Header Ads

  • Breaking News

    Những nền tảng của xã hội tự do (kỳ 2)

    Tự do (Freedom hay liberty - là những từ tương đương nhau trong tiếng Anh) có nghĩa không chỉ đơn giản là không bị cầm tù hay bị bắt làm nô lệ. Nó có nghĩa là có quyền hành động, nói và suy nghĩ theo ý mình mà không bị những hạn chế mang tính áp bức do những người khác - kể cả những người có chức có quyền - áp đặt,. Nguyên tắc này được áp dụng cho bạn, cho gia đình và đời sống xã hội của bạn cũng như cho các quan điểm chính trị và trong các giao dịch kinh tế mà bạn tiến hành với những người khác.
     
    Toàn bộ sẽ được đăng làm 3 kỳ.

    2. Lợi ích về đạo đức và kinh tế của tự do

    Xã hội tự do

    Tự do nghĩa là gì?
     
    Xã hội tự do là xã hội, trong đó, người ta tìm cách duy trì những lí tưởng vừa nói. Cả trong quá khứ lẫn hiện nay, tự do đã rất thành công trong việc tạo ra của cải và đưa của cải tới tất cả các tầng lớp dân cư. Nó cũng là một trong những lực lượng sáng tạo nhất và hiệu quả nhất của nhân loại. Nó đã cải thiện đời sống của người dân - đặc biệt là những người nghèo nhất - trên toàn cầu.

    Tự do nghĩa là không có chướng ngại trên đường đi của bạn, và không có những hạn chế nhằm ngăn cản bạn hành động theo cách mà bạn muốn. Tự do có nghĩa là bạn không bị những người khác ép buộc, chỉ đạo, đe dọa, gây áp lực, áp đặt, can thiệp hay thao túng. Tự do có nghĩa là bạn có thể sống cuộc sống của mình mà không bị tấn công, lừa đảo, cướp bóc hoặc bị tổn hại. Đó là vì trong xã hội tự do, nguyên tắc tự do được áp dụng như nhau cho tất cả mọi người. Không ai có quyền can thiệp, cản trở hoặc làm hại người khác, làm như thế là phủ nhận quyền tự do của chính họ.

    Vì vậy, tự do chỉ có khi và chỉ khi không ai làm hại ai. Bạn có quyền đưa nắm đấm đến trước đầu mũi của tôi. Bạn không có tự do nếu bạn đe dọa, ép buộc, cướp bóc, tấn công hay giết người khác. Làm ngược lại là bạn xâm phạm quyền tự do, không bị quấy rầy của những người khác. Đây là nguyên tắc “không gây hại”: bạn được tự do làm bất cứ điều gì mình muốn, với điều kiện là không làm hại những người khác.

    Tương tự, chống lại sự công kích của người khác là không vi phạm quyền tự do của họ. Tự do và nguyên tắc không gây hại tạo điều kiện cho bạn ngăn chặn những người khác, không để cho họ làm hại bạn, cũng như làm hại những người thân yêu của bạn. Bạn cũng được quyền can thiệp nhằm ngăn chặn, không để một người nào đó gây thiệt hại cho bất cứ người nào khác, kể cả những người xa lạ - mặc dù việc bảo vệ các công dân là nhiệm cụ cảnh sát và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

    Tuy nhiên, nguyên tắc không làm hại chỉ áp dụng cho những hành động gây hại cho người khác. Nó cho phép bạn làm tất cả những gì bạn thích với cơ thể và tài sản của bạn, với điều kiện là bạn không vi phạm quyền tự do của người khác trong khi làm như thế. Ví dụ, bạn có thể bỏ tất cả tài sản của mình, chấp nhận tổn thương khi làm những việc nguy hiểm, hoặc làm cho chính cơ thể của mình bị thương, miễn là không gây hại cho bất cứ người nào khác. Và, mặc dù những người khác cũng có thể tìm cách ngăn chặn những hành động tự gây hại như thế, nhưng họ không thể dùng sức lực để ngăn cản bạn, nếu đó là sự lựa chọn có chủ ý của bạn.

    Tự do và vai trò của chính phủ

    Nói rằng chúng ta không có quyền can thiệp vào hành động của người khác, thậm chí nếu đấy là vì lợi ích của chính họ dường như là khó nghe. Nhưng không ai trong chúng ta có thể thực sự biết lợi ích của người khác là gì. Mỗi cá nhân đều là người phán xử tốt nhất về phúc lợi của chính mình. Họ hiểu rõ những giá trị, hoàn cảnh, nhu cầu, mong muốn, nỗi sợ hãi, hi vọng, mục tiêu và khát vọng của mình hơn bất cứ người nào khác. Họ là những người phán xử tốt nhất về những mục tiêu và hành động của chính mình.

    Người ngoài có thể thiên vị khi đánh giá người khác. Nếu chúng ta cho phép mọi người can thiệp vào quyền tự do của người khác, họ có thể làm như vậy theo những cách (chủ ý hoặc vô tình) làm lợi cho bản thân mình chứ không phải làm lợi cho người khác. Đây là lí do vì sao những quyết định về việc ngăn chặn người khác là nhiệm vụ của cảnh sát và cơ quan tư pháp, những người - trong xã hội tự do thật sự, chí ít - có thể khách quan hơn trong vấn đề này.

    Dù chúng ta có là ai đi chăng nữa, thì trong xã hội mà chúng ta được tự do, những mục đích cá nhân của chúng ta cũng được đáp ứng một cách tốt nhất. Vai trò của chính phủ trong xã hội như thế sẽ là bảo vệ quyền tự do của chúng ta trước sự xâm phạm của người khác - và mở rộng quyền tự do sang những lĩnh vực chưa có đủ tự do hay tự do chưa hoàn hảo. Khi mọi người cùng nhau lập ra chính phủ hoặc bất kì cơ quan quyền lực nào khác đứng trên chính mình, tất cả đều nghĩ như sau: Đấy là để bảo vệ và mở rộng các quyền tự do của mình, chứ không phải là hạn chế chúng.

    Nhưng thường thì chính phủ không được tạo ra theo cách đó. Chính phủ thường được một nhóm người muốn sử dụng quyền lực vì lợi ích riêng của mình, cưỡi lên đầu lên cổ nhân dân, chứ không phải để mở rộng tự do cho tất cả mọi người. Cướp bóc như vậy thường xảy ra với sự chấp thuận hoàn toàn của đa số, những người, sau đó, sẽ được lợi từ việc bóc lột thiểu số còn lại. Nhưng tự do không phải là nói về số lượng: Để tự do có ý nghĩa nào đó, thì nó phải được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người.

