Thủ tướng ABE
Không những người Nhật và cả thế giới đều bàng hoàng, tự hỏi Nhật Bản sẽ đi về đâu và ảnh hưởng đến tình hình thế giới như thế nào?
Văn hoá “làm việc cho tới chết” của dân tộc Phù Tang đã ảnh hưởng không ít tới căn bệnh đường ruột của thủ tướng tại vị lâu nhất (2012-2020). Mari Imada gốc Nhật từng sống ở Paris nhận xét “Ở Châu Âu, kỳ nghỉ hè dài là niềm tự hào. Nhưng, ở Nhật Bản, bạn phải luôn bận rộn mới là người thành đạt”.
Sự từ chức của Thủ tướng Abe như nhắc nhở những nguyên thủ quốc gia thích ôm chiếc ghế suốt đời hãy biết tự trọng để không làm hại tới lợi ích quốc gia dân tộc.
Luật sư Joe Biden đắc cử Thượng nghị sĩ năm 1972, hai lần không được Đảng Dân Chủ đề cử đại diện tranh chức tổng thống năm 1988 và 2008; được chọn làm phó tổng thống 2008-2016. Dù đã nổi tiếng ngớ ngẩn và nói bậy từ lâu, nhưng, ở tuổi 78 Biden vẫn thích chiếc ghế tổng thống Mỹ giống thơ của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng. Cầm bằng làm mướn, mướn không công!”.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch Nước, Nguyễn Phú Trọng tuy sức khỏe giảm sút suốt hai năm qua, ít khi xuất hiện trước công chúng mà vẫn bình chân như vại!
Chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng Nhật Bản
Các chính trị gia Nhật Bản đang ráo riết chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng, tuy nhiên, chỉ gói gọn trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vì các đảng đối lập quá yếu. LDP chiếm đa số tại Thượng viện lẫn Hạ viện.
Nhiều chính trị gia được báo chí đề cập tới, nhưng, chỉ có ba nhân vật nổi bật thực sự bước vào cuộc vận động từ ngày 07-09-2020 và bỏ phiếu một tuần sau. LDP và Đảng Dân Chủ Lập Hiến (CDP) đồng ý triệu tập Quốc hội ngày 16-09-2020 để chọn tân thủ tướng.
Fumio Kishida, Chủ tịch Hội đồng Chính sách của LDP, từng giữ chức Ngoại trưởng suốt 4 năm 8 tháng trong Chính phủ Abe đã tranh cử bằng khẩu hiệu “từ chia rẽ đến thống nhất”, muốn Nhật Bản đi đầu trong trong việc xây dựng quy tắc về môi trường, năng lượng, chăm sóc sức khỏe, giải trừ nguyên tử và hợp tác, cố gắng trở thành một quốc gia được coi là quan trọng trong xã hội quốc tế.
Tuy nhiên, bức hình ông Kishida mặc Âu phục chỉnh tề, ngồi tại bàn ăn gia đình chỉ có một phần cơm trong khi vợ ăn mặc như người hầu bàn đứng khúm núm được tung lên mạng xã hội nên bị chỉ trích về thái độ gia trưởng và coi thường phụ nữ. Giấc mơ Kishida đang phai tàn khi 5 trong 7 nhóm của LDP ủng hộ Chánh văn phòng Nội các, Yoshihide Suga, 72 tuổi từng giữ chức này từ năm 2012. Suga hứa tiếp nối chính sách Abenomics và đẩy mạnh hơn để kích thích nền kinh tế bị Đại dịch Vũ Hán tác động dữ dội; tìm cách gặp Chủ tịch Bắc Hàn, Kim Chính Ân vô-điều-kiện; không thay đổi thái độ về biện pháp hoà bình cứng rắn với Nga liên quan tới tranh chấp “Lãnh thổ Phương Bắc” mà Liên Sô chiếm cuối Đệ nhị Thế chiến và đặt tên Quần đảo Kuril. Do đó, các nhóm trong LDP đang cố chiếm các vị trí quan trọng của Nội các mới.
Di sản của Thủ tướng Shinzo Abe
Shinzo Abe được bầu vào chức Thủ tướng năm 2006, nhưng, từ chức sau một năm vì bệnh đường ruột. Sau khi hồi phục sức khoẻ, Abe trở thành thủ tướng năm 2012, 2014, 2017.
Trước nguy cơ lớn mạnh của Trung Cộng với tham vọng phục thù Nhật Bản và thống trị toàn cầu nên Abe quyết định thay đổi vị thế Xứ Mặt Trời Mọc về an ninh lẫn kinh tế, ngoại giao như một cường quốc hạng hai trên thế giới.
Năm 2007, khi công du Ấn Độ, Thủ tướng Abe đã trình bày kế hoạch “Hợp lưu giữa hai biển” làm nền tảng của Chủ nghĩa Quốc tế Nhật Bản: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP).
