Ông Lý Đăng Huy và bà Thái Anh Văn năm 2012. Ảnh: Ashley Pon/Reuters.
Lý Đăng Huy (李登輝, tiếng Anh: Lee Teng-hui) là người đầu tiên sinh trưởng tại Đài Loan trở thành tổng thống của đảo quốc này.
Ông cũng là một người khẳng khái lập luận rằng Trung Quốc và Đài Loan chỉ có những mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia. Trong những năm cuối đời, ông vẫn kiên quyết đấu tranh cho một Đài Loan dân chủ, tự chủ, tự cường và là một quốc gia độc lập.
Luật Khoa tạp chí xin gửi đến một bài tóm tắt sơ lược về cuộc đời của ông và vai trò quan trọng của ông khi Đài Loan bắt đầu chuyển đổi sang dân chủ. Bài tổng hợp từ The News Lens, New York Times và một số nguồn khác.
1923: Sinh tại quận Đạm Thủy, Đài Bắc, Đài Loan
Ông Lý Đăng Huy sinh ngày 15/1/1923 tại quận Đạm Thủy (Tamsui District) của thành phố Đài Bắc, khi Nhật Bản vẫn còn đô hộ đảo quốc Đài Loan. Do đó, ông Lý Đăng Huy đã hưởng thụ một nền giáo dục của Nhật Bản và được đặt tên tiếng Nhật là Iwasato Masao.
Có một điều mà người Trung Quốc khó có thể chia sẻ với người Đài Loan, đó là mối quan hệ với người Nhật Bản. Sau cuộc chiến Thanh – Nhật, với Hòa ước Shimonoseki, Nhật Bản đã xem Đài Loan là một tỉnh của mình kể từ năm 1895, cho đến khi người Nhật thua trận trong Thế Chiến thứ Hai vào năm 1945.
Những sự phát triển tiến bộ tại Đài Loan vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, trong đó có y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, v.v… đều do Nhật Bản mang lại trong 50 năm đô hộ. Người Đài Loan vốn không có mối thù “Hán – Nhật” như những người Trung Quốc, và cho đến ngày nay, văn hóa Nhật Bản vẫn còn được ưa chuộng ở Đài Loan.
Ông Lý Đăng Huy không những có tên Nhật, được Nhật Bản đào tạo, mà ông còn tham chiến cho Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai. Ông Lý Đăng Huy và anh của ông, Lee Teng-ching, đều tham gia quân đội Nhật và người anh đã chết trận tại Philippines. Năm 2007, ông Lý Đăng Huy đã đến đền thờ Yasukuni để phúng điếu người anh của mình, vốn là một tử sĩ được thờ cúng tại đây.
Ông Lý Đăng Huy tốt nghiệp trường trung học danh tiếng Taipei College-Preparatory School. Trước Thế Chiến thứ Hai, ông đã đến Nhật theo học đại học tại thành phố Kyoto. Sau khi Nhật Bản thua trận, Lý Đăng Huy trở về Đài Loan. Ông theo học và ra trường với bằng kinh tế nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Đài Loan – National Taiwan University.
Sau Thế Chiến thứ Hai: Từng là đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc
Lý Đăng Huy bí mật tham gia Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi trở về Đài Loan. “Tôi đọc mọi thứ tôi có được về Karl Marx và Friedrich Engels”, ông viết trong hồi ký “Đường tới Dân chủ” (1999).
Nhưng không lâu sau đó, ông bác bỏ chủ nghĩa Marx và gia nhập Quốc Dân Đảng. Sau này, khi ông Lý trở nên nổi tiếng trên chính trường, Quốc Dân Đảng đã tiêu hủy các thư tịch liên quan đến việc ông từng tham gia Đảng Cộng sản.
Trong thập niên 1950, ông trở thành một nhà nghiên cứu tại Ủy ban Liên hiệp Nông thôn Phú hưng Quốc gia giữa Hoa Kỳ và Đài Loan (Sino-American Joint Commission on Rural Reconstruction – Tiếng Hán là 中國農村復興聯合委員會). Ông được cấp học bổng để theo học thạc sĩ và tiến sĩ ngành kinh tế nông nghiệp tại Đại học Công lập bang Iowa (lấy bằng năm 1953) và Đại học Cornell (lấy bằng năm 1968).
1972: Trở thành thành viên nội các trẻ tuổi nhất
Vào năm 1971, Giám đốc của Ủy ban Liên hiệp Nông thôn Phú hưng Quốc gia đã giới thiệu ông Lý Đăng Huy với tổng thống Đài Loan khi đó, Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo, tiếng Hán là 蔣經國). Một năm sau đó, Lý Đăng Huy tham gia nội các của Tưởng Kinh Quốc với chuyên môn về nông nghiệp của mình. Ông là người trẻ tuổi nhất tham gia nội các khi đó.
1978: Thị trưởng thành phố Đài Bắc
Tưởng Kinh Quốc bổ nhiệm Lý Đăng Huy làm thị trưởng của Đài Bắc năm 1978.
1981: Chủ tịch tỉnh Đài Loan
Lý Đăng Huy làm thị trưởng Đài Bắc được ba năm, và sau đó, Tưởng Kinh Quốc bổ nhiệm ông làm chủ tịch tỉnh Đài Loan (Governor of Taiwan Province – khi đó chính quyền Trung Hoa Dân Quốc vẫn tính Đài Loan là một tỉnh trong toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc mà họ tuyên bố chủ quyền – ND). Trong chức vụ này, Lý Đăng Huy đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, cải thiện sản xuất và thương mại của những mặt hàng nông nghiệp tại Đài Loan.
