Chevron, tập đoàn dầu khí lớn của Mỹ, đã yêu cầu nhân viên trên toàn cầu xóa ứng dụng WeChat khỏi điện thoại làm việc trước ngày 27/9, Bloomberg đưa tin hôm thứ Tư (23/9).
Trong một email gửi nhân viên, Chevron nêu rõ WeChat là một “ứng dụng không tuân thủ quy định” và yêu cầu những người đã tải ứng dụng này xuống điện thoại làm việc phải xóa trước ngày 27/9, nếu không sẽ không thể truy cập vào mạng của công ty.
Với quyết định này, Chevron trở thành doanh nghiệp Mỹ đầu tiên tuân thủ lệnh cấm dùng WeChat của chính quyền Trump vì lý do an ninh quốc gia.
Đại diện của Chevron từ chối bình luận.
WeChat là ứng dụng di động thuộc tập đoàn Tencent của Trung Quốc, kết hợp nhiều chức năng như nhắn tin, mạng xã hội, thanh toán và các dịch vụ khác. Hiện ứng dụng này có hơn một tỷ người dùng trên toàn cầu, trong đó số lượng người dùng thường xuyên ở Mỹ khoảng 19 triệu.
Việt Nam và Hoa Kỳ đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng lần thứ 11
chính trị, an ninh và quốc phòng Việt Nam- Hoa Kỳ lần thứ 11 vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 23 tháng 9.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát đi cùng ngày cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề chính trị- quân sự R. Clarke Cooper và Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ của Việt Nam đồng chủ trì vòng đối thoại này.
Hai phía thảo luận về hợp tác song phương tiếp sau thành công của vòng đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt- Mỹ lần thứ 10 được tổ chức tại thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ vào tháng 3 năm ngoái.
Đối thoại lần này nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương được cho là đang phát triển mạnh mẽ và phản ánh cam kết chung của hai phía về một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do, rộng mở và độc lập.
Hai phía tại vòng đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng lần thứ 11 thảo luận các vấn đề gồm hợp tác an ninh và thương mại quốc phòng; an ninh hàng hải; gìn giữ hòa bình; thúc đẩy các nỗ lực quốc tế trong những vấn đề phụ nữ, hòa bình và an ninh; các vấn đề nhân đạo như tìm kiến quân nhân mất tích trong thời kỳ chiến tranh, tháo gỡ vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Belarus: Mỹ và Liên Âu không thừa nhận tổng thống Loukachenko
Bất chấp sự phản đối của đông đảo dân chúng về kết quả bầu cử bị cáo buộc là « gian lận », ông Alexandre Loukachenko vẫn tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống hôm qua, 23/09/2020. Hôm nay, 24/09, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố không thừa nhận ông Loukachenko là tổng thống hợp pháp của Belarus.
Trong một thông cáo được gửi đến hãng tin Pháp AFP, bộ Ngoại Giao Mỹ khẳng định : « Cuộc bầu cử ngày 09/08 (tại Belarus) không tự do và không công bằng. Kết quả bị thao túng, không mang lại tính hợp pháp nào ». Washington kêu gọi chính quyền Minsk tổ chức « đối thoại toàn quốc », để cho phép người dân Belarus được tự do lựa chọn lãnh đạo của mình, dưới sự giám sát quốc tế.
Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, « việc trả tự do cho những người bị giam giữ bất công và chấm dứt đàn áp những người biểu tình ôn hòa phải là bước đi đầu tiên nhằm hướng đến một cuộc đối thoại toàn quốc thành thực ».
Về phần mình, lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borrell, tái khẳng định « cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/08 tại Belarus là không tự do và không công bằng. Liên Hiệp Châu Âu không thừa nhận các kết quả bị thao túng ».
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Liên Âu nhấn mạnh là việc ông Loukachenko tổ chức lễ nhậm chức tổng thống là « hoàn toàn đi ngược lại nguyện vọng của đông đảo người dân Belarus ».
Lễ nhậm chức tổng thống diễn ra kín đáo
Lễ nhậm chức tổng thống lần thứ sáu của ông Loukachenko diễn ra một cách kín đáo ngày hôm qua. Hãng tin Nhà nước Belarus, Belta, chỉ đưa ra thông tin về việc này sau khi lễ nhậm chức diễn ra. Trong bài diễn văn nhậm chức, trước cử tọa là một nhóm quan chức cao cấp, ông Loukachenko tuyên bố Belarus đã « thành công trong việc chống lại một cuộc cách mạng màu », « bảo vệ được nền hòa bình, chủ quyền và độc lập quốc gia ».