    Ngay cả các chính phủ toàn tâm toàn ý vì lợi ích chung cũng thường cắt xén quyền tự do, vì họ không hiểu hay không tôn trọng một cách đầy đủ nguyên tắc không gây hại và cũng không nhìn thấy những tác hại mà hành động can thiệp của mình gây ra. Ví dụ, nhân viên kiểm duyệt của chính phủ có thể cấm không cho nói hoặc đưa lên sóng phát thanh, sóng truyền hình một số tư tưởng, lời nói hoặc hình ảnh nhất định, vì họ tin rằng những thứ đó làm hại cho xã hội. Nhưng, làm như thế là họ làm hại các tác giả, các nghệ sĩ, các nhà làm phim, các nhà báo và những người khác, bằng cách hạn chế quyền tự do tư tưởng và tự do thể hiện, cản trở sự nghiệp của họ và không cho họ gặt hái thành quả lao động, khả năng sáng tạo và trí thông minh của mình. Và một khi nguyên tắc kiểm duyệt của nhà nước đã được chấp nhận, những người có chức, có quyền dễ dàng khuếch trương nó - ví dụ, họ sẽ cấm tất cả những lời chỉ trích chính quyền hoặc đàn áp bất kì ý tưởng nào mà họ cho là đang đe dọa mình.

    Thêm nữa, chính quyền có thể áp đặt các loại thuế với mục đích là cào bằng thu nhập, một mục đích tốt nhưng không nghĩ rằng việc đó tước đoạt quyền tự do của người đóng thuế, không cho họ thụ hưởng tài sản của mình, chẳng khác gì một tên trộm vẫn làm. Và, tương tự như kẻ cắp bình thường, việc đe dọa bị tịch thu như thế là cách chắc chắn nhất nhằm ngăn chặn người dân tiết kiệm và đầu tư - đến lượt mình, điều đó sẽ dẫn tới những tác hại về an ninh và thịnh vượng của toàn dân.

    Chính phủ như thế có thể tuyên bố là đang hành động vì lợi ích của xã hội, nhưng ai là người biết lợi ích xã hội là gì? Những người khác nhau có những lợi ích khác nhau và thường là có những lợi ích cạnh tranh với nhau. Cân bằng những lợi ích cạnh tranh như thế là việc làm bất khả thi. Nhưng các cá nhân biết rõ hơn nhiều và họ hành động vì lợi của mình tốt hơn hẳn những người có chức, có quyền ở xa, sử dụng quyền lực nhà nước để làm điều đó cho họ.

    Ép buộc là xấu. Và mặc dù một số ép buộc - ví dụ như ngăn chặn những kẻ gây hấn - có thể là việc cần phải làm, chúng ta vẫn nên tìm cách giảm ép buộc đến mức tối thiểu. Nhiều người ủng hộ tự do khẳng định rằng mọi người đều có “quyền tự nhiên” - ví dụ như quyền sống và quyền giữ tài sản riêng - những quyền này tạo ra giới hạn đối với quyền lực mà chính phủ áp đặt lên chúng ta. Chúng ta không để cho các công dân khác cướp bóc hoặc ngăn cản chúng ta, tại sao chúng ta lại để cho chính quyền làm như vậy?

    Tuy nhiên, trong phần lớn lịch sử nhân loại, nhân dân đã và đang không được tự do. Chính phủ không được xây dựng trên các thỏa thuận tự nguyện của các cá nhân, mà bị những người thích sử dụng vũ lực áp đặt lên người dân. Nhưng, người mà đời sống bị cơ quan quyền lực nào đó chỉ đạo thì chưa phải là con người trọn vẹn. Con người chỉ trọn vẹn về mặt đạo đức nếu họ tự lựa chọn cách sống cho chính mình. Họ sẽ chẳng có mấy đạo đức nếu để người khác lựa chọn cho mình. Vì lúc đó họ chỉ là những con số không, chứ không phải con người trọn vẹn.

    Đạo đức ủng hộ tự do

    Tự do tạo điều kiện cho người ta trở thành con người trọn vẹn bằng cách sử dụng tài năng và khả năng của mình khi họ thấy phù hợp - không chỉ vì mình, mà còn vì gia đình và những người thân của mình nữa. Xã hội tự do không phải là đám đông các cá nhân tách biệt và tự tư tự lợi; mà là mạng lưới của những con người trọn vẹn, nhân ái và quan tâm tới xã hội. Mạng lưới đó có khả năng giúp toàn thể loài người nhấn mạnh khía cạnh luân lí của xã hội tự do.

    Cội rễ tinh thần và văn hóa của tự do

    Như Amartya Sen, huân chương Nobel về kinh tế học, đã chỉ rõ, tự do là tư tưởng phổ quát . Nó đã ăn sâu bén rễ trong hầu hết các tôn giáo và các nền văn hóa, từ Hồi giáo đến Phật giáo, từ châu Á tới phương Tây. Hơn hai mươi thế kỉ trước, hoàng đế Ấn Độ, Ashoka, đã kêu gọi tự do và lòng khoan dung chính trị. Thế kỉ XVI, hoàng đế vương quốc Mughul, Akbar, đã có những nhận xét mang tính kinh điển về lòng khoan dung, đúng vào lúc Toà án dị giáo khủng bố những người bất đồng chính kiến về tôn giáo ở châu Âu. Ngay từ khởi thủy, Hồi giáo đã có thái độ cởi mở đối với tự do kinh tế và kinh doanh, rất lâu trước khi những hoạt động này được tôn trọng ở phương Tây. Các hoàng đế Thổ Nhĩ Kì thường khoan dung hơn các vua chúa châu Âu.

    Tự do, nói cách khác, hoàn toàn tương thích với tất cả các nền văn hóa lớn và các tôn giáo lớn trên thế giới. Nó không phải là tư tưởng đặc biệt của phương Tây, cũng không phải là tư tưởng duy vật hay mâu thuẫn với xã hội được xây dựng trên những giá trị xã hội đầy sức mạnh. Thật vậy, xã hội tự do dựa vào những người sẵn sàng chấp nhận các chuẩn mực và quy tắc chung, tức là những quy tắc cấm làm hại người khác, cấm lừa đảo, cấm bóc lột và lạm dụng quyền lực - những quy tắc giúp tạo ra trật tự xã hội hài hòa, trong đó mọi người có thể cùng tồn tại và hợp tác với nhau. Trong khuôn khổ rộng lớn đó, tự do tạo điều kiện cho mọi người quyết định những giá trị mà họ coi trọng, duy trì nền văn hóa và thực hành tôn giáo của mình. Họ không bị buộc phải chấp nhận các giá trị, nền văn hóa và việc làm của cơ quan nhà nước.

    Nền văn hóa của lòng tin và hợp tác

    Xã hội tự do không hoạt động trên cơ sở quyền lực và thẩm quyền, mà trên cơ sở của lòng tin và hợp tác. Của cải trong xã hội tự do xuất hiện thông qua trao đổi tự nguyện: Người ta làm ra những sản phẩm hữu ích và trao đổi với những người khác. Chứ không phải nhờ chiến thuật cướp bóc của những kẻ ăn trên ngồi trốc, tức là những kẻ sử dụng quyền lực để thu thuế của dân chúng hoặc ban phát độc quyền và đặc quyền cho bản thân, gia đình và bạn bè của họ. Dựa vào lực lượng cưỡng chế để bóc lột có thể là biện pháp mà phần lớn của cải đã được tích cóp trong hầu hết các nước và trong suốt lịch sử loài người. Thay vào đó, xã hội tự do dựa vào các động cơ lành mạnh hơn nhiều, đấy là hợp tác và trao đổi tự nguyện.

