Reuters dẫn tin từ một quan chức Mỹ
ẩn danh hôm thứ Hai (14/9) cho biết Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry
Branstad sẽ từ chức vào đầu tháng Mười để trở về nước làm việc cho chiến
dịch tái cử của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đăng lên Twitter: “Tôi cảm ơn Đại sứ Terry Branstad vì hơn 3 năm ông phục vụ người dân Mỹ trong vai trò Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đại sứ Branstad đã đóng góp vào việc tái cân bằng mối quan hệ Mỹ – Trung để nó là mối quan hệ tập trung vào kết quả, đối ứng và công bằng”.
Trước đó, hôm thứ Bảy (12/9), Tổng thống Trump đã nói bóng gió rằng ông Branstad có thể gia nhập chiến dịch tái cử 2020. Trong một đoạn video do Thượng nghị sĩ Joni Ernst của bang Iowa đăng lên Twitter, ông Trump đã nói ông Branstad sẽ trở về nhà.
Đại sứ Branstad, 73 tuổi, trước khi phục vụ trong chính quyền Trump đã từng là thống đốc tại vị lâu nhất của Iowa – bang nằm trong Vành đai Nông nghiệp Hoa Kỳ (Farm Belt) đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Ông Branstad cũng thiết lập quan hệ tốt với cá nhân ông Tập Cận Bình từ khá lâu. Ông Branstad kết bạn với ông Tập từ nhiều thập kỷ trước đây khi ông Tập tới thăm Iowa.
Việc ông Branstad từ chức vào thời điểm này sẽ khiến vị trí đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh bị khuyết một thời gian và đúng vào thời điểm hai quốc gia đang đối đầu quyết liệt trong mọi vấn đề từ luật an ninh mới tại Hồng Kông, tới cách xử lý đại dịch virus corona chủng mới và các vấn đề lãnh thổ trên Biển Đông.
Washington có thể không có đại sứ tại Trung Quốc trong vài tháng ngay cả khi ông Trump tái cử sau ngày 3/11. Thượng viện Mỹ chỉ lên lịch họp khoảng 2 tuần trước Ngày Bầu cử mà vị trí đại sứ lại phải do viện này chuẩn thuận.
Thông tin ông Branstad sẽ từ chức đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đến chỉ một tuần sau khi hai nước đấu khẩu về việc bên nào mới thấu hiểu tự do báo chí nhất liên quan đến sự việc tờ Nhân dân Nhật báo từ chối đăng bài bình luận của Đại sứ Branstad.
Nhân dân Nhật báo đã không cho đăng bài bình luận của ông Branstad với tựa “Thiết lập lại mối quan hệ dựa trên sự đối ứng”, trong đó đề cập tới thực trạng mất cân bằng trong quan hệ Mỹ – Trung, nhấn mạnh rằng các công ty, nhà báo, các nhà ngoại giao và các tổ chức xã hội dân sự Mỹ đã không được tiếp cận Trung Quốc một cách công bằng.
“Trong khi các nhà báo Mỹ phải đối mặt với các hạn chế về đưa tin và thậm chí bị hạn chế nhập cảnh vào Trung Quốc, thì giới truyền thông nhà nước Trung Quốc một thời gian dài đã được hưởng sự tiếp cận mở tại Mỹ”, Đại sứ Branstad viết.
Nhân dân Nhật báo từ chối đăng bài viết của ông Branstad vào thời điểm Mỹ vừa ra quyết định thu hồi hơn 1.000 thị thực của các công dân Trung Quốc và cả hai nước cũng đã đang hạn chế thị thực của các nhà báo mỗi bên.
Trả lời thư của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc từ chối đăng bài viết của đại sứ Mỹ, Nhân dân Nhật báo nói rằng bài viết của đặc phái viên Mỹ không đáp ứng được các tiêu chuẩn của báo. “Theo quan điểm của chúng tôi, bài bình luận ghi tên của Đại sứ Branstad chứa đầy lỗ hổng, và cực kỳ không phù hợp với hiện thực”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Tư tuần trước phát đi tuyên bố cho hay: “Phản ứng của Nhân dân Nhật báo một lần nữa cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ hãi tự do ngôn luận và thảo luận tri thức nghiêm túc, cũng như sự đạo đức giả của Bắc Kinh khi họ than phiền về việc đối xử thiếu công bằng và đối ứng [với công dân Trung Quốc] tại các quốc gia khác”.
Ông Pompeo nói rằng Trung Quốc phải tôn trọng tự do báo chí. “Việc họ từ chối như vậy chỉ cho thấy những tinh anh của ĐCSTQ không do dân bầu sợ hãi nhiều ra sao về tư duy tự do của người dân nước họ và sự đánh giá của thế giới tự do về hành vi cai trị của họ bên trong Trung Quốc”.
Phản bác lại ông Pompeo, Nhân dân Nhật báo một ngày sau đó phát đi tuyên bố nói rằng họ – giống như truyền thông Mỹ – có quyền quyết định xuất bản những gì và thực hiện chỉnh sửa bài viết nếu cần. Tờ báo của ĐCSTQ đã gọi những phát biểu của ông Pompeo là sự tấn công đầy ác ý vào truyền thông Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh đại sứ Trung Quốc tại Washington – thường xuyên xuất hiện trên truyền thông Mỹ – chưa bao giờ mạt sát nước chủ nhà và luôn cam kết thúc đẩy trao đổi và hợp tác hữu nghị song phương.
https://trithucvn.org
Không có nhận xét nào