Header Ads

  • Breaking News

    Những nền tảng của xã hội tự do (kỳ 1)

    Eamonn Butler

    Phạm Nguyên Trường dịch

    Toàn bộ sẽ được đăng làm 3 kỳ.

     Mục lục

    Tác giả

    Lời nói đầu

    Lời cảm tạ

    Tóm tắt 

    1.            Dẫn nhập

    Mục đích của tác phẩm này

    Cấu trúc tác phẩm

    2.            Lợi ích về đạo đức và kinh tế của tự do

    Xã hội tự do

    Đạo đức ủng hộ tự do

    Kinh tế ủng hộ tự do

    3.            Những thiết chế của xã hội tự do

    Xã hội không cần nhà nước

    Tại sao chính phủ phải được giới hạn

    Những biện pháp giới hạn chính phủ

    Thiết lập luật lệ

    4.            Bình đẳng và bất bình đẳng

    Bình đẳng trong xã hội tự do

    Các hình thức bình đẳng

    Bình đẳng về kết quả

    Bình đẳng và công lí

    Những thiệt hại khác của chủ nghĩa quân bình

    5.            Kinh doanh tự do và thương mại tự do

    Nền kinh tế thị trường tự do

    Muốn giàu có thì phải làm thế nào?

    Thị trường hoạt động như thế nào

    Thương mại quốc tế

    6.            Sở hữu và công lí

    Sở hữu tư nhân

    Những điều luật của công lí

    Nguyên tắc pháp quyền

    Quyền con người

    7.            Xã hội tự phát

    Trật tự không cần mệnh lệnh

    Lòng khoan dung

    Lòng vị tha

    8.            Tư nhân hóa và toàn cầu hóa0

    Di dân và công nghệ

    Phát triển xã hội tự do

    Quyền sở hữu trong hành động

    Dịch vụ nhân văn không cần chính phủ

    Toàn cầu hóa và thương mại

    Tầm quan trọng của hòa bình

    9.            Tổng kết

    Tự do

    Chính phủ hạn chế

    Bình đẳng hơn

    Nền kinh tế tự do

    Công lí và nguyên tắc pháp quyền

    Xã hội tự phát

    Thế giới của tự do

    Tài liệu đọc thêm

     Tác giả

    Eamonn Butler là Giám đốc Viện Adam Smith, một trong những Think Tank hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu chính sách. Ông có bằng đại học về kinh tế học, triết học và tâm lí học và năm 1978 đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (PhD) tại University of St Andrews. Trong những năm 1970 ông làm việc tại Hạ Viện Mĩ, giảng dạy triết học ở Hillsdale College, Michigan, sau đó trở lại Vương Quốc Anh để giúp thành lập Viện Adam Smith.  Eamonn Butler hiện là Thư kí của the Mont Pelerin Society.

    Eamonn là tác giả của những cuốn sách viết về những nhà kinh tế học tiên phong như Milton Friedman, F. A. Hayek và Ludwig von Mises, lược khảo về Trường phái kinh tế học Áo. Ông là đồng tác giả về lịch sử kiểm soát giá cả và lương bổng và một loạt tác phẩm viết về IQ. Những tác phẩm mới xuất bản như The Best Book on the Market và The Rotten State of Britain and The Alternative Manifesto, được nhiều người chú ý. Ông cũng thường xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác.

     Lời nói đầu

    Các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị thường dẫn tới những vụ tấn công vào tự do. Trong cuộc Đại Suy Thoái, tất cả các nền kinh tế lớn đều ngăn chặn thương mại bằng cách gia tăng thuế khóa. Phản ứng duy tình, thiếu suy nghĩ đó, chỉ làm trầm trọng thêm những căng thẳng địa chính trị và làm cho kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn hơn mà thôi. Việc các chế độ xã hội chủ nghĩa cực đoan nổi lên lại dẫn tới những vụ đàn áp một cách quyết liệt hơn các quyền tự do dân sự, chính trị và kinh tế trên khắp một nửa địa cầu.

    Gần đây hơn, sự kiện ngày 11 tháng 9 và phản ứng của Mĩ đã tạo ra chính sách với kết quả là hi sinh tự do để tăng cường an ninh. Tương tự, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt đầu từ năm 2008, trên đất Mĩ, kéo theo những biện pháp tăng cường kiểm soát, ban hành thêm nhiều quy định và biện pháp bảo hộ. Đáng lẽ phải dựa trên nguyên tắc hủy diệt sáng tạo của thị trường tự do, thì các chính phủ trên cả hai bờ Đại Tây Dương đã sử dụng khá nhiều tiền của người đóng thuế để cứu các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

