Xin được nói rõ: đây chỉ là chút hồi ức dựa vào những gì tác giả mắt thấy tai nghe trong thời gian có mặt ở Côn đảo những năm 1970-1972. Mục đích chủ yếu của bài viết này chỉ nhằm giúp bạn yêu sử có thêm một số dữ kiện cụ thể để bổ sung, tự đánh giá những gì mình đã đọc thấy, nghe thấy về vấn đề này từ trước đến nay. Cũng vì thế, mọi ý kiến, bình luận, tranh luận ngoài lề nhằm so sánh các chế độ lao tù khác nhau, hoặc nhằm kích động thêm sự hằn thù giữa các thành phần dân tộc đang sống trong và ngoài nước hiện nay đều không được hoan nghênh.
Lê Nguyễn – Ký ức vụ về chuyện tù Côn Đảo những năm 1970 đến 1972 |
Ít lâu sau, trong lúc ngồi duyệt văn thư ở nhiệm sở của tôi là Văn phòng quận Kiên Tân (nay là Tân Hiệp), tỉnh Kiên Giang, tôi đọc thấy một công điện do Tòa hành chánh tỉnh gửi cho các quận, đại ý: Thủ tướng chính phủ (lúc đó ông Trần Thiện Khiêm là Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Nội vụ) sẽ ban hành sắc lệnh thành lập chức vụ Phụ tá Hành chánh tại Cơ sở HC Côn Sơn, Bộ Nội vụ cần một viên chức ngạch Đốc sự HC tình nguyện ra đó làm việc. Tôi suy nghĩ 15 phút rồi tự tay soạn công điện: “Kính trình quý tỉnh, ông Lê Văn C., Phó Quận trưởng Kiên Tân tình nguyện ra làm việc tại Côn Sơn”. Tôi quyết định tình nguyện ra đi một phần vì bất mãn với tình trạng bè phái của những người là bạn đồng môn với nhau tại địa phương, phần khác vì máu giang hồ trỗi dậy. Lúc đó đã là tháng 10 năm 1970, không ngờ chỉ hơn hai tháng sau (12.1970), quyết định bổ nhiệm đã về đến tay tôi. Về sau tôi biết rằng có khoảng một chục ông Đốc sự HC cùng tình nguyện như tôi, song không hiểu do đâu tôi là người được chọn.
Chuyện tôi ra làm việc tại Côn Đảo nó tếu táo như thế.
***
Như tôi có dịp trình bày ở một bình luận trước, tổ chức chính quyền tại đảo lúc bấy giờ có ba bộ phận chính do một sĩ quan cấp Trung tá kiêm nhiệm cả ba. Đó là
- Cơ sở Hành chánh, đại diện chính thức của chính quyền trung ương tại đảo, trực thuộc Bộ Nội vụ
- Bộ chỉ huy Đặc khu về mặt quân sự, thuộc Tiểu khu Gia Định
- Trung tâm cải huấn về mặt quản lý trại giam, trực thuộc Nha Cải Huấn, Bộ Nội vụ
Tại Cơ sở HC, người phụ tá cho ông Đặc phái viên HC là tôi; tại Bộ chỉ huy Đặc khu, người phụ tá cho ông “chúa đảo” là một sĩ quan cấp Thiếu tá, và tại Trung tâm Cải huấn, có hai người phụ tá là hai ông Phó Quản đốc.
Phạm nhân thụ hình tại Côn đảo lúc bấy giờ có nhiều thành phần khác nhau, song có thể phân thành hai nhóm: chính trị và không chính trị.
- Nhóm không chính trị gồm tù thường phạm có mức án từ 5 năm trở lên, phần lớn phạm những tội cướp của, hiếp dâm, giết người.. ; tù quân phạm, phần lớn là “lao công đào binh tái đào” (những binh lính đào ngũ bị bắt lại thì bị đưa đi làm lao công ở chiến trường, nếu tiếp tục đào ngũ và bị bắt lại lần nữa thì bị đưa ra tòa án quân sự lãnh 10 năm khổ sai). Tù thường phạm đeo một huy hiệu bằng kim loại cỡ 1,5 cm vuông sơn màu vàng; tù quân phạm mạng bảng màu xanh lá cây
- Tù chính trị gồm những người hoạt động cho lực lượng CS, mang bảng sơn màu nửa xanh lục, nửa đỏ, chia đôi bởi một đường chéo góc; thường dân hoạt động cho CS mang bảng sơn nửa vàng, nửa đỏ; và tù CS thuần túy, đeo bảng màu đỏ.
