Header Ads

  • Breaking News

    GS Nguyễn Văn Tuấn - Nghệ thuật đọc

    Không nói ra thì ai cũng biết đọc (cùng với viết và nói) là một kĩ năng quan trọng trong đời sống. Thế nhưng trong thời đại internet và mạng xã hội, kĩ năng đọc trở thành một vấn đề đối với nhiều người. Cái note này chỉ xin chia sẻ vài kinh nghiệm về đọc.

    Viết và nói là hành động chủ động (active). Đọc hay nghe là hành động thụ động (passive). Khi viết hay khi nói người ta phải có nỗ lực nhứt định để cho ra một ‘tác phẩm’. Người đọc không cần nỗ lực như thế. Người đọc tiếp thu thông tin một cách thụ động từ người cung cấp thông tin. Việc đọc và nghe có thể ví von như người bắt trái banh trong trò chơi đá banh. Tuy nhiên, để bắt được trái banh, đòi người người cầu thủ phải xem xét tốc độ trái banh, đường cong nó tiến tới mình, và phán đoán khả năng bắt được trái banh. Tương tợ, người đọc tuy là thụ động nhưng cũng cần có nghệ thuật để tiếp nhận thông tin.

    Liên quan đến tiếp nhận thông tin, có 2 cách đọc: đọc để có thông tin và đọc để hiểu. Đọc để có thông tin là để biết một câu chuyện. Câu chuyện có thể là đúng hay sai, và người đọc để có thông tin không cần nỗ lực để đánh giá đúng sai. Ví dụ như một bản tin cho rằng ông Trump kì thị người da màu hay loạt bài trên báo Thanh Niên gần đây về tình trạng công bố khoa học ở VN, người đọc để có thông tin chỉ dừng ở đó, chớ không tìm hiểu xem bản tin đó có chứng cớ hay không, và không đánh giá đúng hay sai. Đọc trong trường hợp này là để nhớ. Khổ một điều là những người đọc kiểu này thích 'share' thông tin và xem đó như là sự thật, và hành động này càng làm nhiễu tình hình.

    Đọc để nhớ khác với đọc để hiểu. Khi người đọc đã hiểu một câu chuyện hay một vấn đề, người đó có thể giải thích vấn đề. Đọc để hiểu không chỉ nhằm mục đích nhớ thông tin, mà còn biết được ý nghĩa của thông tin và tại sao người viết cung cấp thông tin đó. Quay lại ví dụ về thông tin cho rằng ông Trump kì thị người da màu và loạt bài trên báo Thanh Niên, người đọc để hiểu có thể khảo cứu thêm về nguồn thông tin đến từ tác giả nào, tác giả đó có thẩm quyền hay có kinh nghiệm gì về vấn đề, tác giả đó thuộc đảng chánh trị nào, bản tin đó có cơ sở hay chỉ là lời đồn từ ai đó, bản tin đó tại sao xuất hiện vào lúc này, v.v. Với những thông tin khảo cứu đó, người đọc sẽ giải thích được tại sao có bản tin và hiểu được ý nghĩa của thông tin. Khi đã hiểu thì người đọc cảm thấy được khai sáng (enlightened), cảm thấy có được kiến thức (knowledge).

    Montaigne thường hay nói về cái dốt trước khi có kiến thức và cái dốt sau khi có kiến thức. Cái dốt trước khi có kiến thức (ông gọi là abecedarian ignorance) là cái dốt của người không biết đọc. Cái dốt sau khi có kiến thức (doctoral ignorance) là cái dốt của người đọc nhiều nhưng đọc sai và không hiểu gì cả, và do đó kiến thức họ có bị sai lệch. Cái dốt thứ hai này còn gọi "bookful block-heads", ý nói đầu thì đầy sách vở nhưng không biết gì cả. Người Hi Lạp gọi cái dốt thứ hai là sophomores, có thể hiểu như là chưa trưởng thành.

    https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/1059685277812122

    Không có nhận xét nào