    Có quá nhiều đe dọa đối với tự do. Một phần tư thế kỉ trước, thế giới đón nhận hiện tượng “glasnost” (công khai hóa) ở Liên Xô và sau đó là chào mừng vụ sụp đổ Bức tường Berlin. Nhưng thách thức mới hiện nay đã xuất hiện dưới hình thức chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu và chủ nghĩa cực đoan ở Trung Đông. Cả hai xu hướng này, nếu không được kiểm soát, sẽ làm giảm tự do. Ở châu Âu, chủ nghĩa dân tộc và thậm chí phân biệt chủng tộc quay trở lại, dù mức độ tự do chính trị ở đây là tương đối cao - chế độ dân chủ vẫn đang tồn tại. Ở Trung Đông, sự ngóc đầu dậy của chủ nghĩa cực đoan tôn giáo không phải là điều đáng ngạc nhiên - tình hình thị trường và chế độ dân chủ ở đây vốn chưa được tốt.

    Mặc dù có những vấn đề như thế, trong thế kỉ XXI, trong nhiều khía cạnh, con người được tự do hơn so với cha ông của họ cách đó một thế kỉ. Cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông đã phá vỡ tất cả các loại rào cản. Ví dụ, ở Trung Quốc, Li Chengpeng là cây bút và nhà phê bình xã hội nổi tiếng: trang Llog Sina Weibo của ông có gần sáu triệu người thường xuyên theo dõi. Và, trong giai đoạn Mùa xuân Arập, các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp mang lại nhiều tiến bộ chính trị và xã hội rộng rãi. Nếu thông tin là sức mạnh, thì công nghệ thông tin đã trao quyền lực cho các cá nhân. Biên giới địa lí vẫn còn, nhưng chúng ngày càng không còn thích hợp nữa.

    Trong bối cảnh đó, việc xuất bản cuốn chuyên khảo của Eamonn Butler đúng là rất hợp thời. Những nền tảng của xã hội tự do là một tác phẩm nữa trong gia đình của những tác phẩm lược khảo bàn về tự do. Kĩ năng độc đáo của Butler nằm chỗ ông có thể trình bày những ý tưởng phức tạp và có ảnh hưởng lớn bằng thứ tiếng Anh đơn giản. Ông cũng phản bác một cách thành công luận cứ của những người phê phán và các đối thủ, với những ví dụ thực tế nhằm minh họa cho tư tưởng của mình và củng cố những luận cứ có tính lí thuyết.

    Vì vậy, tác phẩm này là lời giới thiệu tuyệt vời cho những người muốn tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản của xã hội tự do. Nó cũng đặc biệt có lợi cho những người đang thúc đẩy tự do ở các nước, nơi những nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều người biết tới, nó cũng có lợi đối với những người bảo vệ tự do ở những nơi mà các quyền tự do truyền thống đang bị chà đạp.

    ALI SALMAN

    Người sáng lập và Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chính sách về kinh tế tự do (PRIME), Islamabad, Pakistan, tháng 12 năm 2013

     Lời cảm tạ

    Quan điểm được trình bày trong chuyên khảo này, cũng như trong tất cả các ấn phẩm của IEA, là của các tác giả chứ không phải của Viện (Viện không có quan điểm chung), không phải của những người quản lí, không phải của Hội đồng Tư vấn Khoa học hay của các nhân viên cao cấp của Viện. Trừ một số ngoại lệ, ví dụ như xuất bản các bài giảng, tất cả các chuyên khảo của IEA đều được, ít nhất, hai học giả hoặc hai nhà nghiên cứu, vốn là chuyên gia trong cùng lĩnh vực này, phản biện theo lối ẩn danh.

    Xin đặc biệt cảm ơn Nigel Ashford, người đã cho phép tác giả sử dụng nhiều ý tưởng trong tác phẩm Principles for a Free Society (Những nguyên lí cho xã hội tự do) của ông. Những tác phẩm hữu ích khác cũng được sử dụng, trong đó có The Morals of Markets (Đạo đức và thị trường) của H. B. Acton, On Liberty (Bàn về tự do) của J. S. Mill, Freedom 101 (Tự do 101) của Madsen Pirie, A Beginner’s Guide to Liberty (Biển chỉ đường tới tự do cho người mới bắt đầu) của Richard Wellings, Why Freedom Works (Tại sao tự do hoạt động) của Ernest Benn và The Morality of Capitalism (Đạo đức của chủ nghĩa tư bản ) của Tom Palmer.

     Tóm tắt

                  Tự do tạo ra thịnh vượng. Nó giải phóng tài năng, óc sáng tạo và khả năng đổi mới của con người, nó tạo ra của cải mà trước đây chưa có. Những xã hội chào đón tự do đã tự làm cho mình trở thành giàu có. Những xã hội không chấp nhận tự do vẫn tiếp tục là những kẻ nghèo đói.

