Phiên tòa xử vụ án Đồng Tâm gây chấn động dư luận dự kiến sẽ diễn ra vào 7/9 và được thông báo là một phiên xử công khai. Thế nhưng các Luật sư dự kiến rằng người dân và gia đình các bị cáo sẽ không được tham gia.
Các nhân chứng xuất hiện trong những tình tiết quan trọng, ví dụ như các đặc vụ cầm súng trực tiếp xông vào giường ngủ nhà cụ Lê Đình Kình hoặc các chiến sỹ trực tiếp có mặt trên sân thượng ngay cạnh chiếc giếng trời còn gọi là hố tử thần hay hố kỹ thuật được cho rằng đã thiêu chết 3 cảnh sát cơ động… sẽ không được mời để đối chất trước tòa bất chấp các Luật sư đã có đơn kiến nghị triệu tập. Vì thế các luật sư sẽ rất khó khăn để chứng minh sự thật của vụ án và các tiêu chuẩn đảm bảo cho công lý và lẽ công bằng là cực kỳ thấp.
Hơn nữa, mặc dù tòa án chưa xét xử nhưng chính quyền đã kết luận thay cho Tòa và công nhận 3 người chết là liệt sỹ, thăng cấp bậc hàm vượt cấp và truy tặng huân chương…. Ngoài ra báo chí đã tuyên truyền định hướng kết tội hầu hết các bị can cũng như Bộ công an được độc quyền phát ngôn về tình tiết vụ án, đặc biệt là tuyên chết cụ Lê Đình Kình theo kiểu tay cầm lựu đạn…
Bởi thế nên dư luận và các Luật sư đều hiểu rằng án bỏ túi đã chờ sẵn và phiên tòa dự kiến chỉ là một màn kịch dàn dựng cho đúng thủ tục mà thôi.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài 10 ngày, bắt đầu từ 7/9/2020, xét xử 29 người Đồng Tâm liên quan tới vụ đụng độ với công an rạng sáng ngày 9/1/2020 khiến bốn người thiệt mạng.
Trong số này, 25 người bị cáo buộc giết người. Bốn người còn lại bị cáo buộc chống người thi hành công vụ.
Tòa ‘kín’ hay ‘mở’?
Từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Hòa nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông đang hỗ trợ pháp lý cho bốn người dân Đồng Tâm gồm ông Lê Đình Công, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy, và bà Trần Thị La.
Luật sư Hòa nói rằng về mặt luật pháp, đây là vụ án xét xử công khai. Nghĩa là bất cứ công dân nào quan tâm cũng có quyền tham dự. Nhưng theo ông thì trong phiên tòa tới đây sẽ chỉ những người được triệu tập mới được tham dự, trong đó chưa chắc bao gồm thân nhân các bị cáo.
“Tôi cho rằng các cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị rất công phu về công tác an ninh trật tự cho phiên tòa này. Đặc biệt khu vực xung quanh tòa án Hà Nội chắn chắn sẽ có kiểm soát người qua lại rất chặt chẽ, ai có chức năng mới được đi vào khu vực xét xử,” luật sư Hòa nói với BBC.
Ông Hòa đánh giá rằng do tính chất vụ án này đặc biệt quan trọng và nghiêm trọng nên công tác an ninh thậm chí còn được nâng cao và thắt chặt hơn các vụ khác.
“Với những thực tiễn mà tôi trải qua, tham gia một số phiên tòa có tính chất nhạy cảm, đặc biệt là các vụ án xét xử tội xâm phạm an ninh quốc gia, việc luật sư được tham gia ở các phòng xét xử thường bị hạn chế rất nhiều.
“Ví dụ như không được phép mang điện thoại, máy ghi âm, máy vi tính vào phòng xử. Việc đi vào phòng xét xử phải trải qua kiểm soát an ninh rất chặt, soi chiếu người đi qua và các phương tiện, túi xách, tài liệu mang vào.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội, người bào chữa cho ông Lê Đình Quang, Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến, cũng cho BBC News Tiếng Việt hay rằng sẽ không có người nhà của các bị cáo tham dự phiên tòa ‘mở’ này.
