Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng khi ấy đang là Chủ tịch Quốc hội
Giữa lúc TBT, CT nước Nguyễn Phú Trọng ngày càng ít xuất hiện trước công chúng và không thể đi đâu ngoài Hà Nội, thì cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa bất ngờ xuất hiện trở lại trên truyền hình khi trả lời phỏng vấn VTV, trong đó ông ca ngợi sự đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương, mà ông nói là “cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng,” đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Theo một số chuyên gia và nhà quan sát chính trị trong nước, sự xuất hiện của ông Dũng, từng là trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ban là “bình thường” nhưng cũng có thể là “tín hiệu gì đó về thế cân bằng” quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 sắp được tổ chức trong vài tháng tới.
Ông Dũng, người từng giữ chức thủ tướng Việt Nam từ năm 2006 đến 2016, sau khi “thất thế” tại Đại hội Đảng lần thứ 12, đã xuất hiện trên Đài Truyền hình Việt Nam hôm 18/9 khi trả lời phỏng vấn về những đóng góp của Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) trong tiến trình hội nhập quốc tế.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ, chúng ta đã thực thi nhất quán Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển,” ông Dũng nói trong bài phỏng vấn VTV nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Ban Kinh tế Trung ương, được đăng toàn văn trên trang web của Báo điện tử Chính phủ.
“Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế-xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã đóng góp quan trọng trong việc hoạch định và thực thi đúng đắn, sáng tạo các chủ trương, chính sách lớn của Đảng ta về phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của đất nước,” ông Dũng nói trong lần xuất hiện phát biểu đầu tiên trên truyền hình kể từ khi ông xin “kết thúc nhiệm vụ” vào năm 2016. Lần cuối cùng ông phát biểu được truyền thông ghi nhận là tại phiên họp cuối cùng trên cương vị thủ tướng Việt Nam hồi tháng 3/2016, trong đó ông đưa ra lời khuyên đối với các thành viên chính phủ về hưu, trong đó có bản thân ông, “ráng làm người tử tế, sống tử tế.”
Nhật định về sự xuất hiện bất ngờ trở lại của ông Dũng, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng người từng dẫn dắt ban TKTƯ (nhiệm kỳ 1996-1997) lên truyền hình nói về “cơ quan tham mưu quan trọng của Đảng” nhân dịp kỷ niệm ban này là “bình thường.”
“Việc cựu thủ tướng và nguyên uỷ viên bộ Chính trị có ý kiến theo tôi là việc bình thường,” TS Doanh, từng là một thành viên trong tổ tư vấn kinh tế cho thủ tướng Chính phủ, nói. “Bởi vì ở Việt Nam những vị ấy vẫn có một vị trí chính trị cao và ông Nguyễn Tấn Dũng đã có nhiều nỗ lực kinh tế cho nên ông ý phát biểu như thế là tương đối bình thường trong xã hội Việt Nam.
Cùng quan điểm với ông Doanh, TS Nguyễn Quang A, cũng là một chuyên gia kinh tế trong nước, cho rằng việc một cựu trưởng ban kinh tế trung ương “xuất hiện ở một dịp kỷ niệm của ban đó thì không có gì là lạ cả.”
TS Quang A nói thêm: “Nhưng có lẽ nó lạ là vì trước Đại hội thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực sự là một điều ai cũng biết là ông (Dũng), ông Trọng và phe này phe kia đã có những vấn đề gay cấn trong quá khứ. Và trong bối cảnh như thế ông (Dũng) ít khi xuất hiện, và chỉ tham dự những buổi tang lễ hay kỷ niệm gì đấy nhưng không phát biểu. Nhưng lần này ông ấy phát biểu tôi nghĩ có thể nó là một tín hiệu gì đấy về thế cân bằng của các nhóm (quyền lực) khác nhau trong Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Tại kỳ Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Dũng đã “xin rút” để “về nghỉ chính sách” sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.
Trưởng ban KTTƯ hiện nay là ông Nguyễn Văn Bình, từng là thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ ông Dũng làm thủ tướng.
