Tôi đi lòng vòng mấy nước Á Châu nhưng không đâu mà cảm thấy gần gũi như ở Indonesia. Đất nước này nghèo quá. Dân chúng, phần lớn, cũng lam lũ và khốn khó y như dân Việt vậy. Đã vậy, khí hậu (đôi nơi ) cũng dịu dàng như Cao Nguyên Lâm Viên khiến cho tôi (đôi lúc) cứ ngỡ là đã được trở lại quê nhà.
Rảnh, từ Jakarta, tôi mua vé xe hoả đi Bangdung (thủ phủ của đảo Java) vì nghe nói nơi đây trà và cà phê nhiều lắm. Rời khỏi thủ đô chừng 100 KM thì đoàn tầu bắt đầu chầm chậm leo đèo. Cao độ của Bandung hẳn cũng ngang tầm với Bảo Lộc nên vùng đất này trông không khác chi B’lao và Djiring ở xứ mình.
Qua khung cửa kính lòe nhoè (bởi những hạt mưa bụi li ti) tôi nhìn thấy lại những dàn xu xu xanh ngắt, những bụi qùi vàng, rồi những vườn cà phê nở hoa trắng xoá, và những luống trà trên mấy sườn đồi ở xa xa. Dưới lòng thung, cạnh dòng suối con uốn khúc, là nương mì hay ruộng bắp vừa mới trổ cờ. Ngó mà muốn ứa nước mắt!
Tuy là người gốc miền xuôi nhưng tôi rất thân thiết với ngô khoai, và nương rẫy. Tôi biết cách trồng tỉa, cũng như cách chăm sóc, cả mì lẫn bắp là nhờ vào những ngày tháng học tập cải tạo lao động ở Công Trường 75 (Di Linh) và ở trại Tân Rai – Bảo Lộc.
Chúng tôi được dậy tỉa bắp lần đầu, vào năm 1976, và đây là một bài học đắt giá nhớ đời. Mỗi thằng được phát cho một cái thau con đầy hạt, với chỉ tiêu rất thoáng: làm rồi là được về trại nghỉ. Thoạt nghe ai cũng hí hửng vì công việc nhẹ nhàng thấy rõ. Cứ cách chừng nửa thước thì bỏ ba hạt xuống lỗ, rồi lấy chân khỏa đất lại là xong.
Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Mãi cho đến giờ ăn trưa mà thau bắp của mọi người đều chưa vơi phân nửa. Chiều nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, lưng lom khom mãi mỏi nhừ nên thay vì bỏ vài ba hạt – như đã được chỉ dẫn – chúng tôi “chơi” luôn cả nhúm cho nó chóng xong.
Chỉ sau một hai trận mưa đầu mùa là hậu quả thấy liền! Nhiều chỗ trên ruộng bắp mọc chi chít cả mấy chục hạt mầm xanh ngắt. Thế là họp hành, kiểm điểm liên miên. Kết luận: chúng tôi bị qui tội rất nặng nề là ... phá hoại kinh tế nhà nước nhưng hình phạt thì không đến nỗi nào, chỉ dơ cao đánh khẽ thôi: rút tiêu chuẩn lương thực từ 15 ký (9 gạo, 6 khoai) xuống còn 10 (7 gạo, 3 khoai) trong vòng hai tháng.
Thực ra thì đây chỉ là tiêu chuẩn lương thực trên giấy mực, chứ chả cần phạt vạ gì ráo thì thủ trưởng, thủ kho và các anh nuôi của đơn vị bộ đội coi tù cũng đã “rút” bớt phần ăn của chúng tôi ngay từ ngày mới vào trại cơ. Nay, họ có lý do chính đáng để “rút” thêm chút nữa thì cũng ... chịu thôi!
Đã qua gần cả năm tù nên cơ thể chúng tôi cũng quen dần với cái đói rồi. Vả lại, với thời gian khả năng “cải thiện” của chúng tôi cũng đã tăng tiến rất đáng kể và đáng nể (hễ thấy con gì nhúc nhích là ăn liền) nên cách trừng phạt này – xem ra – cũng không không có gì đáng để phải phàn nàn.
Tuy thế, tự thâm tâm chúng tôi đều cảm thấy áy náy và xấu hổ vì đã đánh mất sự tự trọng (trong khoảnh khắc) nên cứ phải hối tiếc mãi về cung cách làm việc vô trách nhiệm của mình. Khi nhìn lại vấn đề, đôi khi, tôi cũng tự biện minh bằng cách đổ thừa cho hoàn cảnh tù đầy khắc nghiệt.
Số lượng thực phẩm dành cho tù nhân ít quá, không đủ để tái tạo sức lao động hằng ngày. Đã thế, yêu cầu của ban chỉ huy trại bao giờ cũng đòi hỏi phải vượt chỉ tiêu nên tù binh buộc phải gian dối để sống còn thôi.