                  Người dân trong xã hội tự do trở nên giàu có không phải bằng cách bóc lột người khác, như những kẻ ăn trên ngồi trốc trong các nước ít tự do hơn vẫn làm. Họ không thể trở nên giàu có bằng cách làm cho người khác nghèo đi. Họ trở nên giàu có bằng cách cung cấp cho người khác những thứ mà những người kia muốn và làm cho cuộc sống của những người khác trở nên tốt đẹp hơn.

                  Trong các xã hội tự do, người nghèo là những người được lợi nhất từ sự năng động của nền kinh tế. Về kinh tế, xã hội tự do bình đẳng hơn xã hội phi tự do. Người nghèo trong các xã hội tự do nhất được thưởng thức những món hàng xa xỉ phẩm mà trước đó chỉ vài năm không ai dám mơ ước, những món hàng xa xỉ phẩm mà trong những nước phi tự do, chỉ có giới cầm quyền, ăn trên ngồi trốc mới được hưởng mà thôi.

                  Thương mại quốc tế tạo cho các doanh nghiệp những cơ hội mới trên thị trường và trong hai mươi năm vừa qua đã giúp đưa hơn một tỉ người thoát khỏi cảnh nghèo đói. Tự do thực sự là một trong những lực lượng nhân từ và hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại.

                  Những nỗ lực của chính phủ nhằm cào bằng tài sản hay thu nhập đã chứng tỏ là phản tác dụng. Những nỗ lực này không khuyến khích người ta tích cực lao động và kinh doanh và làm nản lòng những người muốn tích lũy vốn liếng, mà vốn liếng chính là cơ sở để nâng cao năng suất lao động của toàn xã hội.

                  Xã hội tự do là xã hội tự phát. Nó được xây dựng từ những hành động của các cá nhân, theo những luật lệ thúc đẩy hợp tác hòa bình. Đấy không phải là xã hội do quyền lực chính trị áp đặt từ bên trên.

                  Trong xã hội tự do, chính phủ có vai trò rất hạn chế. Chính phủ có nhiệm vụ duy trì và thực thi công lí, tức là ngăn chặn, không để công dân của mình bị thiệt hại. Chính phủ không tìm cách áp đặt công bằng về vật chất và không cấm đoán những hoạt động chỉ vì một số người không đồng ý hoặc cảm thấy khó chịu với những hoạt động đó. Các nhà lãnh đạo không thể cướp bóc dân chúng để thu lợi riêng, cũng không ban ân huệ cho bạn bè hay sử dụng quyền lực nhằm chống lại kẻ thù của mình.

                  Chính phủ của xã hội tự do bị hạn chế bởi nguyên tắc pháp quyền (thượng tôn pháp luật). Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Chuẩn mực tố tụng cùng với xét xử công bằng và không bị giam giữ quá lâu mà không xét xử, phải được áp dụng trong mọi trường hợp. Trước khi bị chứng minh có tội, người bị buộc tội phải được coi là vô tội và các cá nhân phải không bị quấy rối bằng cách truy tố nhiều lần vì cùng một tội.

                  Khoan dung đối với tư tưởng và cách sống của người khác mang lại lợi ích cho xã hội. Sự thật không phải lúc nào cũng thấy ngay được; sự thật chỉ xuất hiện qua đấu tranh tư tưởng. Chúng ta không thể giao cho những người kiểm duyệt quyền đàn áp tư tưởng. Vì nhầm lẫn, họ có thể đàn áp những tư tưởng và cách hành động mà trong tương lai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

                  Công nghệ thông tin làm cho các chính thể độc tài gặp nhiều khó khăn hơn, họ không thể che giấu hành động của mình trước phần còn lại của thế giới. Kết quả là, ngày càng nhiều nước mở cửa cho thương mại và du lịch, và những tư tưởng mới lan tràn khắp nơi. Ngày càng có nhiều người nhìn thấy những lợi ích của tự do kinh tế và tự do xã hội và đứng lên đòi những quyền tự do đó.

    1.            Dẫn nhập

    Mục đích của tác phẩm

    Cuốn sách này phác thảo những nguyên tắc cốt lõi, định hình xã hội tự do. Cần phải có tác phẩm này vì tự do cá nhân, tự do xã hội, tự do chính trị và tự do kinh tế thực sự là của hiếm - thậm chí ngay cả ở những nước tự coi là tự do. Chắc chắn là có sự khác biệt lớn giữa những nước tự do nhất và những nước ít tự do nhất, nhưng trong tất cả các nước, ở mức độ nào đó, đời sống xã hội và đời kinh tế của người dân đều bị hạn chế hoặc kiểm soát bởi các quan chức và chính trị gia. Những hạn chế và kiểm soát như vậy có từ rất lâu rồi và gây ra nhiều cản trở đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chúng đã trở thành một phần của chính nền văn hóa của chúng ta. Mọi người chỉ đơn giản coi đấy là một phần của cuộc sống, tự nhiên và không thể tránh được.