Tất nhiên, các tù thường phạm và quân phạm chấp hành triệt để nội qui trại giam, tham gia các chương trình lao động sản xuất trên đảo như trồng cây, trồng rau ở các sở Rẫy, đi sở Củi, vào rừng lấy củi về nấu bếp, hoặc đi sở Lưới, đánh cá để có thêm chất tươi cải thiện bữa ăn, vì thức ăn chính chỉ gồm cá khô, cá mắm do Nha Cải Huấn, Bộ Nội vụ chở từ đất liền ra. Hàng ngày, buổi sáng, thành phần tù này được đưa ra khỏi trại, đến các sở, và chiều lại xếp hàng nối đuôi nhau trở về trại. Cách hành xử duy nhất của họ là chấp hành đúng nội quy của trại để sớm được cứu xét ân giảm, ân xá.
Trong thành phần tù chính trị có hai dạng: một dạng tuân thủ nội quy, cộng tác với chính quyền trên đảo và một dạng chống đối triệt để, không tuân thủ các quy định của trại. Dạng thứ nhất (tuân thủ nội quy trại giam), ngoài những người sáng xuất trại đi lao động và trở về trại vào buổi chiều như các tù thường phạm khác, còn có những người trình độ văn hóa khá, được sử dụng ở văn phòng trung tâm cải huấn, các ty, sở, nhất là ở Hợp tác xã tiêu thụ, nơi mua hàng từ đất liền về phân phối cho cư dân trên đảo. Những phạm nhân đặc biệt này được gọi là “công nhân văn phòng”, không phải ở trong trại giam đông đúc và tù túng, mà được ở trong một trại riêng gọi là Trại lá, là một dãy trại dài, không cửa nẻo, không người canh giữ. Họ sống khá thoải mái, như những công chức không lương, đi làm ở cơ quan, hết giờ hành chánh thì về Trại lá, rủ nhau ra tắm biển, đi mua sắm ở hợp tác xã, đọc sách báo do thân nhân từ đất liền gửi ra…
Cuối cùng là số tù chính trị chống đối, hoàn toàn bất hợp tác với ban quản lý trại giam, không chịu đi lao động, thường xuyên truyền tai nhau các tin tức chính trị bên ngoài truyền vào thông qua các tù chính trị làm “công nhân văn phòng”, tổ chức học tập trong phòng giam. Người ta kể rằng ngày 2.9.1969, ông Hồ Chí Minh qua đời, thì tối ngày 3.9, họ đã tổ chức lễ truy điệu trong nhà tù. Căn trại 2 ngay trước tư thất tôi ở lúc bấy giờ, đêm nào các tù chính trị chống đối cũng đọc những kiến nghị, thư yêu cầu, giọng đọc nghe văng vẳng, không rõ nội dung, song mỗi khi người đọc đọc xong một vài câu thì đám đông hô to lên ba lần tiếng “yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu”. Tiếng hô vang rất xa, nghe rõ mồn một, báo hại ban ngày cô con gái mới 24 tháng tuổi của tôi cứ luôn miệng “yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu”!
Tất nhiên, theo nội quy trại giam, những người tù chống đối không được hưởng những tiện nghi tối thiểu như người tù bình thường, như ít được tắm rửa, phơi nắng, ít được tiếp tế từ bên ngoài, nước da họ xanh xao, tình trạng sức khỏe suy yếu … Cụm từ “địa ngục trần gian” xuất phát từ cảnh sống của những người tù này. Cũng cần nói thêm là tuy chống đối hoàn toàn, song thành phần tù chính trị này vẫn được nhận tiền do thân nhân từ đất liền gửi ra (chuyện này tôi sẽ kể thêm ở phần sau)
Ngoài các thành phần tù trên, tại Côn đảo lúc bấy giờ còn có 2 hạng tù khác.