    Muốn làm việc, muốn hợp tác và trao đổi tự nguyện thì phải tin nhau. Không ai lại đi trao đổi với những người mà họ nghĩ là kẻ lừa đảo tham lam, trừ phi họ bị bắt buộc hoặc không có phương án lựa chọn khác (ví dụ, khi chính phủ hoặc các doanh nghiệp được họ che chở kiểm soát sản phẩm). Trong xã hội tự do, mọi người có thể lựa chọn và được tự do kinh doanh ở bất cứ đâu, vì vậy mà các nhà sản xuất phải thuyết phục khách hàng - cả khách hàng hiện có lẫn khách hàng tiềm năng - rằng họ là người trung thực. Họ phải thực hiện những lời hứa hoặc họ sẽ bị mất uy tín và bị bật ra khỏi thương trường. Và, đối với hầu hết mọi người, khả năng mất uy tín và kế sinh nhai là lo lắng thường xuyên.

    Xã hội tự do không bị giới ăn trên ngồi trốc dùng vũ lực điều khiển. Nó hoạt động hoàn toàn tự nhiên và tự phát thông qua tương tác tự nguyện của những con người bình thường - được củng cố bởi nền văn hóa của lòng tin và trung thực. Trong xã hội tự do, những quy tắc và quy phạm làm động lực cho quan hệ hợp tác tự phát này là đương nhiên, đến mức người ta thậm chí không cần phải suy nghĩ tới. Không cần chính quyền phải nói với mọi người là phải trung thực và hiệu quả hay phải làm việc chăm chỉ và hợp tác với những người khác. Người ta làm như thế một cách tự nhiên, mỗi ngày.

    Nhu cầu về lòng tin và hợp tác trong xã hội tự do làm cho các mối quan hệ giữa các cá nhân và các nhóm trở nên quan trọng hơn là trong xã hội được điều khiển bởi quyền lực. Các mối liên kết của những giá trị tinh thần, gia đình, bạn bè, cộng đồng, di sản, tình làng nghĩa xóm và các hiệp hội của những người có cùng mối quan tâm trở nên quan trọng hơn. Nhiều chính phủ trong các xã hội phi tự do coi các hiệp hội như mối đe dọa đối với quyền lực của mình, và tìm mọi cách để làm suy yếu, phá vỡ hay bãi bỏ. Thường thì họ chỉ làm cho những nhóm người này phải rút vào hoạt động bí mật mà thôi. Hiệp hội tự nguyện quan trọng với người dân đến mức nó còn mạnh hơn hẳn lòng trung thành của dân chúng đối với các cơ quan của chính phủ.

    Tư lợi và luật lệ

    Xã hội tự do không cần mệnh lệnh từ trên ban xuống. Nó hoạt động thông qua việc các cá nhân bình thường điều chỉnh kế hoạch và hành động của mình với kế hoạch và hành động của những người khác. Một tập hợp đơn giản các luật lệ và giá trị chung tạo điều kiện cho họ làm điều đó - ví dụ như lòng trung thực và bất bạo động - có thể ngăn chặn xung đột giữa những con người có lợi ích cá nhân khác nhau.

    Những nguyên tắc cơ bản và giá trị chung đó làm được nhiều hơn, chứ không chỉ tạo điều kiện cho các cá nhân sống trong hòa bình. Chúng cũng tạo điều kiện cho những con người tự do hợp tác với nhau nhằm thúc đẩy lợi ích chung. Ví dụ, xã hội tự do để cho những con người tự do buôn bán với nhau, những thỏa thuận đáng ngạc nhiên đến mức cả hai bên đều coi là được lợi. Không cần cơ quan nào đó quyết định cái gì có thể có lợi cho họ, cũng không cần quyết định làm sao cân bằng được những quyền lợi khác nhau, cũng không cần quyết định muốn phục vụ lợi ích của họ thì phải làm gì, cũng không cần bắt mọi người phải theo một kế hoạch nào đó. Trong xã hội tự do, người dân tự quyết định cái gì có lợi cho chính mình và chọn cách tốt nhất để thúc đẩy quyền lợi của mình bằng cách hợp tác với những người khác. Và họ được tự do tham gia vào tất cả những vụ trao đổi, miễn là không làm hại ai.

    Một số người phê phán không nhìn thấy cách xã hội có thể hoạt động và phát triển thịnh vượng, nếu nó không chọn được những mục tiêu chung và buộc tất cả các công dân của mình làm việc theo hướng đó. Họ sợ rằng xã hội tự do sẽ trở thành cuộc xung đột bất tận, không hiệu quả của những tham vọng cá nhân - phải ngăn chặn để cho lợi ích công cộng thắng thế.

    Đấy là quan niệm sai. Xã hội tự do chấp nhận rằng tất cả mọi người đều là những người tư lợi. Nhưng nó cũng chấp nhận rằng tư lợi là một động lực mạnh mẽ đến mức không thể dễ dàng bị đè nén. Người ta coi “lợi ích công cộng” - theo định nghĩa của các quan chức và chính trị gia - không cấp bách và quan trọng bằng lợi ích riêng của mình. Và chúng ta phải nhớ rằng, trên thực tế, tự lợi có ích và quan trọng: Nếu cá nhân lờ đi nhu cầu cơ bản của mình (ví dụ như thức ăn, nước uống, nhà ở và quần áo), họ sẽ không sống được lâu, dù xã hội mà họ đang sống có nhân từ đến đâu thì cũng thế.

    Xã hội tự do hướng tư lợi vào những việc làm mang lại lợi ích. Xã hội không ngăn chặn tư lợi với hi vọng hão huyền là sẽ tạo ra được xã hội không tưởng. Tập hợp các luật lệ đòi hỏi duy nhất một điều rằng người ta không được áp đặt tham vọng của mình lên người khác. Mọi người được tự do theo đuổi lợi ích riêng của mình - tự mình hay hợp tác với những người khác - miễn là họ tôn trọng quyền tự do được làm như thế của những người khác. Họ không thể ép người khác chấp nhận và phục vụ những mục tiêu đặc biệt của mình.

    Nỗi sợ hãi của những người phê phán cho rằng xã hội tự do sẽ là cuộc chiến tranh không bao giờ dứt giữa những lợi ích cạnh tranh với nhau không đứng vững trước sự kiện là các xã hội tương đối tự do là những xã hội thịnh vượng - và hầu như bao giờ cũng thịnh vượng hơn những xã hội bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Sử dụng những luật lệ đơn giản, theo đó, mọi người tôn trọng các quyền tự do của người khác, là họ đã hướng tư lợi vào mối quan hệ hợp tác và cộng tác hữu ích rồi.

