Header Ads

  • Breaking News

    PHẢI CHĂNG NƯỚC MỸ ĐANG BỊ CHIA RẼ VÀ SẼ CÓ NỘI CHIẾN?

    Từ lúc trưởng thành cho đến nay, lần đầu tiên tôi chứng kiến cuộc khủng hoảng về hiến pháp trầm trọng tại Hoa Kỳ. Tình huống sẽ xảy ra đơn giản, đủ để châm ngòi cho bạo động trên đường phố. Hãy tưởng tượng hoặc ông Joe Biden hay ông Donald Trump thắng cử năm 2020 trong một cuộc đầu phiếu khít khao. Sẽ có cuộc tranh cãi cho rằng cử tri bị đàn áp, hay hình thức bỏ phiếu bằng thư là không đúng, bị gian lận. Thế là tranh chấp bùng nổ.
    Người của mỗi đảng từ chối không chịu thua, và họ tuyên bố cuộc bầu cử không chính đáng. Chính Tổng Thống Trump đã từng tuyên bố có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử.

    Khi đó, chuyện gì sẽ xảy ra? Theo như dự đoán của tổ chức Transition Integrity Project - Dự Án Chuyển Giao Quyền Hành Chính Đáng- sẽ có một số tình huống nguy hiểm xảy ra, trừ phi ông Joe Biden thắng cử với đa số rất lớn, ở mức long trời lở đất (landslide) nếu không, sẽ xảy ra khủng hoảng chính trị và bạo động trên đường phố.

    Nhưng câu hỏi đặt ra là cuộc khủng chính trị đó sẽ như thế nào? Liệu rằng cuộc khủng hoảng có dữ dội đến mức gây ra sự chia rẽ, phân cực trong quan điểm chính trị của người Mỹ và đưa đến “sự chống cự tập thể.” đối với quyền hạn của nhà chức trách liên bang, làm chia rẽ đất nước?

    Vài năm trước đây, tôi theo dõi với sự lo ngại về thái độ thù nghịch giữa hai đảng chính trị ngày càng trở nên khốc liệt ở Hoa Kỳ. Do một số yếu tố liên quan đến xã hội, văn hóa, và tôn giáo biến đổi. Những yếu tố đó kết tụ lại thành một không khí chính trị hết sức độc hại. Nước Mỹ đang bị xâu xé, cực kỳ chia rẽ. Hiện tượng xâu xé đó xảy ra trên bình diện địa dư, ý thức hệ, và cả tâm linh.

    Trong cuốn sách xuất bản năm 2009, phân tích hiện tượng chia rẽ trên, ông Bill Bishop đã khéo léo nhận ra rằng do việc góp nhặt, qui tụ của những cộng đồng dân chúng “có cùng một đầu óc suy nghĩ giống nhau” nhiều người Mỹ thấy quanh họ có nhiều người có cùng suy nghĩ giống như họ. Tác giả Cass Sunstein nhận thấy khi nhiều người có cùng một quan điểm ngồi lại với nhau, họ thường làm nảy sinh ra những ý tưởng cực đoan.

    Định luật về sự phân cực tụ tập thành từng nhóm cho thấy những người có cùng tư tưởng thường trình bầy ý tưởng của họ với sự cuồng nhiệt, đam mê, và tạo ra những niềm tin, và sự đồng ý cực đoan. Những người có cùng quan điểm với nhau về Tu Chính Án thứ Hai (là quyền mang súng) ngồi lại với nhau để cùng bầy tỏ thái độ chống lại những kẻ muốn kiểm soát súng. Những người có tinh thần bảo vệ môi trường khi ngồi lại với nhau bầy tỏ thái độ lo âu về sự thay đổi của khí hậu. Sự phân chia theo địa dư lại làm tăng thêm sự chia rẽ về ý thức hệ.

    Nước Mỹ thường có những nhóm dân chúng có cùng quan điểm, lập trường giống nhau tụ lại vào một vùng. Nhóm Da Trắng theo đạo Cơ Đốc tự hào rằng họ đã cung cấp 81% phiếu bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Trong lúc đó, nhóm Manhattan dành cho bà Hillary Clinton 87% phiếu bầu. Bà Clinton thắng tới 91% cử tri ở Hoa Thịnh Đốn, và 84% cử tri ở San Francisco.

    Gần 80% dân Mỹ sống trong những khu vực chịu ảnh hưởng của một đảng. Tính trong số 36 tiểu bang, có tới 15 tiểu bang theo Dân Chủ và 21 theo Cộng Hòa. Ở những tiểu bang đó, xảy ra hiện tượng “trifecta”, tức là đảng ưu thế nắm một lúc cả ba ngành công quyền quan trọng. Đảng đó kiểm soát được cả thượng viện, hạ viện tiểu bang và thống đốc tiểu bang. Tiểu bang Minnesota là tiểu bang duy nhất ở Hoa Kỳ có sự phân chia đồng đều trong quốc hội tiểu bang.