Truyền thông Nhà nước Belarus cũng truyền đi hình ảnh tân tổng thống, trong bộ quân phục, nói với chuyện với các quân nhân, sau buổi lễ nhậm chức.
Theo nhiều phương tiện truyền thông độc lập và nhiều nhà đối lập Belarus, việc ông Loukachenko tổ chức một lễ nhậm chức tổng thống « một cách bí mật » như vậy là để tránh gây ra một làn sóng phản kháng dữ dội mới.
Ngay sau lễ nhậm chức tổng thống, nhiều cuộc biểu tình phản đối bùng lên tại Belarus. Theo AFP, hơn 100 người bị bắt giữ, chủ yếu tại thủ đô Minsk.
Theo chính phủ Đức, việc chính quyền Belarus phải bí mật tổ chức lễ nhậm chức tổng thống cho thấy rõ là chế độ Loukachenko không có tính chính đáng.
Phe bảo hoàng Thái Lan biểu tình phản đối sửa đổi hiến pháp
Hàng trăm người thuộc phe bảo hoàng của Thái Lan hôm 23/9 đã xuống đường phản đối lời kêu gọi sửa đổi hiến pháp của những người biểu tình chống chính phủ, theo Reuters.
Tin cho hay, phiên họp đặc biệt của quốc hội đã được triệu tập sau gần hai tháng xảy ra các cuộc biểu tình lớn với sự tham dự của hàng chục nghìn người vào những ngày cuối tuần.
Người biểu tình đòi sửa đổi hiến pháp mà họ cho là được soạn thảo để bảo đảm rằng cựu lãnh đạo quân nhân Prayuth Chan-ocha níu giữ chức thủ tướng sau cuộc bầu cử năm ngoái.
Theo Reuters, họ muốn ông từ chức. Một số người biểu tình cũng cho rằng hiến pháp trao quá nhiều quyền lực cho Quốc vương Maha Vajiralongkorn.
Hiến pháp năm 2017 được soạn thảo bởi một ủy ban do quân đội chỉ định và đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016 mà chiến dịch phản đối của phe đối lập bị cấm. Ông Prayuth nói rằng cuộc bầu cử năm 2019 công bằng.
Ông Warong Dechgitvigrom, người đi đầu trong cuộc tuần hành của nhóm bảo hoàng Thai Pakdee, nói rằng ông đã nộp đơn kiến nghị phản đối sửa đổi hiến pháp với 130 nghìn chữ ký.
Theo Reuters, nhóm này có bước đi như vậy sau khi tổ chức theo dõi pháp luật của Thái Lan iLaw đệ trình dự thảo cương lĩnh lên quốc hội hôm 22/9 trước sự cân nhắc hôm 23/9.
Tuy nhiên, thư ký quốc hội nói rằng dự thảo với sự ủng hộ của hơn 100 nghìn chữ ký không được xem xét trong tuần này vì các chữ ký cần phải được xác minh trước.
Hoàng Chi Phong bị bắt
Theo thông báo trên tài khoản Twitter chính thức của Hoàng Chi Phong, anh bị bắt lúc 13h ngày 24/9, với cáo buộc tham gia tụ tập bất hợp pháp vào ngày 5/10 năm ngoái và vi phạm lệnh cấm che mặt. Anh bị bắt khi đến trình diện tại Đồn cảnh sát Trung tâm Hồng Kông.
Theo Hong Kong Free Press, chính quyền Hồng Kông đã kích hoạt luật khẩn cấp có từ thời thuộc địa Anh vào ngày 4/10/2019 để cấm việc che mặt trong các cuộc biểu tình. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ và các cuộc biểu tình chống lệnh cấm đã diễn ra khắp thành phố ngay ngày hôm sau.
Seoul cáo buộc Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc
Hãng tin Yonhap cho hay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm nay cáo buộc phía Triều Tiên bắn chết quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc rồi hỏa táng.
Vị quan chức này đã mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong.
“Triều Tiên phát hiện người này trong vùng biển của họ và bắn ông ấy, sau đó hỏa táng, theo phân tích kỹ lưỡng của quân đội chúng tôi từ nhiều nguồn tin tình báo”, Bộ Quốc phòng cho biết. “Quân đội của chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động này và kêu gọi Triều Tiên giải thích cũng như trừng phạt những người chịu trách nhiệm”.
Bà Thái muốn Đài Loan đi đầu trong ngành bán dẫn
Tổng thống Thái Anh Văn hôm nay nói với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn của Đài Loan rằng bà muốn đưa hòn đảo trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về quy trình sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, theo Taiwan News.
CNA đưa tin, trong số các chuyên gia bà Thái gặp hôm nay có ông Mark Liu, chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới.
