Kosovo và Serbia ký hiệp định kinh tế tại Hoa Kỳ
Ngày hôm qua, 04/09/2020, tại Nhà Trắng, trước sự chúng kiến của tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo hai nước vùng Balkan, Kosova và Serbia đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế. Các cuộc đàm phán để hai quốc gia có nhiều hiềm khích với nhau đi đến bình thường hóa quan hệ đã được bắt đầu từ năm 2011, dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Châu Âu nhưng không có tiến triển gì. Đối thoại đã bị cắt đứt từ cuối năm 2018 đến mùa hè năm nay mới bắt đầu trở lại. Lần này dưới sự bảo trợ của Washington, hai nước đã xích lại gần nhau trong các quan hệ kinh tế.
Ấn Độ sẵn sàng dùng quân đội đảm bảo an ninh quốc gia trước Trung Quốc
Cố vấn quân sự hàng đầu trong chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi hôm thứ Năm cho biết Ấn Độ đã sẵn sàng dùng quân đội để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời theo sát các hoạt động và cải cách quân sự của Trung Quốc để đưa ra chiến lược cho tương lai, theo SCMP.
Bình luận của Tham mưu trưởng Quốc phòng Bipin Rawat tại một hội thảo trên web để thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Ấn là khẳng định rõ ràng đầu tiên của ông trong những ngày gần đây về tình thế sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự của Ấn Độ, trong bối cảnh tình hình ngày càng trở nên tồi tệ với quân đội Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp ở Himalaya.
Vị tướng hàng đầu cũng báo hiệu mức độ mà Trung Quốc được coi là một mối đe dọa an ninh, nhấn mạnh rằng quân đội Ấn Độ đang khảo sát cơ sở hạ tầng hoạt động của Bắc Kinh ở khu vực tự trị Tây Tạng – giáp ranh Ấn Độ – việc hoàn thiện các dự án đường cao tốc và phát triển các tuyến đường sắt.
Kinh tế Mỹ bổ sung thêm hàng triệu việc làm
Theo Bộ Lao động Mỹ, Mỹ đã có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, theo the Hill.
Theo báo cáo việc làm tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 8,4% từ 10,2% trong tháng 7, lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 10% kể từ tháng 3. Sự tham gia của lực lượng lao động cũng tăng 0,3% trong tháng 8, một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của thị trường việc làm ngày càng tăng và niềm tin của những người tìm việc tăng lên.
Tháng 8 đánh dấu tháng thứ 4 liên tiếp số việc làm và tỷ lệ thất nghiệp giảm kể từ khi nền kinh tế Mỹ chạm đáy hồi tháng 4. Hơn 20 triệu người Mỹ đã mất việc trong tháng đó, đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất sau cuộc Đại suy thoái là 14,7%.
Báo cáo việc làm tháng 8 cũng phù hợp với kỳ vọng đồng thuận của các nhà kinh tế khu vực tư nhân. Hồi trước trước họ dự báo số việc làm sẽ tăng từ 1,2 đến 1,4 triệu việc làm.
Phóng viên Mỹ bị trục xuất tại Nội Mông Cổ
Một nhà báo của tờ Los Angeles Times đã bị giam giữ và trục xuất khỏi Nội Mông Cổ (Trung Quốc) trong khi đưa tin về chính sách gây tranh cãi nhằm giảm việc sử dụng tiếng Mông Cổ trong giáo dục tại khu vực, tờ báo đưa tin hôm thứ Sáu (4/9), theo Daily Caller.
Phóng viên của tờ Los Angeles Times, người đang đưa tin về một chính sách gây tranh cãi nhằm thay thế tiếng Mông Cổ bằng tiếng Quan thoại trong các trường học trong khu vực, đã bị thẩm vấn, túm gáy và nhốt trong xà lim trong hơn 4 giờ trước khi bị buộc rời khỏi khu vực, LA Times đưa tin .
Phóng viên này đã bị bao vây bởi các sĩ quan mặc thường phục ở Hohhot, thủ phủ khu vực, và bị đưa đến đồn cảnh sát. Cô bị cấm liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ và bị áp giải lên chuyến tàu đưa cô trở lại Bắc Kinh, theo hãng tin AP.
Đây là những động thái mới nhất trong giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại hung hăng của Bắc Kinh, việc ngược đãi người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và đại dịch virus corona đang diễn ra.
Quan chức Mỹ nói về Đài Loan thời kỳ hậu COVID
Phái đoàn Séc, do Chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil dẫn đầu, đã tập hợp với các quan chức Đài Loan và các đặc phái viên nước ngoài bao gồm có Mỹ ở Đài Bắc hôm thứ Sáu (4/9) để kêu gọi định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, đang bị lung lay bởi đại dịch, theo Taiwan News.
Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) nhận xét: “Đại dịch COVID-19 đã bộc lộ những rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia hoặc nhà cung cấp các nguyên liệu quan trọng như vật tư y tế và dược phẩm đầu vào cho các ngành quan trọng chiến lược. Ông cho biết Đài Loan sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời kỳ hậu COVID khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm các đối tác sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Ông Christensen cho biết: “Trong tám tháng qua, AIT đã làm việc với các đối tác trong chính phủ, các ngành công nghiệp và học viện Đài Loan để tìm hiểu cách thức chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Hoa Kỳ muốn tăng cường quan hệ kinh tế song phương, và coi việc định hướng lại công nghệ và chuỗi cung ứng sản phẩm y tế như các việc ưu tiên hàng đầu”, ông Christensen nói thêm, đề cập đến cuộc Đối thoại Kinh tế và Thương mại với Đài Loan mới được công bố.
Ấn Độ và Trung Quốc thỏa thuận làm giảm căng thẳng ở biên giới
Reuters hôm nay 05/09/2020 dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ cho biết đôi bên đã thỏa thuận với nhau về việc làm giảm bớt căng thẳng ở khu vực biên giới, không bên nào làm phức tạp thêm tình hình. Tuyên bố trên đây được đưa ra sau cuộc gặp gỡ với đồng nhiệm Trung Quốc tại Matxcơva hôm qua.
Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa đôi bên từ khi xảy ra một cuộc đụng độ hồi tháng Sáu ở vùng biên giới Ladakh, làm 20 lính Ấn Độ tử thương.
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn, ông Rajnath Singh gặp đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) hai tiếng đồng hồ, bên lề cuộc họp bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Nga, Kazakhstan, Kyrghyzstan, Tajikistan, Uzbekistan).
Vụ đụng độ mới nhất xảy ra tại vùng núi hiểm trở ở độ cao 4.300 m, mỗi bên đều tố cáo bên kia khiêu khích. Tổng tư lệnh quân đội Ấn, tướng M.M.Naravane hôm 03 và 04/09 đến tận nơi khích lệ binh sĩ đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của quân Trung Quốc cuối tuần rồi, còn Bắc Kinh cho rằng phía Ấn đã vượt qua đường biên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cho biết Hoa Kỳ rất vui nếu giúp giải quyết được xung đột biên giới Ấn-Trung, mà theo ông, tình hình đang « rất tệ hại ».
Đảo quốc Palau mời Mỹ xây căn cứ quân sự
Đảo quốc Palau ở Thái Bình Dương kêu gọi Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, vốn thuộc khu vực mà Washington đang cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper tuần trước đã tới thăm Palau. Tại đây, ông cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy “các hoạt động gây bất ổn” ở Thái Bình Dương.
Tổng thống Palau Tommy Remengesau sau đó cho biết, ông nói với Bộ trưởng Esper rằng quân đội Mỹ được hoan nghênh xây dựng các căn cứ ở đất nước ông, một quần đảo cách Philippines khoảng 1.500 km về phía đông.
“Đề xuất của Palau đối với quân đội Mỹ rất đơn giản, hãy xây dựng các căn cứ sử dụng chung, sau đó quân đội Mỹ có thể đến và sử dụng chúng thường xuyên”, Tổng thống Remengesau viết trong bức thư gửi Bộ trưởng Esper. Bức thư được văn phòng Tổng thống Remengesau công bố trong tuần này.
Trong bức thư, ông Remengesau khẳng định đảo quốc 22.000 dân này sẵn sàng cung cấp các căn cứ đất liền, cảng và sân bay cho quân đội Mỹ. Tổng thống Palau cũng đề xuất lực lượng tuần duyên Mỹ hiện diện ở quốc đảo để giúp nước này tuần tra và bảo vệ khu bảo tồn biển rộng lớn.
Palau là đất nước độc lập nhưng không có quân đội và Mỹ chịu trách nhiệm bảo vệ quốc đảo này theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA). Theo hiệp ước này, quân đội Mỹ có quyền tiếp cận các hòn đảo, nhưng hiện không có lực lượng đồn trú thường trực tại đây.
NATO lên án và yêu cầu điều tra vụ đầu độc chính trị gia đối lập Navalny
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Sáu (4/9) đã lên án “âm mưu ám sát kinh hoàng” nhằm vào chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny và kêu gọi Moscow trả lời các câu hỏi về vụ đầu độc cho các nhà điều tra quốc tế.
Ông Navalny, 44 tuổi, người bất đồng chính kiến và điều tra tham nhũng Điện Kremlin, đã xuất hiện các triệu trứng bất thường trên chuyến bay đến Moscow vào ngày 20/8 và lập tức được đưa đến một bệnh viện ở thành phố Omsk của Siberia đề cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Hai ngày sau ông đã được đưa đến một bệnh viện ở Thủ đô Berlin của Đức để tiếp tục điều trị.
