Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án Đồng tâm hôm 7-9
Nhà báo Mạnh Kim công bố trên Facebook nội dung một văn bản chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, đề tựa “Trích công tác báo chí tuần 34, Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, từ ngày 25/8/2020 đến ngày 1/9/2020”.
Nhà báo Mạnh Kim cho biết nguồn tin nội chính này không cho phép ông chụp đưa lên bản gốc vì mỗi văn bản chỉ đạo gửi đến các báo đều được “đánh dấu” bằng một cách nào đó để an ninh có thể dò ra và biết chính xác văn bản rò rỉ từ nguồn nào.
Đọc văn bản chỉ đạo này, một lần nữa, có thể thấy vụ việc xảy ra dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình là một kế hoạch bài bản dường như được sự chuẩn thuận của những nhân vật chóp bu, nếu không nói là những nhân vật cao nhất.
Văn bản “chỉ đạo” có 9 trang, “hướng dẫn” chi tiết những đề tài cụ thể và nội dung mà báo chí cần thực hiện, từ các “hoạt động đối ngoại”, “dịch bệnh Covid”, “vấn đề biển Đông, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc”, đến “vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền”. Văn bản chỉ đạo cụ thể và cặn kẽ như thể là tài liệu hướng dẫn học sinh phổ thông nên làm gì và không được làm gì.
Ở mục 1.8 (trang 3), văn bản ghi (trích nguyên văn):
Dự kiến ngày 7/9/2020, Tòa án Thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 29 bị cáo trong vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Khi thông tin, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm một số nội dung:
– Khẳng định đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng bất chấp đối thoại, hòa giải, yêu cầu cơ quan chức năng buộc phải xử lý thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho quần chúng nhân dân.
– Phản ảnh quá trình chuẩn bị lực lượng, phương tiện để vi phạm pháp luật của các đối tượng chống đối tại Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội; thể hiện các đối tượng “tấn công trước” bằng vũ khí nóng, vũ khí tự chế vào lực lượng chức năng khi đang triển khai phương án bảo vệ mục tiêu, người dân và lực lượng quân đội xây dựng tường rào.
** Chữ “tấn công trước” trong văn bản được để trong ngoặc kép nhằm nhấn mạnh – theo giải thích của nhà báo Mạnh Kim.
– Phê phán đối tượng Lê Đình Kình, nhất là sự tha hóa của Lê Đình Kình (từ cán bộ, đảng viên bị suy thoái; động cơ cá nhân dẫn đến hoạt động tập hợp lực lượng, chống chính quyền…).
– Khẳng định việc trấn áp các đối tượng vi phạm pháp luật đang tấn công lực lượng Công an tại thời điểm đó là biện pháp cấp thiết nhằm ngăn chặn hành vi manh động, quá khích của các đối tượng để bảo vệ người dân; việc sử dụng vũ khí được thực hiện theo đúng qui định;
– Phản ánh sự đồng thuận của dư luận xã hội về giải quyết vụ việc, tình hình an ninh trật tự, an ninh chính trị tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức trước và sau khi xảy ra vụ việc.
– Sự ủng hộ của người dân, các giai tầng xã hội về bản án; việc xét xử đúng người đúng tội, hình phạt phù hợp và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, sự công tâm có tình có lý của Hội đồng xét xử.
– Không đưa tin, tường thuật chi tiết về diễn biến phiên tòa, nhất là bào chữa có nội dung cực đoan; đưa đậm tin về lời nhận tội, sự ăn năn hối cải xin hưởng khoan hồng của pháp luật cũng như chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước với đối tượng thành khẩn, ăn năn hối lỗi qua kết quả phiên tòa; không đưa tin, bài viết suy diễn, kết luận chủ quan tạo luồng dư luận phức tạp về phiên tòa và bản chất vụ việc; kiểm soát chặt chẽ các bình luận (comment) trong tất cả các tin bài về phiên tòa.
