiếu, nên tốt hơn hết là nên ở nhà, bầu bằng thư.

    Tăng phiếu DC: ai cũng biết dân CH ủng hộ TT Trump sẵn sàng đi tới phòng phiếu để bỏ phiếu, đúng như BS Fauci đã nói, không có gì nguy hiểm hơn đi siêu thị mua đồ ăn. Nhưng cử tri DC nghe lời hù dọa của đảng DC và TTDC, có khuynh hướng rét hơn, sẽ ngồi nhà nhiều hơn, và bỏ phiếu bằng thư sẽ giúp họ tham gia bầu cử nhiều hơn. Đã vậy, cử tri DC, phần lớn là dân thiểu số da đen, da nâu, và các cụ bô lão, lười đi bầu, nếu có bầu bằng thư thì họ sẽ tham gia mạnh hơn, nhất là nếu có người đến tận nhà, giúp họ điền phiếu rồi thu gom phiếu của ho, dưới hình thức gọi là ‘ballot harvesting’. Một cái lợi lớn cho cụ Biden dĩ nhiên.

    Bầu sớm bất lợi cho TT Trump: Muốn bầu bằng thư mà được nhận kịp thời hạn thì tốt hơn hết là bầu càng sớm càng tốt, bắt đầu từ cả tháng trước càng tốt. Bầu sớm sao lại bất lợi cho TT Trump? Chỉ vì tình hình chống dịch có vẻ ngày càng khả quan, kèm theo tình hình kinh tế cũng tiến triển tốt rất nhanh, nghĩa là càng chờ lâu, tình hình càng sáng sủa hơn cho TT Trump, sẽ có nhiều người bầu cho TT Trump hơn. Biết đâu chờ đến đúng ngày bầu cử, khi đó đã có thuốc ngừa rồi thì khó hạ được TT Trump lắm. Ngược lại, càng bầu sớm thì số người bất mãn với TT Trump càng nhiều hơn. Vì lý do đó, đảng DC đang cố thuyết phục cử tri bầu bằng thư càng sớm càng tốt.

    Trễ nãi trong việc đếm phiếu và công bố kết quả: việc trễ nãi là chuyện ngay cả Sở Bưu Điện đã cảnh báo rồi: họ không đủ phương tiện máy móc và vận chuyển, và nhân sự để có thể nhận cả trăm triệu phiếu bầu cử, rồi chuyển qua cơ quan kiểm phiếu nào đó, để có thể kiểm phiếu kịp thời. Cho tới nay, không ai biết sẽ chậm trễ bao lâu. Tối thiểu cũng phải một tuần, tối đa thì có trời biết, mấy tuần, mấy tháng,… chẳng ai biết. Chưa kể đảng DC có thể khởi kiện cả vạn chỗ để cố tình kéo dài việc công bố kết quả cuối cùng.

    Trễ nãi càng lâu thì càng bất lợi cho TT Trump. Hiến Pháp quy định rất rõ rệt một số kỳ hạn. Chẳng hạn đầu tháng Cháp, cử tri đoàn phải bầu tổng thống, và tân tổng thống phải tuyên thệ trước cuối tháng Giêng. Đây là những kỳ hạn bất di bất dịch không thể thay đổi được, trừ phi Hiến Pháp được tu chính.

    Nếu việc bầu bằng thư bị trễ nãi quá những kỳ hạn đó thì TT Trump sẽ mất job cho dù ông cuối cùng có nhiều phiếu cử tri đoàn hơn.

    Nhìn vào những hậu quả trên, thì hiểu rõ tại sao phe DC nhất quyết đòi bỏ phiếu bằng thư.

    Ai sẽ là tổng thống?

    Đây có lẽ là đề tài bí hiểm nhưng lại sôi nổi nhất.

    Nếu đúng theo những kỳ hạn của Hiến Pháp mà vẫn chưa có kết quả cuối cùng, chưa có tổng thống thì sao?

    Hiến Pháp ghi rõ trong bất cứ trường hợp nào, tổng thống đương nhiệm cũng mãn hạn cuối tháng Giêng, lần này vào đúng 12g trưa ngày 20/1/2021. Trong trường hợp chưa có tân tổng thống được xác nhận, thì chủ tịch Hạ Viện sẽ làm quyền tổng thống cho đến khi Hạ Viện bầu tổng thống và Thượng Viện bầu phó tổng thống.

    Đưa đến việc nhiều người cho rằng trong trường hợp đó thì bà ngoại Nancy Pelosi sẽ lên làm quyền tổng thống, rồi có thể sẽ được Hạ Viện bầu làm tổng thống luôn, không cần được dân bầu. Đây là kết luận hơi hấp tấp. Có nhiều yếu tố cần phải để ý.

    – Nếu kết quả bầu bán bị trễ nãi, không có tổng thống, thì làm sao có thể có kết quả bầu cử quốc hội được khi lá phiếu bầu qua thư cũng có luôn cả việc bầu dân biểu, nghị sĩ, thống đốc và cả ngàn viên chức khác?