Vợ và con dâu ông Lê Đình Kình – ‘nhân chứng quan trọng’
Để bảo vệ quyền lợi cho các thân chủ, luật sư Lê Văn Hòa nói với BBC News Tiếng Việt rằng ông sẽ kiến nghị Hội đồng xét xử cho mời hai nhân chứng quan trọng của vụ án là bà Dư Thị Thành, vợ ông Lê Đình Kình – người đã thiệt mạng trong vụ xô xát với công an hôm 9/1, và con dâu là Nguyễn Thị Duyên – vợ bị cáo Lê Đình Uy (con trai ông Lê Đình Công và là cháu nội ông Lê Đình Kình).
“Cụ Dư thị Thành là một trong những chứng rất quan trọng cần phải được triệu tập đến tòa để làm rõ tình tiết cơ quan công an có mặt tại nhà cụ trong rạng sáng 9/1/2020.
“Còn chị Nguyễn Thị Duyên là người có đơn tố cao lực lượng chức năng khi đến khám xét nhà đã thu một số tài sản của chị như ô tô. Chị cũng khai báo mất tư trang như dây chuyền và tiền. Chị Duyên đã gửi đơn tới cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội về việc này.
“Ngoài ra, chị Duyên cùng con mới sinh cũng từng bị đưa đi ccùng một số người dân khác đến một địa điểm cơ quan chức năng lấy lời khai, sau đó được thả về, sau khi xảy ra sự kiện rạng sáng ngày 9/1. Do đó đây là hai nhân chứng rất quan trọng của vụ án,” luật sư Hòa nói.
Luật sư Lê Văn Hòa đã gửi đơn kiến nghị Hội đồng xét xử mời đến phiên tòa 22 cá nhân và đại diện các cơ quan liên quan đến vụ án với tư cách nhân chứng. Những người này bao gồm cả Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, Luật sư Trần Vũ Hải người tư vấn Pháp luật cho dân Đồng tâm, đặc biệt các chiến sỹ đã trực tiếp có mặt khi cụ Lê Đình Kình bị giết, những người xông vào nhà Lê Đình Chức, Lê Đình Hợi. Những người liên quan còn bao gồm cả lãnh đạo các cơ quan Cảnh sát cơ động, đại diện bên quân đội … Tóm lại là những người nghe thấy biết được các tình tiết vụ án có thể giúp làm cho sự thật được sáng tỏ tại phiên tòa.
Thế nhưng rất ít hy vọng là tòa sẽ chấp nhận theo đơn kiến nghị của Luật sư. Hầu hết các vụ án, tòa đều thường bác yêu cầu này của Luật sư và tự mời nhân chứng nào mà tòa cho là cần thiết.
Đây sẽ là một khó khăn rất lớn khi Luật sư muốn nêu lên một căn cứ khách quan có lợi cho thân chủ.
‘Chỉ mới được tiếp cận hồ sơ vụ án’
Luật sư Hòa cho hay việc tiếp xúc với các thân chủ và tiếp cận hồ sơ đều gặp khó khăn, phải trải qua nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan liên quan.
Tới khi được cho tiếp xúc với thân chủ, luật sư Hòa cũng chỉ được gặp ông Công, Chức, Huy, còn bị cáo La thì ‘chưa gặp được’, dù đã đề nghị trại giam nhiều lần.
Cuộc gặp đầu tiên với ông Công, Uy và Chức diễn ra hồi tháng Năm. Cuộc gặp mới đây nhất là với ông Chức diễn ra hồi tháng Bảy.
Dù phiên tòa sắp diễn ra, các luật sư cũng mới chỉ được tiếp cận hồ sơ vụ án cách đây khoảng hai mươi ngày.
“Tôi cùng hai ba luật sư nữa đã phải liên tục đến Viện Kiểm sát TP Hà Nội đưa đơn kiến nghị đến lần thứ ba thì họ mới cho tiếp cận, sao chụp hồ sơ,” luật sư Hòa nói.
Ảnh: Gia đình ông Lê Đình Kình nay người chết, người đang ngồi tùLuật sư Ngô Anh Tuấn cũng phản ánh việc bị gây khó khăn từ khi làm thủ tục đăng ký bào chữa, hạn chế trong việc tiếp xúc bị can trong trại tạm giam, đến việc bị gây khó trong việc tiếp cận, sao chụp hồ sơ.
