Sau mười năm, một bữa ông sư trên rừng nghĩ mình nên mời người bạn cũ tới chia sẻ cuộc sống trên sơn cốc thanh tịnh. Ông trở về tu viện ở Anurãdhapura, nghĩ rằng mình sẽ được người bạn đồng tu tiếp đón, các Phật tử hầu hạ, cơm bưng nước rót đầy đủ. Nhưng không có gì cả. Hai nhà sư cùng đi khất thực, cả ngày chỉ được cúng dường một tô cháo loãng.
Vị sư từ rừng núi về bèn hỏi người bạn cũ có phải ngày nào cuộc sống cũng như vậy hay không. Ông thầy ở lại thành phố trả lời rằng thường thường chỉ có thế thôi. Vị khách tăng bèn rủ ông bạn hãy lên sơn cốc, ở trong rừng với mình, cuộc sống dễ chịu hơn. Ông thầy ở thủ đô đồng ý.
Hai người đi tiếp, đi qua cổng thành, ông thầy từ rừng về thấy ông kia quay đi hướng ra ngoài, ngạc nhiên hỏi:
- Thầy tính đi đâu vậy?
- Thầy mới rủ tôi đi về sơn cốc với thầy mà?
- Nhưng thầy không trở về chùa lấy đồ đạc gì sao?
- Tôi chỉ có mỗi cái bình bát này thôi. Còn cái giường, cái ghế là đồ đạc của chùa. Tôi không có gì hết.
Ông thày từ chùa trên rừng về nói:
-Tôi cần trở lại chùa. Tôi còn để ở đó cái lọ dựng dầu đốt, cái túi dép và cây gậy.
- Thầy về đây mấy ngày mà đã có được nhiều thứ nhỉ!
Ông thày ở rừng trở về nhìn người bạn cũ, thú nhận: “Tu như thầy thì chỗ nào cũng là sơn cốc!”
Những đệ tử đầu tiên của Đức Thích Ca phần lớn sống giản dị như ông thày “không có gì ngoài cái bình bát” ở thủ đô Anurãdhapura. Chắc ông sống ở chùa Thũpãrãma không lâu trước hay trong thế kỷ thứ 5, khi câu chuyện được ghi lại. Đạo Phật đã truyền tới hòn đảo Sri Lanka vào thời vua Ashoka, thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, cho đến bây giờ nhiều người vẫn còn hành trì, chắc cũng nhờ những vị tăng sĩ như ông thầy trên. Nếp sống thanh tịnh của các vị tu sĩ như ông, thể hiện trong tập thể “tăng già” (sangha) từ hơn 2,500 năm nay khắp châu Á, và trên thế giới, là một nền tảng bền chặt cho đạo Bụt.
Ở Việt Nam, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ mới viết một bức thư, “Thư Khánh Tuế,” gửi đến “Chư Tôn Đức,” và Phật tử, nhân mùa Vu Lan, sau ba tháng an cư. Bức thư viết, “Cùng chung niềm vui của bốn chúng, nương theo uy đức Tăng-già, tôi kính gởi đến Chư Tôn đức lời chúc mừng đã hoàn mãn ba tháng tĩnh tu …”
Trong bức thư trên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết, “Trong lịch sử hoằng hóa lâu dài, Tăng-già, chúng đệ tử Phật, tự thể vốn thanh tịnh và hòa hiệp, là cỗ xe vững chắc mà Đức Thích Tôn đã tác thành …” làm công việc truyền bá giáo pháp “chỉ bằng đức từ vô lượng,” và “thể tính thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già.”
Hòa thượng Tuệ Sỹ nhấn mạnh “Tăng-già hòa hiệp sẽ là ngọn hải đăng bất động trước mọi sóng gió;” và kể lại, “Cho đến những ngày tháng cuối cùng, bằng các tâm thư, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống (Hòa thượng Thích Quảng Độ) đã thiết tha kêu gọi Tăng-già hòa hiệp.”
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết bức thư đã nhắc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam gần đây, với việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1963. Nhưng sau năm 1975 “một Giáo hội mới được thành lập với định hướng Đạo Pháp - Dân tộc - Xã hội chủ nghĩa”… phải theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Hòa thượng Tuệ Sỹ thấy là “Một định hướng mơ hồ … áp đặt vào lịch sử Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện tại.” Giáo hội mới đó do “Ban Tôn Giáo Chính phủ trực tiếp điều hành, … từ trung ương đến địa phương.” Họ được “đặt dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc,” chi nhánh của “một Đảng chính trị chuyên chính…”
Nhưng Đại hội VIII GHPGVNTN năm 1999 “đã đồng tâm nhất trí suy cử bốn vị lãnh đạo: Hòa thượng Thích Huyền Quang, Viện Tăng Thống; Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cố vấn Viện Hóa Đạo; Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; và Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo.”
Năm ngoái, vị tăng thống sau cùng, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã viên tịch. Cho đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc không biết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang đi về đâu. Trong bức “Thư Khánh Tuế” mùa Vu Lan này, có mấy điểm quan trọng được Hòa thượng Tuệ Sỹ nêu ra, nên phổ biến cho mọi người cùng biết.
Thứ nhất, Hòa thượng Tuệ Sỹ xác định “Tôi được ủy thác nhiệm vụ kế thừa,”… và đã không ngần ngại “Khâm thừa Ủy thác” theo ý Cố Tăng Thống Thích Quảng Độ.“ Để đáp lại “… di chúc ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống,” Thày Tuệ Sỹ “trông lên Tổ đức uy nghiêm, vô khả nại hà, tôi cúi đầu lãnh thọ.”
Với bức “Thư Khánh Tuế,” Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ - Đương kim Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã nhắc nhở, giúp cho Phật tử ở trong nước và hải ngoại có thể yên tâm, vì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tồn tại và theo đuổi mục tiêu phục vụ đạo pháp và dân tộc.
Bức thư được gửi tới quý vị lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng Phật Giáo ở Việt Nam và thế giới, nhấn mạnh đến lời di huấn Hòa thượng Thích Quảng Độ khi ngài kêu gọi Tăng-già hòa hiệp. Đức Cố Tăng Thống nói, “Một Giáo hội mà không y chỉ trên y xứ Tăng-già hòa hiệp chỉ là một ngôi nhà trên bãi cát, lực tự tồn còn chưa đủ, nói gì đến hoằng pháp lợi sanh.”
Từ 25 thế kỷ nay, Tăng Già vẫn là nền tảng để giữ gìn và truyền bá Phật giáo. Câu chuyện ngôi hai vị tăng sĩ trong ngôi chùa ở thủ đô Anurãdhapura được kể lại trong Visuddhimagga (Đường Thanh Tịnh) của Buddhaghosa. Vị đại sư này đã từng sống ở tu viện Thũpãrãma kể trên vào thể kỷ thứ năm. Trước đó một thế kỷ, nhà sư Pháp Hiền người Trung Quốc đã đi Ấn Độ và Tích Lan thuật lại rằng tu viện này có ba ngàn tăng sĩ. Vương quốc Anurãdhapura cai trị một phần ba đảo Sri Lanka (Tích Lan) ở miền Bắc, từ thế kỷ thứ Tư trước Tây lịch cho đến thế kỷ 11. Vương quốc đã mở mang hệ thống kênh đào và hồ chứa nước giúp nông nghiệp phát triển. Chế độ bền vững gần 15 thế kỷ một phần cũng nhờ giới tăng già thanh tịnh, hòa hiệp, và khuyến khích dân chúng sống theo giáo lý từ bi, trí tuệ.
https://www.voatiengviet.com/
Không có nhận xét nào