    Kết quả là phần lớn người dân trên thế giới, ngay cả khi họ tin rằng họ đang sống trong xã hội tự do, khó có thể tưởng tượng tự do thực sự nghĩa là gì - còn khó tưởng tượng hơn, xã hội tự do có hình thù như thế nào và hoạt động ra sao.

    Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều muốn tự do. Họ muốn giao dịch mà không cần phải xin vô số giấy phép. Họ muốn có quyền giữ nhà, giữ trang trại và nhà xưởng của họ, chứ không bị các chính trị gia vất ra đường và làm cho họ tán gia bại sản. Họ muốn quyết định cái gì là tốt nhất đối với gia đình mình, chứ không phải là làm những việc mà các quan chức bắt họ làm. Họ muốn nền tảng của xã hội tự do được áp dụng vào sống của họ mà không cần phải đút lót cho cảnh sát và các quan chức để được sống theo cách của mình.

    Đó là lí do vì sao cần phải vạch ra những nguyên tắc cốt lõi của tự do về xã hội và kinh tế. Một quan niệm rõ ràng, tự do là gì và nó hoạt động như thế nào, là nền tảng, trên đó mọi người có thể xây dựng được xã hội thật sự tự do.

    Cấu trúc tác phẩm

    Chương 2 giải thích không chỉ những lợi ích kinh tế của xã hội tự do mà còn giải thích cả phần đạo đức của tự do nữa. Nền kinh tế tự do và xã hội tự do được xây dựng trên những giá trị sâu sắc - không phải giá trị thách thức những hệ thống đạo đức khác mà là những giá trị hỗ trợ, tăng cường và củng cố chúng. Tự do là tự do cho tất cả mọi người.

    Chương 3 giải thích những cách thức mà xã hội tự do có thể đáp ứng nhu cầu của người dân một cách thông suốt và hiệu quả mà không cần nhà cầm quyền đầy sức mạnh nhận lãnh nhiệm vụ chỉ cho mọi người công việc phải làm. Thật vậy, nó giải thích tại sao phải hạn chế quyền lực và hạn chế phạm vi hoạt động của chính phủ và nó cho thấy xã hội tự do có hình thù như thế nào và hoạt động ra sao.

    Chương 4 thảo luận mâu thẫn rõ ràng giữa tự do và bình đẳng. Chương này khẳng định rằng, trên thực tế, tự do hơn tạo ra bình đẳng hơn trong tất cả các vấn đề quan trọng. Nhưng tìm cách áp đặt bình đẳng về kết quả lên xã hội sẽ làm xói mòn các nguyên tắc của tự do và gây ra những thiệt hại trong dài hạn.

    Chương 5 vạch ra khuôn khổ kinh tế của xã hội tự do, giải thích cách thức thị trường - khi đã thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước - tạo ra và lan tỏa thịnh vượng. Chương này cũng giải thích những quy tắc mà chúng ta theo để giữ cho tiến trình này hoạt động một cách trơn tru, và tầm quan trọng sống còn của thương mại tự do trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa người với người.

    Chương 6 xem xét những nguyên tắc của quyền sở hữu và công lí. Chương này giải thích vì sao luật pháp của xã hội tự do phải có tính phổ quát, áp dụng như nhau đối với cả những người có chức có quyền cũng như như công dân bình thường, đấy là nói nếu muốn giảm đến mức tối đa những biện pháp cưỡng chế và hiện tượng người bóc lột người. Chương này cũng giải thích cách thức xã hội tự do tôn trọng những quyền cơ bản của con người.

    Chương 7 giải thích chi tiết hơn cách thức xã hội tự do hoạt động mà không cần những người có chức có quyền chỉ bảo. Chương này vạch ra các quy tắc đạo đức và hành vi cơ bản, tức là những quy tắc tạo ra trật tự xã hội hoạt động hiệu quả, nhưng tự do. Nó nhấn mạnh nhu cầu của lòng khoan dung và giải thích những vấn đề nền tảng của xã hội dựa trên lòng vị tha.

    Chương 8 xem xét cách thức xây dựng xã hội tự do ở những nơi chưa có xã hội như thế. Chương này chỉ ra tầm quan trọng của việc cải thiện các động cơ trong cuộc sống hằng ngày, và sự điên rồ của những cố gắng nhằm áp đặt những quyết định từ trên xuống. Nó chỉ ra rằng ngay cả những dịch vụ quan trọng sống còn cũng có thể được cung cấp mà không cần tới chính phủ. Và nó nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại tự do và hòa bình.

    Mời đọc tiếp phần 2..

    http://phamnguyentruong.blogspot.com/

    Không có nhận xét nào