Luật sư Hòa cho biết thêm rằng ông Chức bị thương rất nặng, bị vạt một nửa hộp sọ bên phải, không thể tự đi mà phải có người dìu từ buồng giam ra phòng lấy cung để gặp luật sư. Nhưng lần gặp gần đây nhất sức khỏe ông Chức đã khá lên nhiều, ông đã có thể tự đi.
Ông Lê Đình Công bị cơ quan công an Hà Nội xác định là người cầm đầu vụ án, trong khi ông Lê Đình Chức, Lê Đình Uy bị cáo buộc là cùng Lê Đình Danh đổ xăng giết hại ba công an.
‘Vụ án khó khăn cho tất cả các bên’
Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng đây sẽ là một vụ án khó khăn cho tất cả các bên và ông không đưa ra dự đoán nào cho kết quả của phiên tòa sắp tới.
Trong khi đó, luật sư Lê Văn Hòa nói theo nhìn nhận của cá nhân ông, “đây là một vụ án để lại một nỗi đau cho dân tộc Việt Nam, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai“.
“Đáng lẽ cơ quan chức năng không phải đẩy nó đến một kết cục đáng buồn, với bốn người chết, trong đó một người dân và ba công an, để lại hậu quả rất nặng nề.
“Tôi hi vọng những lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan chức năng nếu có sự cầu thị đặc biệt thì có thể hé mở một kết quả nào đó để góp phần hàn gắn, xoa dịu tình hình. Nhưng tôi không biết điều đó có xảy ra được không,” luật sư Hòa nói.
Các luật sư dự kiến sẽ gặp một số bị cáo ít nhất một lần nữa trước phiên xử ngày 7/9.
Cuộc tấn công hôm 9/1 diễn ra khi vụ việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm vẫn chưa ngã ngũ. Phía Công an cho rằng Cụ Lê Đình Kình là chủ mưu chống đối việc xây dựng tại đất quốc phòng Sân bay Miếu Môn. Do đó lực lượng chức năng được huy động đến để tiêu diệt các phần tử bị cho là ‘phản động’.
Còn người dân trong cuộc thì nói họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh 59 héc ta đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp. Họ mong được cơ quan chức năng đối thoại giải quyết thấu tình, đạt lý trong vụ tranh chấp đất đai này.
Trong cuộc tấn công với hơn 3.000 quân từ lực lượng chức năng, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân trong biệc giữ đất đã bị bắn chết, 3 chiến sĩ công an thiệt mạng, 29 người dân đang bị bắt giam, bị khởi tố và chờ ngày bị đưa ra tòa xét xử.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, người nhận bào chữa cho 5 người ở Đồng Tâm, đây là một vụ án hết sức khó khăn trong việc hành nghề của các luật sư:
“Chỉ có thời gian gần đây nhất, khi có sự phản ánh liên tục của các luật sư về chuyện tiếp xúc với các bị cáo thì vấn đề mới được khắc phục nhưng giai đoạn mới gần đây thôi. Còn những vấn đề khác nói chung rất khó khăn. Ví dụ như chuyện các luật sư có nêu ra yêu cầu bổ sung các thủ tục. Lẽ ra theo quy định thì những yêu cầu của luật sư phải được tòa án giải quyết trước khi mở phiên tòa, thế nhưng những yêu cầu của luật sư cho đến ngày hôm nay, khi có quyết định xét xử rồi thì những vấn đề đó đều chưa được giải quyết. Vì vậy nên thấy rằng trong diễn biến phiên tòa như thế nào nhưng rất có thể sẽ không thuận lợi lắm trong công việc hành nghề của các luật sư.”
Nhận xét về phiên tòa lần này, Luật sư Nguyễn Khả Thành nhận định: “Tôi thấy vụ này khá lớn, đến tận 32 luật sư tham gia và vụ này phức tạp, chúng tôi đang nghiên cứu hồ sơ kỹ để lúc ra tòa trình bày quan điểm của mình. Hy vọng có thể bảo vệ cho bị cáo tại tòa. Bây giờ chuyện kết tội hay truy tố là của cơ quan điều tra, còn với góc độ luật sư thì cố gắng phải tìm hiểu những chứng cứ để đưa ra những cái không hợp lý, cố gắng trình bày cho hội đồng xét xử, còn mình không chủ quan lắm.”
Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn, cơ hội để người thân những bị cáo tham gia phiên tòa lần này là rất thấp:
“Đây là phiên tòa công khai, không phải xử kín nhưng chắc chắn là khá khó khăn cho người thân các bị cáo có thể có mặt tại phiên tòa, có thể có luật sư và cơ quan tố tụng, người tham gia tố tụng, có thể có một số báo chí nhà nước được tham gia. Còn lại người thân của bị cáo gần như chắc chắn không được vào vì họ không có giấy triệu tập. Còn nội dung cụ thể phiên tòa có thể chúng tôi không cập nhật tại đây.”
Truyền thông Nhà Nước Việt Nam khi đưa tin về ngày diễn ra phiên tòa đã dùng những tiêu đề gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Điển hình như Đài truyền hình Việt Nam VTV có bài viết ‘Ngày 7/9, xét xử vụ giết người khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh ở Đồng Tâm’; hay bài ‘Ngày 7/9, xét xử vụ giết người khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh tại xã Đồng Tâm’ của tờ Lao động thủ đô; hoặc bài báo ‘Sắp xét xử vụ án giết người, chống người thi hành công vụ tại Đồng Tâm’ của báo Tuổi Trẻ online…
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định rằng việc đưa tin như báo Nhà nước Việt Nam đang làm sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến vụ xét xử. Ông giải thích:
“Rõ ràng cách đưa thông tin như vậy mang tính chất định hướng và có tác động rất xấu tới vụ án vì giúp công chúng có thiên kiến trước về vụ án rằng vụ án này là xét xử tội phạm. Thực sự ra đó là quan điểm chỉ có cơ quan điều tra và quan điểm của Viện Kiểm sát. Đối với những bị cáo trước khi bản án có hiệu lực pháp luật thì họ vẫn phải được coi là người vô tội. Nhưng mình cũng hiểu rằng trong hoàn cảnh không có báo chí tư nhân, chỉ có báo chí của các cơ quan nhà nước thì họ phải nói theo quan điểm của các cơ quan nhà nước cũng là điều dễ hiểu. Nhưng xét theo tiêu chuẩn báo chí thông thường hiện nay nhiều nước văn minh đã áp dụng thì điều đó là không nên có, nó đi ngược lại nguyên tắc một người chỉ có thể coi là tội phạm khi mà có bản án tuyên họ phạm tội và bản án đó có giá trị hiệu lực.”
Vẫn theo Luật sư Mạnh, phiên tòa lần này dù các luật sư sẽ cố gắng hết mình, nhưng hy vọng giúp được cho 29 người dân Đồng Tâm bị truy tố dường như rất mong manh:
“Những gì các luật sư cần làm và cần nói các luật sư đều sẽ thực hiện theo đúng lương tâm của mình. Kết quả thông thường những vụ án thế này thì hầu như kết quả mình có thể dự đoán trước là không mấy khả quan đối với các thân chủ.”
Không chỉ riêng Luật sư Đặng Đình Mạnh mà cả Luật sư Ngô Anh Tuấn cũng có cùng nhận định:
“Chỉ có mức nặng, mức nhẹ chứ chẳng ai tuyên vô tội, sẽ có tội nhưng mức tội nào thôi.”
Trong cuộc tấn công ngày 9/1, Công an cho biết có 3 chiến sĩ công an thiệt mạng gồm đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô), thượng úy Dương Hoàng Đức Quân (cán bộ Trung đoàn CSCĐ Thủ đô) và đại úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 thành phố Hà Nội).
Ngay sau đó, cả 3 đều được nhà nước công nhận liệt sĩ, nhận bằng Tổ quốc ghi công, truy thăng quân hàm và được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Về phía gia đình cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm bị thiệt mạng trong vụ tấn công, người nhà cụ cho hay đến cuối tháng 7 vừa qua vẫn chưa nhận được giấy chứng tử dù cụ đã mất hơn nửa năm. Nguyên nhân được nói do lý do tử vong không phù hợp và cần chờ ý kiến cấp trên.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
https://thoibao.de/blog/
Không có nhận xét nào