(AP Photo/Dmitri Lovetsky)
Nguồn : tạp chí SPIEGEL
Phương Tôn dịch
Lời giới thiệu: Với lá cờ trắng, đỏ và trắng, Nina Baginskaja 73 tuổi đã trở thành biểu tượng của cuộc đối kháng hiện nay ở Belarus (Nga trắng). Bà đã bị bắt vào thứ Bảy vừa qua trong một cuộc tuần hành phản đối.
Nina Baginskaja, sinh trưởng tại Minsk. Là một nhà địa chất và là người hoạt động chống chính quyền. Lần đầu tiên bà đi biểu tình vào năm 1988, vào thời điểm đó là một cuộc mít tinh tưởng nhớ các nạn nhân của cuộc đàn áp Stalin ở Kuropaty gần Minsk. Sau đó, bà tiếp tục tham dự những cuộc biểu tình chống lại Alexander Lukashenko, nhà độc tài cai trị Belarus. Bà đã bị bỏ tù hai lần nhưng được thả vài ngày sau đó và bị kết án nhiều khoản tiền phạt. Bà có một con trai và một con gái.
Là một phụ nữ không còn trẻ, tâm trong sáng tranh đấu ôn hòa cho tương lai của đất nước và đồng bào của bà. Nina Baginskaja hẵn thế nào cũng gây động não cho phần thế giới còn lại? Cho những người đang ngồi đợi, hy vọng vào một thế lực nước ngoài sẽ giải quyết vấn đề chủ quyền đất nước thay cho mình, cái mà họ gọi là “hồng phúc” của dân tộc!
***
Vào thứ Bảy tuần này, chế độ Lukashenko không ngần ngại trước một phụ nữ 73 tuổi: Trong một cuộc tuần hành phản đối của phụ nữ ở Minsk, lực lượng an ninh đã bắt giữ Nina Baginskaja, một cựu tranh đấu viên của phong trào biểu tình, người trước đó đã nhiều lần tránh thoát các vụ bắt giữ. “Tôi đang đi dạo,” bà ấy vừa rồi đã trả lời các viên chức của lực lượng đặc biệt khét tiếng Omon đang tìm cách chận cản không cho bà tiến bước. Một cảnh phim quay được đã nhanh chóng được chia sẻ nhiều lần trên mạng xã hội.
Baginskaya đã trở thành biểu tượng của các cuộc biểu tình chống lại nhà độc tài cai trị Alexander Lukashenko. Trong một thời gian ngắn sau khi Liên Xô sụp đổ, lá cờ trắng, đỏ và trắng đã trở thành là quốc kỳ của Belarus độc lập. Với lá cờ trong tay, bà Baginskaya đã thường xuyên đi lại trong trung tâm thành phố trong những tuần gần đây.
Chỉ một vài ngày trước khi bị bắt, bà đã có cuộc chuyện trò với Christina Hebel, nữ thông tân viên của tạp chí SPIEGEL.
SPIEGEL: Bà xuống đường mỗi ngày trong sáu tuần. Điều gì đã thúc đẩy bà?
Nina Baginskaja: Lukashenko đã lừa dối chúng tôi qua cuộc bầu cử. Ông ta cướp đi tự do và hạnh phúc của chúng tôi. Thằng hèn này phải cút đi. Ông ta đưa nhân viên an ninh đến, chúng đều là những tên cướp, nhiều người không đeo phù hiệu. Họ đánh đập chúng tôi, lôi các cô gái và phụ nữ lên xe chở tù. Đây là quyền của chúng tôi, chứng minh chống lại các kết quả (bầu cử) giả mạo, chúng tôi làm điều đó một cách ôn hòa.
SPIEGEL: Bà đã cản đường để xe tù không thể chạy đi …
Baginskaja: … Tôi đã biểu tình trước nó để chiếc xe tải không thể rời đi. Xe đầy những phụ nữ trẻ và những cô gái bị bắt giữ do những người được gọi là bảo vệ của chúng tôi. Ít nhất, tôi muốn gửi một dấu hiệu nhỏ chống lại bọn cướp này, tất nhiên một lúc nào đó chúng đã chụp lấy tay tôi và mang tôi đi.
SPIEGEL: Bà cũng từng đá vào ống chân lính của lực lượng đặc biệt Omon, bà không sợ à?
Baginskaya: Tôi đang đi đến trước nhà thờ với lá cờ của mình thì một trong những quan chức cấp chỉ huy của Omon yêu cầu tôi dẹp lá cờ. “Tại sao, với quyền gì,” tôi trả lời, “ở đâu viết rằng tôi không được phép làm điều đó? Đó là niềm tự hào dân tộc của chúng tôi.” Sau đó anh ta giật cờ của tôi và lấy trộm tài sản của tôi. Tôi nên đáp lại điều đó như thế nào, nói lời cảm ơn? Tôi nghĩ đó là phản ứng bình thường của một người bị tấn công.
SPIEGEL: Nhưng bà không sợ à, xin lỗi bà nhé, bà cũng không còn trẻ nữa?
Baginskaja: Không, sợ cái gì? Rằng họ nhốt tôi? Tôi tin chắc rằng họ sẽ không tống một bà già vào tù. Họ không ngu ngốc, họ biết sẽ chỉ có rắc rối nếu một khi tôi chết trong đó.
