Why China has so few options to hit back over US ban on TikTok
Beijing quietly building up its Noah's Ark in case of a total US-China "Splinternet"
Nina Xiang, Nikkei Asia Review
Gia Huy biên dịch.
LightRocket/Getty Images
Bắc Kinh đang thầm lặng xây dựng “con thuyền Nô-ê” trong trường hợp xảy ra “Splinternet” (phân chia mạng internet) hoàn toàn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Mặc dù Mỹ đã liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng cho các công ty công nghệ Trung Quốc từ ZTE, Huawei, TikTok cho đến WeChat, nhưng Bắc Kinh hầu như có không phản ứng đáng kể nào.
Ngoài việc đưa ra những lời đe dọa chính thức và việc lập một danh sách các thực thể mang tính biểu trưng, Trung Quốc đã không có bất kỳ hành động phản ứng thực tế nào. Đó là do Trung Quốc không có nhiều lựa chọn hiệu quả để trả đũa lại một siêu cường công nghệ thực sự của thế giới như Mỹ.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ sẽ thành công trong việc duy trì vị thế bá chủ về công nghệ của mình trong dài hạn.
Nếu muốn đáp trả lệnh cấm của Mỹ, Trung Quốc có thể lựa chọn phương án khả thi nhất là làm tổn thương các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ như Apple, Intel, Micron Technology, Broadcom và Boeing.
Các công ty Mỹ này có doanh thu bán hàng lớn nhất là tại thị trường Trung Quốc. Doanh số tại Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến doanh số toàn cầu của họ. Do đó bất kỳ hành động nào của Trung Quốc cũng sẽ khiến các công ty này chịu ảnh hưởng nặng nề và tổn thất nhiều nhất.
Tuy nhiên, các con chip của các các công ty bán dẫn này có vai trò cực kỳ quan trọng đối với lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Vì vậy, việc cấm các công ty này chỉ làm các công ty Trung Quốc chịu tổn thất còn lớn hơn.
Trong một số trường hợp, cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm giảm dần sự phụ thuộc của các công ty Mỹ vào doanh số tại Trung Quốc.
Ví dụ, doanh số tại Trung Quốc của hãng Boeing đã giảm từ mức 12 tỷ USD năm 2017 xuống mức 5,7 tỷ USD năm 2019, trong khi đó tỷ lệ doanh thu Trung Quốc giảm từ mức 13% xuống mức 7% trên tổng doanh thu toàn cầu, mặc dù vụ bê bối Boeing 737 Max cũng có thể góp phần vào sự sụt giảm này.
Doanh thu tại Trung Quốc của hãng Qualcomm cũng giảm từ mức 14,6 tỷ USD năm 2017 xuống mức 11,6 tỷ USD năm 2019, dẫn đến tỉ lệ giảm từ mức 66% xuống 48%. Doanh thu tại Trung Quốc và tỷ lệ của Apple đạt đỉnh 59 tỷ USD và 25% vào năm 2015 đã giảm xuống mức 44 tỷ USD và 17% năm 2019.
Những xu hướng như vậy làm giảm thiểu khả năng gây thiệt hại của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.
Trong số này, Apple được xem là viên ngọc quý trên vương miện công nghệ của Hoa Kỳ và thường được nhắc đến như một mục tiêu có thể bị Trung Quốc trừng phạt. Trung Quốc cần phải cực kỳ cẩn trọng bởi vì bất cứ hành động nào chống lại Apple cũng có thể kích hoạt thêm đòn trả đũa của Mỹ.
Tương tự như vai trò thống trị của đồng đôla Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, Mỹ cũng là nền tảng của Internet toàn cầu ngày nay. Không cần sử dụng bất kỳ vũ khí “hạt nhân” nào trong kho vũ khí của mình, Mỹ vẫn có thể phá hủy toàn bộ hệ thống kỹ thuật số của Trung Quốc nhờ các chất bán dẫn của mình.
