Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Đức Đồng Hùng - Hai quả đấm và một đồng minh

                                                                                    Cảng Malacca

    Chưa phải là đồng minh thực thụ nhưng lâu nay Thái Lan được xem là “đối tác” thân thiết và sáng giá nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á, tuy nhiên những dấu hiệu hiện tại cho thấy mối quan hệ này đang đổi chiều.

    Tuần qua Bắc Kinh đã thực sự bị sốc khi chính phủ Thái quyết định hủy bỏ dự án kênh Kra và trì hoãn hợp đồng mua hai tàu ngầm lớp Yuan trị giá 724 triệu Mỹ kim. Hai diễn biến này, theo giới bình luận, là hai quả đấm khiến Bắc Kinh tối tăm mặt mày.

    Thái Lan là một trong những nước đầu tiên mua tàu ngầm của Trung Quốc và năm 2015 đã ký hợp đồng mua 3 chiếc, với chiếc đầu tiên sẽ bàn giao vào năm 2024. Tuy nhiên đảng đối lập cực lực phản đối hợp đồng này. Dân biểu Yutthapong Jarassathian thuộc đảng đối lập, hiện là Phó chủ tịch tiểu ban đặc trách các sản phẩm lâu bền của Hạ viện – tuyên bố: “Chính phủ phải lựa chọn giữa tàu ngầm và sự sống còn về kinh tế đối với người dân”.

    Tuy nhiên trước sức ép từ công luận trong nước tuần qua (3.9.2020) Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã thông báo đinh hoãn kế hoạch trên.

    Quan trọng hơn là dự án kênh đào Kra (Kra Canal), đường thủy có thể giúp Trung Quốc tránh xa Malacca, eo biển hẹp nằm giữa bán đảo Malay và quần đảo Sumatra, ngăn cách Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

    Đây là tuyến giao thông hàng hải bận rộn nhất thế giới, nơi 25% lượng hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển qua lại mỗi năm và là tuyến đường giao thương huyết mạch giữa Trung Quốc với châu Âu và Trung Đông, nơi mà 80% nhu cầu dầu lửa Trung Quốc phải đi qua. Đó là chưa kể nguồn nguyên liệu nhập và hàng hóa xuất ngày càng tăng khi quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với Phi châu ngày càng sâu rộng.

    Nhưng Malacca lại là tử huyệt trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc bởi lẽ các quốc gia nằm trong ảnh hưởng của Mỹ như Singapore, Indonesia lại khống chế tuyến đường này. Trong khi đó thì nhờ lợi thế địa lý, Ấn Độ có thể dễ dàng đưa tàu chiến chốt chặn ở phần phía tây của eo biển, nếu xung đột Trung – Ấn nổ ra.

    Kra Canal

    Con kênh mơ tưởng này từng được nêu ra vào cuối thế kỷ 17, bị bỏ quên trong ngăn kéo và được hâm nóng từ năm 2014 theo tham vọng “Vành đai và con đường” của Tập Cận Bình.

    Theo đồ án thì con kênh này dài 100 km, nối Vịnh Thái Lan với biển Andaman (Miến Điện) có thể rút ngắn hành trình 1,200km so với eo biển Malacca (2-3 ngày), rút ngắn 2,800 km (4-5 ngày) so với eo biển Sunda, và rút ngắn đến 3,500 km (5-6 ngày) so với eo Lombok.

    Kênh này xem xét lần đầu vào gần cuối thế kỷ 17 (1677), và một lần nữa vào cuối thế kỷ 18 (1793) nhưng đến giữa thế kỷ 19 mới thực sự nhận được sự quan tâm nghiêm túc với sự cạnh tranh của hai nước thực dân đối địch là Anh và Pháp.

    Đầu tiên Anh muốn xây dựng tuyến đường hỏa xa hay kênh đào để thúc đẩy thương mại giữa hai thuộc địa của mình là Ấn Độ và Trung Quốc. Các kỹ sư Anh đã tiến hành khảo sát và kết luận rằng dự án là hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật nhưng chi phí đầu tư vô cùng cao. Anh bỏ cuộc thì Pháp lại thòm thèm. Theo tính toán của Pháp thì với kênh đào này thì Singapore (thuộc Anh) sẽ trở thành… đồ cổ và lúc đó Sài Gòn (của Pháp) sẽ vượt qua, trở thành thương cảng quan trọng nhất Đông Nam Á.

    Chính vì vậy nên Anh cực lực phản đối, gây sức ép buộc Thái Lan cấm cửa Pháp và đã hai lần, vào năm 1897 và 1946, ép Thái ký các thỏa thuận cam kết không cho phép xây dựng một kênh đào nối hai đại dương.