    Hơn thế nữa, sự phân chia tiểu bang màu đỏ (Cộng Hòa) và tiểu bang màu Xanh (Dân Chủ) lại không được chia đều theo địa dư. Vùng bờ biển phía Tây, và vùng New England là thành trì của đảng Dân Chủ, mầu xanh. Khu vực miền Nam và một phần lớn vùng Trung Tây lại là trái tim của đảng Cộng Hòa, mầu đỏ.

    Bây giờ chúng ta cần tính thêm yếu tố mới: LÒNG THÙ HẬN. Quả thực là hai đảng chính trị lớn ở Mỹ không ưa nhau, phải nói là rất ghét nhau mới đúng. Họ sống cách biệt nhau, Gặp nhau là gầm gừ, dè bỉu, bài xích nhau. Hậu quả là bầu không khí chính trị đối nghịch ngày càng tăng cao, chứa đầy sợ hãi và phẫn nộ. Hai đảng thường xuyên chỉ trích, chống đối nhau về sự dị biệt chính sách.

    Những điều tôi kể ra ở trên đây không có gì là mới cả. Các nhà bình luận chính trị từ bấy lâu nay vẫn gọi sự rối lọan, bất tương nhượng trong sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ là một hình thức “Một Cuộc Nội Chiến Lạnh” ( a cold civil war). Và dự đoán rằng rồi đây sẽ có một phe thắng, chế ngự được phe đối lập, để cai trị một đất nước thống nhất.

    Điều này có thể xảy ra, nhưng không chắc chắn. Khi cả một vùng rộng lớn có chung một một suy nghĩ về văn hóa, về lòng tin liên quan đến những giá trị cơ bản, và họ bị tấn công, và mất lòng tin vào thể chế dân chủ giúp bảo vệ quyền lợi của họ, sự đoàn kết chưa chắc sẽ xảy ra. Hãy hỏi những người đi khai phá thuộc địa- colonists - thời năm 1776 làm thế nào để bảo vệ tự do cá nhân (Vì thế họ mới phải thêm 10 tu chính án, lập thành Bill of Rights). Hay hãy hỏi những người thuộc phe Confederate ở miền nam muốn duy trì chế độ Nô lệ thời năm 1860’s.

    Trong khoảng 10 năm gần đây, tôi từng nghe trong một đảng người ta lớn tiếng nói rằng họ rất vui khi thấy có thể loại bỏ, hay tách rời tiểu bang California đi nơi khác. Tôi cũng nghe nói, hay đọc được vài bài viết về một cuộc nội chiến có thể xảy ra. Nhiều nhóm thuộc phe cực hữu đã đứng ra thành lập lực lượng nổi dậy để phòng khi xung đột chín mùi, đánh nhau trên đường phố. Nếu bạn quan sát kỹ, sẽ thấy khói cháy đang bốc lên cao từ nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, từ bờ phía đông sang bờ phía tây. Bạn thấy có sự đối đầu, nghênh chiến giữa phe cực hữu và phe cực tả trên đường phố, họ chuẩn bị đánh nhau. Trong không khí hình như đang có tiếng kêu lách cách như pháo nổ do tình trạng căng thẳng giữa hai phe.

    Đề nghị của tôi đưa ra rất đơn giản: Trong bầu không khí có sự phân cực, chia rẽ cực kỳ nghiêm trọng, cả về tư tưởng lẫn địa dư, chúng ta không thể ngồi yên mà duy trì được sự đoàn kết, sự thống nhất của đất nước. Chúng ta bắt buộc phải quan ngại, lo lắng đến tình trạng chung của đất nước.

    Ngày xưa, trong tài liệu “Federalist Số 10” (chủ trương một quốc gia liên bang đoàn kết, sống trong hòa bình, tương nhượng), tác giả James Madison đã cố gắng trình bày tình trạng có bạo động nhỏ xảy ra (violence of faction). Đất nước, hay chính phủ liên bang sẽ phải đối phó vối thành phần bạo động đó như thế nào? Ông đề nghị giải quyết xung đột đó không phải qua cách đàn áp, đồng hóa với nhóm bạo động, nhưng bằng cách bỏ phiếu và theo đa số. Nói khác đi là cứ để mọi thành phần có cơ hội phát triển, nhiều bông hoa chính trị cùng nở rộ một lúc. Ông James Madison cho rằng sự đa dạng của nhiều nhóm khác nhau sẽ ngăn chặn không cho một nhóm nào có cơ hội chế ngự nhóm khác. Ông viết rõ: “số đảng phái gia tăng với nhiều sắc thái khác nhau cùng sống tương thuận trong một nước giúp gia tăng sự an ninh và ổn định.”.

    Tại sao chúng ta bây giờ lại lo âu rằng cuộc bầu cử lần này sẽ đưa đến những căng thẳng dữ dội hơn cả cuộc bầu cử hồi năm 2000’s giữa ông George W. Bush và ông Al Gore? Một phần bởi vì các phe tranh chấp không tin rằng nếu họ thua họ sẽ được phe địch để yên cho sống trong yên lành trên đất nước họ yêu thương. Họ sợ sẽ bị đàn áp thẳng tay, bị khống chế. Họ không tin có sự tương nhượng, cho họ sống trong hòa bình.