Ví dụ, lệnh cấm các thực thể Trung Quốc sử dụng hệ điều hành của Mỹ sẽ làm tê liệt các thiết bị công nghệ của Trung Quốc. Hệ điều hành Windows của Microsoft chiếm 82% thị phần tại Trung Quốc vào năm 2019. Mặc dù các nhà phát triển trong nước của Trung Quốc đang chạy đua để tạo ra phần mềm và các lựa chọn thay thế như hệ điều hành Linux nguồn mở, nhưng sẽ phải mất một thời gian khá dài để hiện thực hoá việc này.
Mỹ cũng có thể ngắt kết nối của Trung Quốc ra khỏi Internet toàn cầu bởi vì các proxies của Mỹ đang kiểm soát Tập đoàn internet cung cấp tên và số chỉ định (ICANN) và công ty quản lý nhật ký internet toàn cầu, nơi chỉ định và tương thích tên miền với địa chỉ IP. Mặc dù những động thái thất sách này rất khó xảy ra nhưng chắc chắn nó cũng chiếm một phần trong suy nghĩ của cả Bắc Kinh và Washington.
Sự thật đơn giản là Trung Quốc là nước đi sau trong lĩnh vực công nghệ và vẫn còn tụt hậu trong hầu hết các lĩnh vực quan trọng như chip, robot, sản xuất máy bay và dược phẩm.
Nếu chỉ dựa trên một số ngoại lệ như ưu thế dẫn đầu của Huawei về mạng 5G, một số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ, thậm chí trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như công nghệ giám sát và nhận diện khuôn mặt mà đơn giản khẳng định rằng sức mạnh của Trung Quốc là dựa trên quy mô thương mại hóa hiện thời, các công trình nghiên cứu và vốn đầu tư thì đó là cách nghĩ sai lầm.
Hãy thử nghĩ theo cách này: có bất kỳ công ty công nghệ Trung Quốc nào mà không có sự hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ có thể tồn tại không? Câu trả lời là không.
Vậy điều này có nghĩa là Trung Quốc phải chấp nhận thất bại? Phản ứng của Bắc Kinh cho đến lúc này cho thấy họ đang chuẩn bị và chờ đợi cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Điều này dựa trên quan điểm cho rằng thái độ gây hấn của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc là nhằm mục đích chuyển sự chú ý của người dân ra khỏi cuộc khủng hoảng đại dịch và thúc đẩy sự ủng hộ của cử tri.
Mặc dù Trung Quốc đang học cách khiêm tốn hơn trong khoảng thời gian này như giảm đi những khẩu hiệu cường điệu giống như “Made in China 2025”, nhưng Bắc Kinh đang âm thầm xây dựng “một con thuyền Nô-ê” của họ để phòng ngừa trường hợp xảy ra sự chia cắt hoàn toàn Internet (splinternet) giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các dấu hiệu cũng cho thấy cách Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến công nghệ toàn diện như vậy, bao gồm chỉ thị yêu cầu các cơ quan chính phủ thay thế tất cả các máy tính không dùng hệ điều hành và phần mềm của Trung Quốc trong vòng ba năm tới.
Mùa hè năm ngoái, hai tổ chức Trung Quốc được giao nhiệm vụ thiết lập các máy chủ nhân bản gốc tên miền để đảm bảo rằng Internet ở Trung Quốc vẫn có thể hoạt động trong trường hợp có bất kỳ cú sốc nào từ bên ngoài. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang đổ một lượng vốn và tài nguyên khổng lồ vào để xây dựng toàn bộ chuỗi công nghiệp chất bán dẫn của mình.
Nếu cuộc xung đột công nghệ Mỹ Trung tiếp tục xấu đi, tất cả chúng ta phải dự định trước khả năng Internet toàn cầu bị chia cắt. Và bởi vì Trung Quốc đã có nền tảng, tài năng, nguồn tài nguyên và thậm chí là đồng minh để dần dần bắt kịp thông qua việc xây dựng và mở rộng hệ sinh thái của họ, họ có thể sẽ thách thức quyền bá chủ công nghệ của Mỹ. Do vậy, một cuộc chiến công nghệ leo thang với Trung Quốc không phải là lợi ích lâu dài của Washington.
Nina Xiang, Nikkei Asia Review
Gia Huy biên dịch.
https://vietluan.com.au/
Không có nhận xét nào