Sau khi trở lại chính trường năm 2012, Abe sẵn sàng phối hợp với Hoa Kỳ và Ấn Độ trong việc bảo vệ an ninh cho hoạt động trên hai đại dương. Từ đó, hình thành khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng. Cuối cùng Bộ tứ Kim Cương, QUAD, gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi đã đi vào hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ vào thời Tổng thống Donald Trump. Abe đã diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp để Nhật Bản có thể tăng cường sức mạnh quân sự, mở rộng hoạt động hành quân với Hoa Kỳ và các đồng minh khác.
Vòng vây Trung Cộng (TC) ngày càng siết chặt mà Giải phóng quân Nhân dân Trung Cộng (PLA) khó lòng phá vỡ.
Đồng thời, mở rộng quan hệ kinh tế với Trung Cộng và các quốc gia Châu Á và khắp thế giới nhằm đa-dạng-hoá chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi lưỡng viện Hoa Kỳ không phê chuẩn Thoả thuận Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Nhật Bản nhận trọng trách điều hành Thoả ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ và Toàn diện (CPTPP). Tokyo cạnh tranh với Bắc Kinh khi cung ứng cho các quốc gia Đông Nam Á các cơ sở hạ tầng phẩm chất cao và an toàn. Nhật Bản mở rộng đầu tư ra khắp thế giới với chuyên gia kỹ thuật giúp cho các nước tiếp nhận cơ hội vươn lên. Bắc Kinh ngưng xuất cảng đất hiếm, cấm du lịch Nhật Bản đã không thể khuất phục Shinzo Abe mà càng giúp cho các quốc gia tự do dân chủ siết chặt hàng ngũ hơn.
Shinzo Abe áp dụng ngoại giao đa dạng, không lệ thuộc mà phối hợp chặt chẽ, đặc biệt với Hoa Kỳ. Là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Hoa Thịnh Đốn gặp Tân Tổng thống Donald Trump mở đầu một giai đoạn hợp tác chặt chẽ để chống bành trướng, bá quyền TC. Từ đó, hai vị như một cặp bài trùng ngăn chặn tham vọng vô bờ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bây giờ, Nhật Bản đã trở thành cường quốc hạng trung mà thế giới không thể thiếu.
Tình hình thế giới thời hậu-Abe
Yoshihide Suga chắc chắn trở thành Thủ tướng sau ngày 16-09-2020 nên hé lộ sẽ tiếp tục Abenomics bằng Suganomics chỉ khác biệt về chính sách tài khóa: kết hợp chính sách tài khóa tích cực với cải cách chi tiêu. Điều đó có thể mở ra cánh cửa cho việc tăng lương tối thiểu nhanh hơn gây tốn kém cho các doanh nghiệp. Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng dân số già đi tồi tệ nhất trong số các quốc gia tiên tiến nên Suga thực hiện chương trình thị thực mở rộng cánh cửa cho lao động nước ngoài không có tay nghề; trả lương cho họ bằng người Nhật nhằm thu hút tài năng nước ngoài.
Suga sẽ duy trì định hướng của Abe về chính sách đối ngoại, tập trung vào liên minh Mỹ-Nhật; cần phải “đa dạng hóa các cơ sở sản xuất trên một số quốc gia”; hạn chế sự đầu tư của nước ngoài (hàm ý Trung Cộng) vào các công ty ở Nhật.
Cộng đồng quốc tế sẽ không thấy một sự thay đổi mãnh liệt tại Nhật Bản vì ảnh hưởng của Shinzo Abe sẽ còn tiếp tục kéo dài do người dân thấy hãnh diện vì đất nước đã có ảnh hưởng lớn tới thế giới.
Trung Cộng muốn Nhật Bản có vị Tân Thủ tướng thân thiện hơn mà không dám áp dụng kiểu “ngoại giao lang sói” như lúc cao điểm Virus Vũ Hán, hoặc đối xử thô bạo với Tiệp Khắc khi dám thân thiện với Đài Loan.
Tổng thống Donald Trump chỉ bất ngờ khi nghe tin Thủ tướng Shinzo từ chức hầu tránh sự can thiệp vào nội bộ một đồng minh chí cốt ở Châu Á. Abe hay Suga đều thuộc Đảng Dân Chủ Tự do có chính sách chống Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Xã hội nằm trong xu hướng dân chủ tự do hiện nay của nhân loại.
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
China, US and South Korea grapple with a post-Abe Japan (Nikkei)
Fumio Kishida unveils platform in bid to stand out from Suga (Japan Times)
As Suga surges, LDP factions jostle for possible posts in next administration (Japam Times)
Already the front-runner, Suga enters race for LDP president (Asahi Shimbun)
EDITORIAL: LDP again puts power structure over intraparty democracy (Asahi Shimbun)
‘Suganomics’ from A to Z: policies of Japan’s PM front-runner (Nikkei)
Chinese Experts Think US-China Rivalry Accelerated Shinzo Abe’s Departure (Diplomat)
Will Japan’s Indo-Pacific activism survive after Abe? (Asia Times)
https://baotgm.net/
Không có nhận xét nào