Header Ads

  • Breaking News

    Đức Minh - Ông Thưởng với giấc mơ triết gia MácLê nin

    Từ góc độ lý luận triết học, Hội Triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước”.
    Đức Minh - Ông Thưởng với giấc mơ triết gia MácLê nin
    Đó là ý kiến của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, phát biểu huấn thị tại Đại hội thành lập Hội Triết học Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào sáng 20/9. Ông Thưởng, với tư cách người học triết, đã bày tỏ mong muốn Việt Nam có những triết gia tầm cỡ.

    Lý lịch khoa học tóm tắt cho biết, ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13 tháng 12 năm 1970 tại Hải Dương, nguyên quán ở xã An Phước, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1992, ông Thưởng tốt nghiệp khoa Triết học Mác – Lê nin tại trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, học vị Cử nhân. Năm 1999, ông tốt nghiệp thạc sĩ triết học cũng tại trường trên, với luận văn về đạo đức trong sinh viên học sinh thành phố Hồ Chí Minh.

    Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 18/11/1993.

    Về mặt lý thuyết, ông Thưởng là một quan chức chính trị có chuyên môn hẹp trong lãnh vực triết học Mác – Lê nin, do đó có thể hiểu “mong muốn Việt Nam có những triết gia tầm cỡ” của ông Thưởng là việc những triết gia này tầm cỡ trong “triết học Mác – Lê nin” có thêm phần bổ sung gọi là “Tư tưởng Hồ Chí Minh”.

    Qua mong muốn nói trên của ông Thưởng đã cho thấy một sự thật phũ phàng là ở Việt Nam suốt từ “Gần một thế kỷ qua, kể từ khi triết học Mác – Lê nin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam truyền bá ở Việt Nam” – trích phát biểu của ông Thưởng, thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có được những triết gia tầm cỡ về triết học Mác – Lê nin.

    Ở đây cần làm rõ là Việt Nam cần những triết gia tầm cỡ về triết học Mác – Lê nin để phục vụ chính trị trong ngắn hạn, hay là sự bền vững dài lâu?

    Trên báo Nhân Dân điện tử số phát hành ngày 11/02/2013 (*), có bài viết được đặt tựa là “Trần Đức Thảo – Nhà triết học tài danh yêu nước”. Bài viết này chủ yếu là tường thuật cuộc Hội thảo khoa học “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo” do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Hà Nội.

    Bài báo có đoạn: “Với Chủ nghĩa Mác, Trần Đức Thảo được đánh giá là người đã có công phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng thành chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. C. Marx là người “tạo dựng”. Trong triết học ông đã tạo nên một hệ thống tư duy tổng thể và tiếp thu cái mới, Trần Đức Thảo cũng là một triết gia “tạo dựng” theo nghĩa đó”.

    Ngày 28/04/2018, trên trang web BBC tiếng Việt có bài “Trần Đức Thảo nghĩ gì về đế quốc và 30/04?” (**). BBC đã trích đăng một số nội dung ở cuốn hồi ký “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối”, do nhà báo Tri Vũ Phan Ngọc Khuê biên soạn ghi lại các tâm sự của ông Trần Đức Thảo sau khi ông trở lại Pháp đầu thập niên 1990:

    “Nay chúng ta phải sáng suốt mà phân tích, mà suy nghĩ về hoàn cảnh và các yếu tố chia cắt; chia rẽ này, để thấy rõ chúng ta chỉ là những nạn nhân, đau đớn của những kẻ có trách nhiệm làm lịch sử. Có thể nói họ đã làm hỏng lịch sử. Họ đây chính là lãnh đạo.

    Xét riêng về cái ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, do Lenin tuỳ tiện khai triển tư tưởng Marx, chẳng qua đó cũng chỉ là phương cách để duy trì, để tham lam nắm lại toàn bộ di sản đế quốc do thời Sa hoàng để lại, để lại giam hãm các dân tộc chư hầu của thời Sa hoàng vào trong một gông cùm kiểu mới, với cái tên đẹp hơn: “khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em”.

    Bây giờ thì mọi người đều thấy cái khối Liên Xô ấy, thực chất là một đế quốc đỏ, nó kìm kẹp các dân tộc nhược tiểu quanh nó…

    Chính Liên Xô cũng đã từng đụng độ với một đế quốc đỏ khác là Trung Quốc, chỉ vì quyền lợi quốc gia hẹp hòi, để bảnh trướng đế quốc.

    Và Bắc Kinh cũng đối xử với Tây Tạng, với Triều Tiên, với cả ta, theo tâm thức bành trưởng đế quốc như thế, cũng dưới chiêu bài “khối các nước xã hội chủ nghĩa anh em”, giữa hai “láng giềng hữu hảo, môi hở răng lạnh”!

    Thực tế là đã hơn một lần, Liên Xô và Trung Quốc đụng độ nhau bằng quân sự…”.

    “Tôi còn nhớ rõ hồi đầu thập niên 60, nhân dịp được tham gia phái đoàn sang thăm Bắc Kinh, nên đã được nghe Mao Chủ tịch cam kết “năm trăm triệu dân Hoa Nam sẽ là hậu phương lớn để giúp các đồng chí tới khi chiến thắng”.