Chiến dịch chống tham nhũng, được truyền thông trong nước gọi là “đốt lò” của ông Trọng – người thâu tóm đuợc nhiều quyền lực trong tay hơn khi kiêm nhiệm chức Chủ tịch vào tháng 10/2018 sau khi ông Trần Đại Quang qua đời, trong vài năm qua được giới quan sát cho là nhắm vào ông Dũng thông qua một loạt các “đại án” liên quan tới nhiều quan chức chính phủ, lãnh đạo các ngân hàng, và cả ngành công an, dẫn tới việc cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị kết án tù.
Cuối tháng 8 vừa qua, con trai ông Dũng, Nguyễn Thanh Nghị – bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang, cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017.
Theo nhận định của một số nhà quan sát chính trị, sự việc này là một động thái thanh trừng trong nội bộ Đảng trước khi Đại hội Đảng 13 diễn ra vào tháng 1/2021.
Sau hai nhiệm kỳ lãnh đạo, theo nhận định của truyền thông trong nước, ông Dũng đã để lại những “dấu ấn”, như mở cửa thị trường và đưa Việt Nam hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, và cả những hậu quả kinh tế “nghiêm trọng” như nhiều chuyên gia đánh giá vì sự thất bại trong mô hình kinh tế nhà nước.
Tuy nhiên những cải cách của kinh tế của ông Dũng, trong đó ông thúc đẩy để Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), theo nhận định của Deutsche Welle, bị nhiều thành viên bảo thủ của Đảng Cộng sản, do ông Trọng đứng đầu, chỉ trích là quá sớm và quá sâu rộng, vì lo ngại Việt Nam có thể sớm chệch khỏi con đường xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến nhiều vụ đại án gây thất thoát nhiều ngàn tỷ cho ngân sách quốc gia
Cùng với những dấu ấn về chính sách mở cửa thị trường và nền kinh tế thì ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị xem là đã thả cửa cho tham nhũng ở mức độ đỉnh cao, phá nát nền kinh tế Việt nam và để lại những hậu quả to lớn cho đến tận bây giờ.
Đặc biệt nhất là vụ án Vinashin với tổng số nợ lên tới 86 ngàn tỷ đồng, tức khoảng 4 tỷ đôla, chiếm đến 2,5% GDP vào thời gian đó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại là quan chức cao cấp bị xem là phải chịu trách nhiệm về “quả đấm thép” mà sau đó đã trở thành “con tàu đắm” Vinashin, theo bình luận của nhà báo Phạm Chí Dũng trên VOA.
Vào năm 2005, Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo chính phủ Việt Nam tìm cách phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York để vay 750 triệu đôla, với kỳ hạn 10 năm và lãi suất 7,125%/năm. Số trái phiếu này đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Sau đó chính phủ đã cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên. Nhưng khoản vay này không hiểu do nguồn cơn nào mà đã tiêu tán hết, để cuối cùng Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ. Tuy thế, hồ sơ vụ này gần như bị đóng lại. Báo chí chỉ dám hé môi rồi sau đó im bặt.
Vào năm 2010, Nguyễn Tấn Dũng lại chỉ đạo chính phủ Việt Nam phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Singapore với lãi suất 6,75%/năm. Số tiền này sau đó được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn vay lại. Tuy thế, cũng không thấy tăm hơi nào từ số tiền “tái cơ cấu Vinashin”. Doanh nghiệp được mệnh danh là “con tàu đắm” này cứ lần lượt nuốt chửng các khoản tiền khổng lồ.
Cuối năm 2015, chính phủ thêm một lần nữa cố gắng tạo ra kế hoạch “phát hành 3 tỷ USD trái phiếu đặc biệt ra quốc tế”. Nhưng đến giữa năm 2016 thì kế hoạch này đã hoàn toàn tan vỡ.” Nhà báo Phạm Chí Dũng nêu nhận định.
Cũng chính vì vụ án Vinashin mà ông Dũng bị Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm chức Thủ tướng chính phủ trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Theo báo chí trong nước thì ngoài vụ án Vinashin, ông Nguyễn Tấn Dũng còn liên quan đến những vụ án gây thất thoát công quỹ vô cùng lớn như vụ PVN và ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Thăng bị cáo buộc là cố ý làm trái những nguyên tắc quản lý nhà nước vào thời kỳ ông đứng đầu Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Trước tòa ông Thăng khai là “Chỉ sau khi thủ tướng đồng ý thì tập đoàn mới ra quyết định đầu tư.” Tuy nhiên trong vụ đó ông Nguyễn Tấn Dũng lại thoát nạn.