May mà “thời gian là thuốc tiên” nên những kỷ niệm buồn ở trại cải tạo rồi đều nhạt phai dần theo năm tháng. Tôi gần quên được chuyện “tỉa bắp hằng nắm” thì tuần rồi lại tình cờ nhìn thấy hình một cây cột điện mọc lá tre xum xuê (trên trang một trang fb) cùng với nhiều lời mỉa mai hay đàm tiếu. Tôi đọc mà không khỏi trạnh lòng nhớ đến cảnh mấy chục mầm bắp xanh um, mọc trên một nhúm đất chỉ độ nửa gang tay, do chính tay mình gieo trồng mấy mươi năm về trước.
Chuyện trồng cột điện ở đất nước tôi bây giờ cũng không khác thế. Cũng làm lấy rồi nên cứ sau một cơn bão là có hàng ngàn cái gẫy lìa, hoặc bị đổ nhào. Loại cột xi măng cốt tre này vẫn thường được dùng để chống đỡ những cây cầu (chưa khánh thành đã nứt, hay vừa xây xong đã hỏng) ở Việt Nam. Cũng chỉ ở xứ sở này, và nước bạn Trung Hoa láng giềng, mới có chuyện trường học sập sàn (hay sập lan can) khiến vô số học sinh tử nạn.
Ngày trước – nơi những trại tù heo hút – lũ tù binh khốn khổ chúng tôi vì đói ăn rách mặc nên đã làm việc với một tinh thần hoàn toàn tắc trách, và vô cùng đáng trách. Còn bây giờ thì biết giải thích sao về cung cách vô trách nhiệm tương tự của giới công nhân viên hay cán bộ của nhà nước Việt Nam?
Qua một bài báo ngắn (“Một Việt Nam Như Bây Giờ Thì Mất Nước Cũng Đáng”) trên trang Tiếng Dân, tác giả Đoàn Phú Hoà có nhận xét như sau:
“Các sĩ quan cao cấp trong quân đội chỉ chăm chăm lo chuyện làm giàu mà sổ toẹt đến nhiệm vụ được giao phó. Các quan chức nhà nước đang ngày đêm tìm mọi cách kiếm tiền, thật nhiều tiền để bù lại cho những khoản tiền khổng lồ mà họ đã phải bỏ ra để mua được cái vị trí đang ngồi. Không những thế chúng phải có lãi, thật nhiều lãi để tính chuyện chuyển tiền ra nước ngoài, mua bất động sản ở nước ngoài để qua đó sống sau khi đã hạ cánh an toàn.”
Nếu đúng thế thì đất nước Việt Nam hiện nay có khác chi là một nhà tù vỹ đại và mọi công dân đều sống với tâm trạng của một tù nhân? Có tù nhân nào mà “thiết tha” đến chuyện mất còn của cái trại giam?
Tưởng Năng Tiến
Rảnh, từ Jakarta, tôi mua vé xe hoả đi Bangdung (thủ phủ của đảo Java) vì nghe nói nơi đây trà và cà phê nhiều lắm. Rời khỏi thủ đô chừng 100 KM thì đoàn tầu bắt đầu chầm chậm leo đèo. Cao độ của Bandung hẳn cũng ngang tầm với Bảo Lộc nên vùng đất này trông không khác chi B’lao và Djiring ở xứ mình.
Qua khung cửa kính lòe nhoè (bởi những hạt mưa bụi li ti) tôi nhìn thấy lại những dàn xu xu xanh ngắt, những bụi qùi vàng, rồi những vườn cà phê nở hoa trắng xoá, và những luống trà trên mấy sườn đồi ở xa xa. Dưới lòng thung, cạnh dòng suối con uốn khúc, là nương mì hay ruộng bắp vừa mới trổ cờ. Ngó mà muốn ứa nước mắt!
Tuy là người gốc miền xuôi nhưng tôi rất thân thiết với ngô khoai, và nương rẫy. Tôi biết cách trồng tỉa, cũng như cách chăm sóc, cả mì lẫn bắp là nhờ vào những ngày tháng học tập cải tạo lao động ở Công Trường 75 (Di Linh) và ở trại Tân Rai – Bảo Lộc.
Chúng tôi được dậy tỉa bắp lần đầu, vào năm 1976, và đây là một bài học đắt giá nhớ đời. Mỗi thằng được phát cho một cái thau con đầy hạt, với chỉ tiêu rất thoáng: làm rồi là được về trại nghỉ. Thoạt nghe ai cũng hí hửng vì công việc nhẹ nhàng thấy rõ. Cứ cách chừng nửa thước thì bỏ ba hạt xuống lỗ, rồi lấy chân khỏa đất lại là xong.
Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Mãi cho đến giờ ăn trưa mà thau bắp của mọi người đều chưa vơi phân nửa. Chiều nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, lưng lom khom mãi mỏi nhừ nên thay vì bỏ vài ba hạt – như đã được chỉ dẫn – chúng tôi “chơi” luôn cả nhúm cho nó chóng xong.