    – Nếu chưa có kết quả bầu quốc hội thì cũng sẽ chẳng có Hạ Viện vì không có dân biểu nào luôn vì theo Hiến Pháp, nhiệm kỳ của tất cả các dân biểu chấm dứt ngày 31/12. Nếu không có Hạ Viện thì cũng sẽ không có chủ tịch Hạ Viện để làm quyền tổng thống luôn.

    – Theo Hiến Pháp thì người kế tiếp có thể làm quyền tổng thống là chủ tịch ‘president pro-tempore’ Thượng Viện, là thượng nghị sĩ CH của Iowa, ông Chuck Grassley [president pro-tempore của Thượng Viện là thượng nghị sĩ chủ tọa các phiên họp của Thượng Viện khi không có mặt PTT, trên nguyên tắc là chủ tịch Thượng Viện]. Ông Grassley năm nay vẫn còn tại chức, không phải bầu lại.

    – Cho dù có kết quả bầu Hạ Viện, thì sao biết trước đảng DC sẽ chiếm đa số? Mà cho dù DC chiếm đa số, sao biết bà Pelosi sẽ được bầu làm chủ tịch?

    – Cho dù kịch bản trên xẩy ra, thì đã chắc gì bà Pelosi sẽ sẵn sàng từ chức dân biểu lâu dài để làm quyền tổng thống trong vài ngày trước khi Hạ Viện bầu tổng thống? Quyền hành của chủ tịch Hạ Viện quá lớn, làm sao bà Pelosi có thể hy sinh để nhận chức tổng thống tạm thời trong vài ngày?

    –  Cho dù Hạ Viện bầu tổng thống và DC chiếm đa số tại Hạ Viện thì đã chắc gì Hạ Viện sẽ bầu cho bà Pelosi hay một ông/bà DC nào khác làm quyền tổng thống? Nên nhớ Hạ Viện sẽ bầu tổng thống nhưng không phải theo số phiếu của tổng số dân biểu, mà theo số phiếu của tiểu bang, mỗi tiểu bang được đúng MỘT phiếu, ai có được 26 phiếu sẽ thắng. Hiện nay, đảng CH đang nắm đa số tại 30 tiểu bang. Nghiã là hy vọng tái đắc cử của TT Trump còn cao hơn nữa nếu Hạ Viện bầu tổng thống. (8)

    Kịch bản trễ nãi qua bầu bằng thư tuy không bảo đảm phe DC sẽ chiếm được Tòa Bạch Ốc, nhưng dù sao cũng cho phe DC một hy vọng bứng TT Trump, nên họ cố bám víu vào thôi.

    Thực tế mà nói, kích bản kinh hoàng nhất không phải vấn đề ai sẽ là người giơ tay tuyên thệ ngày 20 tháng Giêng, 2012, mà là những chuyện gì sẽ xẩy ra từ ngày bầu cử tới ngày đó. Sẽ có những trận đấu đá, xuống đường biểu tình long trời lở đất để tranh cãi giành thắng lợi ngay sau ngày bầu cử. Ta chờ xem.

    ***

    Trước những lộn xộn rối rắm trên, sẽ không phải là chuyện đáng ngạc nhiên khi người có tiếng nói quyết định cuối cùng sẽ là … ông John Roberts, chánh án Tối Cao Pháp Viện.

    Biết bao nhiêu câu hỏi không có câu trả lời! Cuộc bầu tổng thống năm nay sẽ là cuộc bầu bán ly kỳ hấp dẫn nhất lịch sử Mỹ. Mà cũng là bài học tuyệt hảo nhất về tính dân chủ tuyệt đối của thể chế chính trị Mỹ cho cả thế giới học hỏi.

    Dù sao thì bất kể ai đắc cử, như Mỹ nói, ‘life goes on’, sẽ chẳng ai chết, cũng chẳng ai bốc phét dọn nhà đi Congo hết. Trừ phi phe thua không chịu chấp nhận kết quả bầu cử, nhất định chống, biết đâu sẽ xẩy ra nội chiến thật?

      VŨ LINH  

    TÀI LIỆU DẪN CHỨNG

    (1)   https://www.newsweek.com/donald-trump-approval-rating-1529058

    (2)   https://www.realclearpolitics.com/elections/trump-vs-biden-top-battleground-states/

    (3)   https://www.express.co.uk/news/world/1329181/us-election-2020-donald-trump-joe-biden

    (4)   https://en.wikipedia.org/wiki/Bradley_effect

    (5)   https://justthenews.com/politics-policy/elections/long-trump-bipartisan-group-elder-statesmen-flagged-mail-ballot-fraud

    (6)   https://nypost.com/2020/08/29/political-insider-explains-voter-fraud-with-mail-in-ballots/

    (7)   https://justthenews.com/politics-policy/elections/iowa-judges-ruling-hands-trump-campaign-early-win-mail-ballot-battles

    (8)   https://www.foxnews.com/politics/pelosi-president-election-college-janurary-results-judge-andrew-napolitano

    http://diendantraichieu.blogspot.com/

    Không có nhận xét nào