    Nỗi lo sợ cho rằng các cá nhân trong xã hội tự do sẽ chỉ nghĩ đến việc thúc đẩy lợi ích riêng của mình cũng sai như thế. Con người là sinh vật xã hội. Họ có mối quan hệ tự nhiên với gia đình, bạn bè và hàng xóm, họ phải tính đến lợi ích của mọi người khi hành động. Họ muốn được tôn trọng và được bạn bè tín nhiệm, họ muốn được tiếng là người hàng xóm tốt. Vì vậy, họ sẵn sàng từ bỏ lợi ích riêng, nhằm duy trì mối quan hệ tốt với những người khác. Suy nghĩ thận trọng của họ được tưởng thưởng, bởi vì lúc đó, những người khác cũng sẽ sẵn sàng giúp đỡ lại họ.

    Chúng ta có thể thấy cơ chế này vận hành trong các xã hội có nhiều tự do hơn. Trong các xã hội tự do hơn, người ta thường cho người khác, thậm chí những người hoàn toàn xa lạ - thông qua hoạt động từ thiện tư nhân - nhiều hơn là những xã hội ít tự do hơn. Đấy không chỉ vì người trong các xã hội tự do giàu có hơn, mà còn vì xã hội tự do nhấn mạnh nhiều hơn vào tự nguyện, chứ không áp đặt nghĩa vụ xã hội lên người dân.

    Hợp tác thông qua những luật lệ đã được thỏa thuận

    Muốn hợp tác thành công với những người khác, mỗi chúng ta cần phải làm cho những hành động của mình có thể dự đoán được và khả tín. Không thể nào hợp tác được nếu người ta liên tục thay đổi ý định, hành động một cách tùy tiện hoặc không giữ lời hứa. Xã hội tự do tạo điều kiện cho người ta cư xử theo cách mà họ lựa chọn trong cuộc sống riêng, với điều kiện là không làm hại những người khác. Nhưng nó cũng khuyến khích sự nhất quán trong hành vi, đấy là yêu cầu tối cần đối với hợp tác xã hội.

    Ví dụ, xã hội tự do có những quy định pháp lí về quyền sở hữu, về kiểm soát và chuyển giao tài sản. Những quy định như thế tạo điều kiện cho người ta mua bán tài sản và đầu tư vào hàng hóa vốn - như nhà ở, nhà xưởng và thiết bị, những thứ sẽ góp phần cải thiện cuộc sống của họ trong tương lai và làm cho sản xuất trở nên dễ dàng hơn và rẻ hơn - mà không sợ bị cướp, không sợ bị người khác hay các quan chức bóc lột. Những quy định này (quyền sở hữu) không phải do các chính phủ lập ra mà chỉ đơn giản là đã lớn dần lên qua nhiều thế kỉ. Những giới hạn của những quy định đã được kiểm nghiệm trong rất nhiều vụ tranh chấp diễn ra tại vô số tòa án, tạo ra một loạt bộ luật và thực tiễn đảm bảo cho người ta được an toàn hơn trong các giao dịch với những người khác - và như vậy cũng có nghĩa là làm cho hợp tác trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.

    Các xã hội có nhiều tự do hơn cũng đã tạo ra được nhiều quy tắc và chuẩn mực cần thiết cho hợp tác xã hội hài hòa. Các quy tắc đạo đức đặt ra những giới hạn giúp cho tương tác xã hội diễn ra một cách dễ dàng hơn. Và có những tiêu chuẩn chung cho hành vi mang tính xã hội - cách cư xử, thái độ lịch sự và những quy phạm cho hoạt động kinh doanh - những tiêu chuẩn và quy phạm đó lớn dần lên qua những tương tác giữa người với người trong một thời gian dài. Những chuẩn mực có lợi như vậy, mặc dù là hiện tượng bình thường trong những xã hội tự do hơn, nhưng chính phủ ở các nước ít tự do hơn lại khó, thậm chí không thể bắt chước được.

    Công dân của xã hội tự do có một số quyền dân sự cơ bản. Hình thức của các quyền này có thể thay đổi, nhưng những quyền này chấp nhận những chuẩn mực, trong đó có, không phải lao động khổ sai hay nô lệ, không bị tra tấn hay những hình phạt không tương xứng với tội ác. Các quyền tự do dân sự bao gồm quyền tự do tín ngưỡng và niềm tin - tự do có ý kiến riêng về tôn giáo hay chính trị, tự do thực hành tôn giáo và tham gia vào chính trị mà không bị đe dọa. Các quyền tự do dân sự còn bao gồm tự do ngôn luận - tự do để thể hiện và quyền tự do của các phương tiện truyền thông (phát thanh, truyền hình, báo chí và những người cung cấp internet) trong việc đưa tin và bình luận. Các quyền tự do dân sự còn bao gồm quyền tự do hội họp và liên kết với người khác. Các quyền tự do dân sự còn bao gồm quyền riêng tư - không bị người khác do thám và giám sát, đặc biệt là những người có chức có quyền. Tóm lại, xã hội tự do hi vọng rằng công dân của mình có thái độ khoan dung với quan điểm, niềm tin, lối sống và hành động của người khác và không can thiệp vào những việc như thế, xã hội hi vọng rằng công dân của mình tuân theo quy tắc không làm hại người khác.

    Công lí và chế độ pháp quyền

    Xã hội tự do còn có những quy tắc của công lí. Có những hình phạt vì làm hại người khác, không chỉ tổn hại về thể chất, mà còn gian lận và những thiệt hại khác nữa. Và, có lẽ quan trọng nhất là, xã hội tự do tôn trọng chế độ pháp quyền. Vấn đề chính của tổ chức chính trị không phải là làm sao chọn được các nhà lãnh đạo của chúng ta - đó là việc dễ - mà làm sao giới hạn quyền lực của họ. Trong xã hội tự do, vai trò và quyền lực của các cơ quan chính phủ bị giới hạn một cách nghiêm ngặt. Làm thế là để đảm bảo rằng quyền lực được giao cho họ là nhằm bảo vệ công dân khỏi những hành động gây hấn và trừng phạt hành vi sai trái, chứ không được sử dụng một cách tùy tiện hoặc vì lợi ích riêng của những người nắm quyền.

    Các xã hội tự do cũng xây dựng được tất cả các loại cơ chế khác nhau - ví dụ như luật bầu cử, hiến pháp và phân chia quyền lực - nhằm hạn chế quyền lực của nhà nước. Nhưng biện pháp quan trọng nhất trong việc bảo vệ người dân, không để những người cầm quyền bóc lột là bảo đảm rằng, luật pháp được áp dụng một cách bình đẳng đối với tất cả mọi người. Đây là nguyên tắc pháp quyền. Theo nguyên tắc này, chính phủ không thể ưu đãi hay ban đặc quyền, đặc lợi cho những nhóm người cụ thể, cũng không áp đặt thuế khóa đặc biệt đối với các nhóm xã hội cụ thể nào. Và phải áp dụng pháp luật đối với chính quyền cũng như công chúng.