SPIEGEL: Nhiều người biểu tình gọi bà là nữ anh hùng vì lòng dũng cảm của bà và muốn chụp ảnh chung cùng bà.
Baginskaya: Danh tiếng đến rồi lại đi. Làm sao người ta có thể không chống lại chế độ đang chà đạp lên chúng tôi, ngôn ngữ Belarus và các biểu tượng quốc gia của chúng tôi? Đây là đấtnước của tôi, văn hóa của tôi, tôi biết công lý là gì.
SPIEGEL: Lukashenko chưa sẵn sàng ra đi. Nếu bà có cơ hội nói chuyện với ông ấy, bà sẽ nói gì với ông ta?
Baginskaja: Rằng ông ta là một tổng thống không mang lại hạnh phúc và tự do cho người dân của mình, đã giáng họ thành nô lệ, có thể nói như vậy. Ông ta phải từ chức. Ông ta có tội, ông ta phải chịu trách nhiệm, ngay cả trước tòa án.
SPIEGEL: Tiếp theo là gì?
Baginskaya: Tôi không lùi bước. Tôi sẽ phản đối cho dù có bao nhiêu người sẽ tiếp tục đi chăng nữa. Chúng tôi phải tiếp tục gây áp lực, ngay cả khi Vladimir Putin giúp đỡ cho Lukashenko. Sau Ukraine, Tổng thống Nga cũng không muốn mất Belarus, đối với ông ấy, đây là tiền đồn quan trọng (của Nga) ở châu Âu. Chúng tôi phải tổ chức bãi công trên diện rộng, ở các công ty quốc doanh, ở sân bay, không nộp thuế, nên chống lại như thế. Nếu hàng ngàn người bỏ việc ở nhà, lực lượng an ninh của Lukashenko không có cơ hội (để thắng).
SPIEGEL: Nhưng tất cả cần có thời gian. Bà còn bao nhiêu sức lực?
Baginskaja: Tôi vẫn còn chút sức lực. Tất nhiên, ở tuổi này, tôi không được khỏe một trăm phần trăm, nhưng tôi còn mười hai mươi năm nữa, bố tôi bước sang tuổi 90, mẹ tôi 87, những người thân khác cũng đã bước sang tuổi thọ.
SPIEGEL: Nghe thấy tiếng trẻ con phía sau – chúng có phải là cháu của bà không?
Baginskaja: Con trai tôi ở đây, cháu và chắt. Tất cả đều ủng hộ tôi và thậm chí có khi xuống đường cùng tôi. Hôm nọ, cháu cố của tôi đã có mặt trong một cuộc tuần hành, nó năm tuổi, đã biết các khẩu hiệu, và bây giờ ở nhà nó la lên: “Belarus muôn năm”.
SPIEGEL: Bà đã xuống đường chống lại Lukashenko trong nhiều năm …
Baginskaja:… vâng, khi Belarus giành lại độc lập sau khi Liên Xô sụp đỗ, tôi đã phản đối việc tập trung quyền lực vào tổng thống. Điều này cho phép nhà nước phát triển thành chế độ độc tài. Tôi đứng về phía một nước cộng hòa nghị viện. Thời gian khi đó chúng tôi đã không thành công. Tuổi trẻ của chúng tôi hiện đang chiến đấu vì điều này. Và tôi giúp với họ. Chúng tôi cần đoàn kết và chống lại áp bức.
Vào buổi tối ngày bầu cử, tôi đã tận mắt nhìn thấy những người bị thương trong bệnh viện, những người đàn ông trẻ với vết thương ở đầu gối, họ bị trúng đạn cao su của cảnh sát. Tôi đang ở trong bệnh viện vì an ninh Omon đã xô tôi ngã xuống đất và lấy đi lá cờ của tôi. Tôi không bị gì nhiều, nhưng những người đàn ông làm sao có thể đi lại bình thường với những vết thương này? Họ sẽ bị suốt đời.
SPIEGEL: Bà đã bị phạt tiền vô số lần, bao nhiêu rồi?
Baginskaja: Tôi đã dừng đếm ở mức tương đương 15.000 euro. Tôi không bao giờ có thể trả được số tiền đó, tôi sẽ phải sống một thời gian dài để trả được số tiền đó.
SPIEGEL: Nhà nước đã giữ lại một phần lương hưu của bà trong nhiều năm qua.
Baginskaja: Lúc đầu là 20%, bây giờ là một nửa: 200 rúp Belarus (khoảng 65 euro). Nhưng tôi không cần nhiều, tôi cũng có táo và dâu vườn, được gia đình ủng hộ, tôi không chết đói. Đất nước chúng tôi có nhiều người tốt hơn người xấu, có tinh thần đoàn kết. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau, kể cả tôi. Có ai đó vừa đưa cho tôi một thanh sô cô la đấy.
Phương Tôn dịch
Tháng 9. 2020
Nguồn:
https://www.spiegel.de/politik/ausland/belarus-wie-sich-eine-73-jaehrige-gegen-alexander-lukaschenkos-sonderpolizei-stellt-a-c3f82afa-c7be-45c5-a1e9-2eea7c11bea5#bild-1281faee-cb72-4c09-9e89-65a404a29661
https://khoahocnet.com/2020/09/21/phuong-ton-dich-thang-hen-phai-cut-di/
Không có nhận xét nào