    Tôi bắt đầu viết về tình trạng chia rẽ, phân cực về chính trị ở nước Mỹ từ trước cuộc bầu cử của ông Trump. Cách đây hai năm, tôi viết một cuốn sách miêu tả những khó khăn chúng ta sẽ gặp phải. Tôi cũng phác họa vì sao chúng ta chia rẽ, và làm cách nào để hàn gắn sự chia rẽ này. Toa thuốc để chữa căn bệnh này không dễ dàng. Chúng ta phải viết lại kịch bản cho hợp với hoàn cảnh hiện nay, cùng với những thứ tự ưu tiên về những việc cần phải làm để phù hợp với hoàn cảnh ngày nay.

    Trước hết chúng ta phải làm hồi sinh Những Quyền Tự Do Căn Bản Của Con Người- Bill of Rights. Tội lỗi căn bản nhất của nước Mỹ là chúng ta từ chối quyền hiến định dành cho những công dân yếu đuối, dễ bị đàn áp nhất, những công dân không có quyền đi bầu. Mặc dù đã có khá nhiều tiến bộ trong việc bênh vực quyền của người dân, nhưng nhiều học thuyết đặt ra để ngăn chặn qui chế đi bầu của một số thành phần dân chúng. Những việc đó khiến người dân xa lìa với việc làm của chính quyền, của nhà nước, và công chúng mất lòng tin vào chính quyền.

    Việc thứ hai là phải giảm bớt quyền hành của tổng thống. Nguyên do chính khiến cho hoạt động chính trị trong tổng thống chế trở nên độc hại là vì càng ngày quyền hạn của Quốc hội và tiểu bang càng bị suy giảm. Cứ bốn năm một lần là chúng ta lại bầu ra một nhà cai trị quyền bính lớn nhất trong thời bình. Quyền hạn của tổng thống trở nên lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Không một ai có quyền bính lớn như quyền hành của tổng thống trong một đất nước ngày càng đa dạng và chia rẽ.

    Quyền hành trao vào tay tổng thống trong mỗi lần bầu cử ngày càng tăng, khiến cho đảng chính trị nào thắng, quyền hành của đảng đó ngày càng lớn, và công chúng lo ngại thêm. Người dân Mỹ không nên để cho quyền tự do cá nhân, hay tính chất độc lập của tôn giáo, của cộng đồng bị lệ thuộc quá nhiều vào cá nhân vị Tổng Thống.

    Nhưng ngoài những thay đổi về chính trị như gia tăng quyền hành của địa phương, bớt tập trung quyền hành ở trung ương, người Mỹ còn phải thay đổi trong tâm tư của họ nữa. Muốn bảo vệ Bill of Rights- hay quyền tự do cơ bản của con người còn đòi hỏi sự dấn thân, cam kết, và tấm lòng vị tha của người dân. Họ phải nghĩ đến quyền lợi của tha nhân, của người khác, vượt khỏi ranh giới đảng phái. Bảo vệ Bill of Rights còn có nghĩa là bạn phải tranh đấu cho quyền lợi của người khác để họ có quyền hành xử những quyền hạn của họ giống như những gì bạn đang có. Mục tiêu rất đơn giản, nhưng không dễ làm được. Mọi công dân Mỹ cần phải có được một căn nhà trên đất nước này, bất kể người dân đó thuộc sắc tộc, giống dân, giới tính, hay trình độ giáo dục của họ là gì.

    Những nhà lập quốc ngày xưa đã làm một số sai lầm sâu xa. Nhưng ước vọng của họ ngày trước cũng giống như ước vọng ngày nay của chúng ta. Trong vở ca nhạc kịch Hamilton nhân vật nữ Lin-Manuel Miranda nhắc đến câu thơ trích trong Kinh Thánh mà Tổng thống Washington thường hay nói- ông nhắc đi nhắc lại đến 50 lần trong những thư từ cá nhân của ông. Câu thơ này trích trong cuốn sách Book of Micah . Đó là cuộc sống an bình và tự trị mà Tổng thống Washington thường hay nhắc đến. Ví dụ phải cho phép người Mỹ gốc Do Thái được sống an lành đúng như lời hứa của người Mỹ. Lời hứa này vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay. Nguyên văn câu thơ đó là “Mọi người đều có thể được sống yên lành, an toàn dưới bóng dàn nho, cây sung của riêng họ, và họ không phải sợ hãi bất cứ điều gì.”.

    Ghi chú: Tác giả bài tiểu luận này là David French. Ông vừa xuất bản cuốn sách mới, nghiên cứu về tình hình chính trị nước Mỹ, tựa đề: “Divided We Fall: America ’s Secession Threat and How to Restore our Nation”- Chia Rẽ là Chết: Nguy Cơ Nước Mỹ bị Ly Khai. Làm sao để phục hồi đất nước chúng ta.

    https://www.facebook.

    Không có nhận xét nào