    Bình đẳng trước pháp luật cũng áp dụng cho lực lượng thực thi pháp luật. Để đảm bảo rằng quyền lực của ngành tư pháp được sử dụng một cách không thiên vị và không tùy tiện; trong xã hội tự do, các quy tắc của công lí được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả mọi người. Công dân có quyền được đối xử một cách bình đẳng và theo chuẩn mực tố tụng (due processes). Trong đó có, không bị bắt giữ tùy tiện, không bị bỏ tù mà không xét xử, xét xử công bằng, dựa vào chứng cứ, phán quyết do ban hội thẩm của những công dân bình thường chứ không phải là các công chức được bổ nhiệm, và không phải bị đưa ra xét xử sau khi đã bị xét xử với cùng tội danh.

    Ảnh hưởng của tất cả những giới hạn này đối với các chính trị gia, các quan chức và các thẩm phán là ngăn chặn sự lạm quyền của những người có chức có quyền, xói mòn đặc lợi và giảm những tai họa của hành động cưỡng chế. Nói cho cùng, vai trò của chính phủ trong xã hội tự do là để bảo vệ và mở rộng quyền tự do cá nhân, chứ không phải rút bớt đi.

    Kinh tế ủng hộ tự do

    Mức sống gia tăng mạnh mẽ

    Cho đến năm 1750, cuộc sống của con người không có quá nhiều thay đổi. Gần như tất cả mọi người đều làm ruộng ở ngoài trời, để trồng lương thực; lao động vất vả, không chắc chắn, dễ bị thiên tai phá hoại. Phương pháp canh tác nông nghiệp cũng chẳng khác gì thời của các pharaoh. Hầu hết mọi người không có tiền để mua những món hàng xa xỉ phẩm, ví dụ, một bộ quần áo để dành. Ít người được ăn thịt. Chỉ những người sinh ra trong gia đình giàu có mới dễ trở nên giàu có mà thôi. Và, của cải đó thường xuất phát từ quyền thu tô, thu thuế của những người nông dân vì lợi ích riêng - hoặc phải là bầy tôi hay bạn bè của những người có quyền lực.

    Đối với hầu hết mọi người, đấy là cuộc đời cùng khổ. Năm 1800, theo tính toán của nhà kinh tế học Deirdre McCloskey, thu nhập của người dân trung bình trên thế giới nằm trong khoảng từ 1 tới 5 USD một ngày – ngày nay, hầu như không đủ mua một tách cà phê tại hầu hết các thủ đô trên thế giới . Hiện nay, thu nhập là gần 50 USD một ngày. Phúc lợi đã có bước phát triển cực kì to lớn.

    Nhưng đấy chỉ là số trung bình, nó che dấu mức độ thịnh vượng mà một số nước đã có thể đạt được. Thu nhập trung bình ở Tajikistan, một trong những nước ít tự do nhất thế giới, chưa đến 7 USD một ngày. Nhưng thu nhập ở Mĩ, một trong những nước tự do nhất, hiện đã lên tới hơn 100 USD một ngày. Nhờ những lợi ích của tự do, mà người Mĩ hiện nay giàu gấp 14 lần người dân ở Tajikistan, và giàu hơn tổ tiên họ, những người sống vào năm 1800, từ 20 đến 100 lần. Ở Thụy Sĩ, Australia, Canada và Vương quốc Anh - những nước được The Economic Freedom of the World Report xếp vào hàng những nước tự do nhất thế giới - thu nhập bình là hơn 90 USD một ngày. Tự do và thịnh vượng song hành với nhau .

    Do đó, không có gì ngạc nhiên khi người ta bỏ những nước nghèo, những nước ít tự do và di cư đến những nước giàu có, những nước có nhiều tự do hơn. Mỗi năm, tại 20 nước ít tự do nhất, chênh lệch giữa số người đi và số người đến là 1,12 người/1.000 dân. Ngược lại, tại 20 nước tự do nhất, mức chênh lệch này là 3,81 người/1.000 dân . Còn những nước tự do nhất về kinh tế trong số 20 nước tự do đó, mức chênh lệch này cũng là cao nhất. Tính trung bình, những nước ở nửa dưới của bảng xếp hạng tự do đang mất người vì di cư, trong khi những nước ở nửa trên nhận thêm người.

    Nói cách khác, người ta đang dùng chân để bỏ phiếu cho tự do. Và họ làm như vậy, bất chấp những nỗ lực ngăn chặn người di cư của các nước phi tự do và những nỗ lực hạn chế nhập cư của các nước tự do hơn.

    Tự do và lòng nhân ái

    Các nước tự do giàu có không phải là do bóc lột người nghèo của nước mình. Như nhà triết học Nga Leonid Nikonov nhận xét, tỉ lệ trung bình trong thu nhập quốc gia của 10% người nghèo nhất ở các nước tự do nhất và ít tự do nhất là gần như nhau (2,58% và 2,47%). Nhưng người nghèo ở các nước giàu vẫn sống tốt hơn (10% người nghèo nhất kiếm được trung bình 23 USD một ngày) là người nghèo ở các nước nghèo (10% người nghèo nhất chỉ kiếm được 2,50 USD một ngày) .

    Của cải trong các nước tự do, giàu có cũng dễ đến với mọi người hơn. Người nghèo nhất của họ không phải là vĩnh viễn không được làm giàu - khác với những người ở các nước ít tự do, những người không xuất thân từ các gia đình, từ các đẳng cấp, chủng tộc hay tôn giáo hoặc nhóm chính trị quyền thế. Các nước tự do hơn có sự năng động về mặt xã hội cao hơn hẳn. Người giàu nhất thế giới, người sáng lập ra công ti Microsoft, Bill Gates, khởi đầu công ti phần mềm của mình trong một nhà để xe.

    Và bây giờ, Gates đang tìm cách hiến tặng tất cả tài sản của mình cho đại nghĩa. Đây là hiện tượng điển hình: Trong các nước giàu có hơn, các khoản từ thiện tư nhân cũng lớn hơn rất nhiều. Một cuộc khảo sát, do Barclays Wealth tiến hành, phát hiện ra rằng hai trong năm người Mĩ giàu có nhất nói từ thiện là một trong ba khoản chi tiêu hàng đầu của họ .

    Theo Charities Aid Foundation của Vương quốc Anh, năm nước mà người dân thích đóng góp tiền của và thời gian cho mục đích từ thiện nhất là Australia, Ireland, Canada, New Zealand và Mĩ - tất cả đều chiếm thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về tự do . Và đấy là những nước có nhiều của cải để cho đi hơn là các công dân của những nước nghèo, những nước ít tự do hơn.

    Tự do góp phần ngăn chặn phân biệt đối xử

    Ở các nước không có tự do, đầy rẫy những hiện tượng phân biệt đối xử. Nếu bạn không thuộc tầng lớp, giai cấp, tôn giáo, giới tính, gia đình quyền quý thì khó mà có được công việc tốt, hay khó tiếp cận với các dịch vụ tốt. Nhưng nền kinh tế thị trường tự do đẩy lùi hiện tượng phân biệt đối xử. Các nhà sản xuất trong các xã hội tự do không thể phân biệt đối xử khi lựa chọn người để trao đổi hoặc thuê mướn .

