Header Ads

  • Breaking News

    Ấn Độ tìm kiếm các chuỗi cung ứng “đáng tin cậy” để thay thế Trung Quốc


    Prime Minister Narendra Modi addresses the U.S.-India Strategic Partnership Forum on September 3, 2020. Photo: Twitter/@narendramodi 

    Gia Huy (theo Nikkei)

    Hôm thứ 5 (3/9), Thủ tướng Ấn Độ đã đề xuất định hình lại các chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên sự tin tưởng và ổn định chứ không chỉ dựa vào lợi ích chi phí, ám chỉ tới Trung Quốc.

    Trong bài phát biểu trực tuyến hôm thứ năm (3/9) tại Diễn đàn Quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ-Ấn Độ, ông Modi nhấn mạnh rằng đại dịch “đã cho thế giới thấy rằng quyết định phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu không nên chỉ dựa vào yếu tố chi phí, mà còn phải dựa vào sự tin tưởng.”

    Với bài phát biểu mang chủ đề “Điều hướng những thách thức mới,” ông Modi cho biết Ấn Độ đang trở thành địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu trên thế giới.

    “Các công ty hiện nay đang tìm kiếm sự tin cậy và ổn định chính sách và Ấn Độ là nơi có đủ các phẩm chất này,” ông khẳng định.

    Ông nói: “Dù là Hoa Kỳ hay Vịnh Ba Tư, dù là châu Âu hay Úc, thế giới tin tưởng vào chúng tôi.” Ông cũng lưu ý rằng trong năm nay dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Ấn Độ đã lên tới hơn 20 tỷ USD, trong đó các công khổng lồ như Google, Amazon và Mubadala Investment đều công bố các kế hoạch đầu tư dài hạn vào Ấn Độ.

    Ông Modi cũng cho biết 1,3 tỷ dân Ấn Độ đã bắt đầu thực hiện sứ mệnh làm cho Ấn Độ trở nên “tự cường”. Ông cho biết mục tiêu của chiến dịch “Aatmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường) nhằm đảm bảo “sức mạnh của Ấn Độ đóng vai trò là cấp số nhân cho lực lượng toàn cầu. Một Ấn Độ tự chủ và hòa bình đảm bảo một thế giới tốt đẹp hơn.”

    Mặc dù không đề cập đích danh Bắc Kinh khi hai nước đang đối đầu trên biên giới dọc theo dãy Himalaya, nhưng bài phát biểu của ông Modi phù hợp với xu hướng tách rời khỏi Trung Quốc gần đây. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ đang leo thang và đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn. Nhiều quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, cho thấy nhu cầu cấp bách cần đa dạng hóa nguồn cung ứng.

    Tuyên bố của ông Modi được đưa ra sau quyết định hôm thứ 3 (1/9) của các bộ trưởng thương mại Nhật Bản, Ấn Độ và Úc về việc bắt đầu xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Ba nước này nhấn mạnh sự cần thiết của một môi trường thương mại tự do, công bằng và có thể dự đoán, đồng thời cũng kêu gọi các nước có cùng chí hướng trong khu vực tham gia.

    Bình luận của ông Modi diễn ra cùng ngày với việc Nhật Bản mở rộng chương trình trợ cấp giúp các công ty Nhật di chuyển khỏi Trung Quốc, bằng cách bổ sung thêm các địa điểm mới như Ấn Độ và Bangladesh, theo tờ Nikkei. Chương trình này nguyên ban đầu áp dụng cho các doanh nghiệp di chuyển về Nhật hoặc chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

    Trước đó, ngân sách bổ sung của chính phủ Nhật cho năm tài khóa 2020 đã dành 23,5 tỷ yên (221 triệu USD) trợ giúp các công ty Nhật di chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

    Khi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản mở đợt hai nộp hồ sơ xin trợ cấp hôm thứ 5 (3/9), bộ này đã bổ sung “các dự án góp phần vào việc phục hồi chuỗi cung ứng Nhật Bản – ASEAN” vào danh sách các di chuyển đủ điều kiện, đồng thời cũng xem xét việc di dời sang các quốc gia như Ấn Độ và Bangladesh.

    Các nhà sản xuất có thể nhận trợ cấp cho việc nghiên cứu khả thi và các chương trình thử nghiệm. Tổng số tiền được cấp dự kiến lên đến hàng chục triệu USD.

    Chương trình này nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào một vài liên kết trong chuỗi cung ứng của họ, đặc biệt là Trung Quốc, đảm bảo dòng cung ứng sản phẩm ổn định như vật tư y tế và linh kiện điện trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này đã được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc đóng cửa trong giai đoạn đầu của đại dịch.

    Đợt trợ cấp đầu tiên công bố vào tháng 7 đã cấp hơn 10 tỷ yên cho 30 công ty chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong đó có công ty Hoya đang chuyển sản xuất linh kiện điện sang Việt Nam và Lào, và công ty Sumitomo Rubber Industries sẽ sản xuất găng tay cao su tại Malaysia.

    57 công ty khác đang nhận trợ cấp để chuyển sản xuất về Nhật Bản, chẳng hạn như Iris Ohyama, công ty đầu tiên được nhận trợ cấp và hiện đang sản xuất khẩu trang tại quê nhà ở Quận Miyagi. Các công ty nổi tiếng khác được nhận trợ cấp bao gồm công ty Sharp, nhà sản xuất thuốc Shionogi và nhà sản xuất thiết bị y tế Terumo.

    Gia Huy (theo Nikkei)

    https://vietluan.com.au/

    Không có nhận xét nào