– Thời điểm khi bắt đầu quá trình xét xử, các báo đưa tin với liều lượng vừa phải; căn cứ tình hình thực tế, diễn biến phiên tòa, các cơ quan chức năng sẽ có chỉ đạo kịp thời.
– Đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng vụ việc để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước.
– Hết nội dung văn bản chỉ đạo –
Có thể thấy rằng, các báo được gọi tên là chính thống và các nhà báo đã bị ép buộc phải viết theo văn chỉ đạo của Tuyên giáo, với định hướng tô hồng sự đúng đắn của Cơ quan chức năng, gọi chung là phe đảng và tô đen tất cả mọi thứ phía dân Đồng Tâm và những ai bênh vực cho họ từ Luật sư đến nhà báo và các nhân sỹ trí thức.
Chính tuyên giáo đảng đã khuấy động cho thật giả lẫn lộn và công lý bị đảo điên, cái mà họ cần chỉ là một chân lý duy nhất rằng chính quyền đúng mà người dân sai và bắt buộc toàn dân phải nuốt vào bụng liều thuốc độc ấy.
Đầu tiên có thể thấy là các báo đều chỉ sử dụng các ngôn từ xung quanh phát ngôn của Bộ công an ngay sau khi sự việc xảy ra từ ngày 9-1-2020.
Từ việc lý giải căn cứ hợp lý và hợp pháp của cuộc hành quân giữa đêm tối của 3.000 lính đặc nhiệm là để làm gì và diễn biến ra sao, các báo đều nhất nhất tuân phục khuôn khổ của Tuyên giáo và đưa tin theo kiểu copy bài văn mẫu của TTXVN hay của báo Nhân dân đưa ra.
Về nguyên nhân xảy ra 4 cái chết trong cuộc tấn công giữa đêm tối, họ đều tô hồng những chiến sỹ và bôi xấu dân Đồng tâm, nhất là đối với người đảng viên già Lê Đình Kình.
Ngay như câu nói của Thiếu tướng Tô Ân Xô rằng ông Lê Đình Kình là cường hào địa chủ mới cũng được các báo đồng loạt trích dẫn và tô vẽ thêm.
Những sự thật mới được tiết lộ từ lời khai của ông Bùi Viết Hiểu về khẩu súng nòng giảm thanh bắn thẳng vào ông Lê Đình Kình ở cự ly gần và sự thật rằng ông Kình không hề cầm lựu đạn được chia sẻ khắp nơi trên Facebook, nhưng các báo tuyệt nhiên không nhắc tới.
Lời bào chữa đanh thép của Luật sư Lê Văn Hòa đã nêu ra toàn bộ sự thật về cái chết của ông như sau:
“Kết luận điều tra và Cáo trạng cho rằng do ông Lê Đình Kình chống trả nên lực lượng cảnh sát cơ động đã chủ động bắn chết ông. Việc kết luận như vậy chưa làm rõ các hành vi, chưa chứng minh được hành vi có tính nguy hiểm đến mức phải tiêu diệt. Đặc biệt, theo lời khai của bị cáo Bùi Viết Hiểu, thì ông Lê Đình Kình bị bắn trực diện ở cự ly 1m chứ không phải bị bắn từ phía sau lưng với cự ly 2,5m như cáo buộc của Cáo trạng và Kết luận điều tra.
Ông Lê Đình Kình có địa chỉ cư trú rõ ràng là thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Ông không phạm tội quả tang, cũng không phải tội phạm bị truy nã. Nên theo quy định tại khoản 3, Điều 113 bộ luật TTHS năm 2015, thì không được phép bắt ông vào ban đêm (từ 22 giờ đến 6 giờ). Như vậy, nếu ông trở thành bị can của vụ án nói trên, và nếu ông phải chấp hành lệnh bắt tạm giam, thì cơ quan tố tụng chỉ có thể bắt ông giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Ông Lê Đình Kình không phải là bị can trong vụ án nào, không phải chấp hành lệnh tạm giam. Ông đang sống bình yên tại nhà mình. Như vậy, chỗ ở của ông là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Không ai được tự ý vào chỗ ở của ông nếu không được ông cho phép (theo quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013).