    Ví dụ, người sử dụng lao động có thể không thích những người nhập cư, nhất là nếu họ đến từ một nền văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo khác. Nhưng các nhóm người nhập cư có thể - và thường làm như thế - phản ứng lại bằng cách chấp nhận mức lương thấp hơn cho cùng một công việc. Lúc đó, người sử dụng lao động có thái độ phân biệt đối xử chỉ thuê công nhân bản địa sẽ thấy mình rơi vào thế bất lợi. Tiền lương mà họ phải trả sẽ cao hơn so với những đối thủ cạnh tranh sẵn sàng thuê người nhập cư. Lợi nhuận của họ sẽ thấp hơn, hoặc họ sẽ phải bán sản phẩm với giá cao hơn và có nguy cơ bị bật ra khỏi thương trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Nó chỉ đơn giản là, phân biệt đối xử không có lợi cho hoạt động kinh doanh.

    Câu hỏi: Có phải xã hội tự do chỉ chú ý tới vật chất?

    Trả lời: Không. Tự do kinh tế tạo điều kiện cho người ta quyền lựa chọn và cơ hội. Tự do kinh tế đáp ứng những nhu cầu cơ bản của người dân - thức ăn, nhà ở và quần áo - tốt hơn hẳn. Và nó mang lại cho họ cơ hội mà giai đoạn trước khi thương mại và thị trường tự do xuất hiện không ai tưởng tượng nổi. Không những không bắt buộc người ta suốt đời phải làm những công việc nặng nhọc và làm con người suy đồi đi, nó tạo điều kiện cho người ta thưởng thức những thứ mà họ coi là sẽ nâng cao được đời sống tinh thần, ví dụ, du lịch, âm nhạc, nghệ thuật, văn hóa và các hoạt động xã hội khác. Nó cho phép họ đủ khả năng chăm sóc sức khỏe phù hợp và giáo dục tốt hơn. Của cải chỉ là công cụ tạo điều kiện cho chúng ta tiếp xúc với những thứ mà chúng ta thực sự đánh giá cao - không chỉ là tiện nghi vật chất, mà còn là những thứ chúng ta đánh giá cao về văn hóa và xã hội. Đó là lí do vì sao các nước càng giàu, càng tự do lại có nhiều sân vận động, nhiều phòng hòa nhạc, nhiều nhà hát, nhiều trường đại học, thư viện và bảo tàng hơn.

    Kinh tế thị trường tự do cũng đẩy lùi tệ phân biệt đối xử ngay cả đối với lực lượng lao động ở trong nước. Ví dụ, nền văn hóa có thể chống lại việc phụ nữ đi làm ở bên ngoài, làm cho phụ nữ khó tìm việc làm hơn. Nhưng những người sử dụng lao động có thái độ phân biệt đối xử đối với phụ nữ sẽ có ít người tài để lựa chọn hơn những đối thủ cạnh tranh không phân biệt đối xử. Ví dụ thú vị là sự phân chia đẳng cấp ở Ấn Độ. Sự nổi lên của ngành công nghiệp công nghệ cao ở các trung tâm như Hyderabad đã thúc đẩy rất mạnh triển vọng về việc làm cho người lao động thuộc những đẳng cấp thấp hơn ở Ấn Độ. Người sử dụng lao động trong ngành công nghiệp mang tính cạnh tranh này cần người có trí tuệ. Họ không thể phân biệt đối xử trên cơ sở đẳng cấp hay bất kì yếu tố văn hóa nào khác. Mục tiêu mà luật chống phân biệt đối xử không thể đạt được trong suốt nhiều thập kỉ qua, thì quyền lợi riêng tư của những người kinh doanh tự do lại đạt được trong có vài năm.

    Khả năng sáng tạo của những người tự do

    Một trong những nguyên nhân vì sao các nền kinh tế tự do hơn giàu có hơn là do họ sử dụng tất cả những tài năng sẵn có. Do ít có sự phân biệt đối xử với những người tài năng, tất cả các công dân của xã hội tự do được tự do mang kiến thức và khả năng của mình vào công việc. Nếu họ sáng tạo, cải thiện và cung cấp sản phẩm làm cho đời sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn, thì những người đó sẽ tưởng thưởng cho họ bằng cách mua sản phẩm của họ. Vì vậy, xã hội tự do sáng tạo hơn và có nhiều cải tiến hơn, và do đó, phát triển nhanh hơn xã hội phi tự do.

    Tự do kinh tế chuyển tính tư lợi của người dân vào những hướng có ích cho xã hội. Bạn kiếm được tiền bằng cách sản xuất ra những sản phẩm mà người khác muốn và sẵn sàng trả tiền cho bạn. Và bạn muốn họ quay trở lại nhiều hơn nữa và bạn muốn khách hàng nói với tất cả bạn bè của họ rằng bạn là người tốt đến mức nào. Nó làm cho người sản xuất quan tâm nhiều tới khách hàng của mình chứ không phải quan tâm tới bản thân mình. Hầu hết các doanh nhân nổi tiếng trong những xã hội tự do hơn đều nói rằng họ đã đưa doanh nghiệp tới thành công bằng cách chú ý tới mong muốn và nhu cầu của khách hàng của mình, chứ không phải là tìm cách bóp nặn cho được thật nhiều lợi nhuận.

    Thực tế khác hẳn với bức biếm họa “chó ăn thịt chó”, vẽ về các nền kinh tế tự do. Một nền kinh tế thực sự tự do là hệ thống hợp tác cực kì to lớn, không dựa trên sự ép buộc mà dựa trên buôn bán và trao đổi tự nguyện giữa những con người tự do với nhau.

    Tạo vốn

    Bên cạnh việc khuyến khích đổi mới và phục vụ khách hàng, các nền kinh tế tự do trở nên giàu có nhờ quá trình tích lũy vốn sản xuất. Bắt cá bằng lưới dễ hơn hẳn bắt bằng tay, nhưng như thế có nghĩa là trong thời gian đan lưới bạn sẽ đánh bắt được ít cá hơn. Bằng việc tạm hoãn tiêu thụ trong hiện tại, bạn có thể tích lũy vốn và làm cho quá trình sản xuất trong tương lai thu được nhiều hiệu quả hơn.

    Đấy là nền tảng của chủ nghĩa tư bản. Người ta tích lũy vốn, ví dụ như nhà ở, nhà xưởng, máy móc, tức là những thứ làm cho cuộc sống của họ trở nên dễ chịu hơn và lao động của họ có hiệu quả hơn (năng suất lao động thường cao hơn hẳn: Xin nghĩ về sự khác biệt về công sức bỏ ra giữa cày bằng máy và cày bằng chiếc cày chìa vôi). Đây là quá trình tích lũy: Mỗi lần gia tăng và cải tiến công nghệ sản xuất lại làm tăng sản lượng và làm cho công sức bỏ ra giảm đi thêm nữa.