Mới đây trong vụ án Mobiphone mua AVG với nguy cơ thiệt hại cho Nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỷ đồng, thì Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khai rằng ông ta làm theo chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tòa đã không xem xét lời khai này.
Một vụ khác là trùm mafia tài phiệt và lưu manh Trần Bắc Hà – kẻ được xem là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt vào cuối tháng 11 năm 2018. Sau đó ông Trần Bắc Hà đã chết trong tù hôm 18-7-2019 trước khi được đưa đến bệnh viện.
Con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị kỷ luật: khả năng đụng đến đồng chí X?
Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cùng hàng chục cán bộ tỉnh này bị kỷ luật kiểm điểm rút kinh nghiệm do những sai phạm đất đai giai đoạn 2011-2017 theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra tỉnh Kiên Giang dựa trên kết luận của Thanh tra Chính phủ cho báo giới Nhà nước Việt Nam biết nội dung báo cáo ngày 26/8.
Thông báo Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu ra hàng loạt sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 – 2017 về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Nhiều nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước cho rằng trước việc kỷ luật kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có khả năng chính phủ Hà Nội sẽ đụng đến sai phạm của ‘đồng chí X’ lúc còn đương nhiệm.
Nhà báo tự do, blogger Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn khẳng định đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản Việt Nam là một truyền thống của những người trong đảng từ xưa đến nay, đặc biệt càng nổi cộm và càng bộc lộ rất rõ vào những lúc chuẩn bị đại hội đảng. Vì vậy, khi Đại hội đảng sắp tới chỉ còn mấy tháng nữa thì công tác thanh trừng càng được tăng cường.
Tuy nhiên, Blogger Nguyễn Ngọc Già đưa ra quan điểm cho rằng ‘đồng chí X’ sẽ vẫn an toàn trong trường hợp này. Ông nói:
“Kết luận thanh tra đó chỉ để xoa dịu giới người Bắc có lý luận, nên ông Nguyễn Thanh Nghị không bị hề hấn gì, như vậy ông Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn không bị gì. Đó là điều tôi rất tin tưởng.”
Giải thích rõ hơn vì sao ông cho rằng ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ không ảnh hưởng gì trong việc bị kỷ luật kiểm điểm lần này. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già lập luận:
“Trong kết luận thanh tra quan trọng nhất là khi có nội dung là chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra như vậy mới có giá trị, còn ở đây tôi thấy kết luận thanh tra không có nội dung đó. Do đó tôi cho rằng việc kiểm điểm ông Nguyễn Thanh Nghị và những người cộng sản cấp cao của tỉnh Kiên Giang chỉ mang tính chất xoa dịu trong giới người bắc có lý luận.”
Từ những thông tin nêu trên, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cũng nêu ra một dẫn chứng cụ thể để củng cố lập luận của ông về chuyện ông Nguyễn Thanh Nghị sẽ không bị ảnh hưởng sau những sai phạm trong nhiệm kỳ 2011-2017:
“Chuyện lớn và kéo dài rất nhiều năm là tập đoàn của Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang rõ ràng dư luận hiện nay rất phẫn uất, đặc biệt là những người dân Thủ Thiêm nhưng không làm gì được Lê Thanh Hải và Tất Thành Cang. Bây giờ chuyện Nguyễn Thanh Nghị tôi đọc qua nội dung kiểm điểm đó thì nó chỉ là một phần rất nhỏ bé của Lê Thanh Hải, Tất Thành Cang.”
Những sai phạm của ông Nguyễn Thanh Nghị cùng hàng chục cán bộ tỉnh Kiên Giang được đánh giá gây ra nguy cơ thất thoát hơn 12.930m3 gỗ, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra còn khiến tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Vậy từ Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng lần này có còn đủ sức, để duy trì quyền lực của mình và tiếp tục kéo cái lò chống tham nhũng vào Miền Nam đốt tiếp hay?, điều này sẽ được thể hiện qua các màn diệt trừ lẫn nhau trước Đại hội 13 của ĐCS VN vào đầu năm tới.
https://thoibao.de/blog/2020/09/24/n-phu-trong-run-ray-n-tan-dung-lien-tai-xuat/
Không có nhận xét nào