Chỉ sau một hai trận mưa đầu mùa là hậu quả thấy liền! Nhiều chỗ trên ruộng bắp mọc chi chít cả mấy chục hạt mầm xanh ngắt. Thế là họp hành, kiểm điểm liên miên. Kết luận: chúng tôi bị qui tội rất nặng nề là ... phá hoại kinh tế nhà nước nhưng hình phạt thì không đến nỗi nào, chỉ dơ cao đánh khẽ thôi: rút tiêu chuẩn lương thực từ 15 ký (9 gạo, 6 khoai) xuống còn 10 (7 gạo, 3 khoai) trong vòng hai tháng.
Thực ra thì đây chỉ là tiêu chuẩn lương thực trên giấy mực, chứ chả cần phạt vạ gì ráo thì thủ trưởng, thủ kho và các anh nuôi của đơn vị bộ đội coi tù cũng đã “rút” bớt phần ăn của chúng tôi ngay từ ngày mới vào trại cơ. Nay, họ có lý do chính đáng để “rút” thêm chút nữa thì cũng ... chịu thôi!
Đã qua gần cả năm tù nên cơ thể chúng tôi cũng quen dần với cái đói rồi. Vả lại, với thời gian khả năng “cải thiện” của chúng tôi cũng đã tăng tiến rất đáng kể và đáng nể (hễ thấy con gì nhúc nhích là ăn liền) nên cách trừng phạt này – xem ra – cũng không không có gì đáng để phải phàn nàn.
Tuy thế, tự thâm tâm chúng tôi đều cảm thấy áy náy và xấu hổ vì đã đánh mất sự tự trọng (trong khoảnh khắc) nên cứ phải hối tiếc mãi về cung cách làm việc vô trách nhiệm của mình. Khi nhìn lại vấn đề, đôi khi, tôi cũng tự biện minh bằng cách đổ thừa cho hoàn cảnh tù đầy khắc nghiệt.
Số lượng thực phẩm dành cho tù nhân ít quá, không đủ để tái tạo sức lao động hằng ngày. Đã thế, yêu cầu của ban chỉ huy trại bao giờ cũng đòi hỏi phải vượt chỉ tiêu nên tù binh buộc phải gian dối để sống còn thôi.
May mà “thời gian là thuốc tiên” nên những kỷ niệm buồn ở trại cải tạo rồi đều nhạt phai dần theo năm tháng. Tôi gần quên được chuyện “tỉa bắp hằng nắm” thì tuần rồi lại tình cờ nhìn thấy hình một cây cột điện mọc lá tre xum xuê (trên trang một trang fb) cùng với nhiều lời mỉa mai hay đàm tiếu. Tôi đọc mà không khỏi trạnh lòng nhớ đến cảnh mấy chục mầm bắp xanh um, mọc trên một nhúm đất chỉ độ nửa gang tay, do chính tay mình gieo trồng mấy mươi năm về trước.
Chuyện trồng cột điện ở đất nước tôi bây giờ cũng không khác thế. Cũng làm lấy rồi nên cứ sau một cơn bão là có hàng ngàn cái gẫy lìa, hoặc bị đổ nhào. Loại cột xi măng cốt tre này vẫn thường được dùng để chống đỡ những cây cầu (chưa khánh thành đã nứt, hay vừa xây xong đã hỏng) ở Việt Nam. Cũng chỉ ở xứ sở này, và nước bạn Trung Hoa láng giềng, mới có chuyện trường học sập sàn (hay sập lan can) khiến vô số học sinh tử nạn.
Ngày trước – nơi những trại tù heo hút – lũ tù binh khốn khổ chúng tôi vì đói ăn rách mặc nên đã làm việc với một tinh thần hoàn toàn tắc trách, và vô cùng đáng trách. Còn bây giờ thì biết giải thích sao về cung cách vô trách nhiệm tương tự của giới công nhân viên hay cán bộ của nhà nước Việt Nam?
Qua một bài báo ngắn (“Một Việt Nam Như Bây Giờ Thì Mất Nước Cũng Đáng”) trên trang Tiếng Dân, tác giả Đoàn Phú Hoà có nhận xét như sau:
“Các sĩ quan cao cấp trong quân đội chỉ chăm chăm lo chuyện làm giàu mà sổ toẹt đến nhiệm vụ được giao phó. Các quan chức nhà nước đang ngày đêm tìm mọi cách kiếm tiền, thật nhiều tiền để bù lại cho những khoản tiền khổng lồ mà họ đã phải bỏ ra để mua được cái vị trí đang ngồi. Không những thế chúng phải có lãi, thật nhiều lãi để tính chuyện chuyển tiền ra nước ngoài, mua bất động sản ở nước ngoài để qua đó sống sau khi đã hạ cánh an toàn.”
Nếu đúng thế thì đất nước Việt Nam hiện nay có khác chi là một nhà tù vỹ đại và mọi công dân đều sống với tâm trạng của một tù nhân? Có tù nhân nào mà “thiết tha” đến chuyện mất còn của cái trại giam?
Tưởng Năng Tiến
Không có nhận xét nào