    Mọi người mừng rỡ vỗ tay. Riêng tôi khi nghe lời cam kết ấy mà cảm thấy rợn tóc gáy. Bởi tôi không bao giờ quên chỉ vài tháng sau khi chiếm được quyền hành ở Bắc Kinh, Mao đã vội vã xua quân qua chiếm Tây Tạng. Chọn Mao làm đồng chí, làm đồng minh thì tôi lo lắm…”.

    “Tôi đã bị gạt ra bên lề sinh hoạt chính trị ngay từ đầu. Chỉ mới viết hai bài báo đề cập khái quát tới dân chủ thôi, mà đã bị chúng nó xúm vào đấu tố tưởng đã mất mạng. Thế nên mọi suy tư, trải nghiệm là phải giấu kỹ trong đầu.

    Mà những gì tôi làm trong đầu, đều toàn là những nghiên cứu dựa trên thực tại thật là sống động, thật là độc lập về mặt triết học thực nghiệm, để hướng về tương lai.

    Đây là một công trình nghiên cứu rất cơ bản, rất thực tế. Nếu nói về ảnh hưởng thì có lẽ tôi cũng đã đóng góp được phần nào khi gián tiếp chỉ ra cho chung quanh thấy một số sai trái rất nghiêm trọng, cho họ hiểu là nếu, không chịu thay đổi hẳn tư duy, thấy đổi toàn diện chính sách thì cả nước sẽ không thoát ra được tình trạng bế tắc tư tưởng, hỗn loạn xã hội, phải sống túng thiếu, đói khổ triền miên.

    Nhất là từ sau ngày 30 tháng tư 1975. Cái mốc thời gian ấy đã đánh dấu lúc toàn khối xã hội chủ nghĩa, vốn đã rệu rã, đã khánh kiệt, nay đang bắt đầu bước dần tới nguy cơ tan rã”.

    Trong cuốn hồi ký đó, người đọc sẽ nhận ra về lý do xuất thân là một nhà Marxist, nhưng rồi sau đó ông Trần Đức Thảo đã đi đến chỗ bác bỏ chủ thuyết cách mạng không tưởng:

    “Đấy là một mô hình cách mạng không tưởng, không nền tảng duy vật sử quan!… Không tưởng vì cả tin vào sự đam mê cuồng tín, cả tin vào khả năng giải phóng bằng bạo lực của hận thù.

    Cho tới khi bị coi như là một kẻ phản động, bị nghi là “kẻ do địch cài vào hàng ngũ cách mạng” thì từ đó tôi mới nhận ra sự bế tắc ấy là do ý thức, do thái độ cảnh giác, do chính sách thù hận mù quáng của quyền lực chuyên chính.

    Sự chuyên chính ấy đã đóng kín mọi chân trời, đã không ngừng đẩy những con người chân thật, không chấp nhận dối trá, sang phía thù địch. Và từ đó tôi nhận ra đấy là những sai lầm tai hại, bế tắc của chính tôi.

    Nhờ được chứng kiến, được sống sát cánh với những con người đau khổ không có ai, không có gì bảo vệ, như đã thấy trong cuồng phong cải cách ruộng đất…

    Từ đó, tôi bắt đầu nhận thức rằng giá trị một ý thức hệ không thể so sánh với mạng sống của con người, nhất là đối với con người bị oan ức, con người bị trù dập, bị bóc lột, hoàn toàn bất lực, vô phương tự vệ.

    Một ý thức hệ, dù thế nào thì nó chỉ có giá trị của một dụng cụ. Một dụng cụ làm sao nó có thể so sánh với giá trị của một mạng sống? Nhất là một mạng sống trong oan ức, đau khổ? Vì vậy mà tôi thấy là không thể hi sinh con người cho bất cứ một thứ ý thức hệ nào.

    Trước nỗi đau của con người tuyệt vọng vì ý thức hệ, thì chính cái ý thức hệ ấy cũng cần phải được rà xét lại, để cải đổi hoặc để đào thải.

    Nhờ sự tỉnh thức như vậy, mà bây giờ tôi đã tìm thấy được con đường đưa tới gần chân lý.

    Chính những sai lầm cơ bản về tư duy đã đưa tới những hành động gây đau khổ cho con người, đã dẫn tới sự sụp đổ của ý thức hệ, rồi là của khối xã hội chủ nghĩa…”.

    Với một số trích dẫn ở trên được cho là các tâm sự của ông Trần Đức Thảo sau khi ông trở lại Pháp đầu thập niên 1990, và Hội thảo khoa học “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo” do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức tại Hà Nội vào ngày 07/05/2013, cho thấy có lẽ giấc mơ của ông Võ Văn Thưởng về chuyện Việt Nam sẽ có những triết gia tầm cỡ về chủ nghĩa Mác – Lê nin, là điều có thể thành sự thật; và nó sẽ giúp người ta càng hiểu rõ hơn về những hệ lụy của tư tưởng này mà ông Nguyễn Đức Thảo đã chia sẻ trong cuốn hồi ký “Trần Đức Thảo – Những lời trăn trối”.

    __________________

    https://vietnamthoibao.

    Không có nhận xét nào