    Xã hội tự do có thể tích lũy vốn sản xuất và tiếp tục làm cho năng suất lao động và thịnh vượng gia tăng chỉ vì nó tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở, nhà xưởng, máy móc thiết bị và hàng hóa vốn khác, mà không sợ bị tịch thu hoặc ăn cắp. Nó bảo vệ người dân, không để xảy ra hiện tượng tịch thu, và nó có những quy tắc đạo đức và pháp lí về quyền sở hữu tài sản làm cho nạn trộm cắp ít có khả năng xảy ra hơn.

    Bảo vệ quyền sở hữu tài sản, thông qua luật pháp và văn hóa, là đặc điểm vô cùng quan trọng của xã hội tự do và nền kinh tế tự do. Nói cho cùng, có khả năng là ít người nông dân cố gắng gieo hạt, trồng cây, cày cấy và chăm sóc cây trồng nếu họ tin rằng bọn cướp sẽ lấy hết sản phẩm của mình. Tương tự, có khả năng là ít người thích làm nhiều hơn công việc mà họ buộc phải làm nếu phần lớn thu nhập của họ bị đánh thuế. Các gia đình sẽ không tiết kiệm, nếu họ bị lừa hết tiền vì những khoản thuế vô hình là lạm phát. Có khả năng là các doanh nhân sẽ không đầu tư vào doanh nghiệp nếu tài sản của họ có thể bị quốc hữu hóa mà không bồi thường. Đặc quyền đặc lợi bóp méo thị trường nhằm mang lại lợi ích cho những kẻ ăn trên ngồi trốc, được chính quyền ưu ái, có khả năng là sẽ làm cho chẳng còn ai tìm cách phát triển các doanh nghiệp mới.

    Bọn trộm cắp hay chính phủ càng bóc lột thì càng làm cho người ta không muốn làm việc, tiết kiệm và tiến bộ. Ibn Khaldun, học giả và luật gia Hồi giáo thế kỉ XIV, hiểu rõ điều này. Ông viết:

    Cần phải biết rằng tấn công vào tài sản của người dân là làm mất đi động cơ tích lũy và tạo ra của cải. Lúc đó người ta sẽ nghĩ rằng mục đích và kết quả cuối cùng của việc tích lũy tài sản bị người khác tước đoạt mất. Khi động cơ tích lũy và tạo ra của cải đã không còn thì người ta không còn cố gắng tích lũy bất cứ thứ gì nữa. Quyền sở hữu bị xâm phạm ở mức độ và phạm vi nào thì mức độ và phạm vi những cố gắng tích lũy tài sản của người dân cũng giảm đi như thế .

    Tài sản và tiến bộ

    Quyền sở hữu tài sản được bảo đảm tạo cho người ta lòng tin vào tương lai của mình và của gia đình mình. Ví dụ, nếu bạn có ngôi nhà riêng - ở nhiều nước phần lớn người dân không có - bạn có một nơi an toàn để sống. Nếu bạn cũng có một số tài sản, bạn có thể dùng nó để vay tiền để khởi nghiệp và tích lũy vốn sản xuất của chính bạn, chứ không phải suốt đời sống dựa vào lòng thương của những người giàu có. Nó cung cấp cho bạn một cái đệm tài chính, tạo điều kiện cho bạn thử nghiệm với những điều mới mẻ - ví dụ, từ bỏ công việc đang làm và tìm kiếm việc khác, hoặc cung cấp tiền cho dự án kinh doanh mới.

    Bảo đảm quyền sở hữu tài sản khuyến khích chuyên môn hóa và thương mại, hai hiện tượng này lại làm tăng năng suất lao động và do đó làm cho của cải tăng thêm. Cuộc sống của chúng ta sẽ rất nghèo nếu chúng ta phải tự làm tất cả mọi thứ - tự sản xuất lương thực, tự đi gánh nước, tự tìm củi đun, tự may quần áo, tự xây dựng nhà hoặc tự bảo vệ khi bị tấn công. Ít người trong chúng ta có những kĩ năng để làm tất cả những việc này, và chúng ta cũng sẽ cần những công cụ thích hợp để làm tất cả những việc đó với mức độ thuận tiện và hiệu quả nào đó. Nhưng nếu quyền sở hữu tài sản của người dân được tôn trọng thì chúng ta không cần phải tự làm tất cả mọi thứ. Người ta có thể làm ra các công cụ chuyên biệt mà họ cần nhằm giải quyết nhiệm vụ nào đó một cách cực kì hiệu quả, rồi sau đó bán sản phẩm của họ cho chúng ta. Người nông dân có thể đầu tư vào máy cày và máy kéo, người thợ xây mua thang và xẻng, còn thợ may thì đầu tư vào máy dệt và máy may. Và họ có thể trở thành những người có tay nghề cao hơn hẳn và những người quản lí quá trình sản xuất tốt hơn, mà những người nghiệp dư tự cung tự cấp không bao giờ có thể hi vọng. Nhờ phân công lao động như thế mà tất cả chúng ta đều được thụ hưởng những sản phẩm có chất lượng cao hơn, chi phí thấp hơn và cuộc sống phong phú hơn hẳn.

    Nhưng, một lần nữa, chuyện này chỉ có thể xảy ra nếu người dân được an toàn trong việc tích lũy vốn sản xuất và tham gia buôn bán, người dân tin rằng mình sẽ không bị cướp bóc hoặc lừa dối. Lựa chọn khác sẽ tạo ra cuộc sống đầy ảm đạm. Ibn Khaldun viết tiếp: “Khi người ta không còn kinh doanh để kiếm sống, và khi họ chấm dứt tất cả các hoạt động có lời thì nền văn minh sụp đổ và tất cả mọi thứ đều thối rữa. Mọi người phải tha phương cầu thực, phải đến những khu vực không nằm dưới quyền tài phán của chính phủ của họ”. Hiện nay, đây là hiện tượng quá rõ, đấy là cuộc di dân từ những nước phi tự do sang những nước tự do hơn.

    Tạo ra của cải mà không ai bị thiệt hại

    Một số người tưởng rằng một người nào đó chỉ giàu lên khi một người nào đó phải nghèo đi. Nhưng không phải như thế. Nền kinh tế tự do tạo ra tài sản và làm tăng giá trị tài sản hiện có.

    Giá trị không phải là số lượng có tính vật lí của đồ vật. Đó là cái mà người ta nghĩ về đồ vật. Người bán chia tay với món hàng vì họ đánh giá nó thấp hơn số tiền mà khách hàng trả. Khách hàng chia tay với khoản tiền mặt đó, bởi vì họ đánh giá món hàng mà họ mua cao hơn số tiền họ phải trả. Thậm chí các học trò còn trao đổi đồ chơi, mỗi cháu đều tự đánh giá lợi ích mà chúng thu được bằng cách trao đổi một món đồ chơi mà nó đã chán để lấy món đồ chơi mà nó muốn. Việc trao đổi của họ tạo ra giá trị. Không ai bị thiệt bằng cách trao đổi như thế: Thực vậy, không bên nào chấp nhận trao đổi nếu họ nghĩ rằng sẽ bị thiệt.

    Tương tự, nếu ai đó gieo hạt và trồng cây ở những nơi trước đây chưa ai trồng, và những người khác sẵn sàng mua sản phẩm đó, có nghĩa là họ đang tạo ra giá trị mới từ mảnh đất mà trước đây không hề sinh lợi. Của cải đã được tạo ra, nhưng không có ai bị cướp. Và một lần nữa, nếu một doanh nghiệp xây dựng nhà máy sản xuất giày, hay quần áo hay xe ô tô hay làm ra một số phát minh mới nào đó mà mọi người sẵn sàng mua - và làm ra tiền từ quá trình này - ai là người bị cướp? Họ có thể tích lũy tài sản, nhưng họ không ăn cắp của bất cứ người nào. Ngược lại, họ đã tạo ra và lan truyền giá trị ở những nơi mà trước đây giá trị này chưa hề hiện diện .

    Xã hội tự do không phải là chủ nghĩa tư bản ô dù

    Một số người khẳng định rằng trong chủ nghĩa tư bản, các tập đoàn giàu có bóc lột người nghèo, còn các chính trị gia thì ăn cắp tài sản của quần chúng bằng cách tạo ra nạn độc quyền, đặc quyền, tài trợ và trợ cấp cho những bạn bè trong lĩnh vực kinh doanh.

    Nhưng trong xã hội thực sự tự do, cạnh tranh làm cho việc bóc lột và “chủ nghĩa tư bản ô dù” trở thành bất khả thi. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phụ thuộc vào khách hàng. Nếu họ không cung cấp dịch vụ tốt, khách hàng sẽ bỏ họ để đi tìm các nhà cung cấp khác. Và bao giờ cũng có các nhà cung cấp tiềm năng khác, vì trong xã hội tự do, chính phủ không có quyền tạo ra nạn độc quyền, không có quyền bảo vệ những công ti cụ thể nào đó hoặc ngăn chặn, không cho người dân phát triển doanh nghiệp mới. Nền kinh tế thực sự tự do tạo ra cạnh tranh, cạnh tranh trao quyền cho người tiêu dùng đối với người sản xuất: Các công ti sẽ phá sản nếu không sản xuất được các sản phẩm xứng đáng với đồng tiền mà mọi người muốn bỏ ra. Một số công ti cũng có thể phát triển và trở thành rất lớn - ví dụ, trong lĩnh vực như sản xuất xe hơi, cần vốn đầu tư lớn. Nhưng họ vẫn phải đối mặt với hiện tượng cạnh tranh, thực tế hoặc tiềm tàng, từ các nhà đầu tư lớn khác, đấy là những người nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn. Vấn đề chỉ xuất hiện khi chính quyền bóp nghẹt cạnh tranh và làm nản lòng hoặc ngăn chặn đối thủ cạnh tranh, không cho họ bước vào thương trường.

    Chắc chắn là, khó mà duy trì được cạnh tranh cởi mở thực sự. Ngay cả trong những xã hội tự do nhất thế giới hiện nay, các chính trị gia thường áp đặt các luật lệ và quy định - thường là không cố ý - làm giảm cạnh tranh và do đó làm suy yếu quyền lực của người tiêu dùng đối với người sản xuất. Còn người sản xuất lại cùng nhau tìm cách tạo ra những luật lệ và quy định như thế. Ví dụ, các công ti có uy tín có thể ép các chính trị gia thông qua những quy định về chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn sản xuất, trong đó quy định rõ có thể sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào. Họ có thể khẳng định rằng những luật lệ này là cần thiết nhằm bảo vệ công chúng, không để họ mua phải hàng hóa kém chất lượng. Nhưng, kết quả thực sự lại là để bảo vệ các cơ sở kinh doanh của họ, nhằm chống lại các nhà cung cấp mới hoặc nhỏ hơn, tức là những người có thể làm ra các sản phẩm có tính sáng tạo, bằng những biện pháp sáng tạo, nhưng không được liệt kê trong những quy định đó. Hoặc, một lần nữa, các chính trị gia có thể can thiệp nhằm sử dụng công quỹ để vực dậy những ngành đang sắp phá sản hoặc đang bị đe dọa bởi sự cạnh tranh nước ngoài, viện cớ rằng cần phải bảo vệ công ăn việc làm ở trong nước. Thậm chí, họ còn có thể cấm nhập khẩu hàng nước ngoài nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Điều đó có thể tạm thời cứu được những người làm việc trong những ngành công nghiệp đó - nhưng người nộp thuế và công chúng phải trả giá, sau đó, người tiêu dùng sẽ có ít sự lựa chọn hơn và phải trả nhiều tiền hơn là đáng lẽ họ phải trả cho những món hàng có chất lượng thấp hơn.

    Xã hội càng cách xa tự do và càng giao quyền lực kinh tế cho chính quyền, thì các nhà sản xuất và các chính trị gia càng có nhiều không gian hoạt động hơn nhằm hiệp lực lại để bóc lột người dân vì lợi ích riêng của họ. Có thể tìm thấy dấu vết của chủ nghĩa tư bản ô dù như thế ở khắp mọi nơi; trong các nền kinh tế ít tự do nhất, vấn đề còn tồi tệ hơn nhiều. Thường thì, người ta đương nhiên cho rằng những người giành được quyền lực sẽ sử dụng nó để làm giàu cho mình, cho gia đình mình và bạn bè của họ. Thậm chí, người ta còn có thể nghĩ rằng không làm như vậy là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ là những người kém cỏi.

    Nhưng trong xã hội thực sự tự do, cơ quan nhà nước không được phép sử dụng quyền lập pháp hoặc tiền của người đóng thuế để ban phát đặc quyền kinh tế cho những người được họ che chở. Có những luật lệ nghiêm ngặt nói về cách thức sử dụng quyền lực và lĩnh vực chi tiêu công quỹ. Các nhà sản xuất không thể vận động những người có chức, có quyền để được trợ cấp và được bảo hộ, vì quyền ban phát những ưu đãi như thế đơn giản là không tồn tại.

    Thiếu tự do chứ không phải chủ nghĩa tư bản cạnh tranh tạo điều kiện cho các công ti và các nhà chính trị bóc lột nhân dân.

    Chiến thắng của tự do

    Mặc dù tự do kinh tế và thương mại hoàn toàn là của hiếm, nhưng trong vòng 30 năm qua, tự do kinh tế và thương mại đã đưa được khoảng hai tỉ người thoát khỏi cảnh đói nghèo cùng cực nhất. Đó là điều mà các chính phủ tập quyền và đầy sức mạnh ở Nga, Trung Quốc và Đông Nam Á không bao giờ làm được, mặc dù họ đã cố gắng trong suốt nửa thế kỉ. Nhưng khi các bức tường và hàng rào thương mại sụp đổ, ngày càng có nhiều nước tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu, và của cải đã lan tràn. Đặc biệt, nó đã lan tới những người nghèo nhất trong những nước nghèo nhất chấp nhận tự do thương mại quốc tế. Trên hành tinh này, có nguyên tắc nào tốt và hiệu quả hơn là tự do?

    http://phamnguyentruong.

    Không có nhận xét nào