Một trại tập trung ở Tân Cương. (Ảnh: Google Earth, via Taiwan News)
Theo Bitter Winter
Minh Nhật biên dịch
Ngày 6/9/2020 vừa qua, tạp chí nhân quyền Ý Bitter Winter đưa tin, bên cạnh hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ, những thành viên của các phong trào tín ngưỡng như Đông phương Thiểm điện, Nhân chứng Giê-hô-va hay Pháp Luân Công cũng đang bị giam giữ và bức hại trong các trại cải tạo ở Tân Cương. Mục đích của việc này là nhằm chuyển hóa, ép buộc họ từ bỏ tín ngưỡng và sau đó quay lại chuyển hóa những thành viên khác vốn bị giam giữ cùng họ.
Theo một tài liệu mà Bitter Winter thu thập, được chính quyền địa phương ban hành năm 2018, những người theo ba nhóm tín ngưỡng gồm có phong trào Kitô giáo Đông phương Thiểm điện, Nhân chứng Giê-hô-va và phong trào Pháp Luân Công, sẽ bị buộc phải chuyển hóa ở các trại cải tạo tại Tân Cương. Họ sẽ bị giam giữ vô thời hạn cho tới khi họ “bị chuyển hóa” – một thuật ngữ dùng để chỉ 5 điều kiện bắt buộc mà ĐCSTQ đưa ra, bao gồm:
Viết cam kết thề từ bỏ tham gia các hoạt động tín ngưỡng.
Từ bỏ các tài liệu tín ngưỡng.
Chỉ trích công khai tín ngưỡng và hứa sẽ đoạn tuyệt.
Tiết lộ thông tin của những đồng đạo mình biết và công việc của hội nhóm.
Hỗ trợ chính phủ trong việc chuyển hóa những người khác.
Tài liệu này cũng cho biết, những người thuộc các nhóm trên bị đưa tới các trại tập trung tại Tân Cương và bức hại chỉ vì họ tham gia các hoạt động tín ngưỡng, sở hữu tài liệu tín ngưỡng, hoặc từ chối từ bỏ tín ngưỡng sau khi bị bắt.
Một tín hữu Kitô thuộc phong trào Đông phương Thiểm điện đã cung cấp thông tin cho Bitter Winter về tình huống bên trong các trại tập trung này. Theo đó, người này cùng hơn 100 tín hữu Kitô khác bị giam giữ cùng 4.000 tù nhân, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, trong một trại tập trung ở phía Bắc Tân Cương. Ngoài ra, các tù nhân còn bao gồm người dân tộc thiểu số Hồi và Kazakh, cũng như một số cựu quan chức chính phủ bị dán nhãn là “hai mặt” vì đã thể hiện sự đồng cảm với tù nhân trong các trại tập trung, hoặc cố ý giúp đỡ họ.
Nhân chứng cho biết thêm, tại trại tập trung mà anh trải qua, hơn chục người bị giam trong một buồng giam rộng chừng 30 mét vuông, có gắn camera giám sát. Mọi người phải thay nhau ngủ dưới sàn vì không đủ giường tầng. Nhân chứng này vốn bị thương nghiêm trọng do tra tấn trong quá trình thẩm vấn, nên anh không thể leo lên nằm ở tầng trên, và việc sắp xếp chỗ ngủ cho anh càng trở nên ngặt nghèo.
Tất cả các tín hữu Kitô giống anh đều bị phân vào một “lớp học” giống nhau, mỗi ngày phải tham gia 7 buổi học tẩy não, và chịu sự giám sát chặt chẽ của lính canh. Một số người bị đưa ra khỏi buồng giam bằng bao trùm đầu và bị áp giải đi sau giờ học tẩy não. Ban quản lý trại gọi họ là những kẻ ngoan cố lỳ lợm.
Tù nhân còn bị bức hại theo hình thức khác nhau, trong các nhóm khác nhau, tùy vào đánh giá về mức độ họ tin theo tín ngưỡng. Việc này là để tránh cho các tù nhân có lòng tin cao độ không “lây nhiễm” và gây ảnh hưởng đến việc chuyển hóa các tù nhân khác.
“Những trại này được quản lý giống như các nhà tù. Bất cứ ai từ chối hát những bài nhạc đỏ sẽ không được ăn, hoặc tất cả các thành viên trong cùng buồng giam với người đó sẽ bị trừng phạt và bị đưa vào phòng biệt giam”, nhân chứng nói với Bitter Winter.
Theo người này, việc hát nhạc đỏ đặc biệt khó khăn với các tín hữu Kitô thuộc phong trào Nhân chứng Giê-hô-va. Họ là những người tự nhận là mong muốn giữ sự trung lập về chính trị, không hát các bài quốc ca, không chào cờ và không phục vụ quân đội.
Nhân chứng cũng cho biết thêm, quản giáo ở trại thường đe dọa sẽ giam giữ các tín đồ cho tới khi họ ký vào “4 cam kết” gồm có: cam kết ăn năn, cam kết từ bỏ, cam kết bảo đảm và cam kết chỉ trích đối với đức tin của mình. Trước khi được thả, tất cả các tín đồ được yêu cầu phải ký vào một thỏa thuận bảo mật và bị đe dọa sẽ chịu trách nhiệm hình sự nếu hé lộ bất cứ thông tin gì về trại tập trung.
Chính quyền Trung Quốc xem những phong trào tín ngưỡng không nằm trong sự quản lý trực tiếp của nó “là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia” cần phải “được chuyển hóa thông qua cải tạo giáo dục”. Nicholas Bequelin, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Đông Á nhận xét: “Các trại tập trung giam giữ hàng loạt người này là những nơi tẩy não, tra tấn và trừng phạt. Một hành động đơn giản như nhắn tin cho người nhà ở bên ngoài Trung Quốc cũng có thể là nguyên nhân của việc bị giam giữ. Điều đó cho thấy hành động lố bịch, phi lý và độc đoán của chính quyền Trung Quốc đã tới mức độ như thế nào.”
https://www.diendantheky.net/
Không có nhận xét nào