Loại đầu rất phổ biến tại các trại giam trong nước, kể cả các trại giam hay trại tù cải tạo sau 30.4.1975. Họ được gọi là “trật tự”, là những phạm nhân, phần lớn là quân phạm, được giao nhiệm vụ phụ giúp với các giám thị trại trong công việc hàng ngày, nhất là việc giữ an ninh trật tự trong trại. Sự xung đột giữa thành phần tù này với các tù chính trị chống đối là một câu chuyện dài trên đảo.
Loại thứ hai là “đặc hữu” của Côn đảo, được gọi là “công nhân tư gia”, phụ giúp việc nhà cho các chức sắc trên đảo. Các chức phó của chúa đảo (Phụ tá HC, Đặc khu phó, Phó Quản đốc) được cấp 2 hay 3 người (nếu có lái xe), các trưởng ty sở, trưởng phòng độc lập, sĩ quan trưởng ban Đặc khu, các trưởng ban, trưởng trại thuộc Trung tâm cải huấn, mỗi người được cấp một công nhân tư gia. Đây là nghề mà các tù thường phạm và quân phạm rất mơ ước. Phục vụ tư gia họ không phải làm việc nặng nhọc như đi lấy củi, đi sở lưới, được chủ nhà chia sớt thức ăn, cho tiền tiêu vặt, và đặc biệt, được nhiều cơ hội xét miễn giảm án tù. Bản thân tôi có 3 công nhân tư gia, anh lái xe bị 20 năm tù khổ sai vì dính vào một vụ giết người, hai anh kia là lao công đào binh tái đào, mỗi anh lãnh 10 năm khổ sai. Trong một đợt cứu xét vả đề nghị ân giảm, ân xá, 3 anh công nhân tư gia của tôi được giảm án mỗi người 5 năm! Hai anh 10 năm đã thụ hình hơn 2 năm, nay ân giảm 5 năm, chỉ còn phải ở thêm hơn 2 năm nữa. Họ tất nhiên may mắn hơn nhiều công nhân tư gia khác, vì ở với giới chức càng có địa vị cao thì cơ may được giảm án càng nhiều. Về chuyện này, cần phải nói thêm một điều về thái độ của các tù chính trị đối với qui chế công nhân tư gia. Những tù chính trị chống đối không chịu hợp tác, lao động hay tù chính trị có văn hóa đang làm công nhân văn phòng thì không kể, nhiều tù không chống đối nhưng chỉ chọn những việc làm không ‘dính dáng” đến chính quyền như quét lá trên đường, vào chùa làm công quả. Hầu hết những người này không chịu làm công nhân tư gia, có lẽ họ cho việc đó làm tổn thương lòng tự trọng của họ. Tôi tôn trọng những người tù có lòng tự trọng đó, dù họ không cùng chính kiến với mình.
Trong chế độ chính trị miền Nam lúc bấy giờ, cái nhìn của những người khác chính kiến với nhau nhẹ nhàng và bao dung lắm, không nghiệt ngã như sau năm 1975. Với chúng tôi, nhân cách và lòng tự trọng quan trọng hơn rất nhiều so với sự khác biệt về chính kiến vốn chỉ là trò chơi của những chính khách sa-lông, những kẻ hoạt đầu chính trị. Với những người CS hay MTGPMN, dù lúc bình thường có thể họ cầm súng nhắm bắn mình, nhưng một khi họ đã thất thế sa cơ, nằm trong trại giam, lòng trắc ẩn của phần lớn người miền Nam, kể cả quân nhân, công chức, dành cho những người tù này, vẫn lấn át mọi thứ tình cảm khác. Tôi sẽ nhắc thêm điều này khi đề cập đến nhóm tù Huỳnh Văn Trọng - Vũ Ngọc Nhạ trong một bài viết sau.
Lê Nguyễn
Không có nhận xét nào