Các nhà chức trách Đức cho biết, các xét nghiệm cho thấy ông Nalvany đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh hóa học thuộc nhóm Novichok. Các nhà chức trách Anh cũng cho rằng hai cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, vào năm 2018, cũng đã bị đầu độc bằng loại chất độc này.
“Có bằng chứng chắc chắn rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok. Việc sử dụng một loại vũ khí như vậy là kinh khủng ”, ông Stoltenberg nói sau khi chủ trì một cuộc họp với các đại sứ NATO, trong đó đại diện của Đức đã thông báo cho các đồng minh thông tin về vụ đầu độc.
Hoàng Chi Phong kêu gọi tẩy chay phim “Hoa Mộc Lan” do Lưu Diệc Phi đóng
Hôm qua (5/9), bộ phim live-action Disney “Mulan” (Hoa Mộc Lan) do nữ diễn viên quốc tịch Mỹ gốc Hoa Lưu Diệc Phi thủ vai chính đã được công chiếu. Tuy nhiên, trong phong trào chống dự luật dẫn độ ở Hồng Kông năm ngoái, Lưu Diệc Phi đã lên tiếng ủng hộ hành động bạo lực của cảnh sát Hồng Kông, dẫn đến sự phản cảm cho mọi tầng lớp xã hội Hồng Kông và quốc tế. Do đó phong trào tẩy chay “Hoa Mộc Lan” đang lan rộng trong cộng đồng dân chúng Hồng Kông, một số cư dân mạng thậm chí còn phát động #BoycottMulan. Cựu Tổng thư ký đảng Demosistō Hoàng Chi Phong công khai Tẩy chay “Hoa Mộc Lan” trên Twitter.
Cựu Tổng thư ký đảng Demosistō Hoàng Chi Phong công khai Tẩy chay “Hoa Mộc Lan” trên Twitter, với mong muốn tất cả cư dân mạng quan tâm đến nhân quyền có thể cùng nhau tẩy chay bộ phim này. (Ảnh: Rich Fury / Getty Images / Ảnh chụp màn hình IG).
Hoàng Chi Phong viết trên Twitter: “Mulan” sở dĩ có thể công chiếu, là vì Disney đã thuận theo Bắc Kinh và Lưu Diệc Phi công khai ủng hộ hành động tàn ác của cảnh sát Hồng Kông. Vì vậy, anh kêu gọi cư dân mạng thuộc mọi tầng lớp quan tâm đến nhân quyền hãy công khai tẩy chay bộ phim “Hoa Mộc Lan”.
Ngày 1/7 là ngày Luật An ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông chính thức được thực thi, hơn 20 thanh niên thuộc “Tuyên ngôn công dân thế giới” Hàn Quốc và các nhóm khác đã đến trụ sở Disney ở Yeoksam-dong, quận Gangnam-gu, Seoul để phát động cuộc biểu tình chống lại “Hoa Mộc Lan” ngay khi bộ phim này được trình chiếu tại địa phương.
Tỷ phú Quách phản đối phát biểu của ông Tập về tính chính danh của ĐCSTQ
Tỷ phú gốc Hoa Quách Văn Quý đã phản đối gay gắt phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong lễ kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Trung-Nhật .
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nhấn mạnh rằng ĐCSTQ là do người dân Trung Quốc lựa chọn và vì thế họ sẽ không muốn thay thế nó, theo SCMP.
Phản ứng trước phát biểu này, tỷ phú Quách nói rằng “Chúng tôi không chấp nhận một nhóm nhỏ ‘những người giàu có’ độc ác này làm đại diện và cái thứ gọi là quyền lực đỏ đó thêm nữa. Họ không thể nào là lực lượng đại diện cho chúng tôi trong tương lai”.
Ông Quách cũng tin rằng nếu có một cuộc trưng cầu dân ý, ĐCSTQ sẽ lập tức mất quyền lãnh đạo người dân Trung Quốc.
“Nếu có một cuộc trưng cầu dân ý ngay bây giờ, thì ĐCSTQ sẽ bị vứt bỏ. Trong 70 năm, ĐCSTQ chỉ gây ra tội ác với người dân Trung Quốc và đã đến lúc phải giải quyết chúng một lần và mãi mãi. Bây giờ thế giới đang chống lại ĐCSTQ, họ đang nghĩ cho người dân Trung Quốc”, ông Quách nói.
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập nói rằng trong năm 2020, ĐCSTQ “sẽ đưa tất cả người dân thoát khỏi đói nghèo”.
Tỷ phú Quách nói rằng với những dữ liệu mà ông nắm được thì còn lâu tuyên bố của ông Tập mới trở thành hiện thực.
“Ở Trung Quốc, còn gần 1 tỷ người vẫn chưa được sử dụng nhà vệ sinh đúng nghĩa. Và thu nhập bình quân đầu người hàng năm [của họ] chỉ ở mức 700 USD”, ông Quách nói.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào