Tại cuộc họp cấp cao nhất liên quan đến vùng viễn tây – Hội nghị chuyên đề Trung ương lần thứ ba về Công tác Tân Cương – hôm thứ Bảy, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố các chính sách của ĐCSTQ ở Tân Cương là “hoàn toàn đúng đắn và phải thực hiện trong thời gian dài”, bất chấp làn sóng phản đối ngày càng tăng của quốc tế về các cáo buộc vi phạm nhân quyền trong khu vực, theo SCMP.
Trung Quốc bị cáo buộc đã giam giữ ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác trong các trại thực gia, cưỡng chế tẩy não và lao động cải tạo đối với họ.
Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định những trại này chỉ là “trung tâm dạy nghề”, nơi mọi người được giáo dục và đào tạo để cải thiện triển vọng việc làm và chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Thế giới cần biết nguồn gốc của COVID-19, Thủ tướng Úc nói với LHQ
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm thứ Bảy (26/9), Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết một cuộc điều tra nguồn gốc virus sẽ giảm thiểu mối đe dọa xảy ra một đại dịch toàn cầu khác, theo Reuters.
Bình luận của ông Morrison được đưa ra nối tiếp những bình luận tương tự của vị thủ tướng hồi đầu năm khiến mối quan hệ Trung-Úc rơi vào rạn nứt.
Vào thời điểm đó, ông đã dẫn đầu trào lưu điều tra nguồn gốc COVID-19 toàn cầu. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ động thái này, khi đại sứ Bắc Kinh tại Canberra cảnh báo các yêu cầu điều tra có thể làm ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ thương mại hai nước.
Kể từ đó, Trung Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Úc. Nó đã đình chỉ nhập thịt bò và áp thuế 80,5% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Trung Quốc cũng đã phát động một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang nhập khẩu của Australia.
Đông Nam Á sẽ vượt Trung Quốc trở thành nhà sản xuất laptop hàng đầu thế giới
Đông Nam Á sẽ sản xuất một nửa số máy tính xách tay cá nhân trên thế giới vào năm 2030, trong đó Việt Nam và Thái Lan được coi là trung tâm sản xuất chính, theo Viện Tư vấn & Trí tuệ Thị trường (MIC) – một tổ chức tư vấn của chính phủ Đài Loan, theo Asian Nikkei Review.
Theo MIC, khu vực này sẽ thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất máy tính xách tay. Chi phí lao động ngày càng tăng của Trung Quốc và mong muốn giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào một khu vực được cho là sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch sang Đông Nam Á.
Thị trường máy tính xách tay toàn cầu đang ở mức 160 triệu chiếc vào năm ngoái. Trung Quốc đang phụ trách 90% sản lượng, trong khi Đông Nam Á chỉ đảm nhận một phần nhỏ. Với xu thế mới, MIC dự đoán thị phần sản xuất máy tính xách tay của Trung Quốc sẽ giảm từ 90% xuống còn 40% vào năm 2030.
Mỹ trừng phạt nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC
Gã khổng lồ công nghệ do Bắc Kinh hậu thuẫn phủ nhận cáo buộc của Washington rằng có mối liên kết với quân đội đại lục.
Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, tuyên bố rằng tồn tại “rủi ro không thể chấp nhận được” thiết bị cung cấp cho SMIC có thể được dùng cho mục đích quân sự của Bắc Kinh, theo Reuters.
Các nhà cung cấp linh kiện nhất định cho SMIC giờ đây sẽ phải xin giấy phép xuất khẩu cá nhân, theo một lá thư từ Bộ Thương mại Mỹ đề ngày thứ Sáu mà Reuters thu thập được.
Các công ty Hoa Kỳ bao gồm Lam Research, KLA Corp và Applied Materials, chuyên cung cấp thiết bị sản xuất chip, hiện có thể cần phải xin giấy phép để bán một số hàng hóa nhất định cho SMIC.
SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, là trọng tâm tham vọng của Bắc Kinh trong việc xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn trong nước có tính cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc của nước này vào các nhà cung cấp nước ngoài, theo Nikkei Asian Review.
Trước đó SMIC đã đang đẩy nhanh nỗ lực xây dựng dây chuyền sản xuất bên ngoài nước Mỹ sử dụng công nghệ sản xuất chip 40 nanomet, và đang tìm cách xây dựng dây chuyền sản xuất 28 nanomet cao cấp hơn trong ba năm tới. SMIC hiện chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào linh kiện chip của Mỹ trong các hoạt động sản xuất hàng ngày. Việc mất quyền tiếp cận các nhà cung ứng Mỹ có thể khiến năng lực công nghệ của công ty này bị lùi lại 10 năm.
Kỷ lục số người Hồng Kông đăng ký hộ chiếu hải ngoại Anh
Người Hồng Kông nộp đơn xin cấp hộ chiếu hải ngoại Anh (BNO) gia tăng kỷ lục vào năm 2019, gấp 8 lần so với 2018, trong bối cảnh các cuộc biểu tình dân chủ làm rung chuyển thành phố tự trị.
Sự gia tăng kỷ lục đơn đăng ký có thể do dự thảo luật dẫn độ được Bắc Kinh đưa ra hồi năm ngoái, nếu được thông qua sẽ làm xói mòn nền dân chủ tại thành phố tự trị. Số lượng đơn đăng ký duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2020 trước quyết định ban hành luật an ninh mới hà khắc.
Số liệu do SCMP thu thập được thông qua Đạo luật tự do thông tin của Anh cho thấy tổng số hộ chiếu được cấp trong năm 2019 đã tăng vọt lên 154.218, gần gấp 8 lần so với năm ngoái.
Bloomberg Trước Nguy Cơ Bị FBI Điều Tra Khi Dùng Tiền Lợi Dụng Tù Nhân Bỏ Phiếu Loại Donald John Trump
Ngày 23/9, Tổng chưởng lý Florida, bà Ashley Moody, đã yêu cầu một cuộc điều tra về khoản tài trợ 16 triệu USD của tỷ phú Michael Bloomberg cho các tù nhân trọng tội để họ có thể bỏ phiếu hợp pháp trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11.
Trong một bức thư gửi cho đặc vụ phụ trách văn phòng FBI ở Tampa và ủy viên của Cục Thực thi Pháp luật Florida, Tổng chưởng lý Moody nói rằng, việc đánh giá sơ bộ thông tin công khai của văn phòng của bà cho thấy, cần phải điều tra thêm.
Tỷ phú Bloomberg đã quyên góp 16 triệu USD cho một nhóm đang thanh toán các khoản nợ của các tù nhân để họ có thể bỏ phiếu hợp pháp trong cuộc bầu cử vào ngày 3/11.
Bà Moody viết: “Sau khi xem xét sơ bộ thông tin hạn chế và luật, nhận thấy cần phải điều tra thêm. Theo đó, tôi đề nghị các cơ quan FBI điều tra thêm và thực hiện các bước thích hợp”.
Trong thư gửi FBI, bà Moody trích dẫn một tuyên bố từ Bộ phận bầu cử của Sở Ngoại giao Florida rằng “ngay cả việc đưa ra động cơ khuyến khích bỏ phiếu đơn giản là vô thưởng vô phạt cũng có thể vi phạm” luật “tùy thuộc vào hoàn cảnh”.
Cựu ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ đã quyên góp được hơn 20 triệu USD nhằm chi trả các khoản nợ của những cựu tù nhân để họ có thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ông Bloomberg cũng đã cam kết tài trợ 100 triệu USD để giúp ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng ở Florida.