Tính mạng của ông được pháp luật bảo hộ và không ai được quyền tước đoạt mạng sống của ông trái luật (theo quy định tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013).
Lực lượng CSCĐ đã đột nhập nhà ông Lê Đình Kình vào lúc nửa đêm mà không được ông cho phép. Như vậy, lực lượng này đã vi phạm Điều 22 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCNVN và vi phạm điều 158 BLHS năm 2015 (tội xâm phạm chỗ ở của người khác), mà đây lại là việc xâm phạm có tổ chức. Tội này được quy định tại điểm a, khoản 2 điều luật trên, có khung hình phạt cao nhất đến 5 năm tù.
Không chỉ xâm phạm trái phép, lực lượng này còn đánh, bắn chết ông, tước đoạt mạng sống của ông trái luật, vi phạm Điều 19 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCNVN. Vi phạm khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015, với 2 tình tiết tăng nặng là giết người có tính chất côn đồ và có tổ chức (điểm n và điểm o).”
Yêu cầu phải khởi tố vụ án giết người mà thủ phạm chính là nhóm công an xâm nhập gia cư bất hợp pháp là hoàn toàn chính đáng.
Những lời khai bị đánh đập, ép cung, bị nhục hình của bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Bùi Thị Nối và trước đây là lời khai của bà Dư Thị Thành nói bị đánh bị đá… cũng không hề xuất hiện trên báo chí được gọi tên là chính thống.
Những phản biện của các Luật sư cũng bị lờ đi và nói chung báo chí chỉ lặp lại lời của bên VKS, của Tòa và nhộn nhịp nhất là những bài báo tô vẽ cho các phát biểu của Luật sư tuyên giáo Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ cho gia đình của 3 CSCĐ tử vong, và cũng là người mạnh miệng nhất đòi xử phạt nặng những người dân Đồng Tâm.
Bên trong phiên tòa, Hội đồng xét xử cho trình chiếu các video clip của tuyên giáo cho tất cả các bên tham dự xem bất chấp những video đã được cắt ghép biên tập và thuyết minh có chủ đích buộc tội dân Đồng tâm thì đã hoàn toàn mất tính khách quan của chứng cứ.
Facebook Le Quang cho rằng tòa án Việt Nam có lẽ là nơi đầu tiên trong lịch sử hiện đại cho phép chiếu một bộ phim tuyên giáo có dàn dựng ngay trong phiên tranh luận.
Anh viết: “Việc đưa ra một đoạn phim tuyên giáo (đã qua cắt dựng) có thể góp phần tạo ra thông tin ngụy biện gây tổn hại đến uy tín của tòa án, nhân chứng, nạn nhân, nghi can … hơn nữa, nó gây tổn thương đến niềm tin nơi công chúng. Đây là điều mà mọi người bình thường đều hiểu chứ không cần phải có kiến thức chuyên sâu.
Ở những xã hội chặt chẽ, người ta coi trọng tính ‘trang trọng’ và ‘phẩm giá’ của tòa, mọi tài liệu được công bố phải là kết quả của quá trình thu thập, lưu trữ nghiêm túc. Một đoạn phim đã qua dàn dựng được trình chiếu trước tòa có thể coi là nỗi sỉ nhục rất lớn cho bản thân chánh án lẫn cả nền tư pháp.
Nó không khác gì việc chiếu phim khiêu dâm trong phòng hội nghị cả“, người dùng Le Quang nhìn nhận.
Có thể nói rằng chính Ban tuyên giáo là nơi đã ép buộc sự thật phải được diễn tả theo ý chí chủ quan của mình, chính vì thế và lẽ phải trái lẫn lộn, Luật pháp đảo điên và công lý đã bị tước đoạt cả trong phiên tòa lẫn ngoài dư luận xã hội.
Xung quanh vụ án Đồng Tâm có đủ những lý lẽ phi logic, vô nguyên tắc, và ngụy biện nhân danh công lý và những điều thiện lương, nhân danh đạo đức và ổn định xã hội.
Cũng có một ma trận các thể loại tin vịt, tin gà, tin nửa gà nửa vịt, giăng kín mọi lối đi, cướp lấy mọi diễn đàn.
Cũng có đủ những lời lẽ cay độc, móc mỉa ném về phía những người yếu thế.
Khi lý lẽ và sự thật không cùng phe với họ thì họ quên mất những giá trị căn bản đó. Họ quên mất họ từng cổ xúy nó như thế nào. Và cũng không mường tượng ra một ngày nào đó bản thân mình trở thành nạn nhân thì họ có chịu nổi những lời lẽ ngụy biện, dối trá và cay độc đó hay không.
Đồng Tâm là một làng quê hết sức bình thường như mọi làng quê. Nay nó xảy ra với Đồng Tâm, mai nó hoàn toàn có thể xồng xộc tiến vào bất cứ làng quê, phố phường nào.
Xã hội sẽ tan nát và chìm trong những cuộc binh đao khói lửa bất tận nếu người ta không đặt sự thật và lý lẽ lên bàn thờ.
Kiến trúc sư Dương Quốc Chính, một nhà quan sát thời sự từ Hà Nội đưa ra bình luận của mình về những gì ông quan sát được qua cách thức báo chí, truyền thông nhà nước đưa tin và các chiều cạnh ý kiến trong dư luận về phiên xử và vụ án.
“Tôi thấy là báo chí nhà nước đưa tin không được kỹ, so với nhiều vụ khác, họ đưa tin lướt lướt thôi. Ngay cả cơ quan quan trọng nhất của báo chí nhà nước là truyền hình VTV, họ cũng đưa một cách rất tóm tắt, rất không cụ thể.
“Tôi cho rằng có thể ý đồ của bên Tuyên giáo là họ không muốn vụ này trở nên quá rầm rộ, hoặc như thế nào đó.
“Chuyện này theo tôi là đương nhiên, chỉ có điều khi tôi theo dõi thì thấy là ý kiến của phía bênh vực công an, chính quyền thì thường là không có mấy lý lẽ đáng kể.
“Lý lẽ ở đây là lý lẽ hoàn toàn khách quan, dựa trên hiểu biết, lập luận, bằng chứng và cái nhìn của pháp luật, hiểu biết pháp luật, chứ không phải là thứ lý lẽ dựa trên ý thức hệ.
“Khi tranh luận vấn đề này mà thuần túy có tính pháp luật, bỏ ra bên cạnh những suy diễn chính trị hay chủ quan, định kiến ý thức hệ, thì nhiều ý kiến ủng hộ công an và chính quyền tỏ ra nghèo nàn, đuối lý, hoặc không có lý gì cả.
“Các tranh cãi của lề đó tỏ ra rất cảm tính, bằng chứng là họ đã quy kết sớm những bị can, bị cáo là ‘khủng bố, trong khi thiếu hay không có căn cứ để kết luận như thế, trong khi ngay chính cáo trạng của chính quyền đưa ra cũng không hề có kết tội ‘khủng bố’.
“Cho nên việc tranh luận trái ngược quan điểm thì rất rõ, nhưng một phe rõ ràng không dựa trên lập luận pháp lý, khoa học, bằng chứng v.v… mà thiên về quy kết, rồi có những phát ngôn cáo buộc, màu sắc tục tĩu, chửi rủa, chửi bới là chính mà thôi.”
https://thoibao.de/blog/
Không có nhận xét nào