Tổng thống Thái cho rằng ngành sản xuất chất bán dẫn Đài Loan là một trong những nhân tố quan trọng trong giai đoạn phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo. Chính quyền của bà đã chú trọng đến một số khía cạnh cơ bản trong lĩnh vực này, bao gồm việc hình thành một viện bán dẫn và củng cố các khóa học liên quan trong giảng dạy.
Bà Thái nói với các giám đốc điều hành rằng, việc phát triển nhân tài địa phương và nội địa hóa một số giai đoạn trong quy trình sản xuất chất bán dẫn là những chính sách chính phủ thiết yếu sẽ được triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai của bà. Do đó, Đài Loan sẽ có thể củng cố vị trí của mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chiến đấu cơ Su-30 của Nga bị đồng đội bắn rơi
The Moscow Times dẫn tin từ hãng thông tấn Nga TASS ngày 24/9 cho biết chiếc tiêm kích Su-30 rơi ở miền trung nước Nga trong cuộc tập trận hôm 22/9 là do bị đồng đội bắn nhầm.
“Nguyên nhân sơ bộ của vụ tai nạn là do một tên lửa vô tình bắn trúng Su-30 trong khi tập trận”, một nguồn tin giấu tên nói với TASS.
Trang tin quân sự Defense Blog trước đó dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, một máy bay chiến đấu Su-35 có thể đã bắn vào Su-30.
Nguồn tin của TASS cho biết các phi công của tiêm kích Su-30 đã ở trong tình trạng ổn định.
Ông Pompeo lưu ý các bang về mối đe dọa Bắc Kinh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm thứ Tư (23/9) yêu cầu chính trị gia ở các địa phương cảnh giác với chính quyền Trung Quốc, và đề nghị chính quyền các bang của Mỹ không đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ Mỹ-Trung gần gũi hơn. Bên cạnh đó, ông Pompeo cũng yêu cầu các bang hợp tác nhiều hơn với Đài Loan, theo SCMP và Reuters.
Phát biểu tại thủ phủ bang Wisconsin, ông Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao đang xem xét các hoạt động của Hiệp hội Hữu nghị Mỹ-Trung và Hội đồng Thúc đẩy Tái thống nhất Hòa bình Trung Quốc khi có các nghi ngờ rằng họ đang cố gắng gây ảnh hưởng đến các trường học, nhóm doanh nghiệp và chính trị gia địa phương của Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “biết rằng chính phủ liên bang đang đẩy lùi ảnh hưởng xấu của ĐCSTQ. Ông ấy nhìn thấy điều đó ở Mỹ, và [tâm lý đó] đang tăng trên khắp thế giới ”, ông Pompeo nói. “Tổng Bí thư Tập cho rằng bạn là mắt xích yếu”.
Những cảnh báo này được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra chỉ vài tuần sau khi nhóm làm việc của ông yêu cầu các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Mỹ phải xin phép trước khi gặp các quan chức chính quyền địa phương hoặc thăm khuôn viên các trường đại học của Mỹ.
Twitter bị nghi ngờ thiên vị Trung Quốc
Twitter dường như đang ủng hộ một phương tiện truyền thông của Bắc Kinh đưa ra những lời đe dọa bạo lực đối với Đài Loan và người lãnh đạo của hòn đảo này. Các nhà phê bình cho rằng việc Twitter dung túng việc này cho thấy họ đang thúc đẩy tiêu chuẩn kép trong các chính sách của mình, theo bản tin hôm thứ Tư (23/9) của Fox News.
Vào ngày 18/9, Twitter đã để Thời báo Hoàn cầu đưa lên nền tảng này thông điệp đe dọa rằng Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Loan. Phản ứng của một trong những cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ diễn ra sau khi Tổng thống Thái Anh Văn cam kết xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn với Hoa Kỳ trong chuyến thăm Đài Loan của Ngoại trưởng Mỹ Keith Krach .
“Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người đã cam kết quan hệ sâu sắc hơn với Mỹ trong bữa tối dành cho một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao [Hoa Kỳ] tới thăm, rõ ràng đang chơi với lửa”, tài khoản Twitter của Thời báo Hoàn cầu viết. “Nếu bất kỳ hành động khiêu khích nào của bà ta vi phạm Luật chống ly khai của Trung Quốc, một cuộc chiến sẽ nổ ra và bà Thái sẽ bị xóa sổ”.
Trong một dòng tweet khác, Thời báo Hoàn cầu nói rằng Trung Quốc đại lục “quyết tâm thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm phương án quân sự, để ngăn chặn Mỹ và đảo Đài Loan gia tăng các hành động khiêu khích của họ”.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào