Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ tiến gần “lằn ranh đỏ” – Trung Quốc “dàn trận” đối phó

     Chính quyền tổng thống Donald Trump quyết định mở chiến dịch toàn diện chống đối thủ Trung Quốc. Đài Loan là mặt trận tiếp theo, sau Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương, gián điệp, thương mại, công nghệ, nghiên cứu, virus corona…

    Mỹ tiến gần “lằn ranh đỏ” – Trung Quốc “dàn trận” đối phó
    Chuyến công du Đài Loan ba ngày, từ ngày 10/08/2020, của bộ trưởng Y Tế Mỹ Alex Azar được cho là một bước ngoặt trong chiến lược tái tranh cử của tổng thống Donald Trump.

    Trên nguyên tắc, bộ trưởng Y Tế Mỹ thăm Đài Loan để tìm hiểu kinh nghiệm chống dịch và nghiên cứu bào chế vac-xin phòng Covid-19. Đài Loan là bên đầu tiên cảnh báo với Tổ Chức Y Tế Thế Giới về khả năng virus corona lây từ người sang người ngay từ tháng 12/2019, trong khi lúc đó Bắc Kinh vẫn khăng khăng bác bỏ.

    Việc cử bộ trưởng Y Tế đến thăm Đài Loan được Washington tính toán rất kỹ, “cho thấy chính quyền Mỹ tôn trọng hệ thống, mà vẫn thách thức Trung Quốc”, theo nhận định của ông Douglas Paal, người từng điều hành Viện Mỹ tại Đài Loan dưới thời tổng thống George W. Bush, với AFP . Ngoài ra, việc “không chọn một cố vấn An ninh Quốc gia hoặc một người có chức vụ tương đương cho thấy rằng chính quyền Mỹ thử tiến càng gần càng tốt đến lằn ranh đỏ của Trung Quốc, nhưng họ không muốn vượt qua”.

    Hoa Kỳ công nhận một nước Trung Quốc duy nhất, nhưng vẫn thận trọng duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan và trở thành nhà cung cấp vũ khí số một cho hòn đảo. Một số điểm đã bắt đầu thay đổi từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống. Ông trở thành nguyên thủ Mỹ đầu tiên kể từ năm 1979 điện đàm với đồng nhiệm Đài Loan, khi bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) gọi điện chúc mừng ông đắc cử. Chính quyền Trump đã bán thêm nhiều vũ khí tối tân cho Đài Bắc, trong đó có nhiều chiến đấu cơ hiện đại.

    Hoa Kỳ vẫn chỉ trích gay gắt Trung Quốc gây áp lực khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) không xem xét cảnh báo của Đài Loan về đại dịch Covid-19.

    Chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Alex Azar còn có một ý nghĩa biểu tượng khác : Mỹ đánh giá cao “sự minh bạch, nền dân chủ năng động của xã hội và văn hóa Đài Loan”, trái với sự mập mờ, lấp liếm, vụ lợi của Bắc Kinh khi giúp nước khác chống virus corona, mà tổng thống Trump luôn gọi là “virus Trung Quốc”, thay vì dùng tên gọi chính thức Covid-19.

    Tổng thống Mỹ vẫn đẩy trách nhiệm cho chính quyền Bắc Kinh đã không ngăn dịch bệnh “tại gốc” và những lời chỉ trích Trung Quốc gia tăng theo cường độ nguyên thủ Mỹ bị chỉ trích về chiến lược xử lý dịch ở trong nước, cũng như về thái độ coi thường sức khỏe cộng đồng.

    Đài Loan, nơi có chưa đầy 500 ca nhiễm và chỉ có 7 ca tử vong vì Covid-19, trở thành một quân cờ trong thế trận tái tranh cử tổng thống của ông Donald Trump. Theo chuyên gia Gerrit van der Wees, đại học George Mason, ban đầu, tổng thống Donald Trump do dự về việc thắt chặt quan hệ với Đài Loan trong khi vẫn đang đàm phán về thương mại với Bắc Kinh. Nhưng những quyết định gần đây của Bắc Kinh về Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ, hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông…, đã khiến ông thay đổi ý kiến.

    Chuyến công du của bộ trưởng Azar diễn ra vào lúc quan hệ Mỹ-Trung đang trong giai đoạn xấu nhất kể từ khi thiết lập bang giao vào năm 1979 và chuyến đi này bị Bắc Kinh cảnh báo là mối đe dọa cho “hòa bình và ổn định”. Tuy nhiên, chuyên gia Gerrit van der Wees cho rằng “chính quyền Trump ít quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc”, mà thấy đây là “một cơ hội ủng hộ chặt chẽ hơn Đài Loan, nơi đã xây dựng được một nền dân chủ năng động và là một sức mạnh tích cực cho thế giới”.

    Đối với Đài Loan, không được Liên Hiệp Quốc công nhận là một Nhà nước độc lập, chuyến công du của bộ trưởng Y Tế Mỹ là bước mở đầu cho việc kết nối hòn đảo với cộng đồng quốc tế. Sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hồng Kông, Đài Loan lo cho số phận của mình và không từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để đánh động dư luận thế giới: Bắc Kinh vẫn đe dọa dùng vũ lực thống nhất Đài Loan trong trường hợp hòn đảo tuyên bố độc lập, hoặc có can thiệp từ nước ngoài, kể cả Mỹ.

    Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự sát cạnh Đài Loan

    Đài Bắc vận động công luận quốc tế trước nguy cơ sau Hồng Kông, đến lượt Đài Loan trong tầm ngắm của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo hôm 22/07/2020, ngoại trưởng Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ngày càng tiến gần đến lãnh thổ Đài Loan.

    Thông tín viên Adrien Simorre giải thích:

    “Trung Quốc đang tăng tốc công tác chuẩn bị quân sự trên không và trên biển chung quanh Đài Loan“. Ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp cho biết như trên trong buổi nói chuyện với phóng viên quốc tế tại Đài Bắc cách đây hai ngày.

    Ông nêu bật các hoạt động của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, không quân Trung Quốc liên tục thâm nhập không phận của Đài Loan trong những tháng qua. Ngoài ra, bộ trưởng Ngô Chiêu Tiếp còn mô tả các cuộc tập trận do Bắc Kinh tiến hành với bài tập đổ bộ lên Đài Loan.

    Trung Quốc chưa bao giờ che giấu ý định thôn tính Đài Loan, kể cả bằng vũ lực. Nhưng tới nay, sự yểm trợ của Mỹ giúp giảm thiểu rủi ro này. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong những tháng gần đây với căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng và nhất là ngày càng có nhiều người dân Đài Loan dứt khoát bác bỏ mọi kế hoạch Trung Quốc thống nhất hòn đảo này.

    Sau khi Bắc Kinh đã siết chặt gọng kềm kiểm soát Hồng Kông, ngoại trưởng Đài Loan muốn đánh động công luận quốc tế với hy vọng thế giới sẽ có phản ứng trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công.

    Chiến đấu cơ Trung Quốc “lọt vào tầm bắn của tên lửa Đài Loan“

    Các chiến đấu cơ của không quân Trung Quốc hôm 10-8 băng qua đường trung tuyến thuộc Eo biển Đài Loan giữa thời điểm Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar đang thăm hòn đảo.

    Reuters dẫn lời chính quyền Đài Bắc cho biết các chiến đấu cơ J-11 và J-10 của Trung Quốc tiếp cận eo biển bên phía Đài Loan vào khoảng 9 giờ sáng (giờ địa phương), ngay trước khi ông Azar gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.

    Cơ quan Quốc phòng Đài Loan tuyên bố máy bay Trung Quốc sau đó bị hệ thống tên lửa phòng không của Đài Bắc trên đất liền theo dõi, cuối cùng “bị các máy bay tuần tra của Đài Loan ép rời đi“. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không bình luận khi được Reuters liên lạc.

    Một quan chức cấp cao Đài Loan bình luận Trung Quốc rõ ràng đang nhắm mục tiêu đến chuyến thăm của ông Azar nhưng điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi máy bay Trung Quốc ở trong tầm bắn của tên lửa Đài Loan.

    Đây là lần thứ ba máy bay Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến thuộc Eo biển Đài Loan kể từ năm 2016.

    Về chuyến thăm của ông Azar, quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan trong 4 thập kỷ, Trung Quốc lên án chuyến thăm này và cảnh báo sẽ trả đũa.

    Chính quyền Tổng thống Trump xem việc tăng cường sự ủng hộ Đài Loan là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên xấu đi.

    Tại cuộc gặp bà Thái Anh Văn hôm 10-8, ông Azar phát biểu: “Thật vinh dự khi tôi có mặt ở đây để truyền tải thông điệp về sự ủng hộ và tình hữu nghị mạnh mẽ từ Tổng thống Trump tới Đài Loan. Phản ứng của Đài Loan đối với dịch Covid-19 là một trong những phản ứng thành công nhất trên thế giới“.

    Bộ trưởng Alex Azar nói: “Có ba chủ đề bao quát cho chuyến thăm này. Thứ nhất là để công nhận Đài Loan là một xã hội cởi mở và dân chủ, đã đưa ra phản ứng COVID-19 minh bạch và thành công cao.

    Thứ hai là để tái xác nhận Đài Loan là một người bạn và đối tác lâu dài của Mỹ, và để nêu bật lịch sử hợp tác rộng rãi của chúng ta về y tế.

    Thứ ba là để lưu ý rằng Đài Loan xứng đáng được công nhận là một nhà lãnh đạo y tế toàn cầu, với thành tích xuất sắc trong việc đóng góp cho y tế quốc tế“.

    Washington cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Bắc từ năm 1979 để chính thức lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

    Đáp lại, bà Thái cho biết: “Chuyến thăm của ông Azar đại diện cho một bước tiến lớn về sự hợp tác chống đại dịch giữa Đài Loan và Mỹ”. Theo bà, Đài Loan đặc biệt biết ơn sự hỗ trợ của Mỹ trong việc mở đường cho Đài Loan tham dự Hội đồng Y tế Thế giới (WHA). “Quyết định cấm Đài Loan tham gia WHA là vi phạm các quyền về sức khỏe nói chung” – bà Thái nói.

    Trước đó, Đài Loan đã được đánh giá cao nhờ vào phản ứng hiệu quả của hòn đảo này với đại dịch COVID-19. Tính đến sáng 10-8, Đài Loan ghi nhận khoảng 480 ca nhiễm và 7 ca tử vong do dịch bệnh này.

    Ngay trước khi chuyến thăm của ông Alex Azar chính thức diễn ra, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và từng tuyên bố không loại trừ biện pháp dùng vũ lực để thống nhất hòn đảo này.

    “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động tương tác chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan. Lập trường này là nhất quán và rõ ràng“, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuần trước tuyên bố.

    Đài Loan tập trận với kịch bản đẩy lùi ý đồ xâm lược

    Đài Loan huy động ba lực lượng không quân, hải quân và lục quân tiến hành 5 ngày tập trận bắn đạn thật theo kịch bản đẩy lùi một cuộc xâm lược kể từ ngày 16/07/2020. Cuộc tập trận hàng năm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và cho thấy quyết tâm bảo vệ hòn đảo, mà Trung Quốc vẫn coi là một tỉnh nổi loạn.

    Theo Reuters, cuộc tập trận « Hán Quang » (Han Kuang) diễn ra ở một vùng ven biển gần Đài Trung (Taichung), miền trung Đài Loan, huy động nhiều xe tăng, máy bay F-16 và chiến đấu cơ Ching-kuo do Đài Loan sản xuất và khoảng 8.000 quân nhân.

    Phát biểu trước các lực lượng tham gia tập trận, tổng thống Thái Anh Văn nhắc lại : « Cuộc tập trận Hán Quang là một sự kiện quan trọng hàng năm đối với quân đội Đài Loan nhằm đánh giá sự phát triển khả năng chiến đấu, ngoài ra còn cho phép thế giới biết quyết tâm và nỗ lực của chúng ta (Đài Loan) trong việc bảo vệ lãnh thổ ».

    Từ đầu năm 2020, Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự quanh hòn đảo. Đài Loan đã phải huy động lực lượng không quân lên « đuổi » chiến đấu cơ và máy bay ném bom áp sát hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là vùng lãnh thổ không thể chia cắt được.

    Reuters nhắc lại, dù quân đội Đài Loan được huấn luyện và trang bị tốt, chủ yếu là trang thiết bị do Mỹ sản xuất, nhưng Trung Quốc có lợi thế về lực lượng, cũng như thiết bị quân sự tiên tiến, trong đó có máy bay tàng hình và nhiều loại tên lửa đạn đạo mới.


    https://thoibao

    Không có nhận xét nào