Ấn Độ - Nhật Bản tập trận chung trên biển Ả Rập
Hải Quân Nhật Bản và Ấn Độ khởi động đợt tập trận quy mô trong ba ngày kể từ hôm nay 26/09/2020 ở phía bắc biển Ả Rập. Cuộc thao diễn được mở ra trong bối cảnh Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hãng tin Ấn Độ PTI nhắc lại đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa hai nước sau khi Tokyo và New Delhi hôm 09/09/2020 ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự và là lần thứ tư Hải Quân Ấn Độ - Nhật Bản phối hợp hành động trong khuôn khổ chương trình JIMEX. Theo phát ngôn viên Hải Quân Ấn Độ, đợt thao diễn lần này bao gồm nhiều bài tập tăng cường khả năng phối hợp vì một “thế giới an toàn và rộng mở hơn chiểu theo luận pháp quốc tế”.
New Delhi huy động trực thăng, máy bay, tàu ngầm, tàu khu trục Chennai, trục hạm lớp Teg Tarkash và cả tàu chở dầu Deepark. Về phía Nhật Bản, chiến dịch lần này có sự tham gia của tàu chiến Kagga, tàu sân bay lớp Izumo và Ikazuchi, cũng như tàu khu trục có trang bị tên lửa dẫn đường.
Trung Quốc hành động quyết liệt với Đài Loan do thiếu lương thực?
Trung Quốc được cho là đang trên bờ vực nạn thiếu lương thực trầm trọng, điều có thể gây ra một cạnh tranh chiến lược về an ninh lương thực, có tiềm ngăn gây rắc rối cho Đài Loan và các khu vực khác, theo tạp chí The Economic Times.
Trong năm nay, Trung Quốc đã gặp phải một loạt cơn bão thiên tai tàn khốc . Bên cạnh sự đảo lộn đời sống do đại dịch COVID-19, những trận mưa xối xả đã gây lũ lụt thảm khốc ở lưu vực sông Dương Tử, khu vực nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc.
Tình hình ngày càng phức tạp hơn do dịch châu chấu và sâu bọ phá hoại mùa màng ở các khu vực khác, nơi các cánh đồng bị trơ trọi, và ba cơn bão lớn tháng trước kéo vào vùng đông bắc Trung Quốc.
Trích một bài xã luận trên The Taipei Times, The Economic Times cho biết nước lũ ước tính đã phá hủy mùa màng trên 6 triệu ha đất nông nghiệp.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy giá thực phẩm tăng 13% trong tháng 7, trong đó giá thịt lợn tăng 85%. Cũng có báo cáo về việc nông dân tích trữ sản phẩm, dự trù giá sẽ bị đẩy cao hơn nữa.
Sau khi thoạt đầu tung hô là "vụ mùa bội thu", truyền thông nhà nước Trung Quốc chuyển từ che đậy sự thật sang kiểm soát hành vi, quảng cáo chiến dịch quốc gia "Ăn sạch đĩa" chống lãng phí thực phẩm, theo bài xã luận.
Tháng trước, ông Tập đã kêu gọi công chúng Trung Quốc "trau dồi thói quen tiết kiệm và thúc đẩy một môi trường xã hội nơi lãng phí là điều đáng xấu hổ và tiết kiệm là điều đáng hoan nghênh."
Bầu cử Mỹ: Đã thu được hơn nửa triệu phiếu bầu tổng thống
Theo Uỷ ban Bầu cử Hoa Kỳ, tính tới sáng thứ Năm (24/9), đã có tổng cộng 516.334 người bỏ phiếu bầu tổng thống ở các tiểu bang được tổ chức bầu cử sớm, theo bản tin hôm thứ Sáu (25/9) của Fox News.
25 tiểu bang đã bắt đầu nhận phiếu bầu qua thư của những cử tri không thể đi bầu trực tiếp. North Carolina là tiểu bang đầu tiên thực hiện việc này vào ngày 3/9, 60 ngày trước Ngày bầu cử chính thức.
Cũng theo Ủy ban bầu cử Mỹ, tính đến thứ Năm, không có bang nào tổ chức bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu.
Võ Thái Hà tóm lược
Không có nhận xét nào