1984: Phó tổng thống Đài Loan
Vào năm 1984, Tưởng Kinh Quốc đề cử Lý Đăng Huy vào chức vụ phó tổng thống Đài Loan. Ông Lý được Quốc hội Đài Loan bỏ phiếu phê chuẩn và trở thành vị phó tổng thống thứ bảy của Trung Hoa Dân Quốc cùng năm đó.
1988: Tổng thống Đài Loan
Sau khi Tưởng Kinh Quốc mất vào năm 1988, Lý Đăng Huy thay thế họ Tưởng trở thành tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc. Lý Đăng Huy cũng là người đầu tiên sinh trưởng tại Đài Loan nắm giữ chức chủ tịch của Quốc Dân Đảng.
1990: Bão táp chính trị trong tháng Hai
Vào tháng 2/1990, một nhánh bảo thủ của Quốc Dân Đảng đã thất bại trong việc lật đổ Lý Đăng Huy nhằm đưa Hác Bách Thông (Hau Pei-tsun) lên làm tổng thống. Khi đó, Hác Bách Thông đang là Tham mưu trưởng của chính phủ. Hác Bách Thông vốn là một tướng tá cao cấp của Đài Loan, nên Lý Đăng Huy đã bổ nhiệm tướng Hác vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, và sau đó là thủ tướng. Nhưng có nhiều chuyên gia cho rằng, những vị trí này vốn là để cho Lý Đăng Huy tước đi sức mạnh quân sự của ông Hác.
1990: Xóa bỏ Quốc hội cũ được lập từ thời kỳ đầu của Quốc Dân Đảng
Vào tháng 6/1990, Lý Đăng Huy tổ chức Hội nghị Quốc sự (National Affairs Conference) với Quốc Dân Đảng và tất cả các đảng đối lập để các bên trong nền chính trị Đài Loan có thể đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp. Để trả lời những đòi hỏi từ phong trào dân chủ của sinh viên (Phong trào Hoa Bách hợp dại – Wild Lily Student Movement), Lý Đăng Huy đã kêu gọi cải cách để dân chủ hóa thiết chế nghị viện của Đài Loan.
1991: Chấm dứt luật chống phản loạn cộng sản.
Vào tháng 5/1991, Lý Đăng Huy tuyên bố sẽ chấm dứt những quy định pháp luật về “hoạt động đàn áp phe phản loạn cộng sản”. Những quy định này vốn là lý do căn bản để Quốc Dân Đảng “đóng băng” Hiến pháp trong thời kỳ thiết quân luật (1949 – 1987). Vậy nên cùng lúc đó, ông cũng bắt đầu những nỗ lực sửa đổi Hiến pháp. Sau khi Hiến pháp được sửa đổi, những chuyển biến dân chủ ở Đài Loan đã tiến được những bước rất xa. Ba năm sau, Quốc hội Đài Loan quyết định người dân sẽ có quyền bầu cử trực tiếp chức vụ tổng thống từ năm 1996.
1996: Trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan. Xung đột eo biển Đài Loan với Trung Quốc
Lý Đăng Huy đắc cử với 54% số phiếu vào năm 1996 và trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan. Ông cũng là tổng thống đầu tiên của Đài Loan đến thăm Hoa Kỳ một năm trước đó. Cuộc bầu cử dân chủ tự do đầu tiên và việc Lý Đăng Huy từng đến Mỹ khiến Trung Quốc phẫn nộ và đe dọa Đài Loan bằng việc diễu võ với vũ khí tên lửa trong nhiều tháng.
1999: Học thuyết “Hai Quốc Gia”
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Deutsche Welle ngày 9/7/1999, Lý Đăng Huy lần đầu tiên định nghĩa mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan là “mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước”. Lập luận này được gọi là “Học thuyết Hai Quốc gia” (Theory of Two States).
2000: Hết nhiệm kỳ tổng thống
Lý Đăng Huy hết nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2000. Cùng vào năm đó, ông cũng từ chức chủ tịch Quốc Dân Đảng.
2001: Đài Loan Liên minh Đoàn kết
Vào năm 2001, Lý Đăng Huy công khai ủng hộ một chính đảng mới được thành lập, Đài Loan Liên minh Đoàn kết (台灣團結聯盟, Taiwan Solidarity Union), chính thức rời bỏ Quốc Dân Đảng.
2012: Ủng hộ bà Thái Anh Văn tranh cử tổng thống lần đầu
Mặc dù Lý Đăng Huy đã từng là cựu đảng viên của Quốc Dân Đảng và tham gia chính trị với đảng phái này, nhưng ông đã ủng hộ bà Thái Anh Văn của Dân Tiến Đảng. Trong lần đầu tiên bà Thái Anh Văn ra tranh cử tổng thống năm 2012, ông Lý Đăng Huy đã xuất hiện ở nhiều sự kiện để ủng hộ bà. Tuy bà Thái Anh Văn thất cử năm 2012 trước Mã Anh Cửu, bà đắc cử vào năm 2016 và 2020.
2020: Qua đời
Vì tuổi già và sức khỏe không tốt trong những năm gần đây, Lý Đăng Huy đã không tham gia nhiều sự kiện công cộng. Ông qua đời vào ngày 30/7/2020 sau hơn năm tháng nằm viện do viêm phổi vào tháng 2/2020, thọ 97 tuổi. Ông cũng là người được nhiều nhà hoạt động trẻ ở Đài Loan yêu mến vì ông luôn tranh đấu cho nền độc lập của đảo quốc này, cũng như chỉ trích những vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.
https://www.luatkhoa.org/2020/07/ly-dang-huy-nguoi-khong-lo-cua-dao-quoc-dai-loan/
Không có nhận xét nào