    Gần đây nhất, năm 2000 chính phủ Thaksin Shinawatra đã mở hồ sơ về dự án và xuất tiền nghiên cứu nhưng chỉ sau vài năm thì đổ bể vì những cáo buộc tham nhũng. Đến năm 2005, Thaksin đề nghị xây dựng một đường ống dẫn dầu qua eo đất Kra như một phương án thay thế cho kênh đào nhưng năm 2016thì ông ta bị đảo chính, dự án kết thúc.

    Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, dự án lại được hâm nóng khi chính quyền của Thủ tướng Prayut Chan-ocha tỏ ra thân Trung Quốc, mạnh mẽ ủng hộ dự án ​​Vành đai và Con đường (BRI). Đằng sau ông thủ tướng này là Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Kênh đào Thái Lan (TCASD), tổ chức quy tụ toàn cựu sĩ quan và tướng lãnh cao cấp của quân đội Thái, nhóm này có xu hướng thân Trung Quốc. 

    Nhưng dự án BRI nổi bật nhất của Trung Quốc tại Thái Lan là hệ thống Đường sắt Cao tốc (High Speed Railway: HSR) và dự án này đã trì hoãn nhiều lần do những bất đồng về tài chính, kỹ thuật và vận hành. Trong khi đó thì công luận Thái gay gắt chỉ trích HSR vì bởi chi phí quá cao, thiếu minh bạch và khiến Thái lệ thuộc vào Trung Quốc.

    Từ kinh nghiệm này, Trung Cộng chưa bao giờ chính thức quảng bá dự án Kra như là một phần của BRI mà chỉ đứng trong bóng tối vận động, âm thầm thúc đẩy các công ty Trung Quốc hỗ trợ cho kênh đào. Cũng vì kinh nghiệm HSR, Thủ tướng Prayut cũng tỏ ra thận trọng và ban đầu chỉ giữ thái độ ậm ừ, không ồn ào tán thành mà cũng không phản đối. Tháng 2 năm 2018, phát ngôn viên của ông cho biết dù kênh đào không phải ưu tiên nhưng chính phủ cũng đang xem xét. Cùng lúc đó có tin cho hay Thái Lan và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về kênh đào Kra, nhưng chính quyền hai bên đều không xác nhận. Lúc đó tướng Saiyud Kerdphol – cựu tổng tư tư lệnh quân đội và là chủ tịch TCASD – tuyên bố đã đến lúc cần phải xây công trình thế kỷ này. Tuy nhiên, viên tướng này lại nấp bóng quốc vương, cho rằng quyết định quan trọng này không thể do chính phủ đưa ra, mà phải là quốc vương Maha Vajiralongkorn (Rama X), một người cũng từng được đào luyện trong quân đội và rất muốn để lại một dấu ấn nào đó trong lịch sử.

    Cùng lúc, đại sứ Trung Quốc tại Bangkok là Lyu Jian lại liên tục nhắc lại trong các cuộc gặp cấp cao rằng “Trung Quốc hình dung kênh đào Thái Lan là một phần của sáng kiến hạ tầng toàn cầu Vành đai – con đường trị giá 1,000 tỷ Mỹ kim”.

    Theo giới quan sát thì đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai vận động cho dự án Kra, dự kiến sẽ tiêu tốn 30 tỷ Mỹ kim và có thể mất 10 năm để hoàn thành.

    Và cũng từ đó tranh luận đã nổ ra tại Thái Lan với hai phe bênh – chống.

    Tranh luận về Kra

    Phe ủng hộ chỉ ra các lợi ích kinh tế và chiến lược mà con kênh mang lại cho Thái Lan.

    Thứ nhất là về kinh tế, nó tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn công nhân Thái Lan, kích thích nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái. Còn về lâu dài sẽ tạo ra doanh thu từ lệ phí quá cảnh khi mở ra một tuyến đường nhanh và tiết kiệm hơn giữa Ấn Độ Dương và Biển Đông, cạnh tranh với cho Eo biển Malacca ngày càng quá tải mà còn bị hải tặc quấy rối.

    Thứ hai là về chiến lược. Kênh đào sẽ cho phép hải quân Thái Lan di chuyển tàu nhanh chóng từ bờ biển phía bên này sang bờ bên kia trong tình thế khẩn cấp.

    Nhưng phe chống cho rằng lợi bất cập hại.

    Thứ nhất là dự án bất khả thi về mặt kinh tế: Con kênh không thể tạo ra bước ngoặt lớn về địa lý để Thái Lan trở nên giàu có vì tàu thuyền di chuyển qua Thái Lan không tiết kiệm được đáng kể nhiên liệu và thời gian. Chi phí xây dựng quá lớn, khó mà lấy lại vốn được từ lệ phí quá cảnh, nếu tính giá cao thì các công ty hàng hải sẽ thà mất thêm hai ngày vận chuyển, tính giá thấp thì khó mà thu hồi vốn.

    Kra không có lợi thế cạnh tranh như Suez hay đào Suez và Panama, khi hai kênh đào này giúp tàu thuyền tiết kiệm được hàng tuần đi biển, Kra thì rút ngắn chỉ từ 2 đến 3 ngày.

    Thứ hai là về chiến lược. Thái hiện không phải đối mặt với mối đe dọa nào từ các nước láng giềng trong khi con kênh sẽ chia cắt đất nước thành hai và do đó tiếp thêm động lực cho những thành phần ly khai ở miền Nam. Một khi xung đột vũ trang nổ ra thì Trung Quốc sẽ ủng hộ những ai có lợi cho mình. Nếu miền Nam ly khai kiểm soát kênh đào, chắc chắn Trung Quốc sẽ đứng về phe này.

    Thứ ba, với bàn tay của Trung Cộng, quyền sở hữu và vận hành tuyến đường thủy chắc chắn sẽ bị cuốn vào cuộc đua quyền lực của các nước lớn, đẩy Thái vào cảnh nợ nần và lệ thuộc.

    Theo các chuyên gia, dự án kênh đào Kra do Trung Quốc hậu thuẫn thực chất mang ý nghĩa địa lý chính trị nhiều hơn. Dự án là mảnh ghép quan trọng trong BRI của Trung Quốc.

    Ý đồ địa lý – chính trị

    Là trung tâm của Đông Nam Á, Thái Lan được Trung Quốc xem là điểm mấu chốt trong dự án BRI trị giá 1000 tỷ Mỹ kim của mình

    Một trong những điều mà Trung Quốc quan tâm nhất là an ninh năng lượng: làm sao bảo đảm năng lượng cho nền kinh tế đồ sộ của mình.

    Muốn vậy thì phải bảo đảm nguồn cung ứng nhiên liệu, đặc biệt là dầu lửa, chủ yếu nhập cảng từ Trung Đông. Như thế thì phải có một con đường vận chuyển dầu lửa an toàn từ Trung Đông và điều này đã trở thành chiến lược quốc gia.

    Giải pháp tốt nhất và ít tốn kém nhất là xây dựng một đường ống dẫn dầu trên bộ, xuyên qua lãnh thổ Afghanistan, tuy nhiên xứ này còn nằm trong ảnh hưởng của Mỹ và người hồi giáo hiện cũng căm thù Trung Quốc, qua chính sách thanh tẩy đại Hồi tại Tân Cương.

    Cách duy nhất là có thể vận chuyển dầu bằng tàu thủy, băng qua Ấn Độ Dương, qua eo biển Mallaca và băng qua Biển Đông trước khi cập vào các hải cảng. Sau đó, từ đây dầu lửa được đưa về các vùng nội địa xa xôi, trong đó có Vân Nam.

    Tuy nhiên nếu xung đột Trung – Mỹ xảy ra, con đường hàng hải này không thể được xem là an toàn. Trên biển Hải quân Trung Quốc không thể nào sánh nổi với Hải quân Mỹ. Chưa kể khi băng qua Mallaca rồi vào Biển Đông, Trung Quốc còn phải đối phó với Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, là những nước có tranh chấp trên biển với mình. Các tàu dầu chạy chậm rì này là mục tiêu dễ tấn công, mà nếu bất cứ tàu dầu nào cũng phải cử hải quân đi kèm để bảo vệ thì tốn kém vô kể.

    Giải pháp còn lại là phải rút ngắn đường trên biển được chừng nào hay chừng đó, qua chặng hải hành bất an nói trên. Do đó con đường phụ để vận chuyển dầu lửa Trung Đông dọc theo sông Mê Kông lên vùng Vân Nam là một chọn lựa hàng đầu. Nếu hoàn tất thì tuyến đường sắt dọc theo sông Mê Kông sau thì dầu lửa sẽ được đưa vào vùng sâu của Trung Quốc một cách an toàn lại giảm đi nhiều chi phí.

    Với ý đồ tạo ra một tuyến đường thủy chiến lược, Trung Cộng đã bất chấp sự phản đối của dân địa phương và các nhà sinh thái, muốn phá đi các ghềnh thác, nạo vét lòng sông cho sâu hơn để cho các tàu chở hàng khổng lồ có thể đi qua, thậm chí cả các chiến hạm.

    Nhưng làm như vậy lại động chạm đến Thái Lan và do đó làm khó cho Kra.

    Gió đã đổi chiều

    Nếu phe bênh vực dự án Kra nấp bóng Quốc vương Rama X như nhà lãnh đạo tối cao và “phi chính trị” thì hiện tại hình ảnh quốc vương này đã không còn tuyệt đối thiêng liêng nữa. Thời gian gần đây, bất chấp đại dịch Covid-19, nhiều người đã xuống đường biểu tình đòi xét lại nền quân chủ.

    Nếu ông vua này dại dội đi ngược lại lòng dân, ông ta có thể mất cả ngai vàng. Trong khi đó thì công luận Thái càng ngày càng cảnh giác trước những hành vi ngang ngược của Trung Cộng.

    Gần đây, ngày 14.7.2020 ông Michael George DeSombre – Đại sứ Mỹ tại Bangkok, đã viết trên tờ Khaosod English tố giác âm mưu của Trung Cộng. Trong bài viết khá dài mang tên “Beijing Ambition in South China Sea Shows Its Disregard for Int’l Laws” (Tham vọng của Bắc Kinh tại Biển Đông cho thấy nước này không đếm xỉa gì đến luật pháp quốc tế) ông DeSombre nêu chi tiết về các sự kiện gần đây trên Biển Đông, bao gồm cả việc Trung Cộng đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ông viết: “Những hành động này nằm trong cùng một mô thức. Trung Cộng đi tới đâu sẽ phá vỡ lề luật tới đó, tự tạo ra các sự thật và nuốt chửng những lời hứa của chính mình”.

    Liên quan trực tiếp đến Thái Lan, Đại sứ DeSombre cho rằng Trung Cộng đang biến Mekong thành Biển Đông thứ hai. Ông nêu ra việc Trung Cộng xây đập trên thượng lưu Mekong đã khiến mực nước tại nhiều con sông ở Thái Lan hạ thấp xuống mức kỷ lục. Ông nhắc lại việc Trung Cộng bất chấp sự phản đối của Thái Lan để thản nhiên nổ mìn khơi dòng và tiếp tục gây tác động tới dòng sông trên lãnh thổ của mình và làm đủ cách để phá hoại Ủy hội sông Mekong nhằm thủ lợi cho mình, bất chấp hậu quả gây ra cho các nước hạ nguồn.Ông viết: “Thái Lan không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng là nước hưởng lợi lớn từ tự do hàng hải. Giá trị thương mại hàng hóa của Thái Lan thường xuyên vượt quá 80% GDP và phần lớn trong số đó đều đi qua Biển Đông”.

    Dĩ nhiên là thành phần trung lưu và giới trí thức không đui mù đến độ không nhận ra những điều trên và không khí phản đối này khiến chính phủ hiện hành tại Thái xét lại, quyết định bỏ cuôc chơi với Bắc Kinh.

    Tuần qua, chính phủ Thái Lan tuyên bố xem xét phương án khác thay vì đào kênh: xây đường bộ nối Biển Đông và Ấn Độ Dương, mở ra hướng vận chuyển hàng hóa mới thay vì các tàu chở hàng phải đi qua eo biển Malacca, theo đó Thái Lan sẽ xây hai cảng biển nước sâu ở cả hai phía của khu vực bờ biển phía Nam nước này. Hai cảng biển trên sẽ được nối bằng các xa lộ và tuyền đường hỏa xa!

    Bắc Kinh đã bị sốc trước quyết định của Thái tuy nhiên việc này chẳng có gì khó hiểu, nó là hậu quả “nhỡn tiền” từ hành vi phá hoại sông Mekong và trừ phi toàn bộ đất nước Thái Lan bị đui, bị điếc và mù chữ, họ mới không biết những gì đã và đang xảy ra tại Sri Lanka, nước phải nhường nguyên một hải cảng vì không có tiền trả nợ, do dính quá sâu vào BRI.

    Nói tóm lại, theo học thuyết về địa lý – chính trị thì nếu muốn khống chế được một quốc gia, trước hết phải khống chế được vị trí địa chính trị xung quanh quốc gia đó. Qua những diễn biến nêu trên, chúng ta có thể thấy rằng bàn tay lông lá mà Trung Quốc thò ra để thao túng tại Thái Lan đang bị bôi mỡ, không thể nắm chặt. Việc gần như không còn đồng minh nào ở Biển Đông được xem là một thất bại địa chính trị khác đối với Trung Quốc”.

    Sydney 9/2020

    https://vietluan.com.au/

    Không có nhận xét nào