Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 11 tháng 8 năm 2020


    Mỹ sẽ gán nhãn hàng Hồng Kông là ‘made in China’

    Hàng hóa sản xuất tại Hồng Kông để xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được dán nhãn là hàng hóa Trung Quốc sau ngày 25/9, theo một thông báo hôm thứ Ba của chính phủ Mỹ.

    Động thái này diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông và chính phủ Hoa Kỳ quyết định chấm dứt quy chế đặc biệt dành cho hòn đảo từng là thuộc địa cũ của Anh.

    Thông báo của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cho biết, hàng hóa được sản xuất tại Hồng Kông phải chịu cùng mức thuế với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.

    Nga phê duyệt vắc xin Covid khi chưa hoàn tất thử nghiệm


    Bộ Y tế Nga đã phê duyệt vắc xin Covid-19 do Viện Gamaleya của Moscow phát triển, sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người, Tổng thống Vladimir Putin cho biết hôm thứ Ba (11/8), theo Reuters và Bloomberg.

    Động thái này có thể mở đường cho việc Moscow tổ chức tiêm chủng hàng loạt cho người Nga ngay cả khi giai đoạn cuối của các thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vắc xin vẫn chưa kết thúc.

    Tốc độ tung ra vắc xin của chính phủ Nga cho thấy quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc đua toàn cầu về một sản phẩm y tế hiệu quả trong phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng đã làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể đang đặt uy tín quốc gia lên trước khoa học và an toàn.

    Nhật coi Đài Loan là ‘đối tác rất quan trọng’


    Mặc dù chính phủ Nhật Bản vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar tới Đài Loan, nhưng một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật hôm thứ Hai (10/8) cho biết Tokyo sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan thông qua tất cả các phương tiện hiện có, theo Taiwan News.

    Theo tờ Sankei Shimbun, một quan chức ngoại giao Nhật Bản giấu tên nói rằng mặc dù Tokyo không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc, nhưng Nhật coi Đài Loan là một “đối tác rất quan trọng” cùng chia sẻ các giá trị phổ quát.

    Vị quan chức này nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản ủng hộ việc Đài Loan tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPSEP) cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Tỷ phú Jimmy Lai bị áp giải tới du thuyền để khám xét

    Tỷ phú Jimmy Lai Chee-ying, người bị bắt hôm thứ Hai theo luật an ninh Trung Quốc, đã bị cảnh sát Hồng Kông áp giải lên du thuyền của ông vào hôm nay để phục vụ các hoạt động điều tra của nhà cầm quyền, theo SCMP.

    Một chiếc xe cảnh sát không nhãn hiệu đã chở nhà hoạt động dân chủ 72 tuổi tới bến thuyền Hồng Kông ở Sai Kung vào khoảng 11 giờ sáng.

    Một nguồn tin cảnh sát nói với SCMP rằng các sĩ quan từ đơn vị cảnh sát của Cục An ninh Quốc gia mới đưa ông Lai tới du thuyền của ông để khám xét.

    Bắc Kinh đang sử dụng đạo luật an ninh mới và chính quyền đặc khu Hồng Kông gia tăng các hoạt động bắt bớ những người hoạt động dân chủ. Ngoài ông Lai, nhà hoạt động trẻ tuổi Agnes Chow (Châu Đình), 23 tuổi, cũng đã bị bắt cùng nhiều nhà hoạt động khác vào ngày thứ Hai.

    Ông Pompeo: ĐCSTQ thích ông Biden hơn ông Trump

    Trên chương trình “Spicer and Co.” của Newsmax TV phát sóng hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Iran, Trung Quốc và Nga “đang tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng tại Mỹ”.

    Ông Pompeo nói thêm rằng không có gì ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc thích ứng cử viên tổng thống thứ 46 của đảng Dân chủ, tức cựu Phó Tổng thống Joe Biden, hơn Tổng thống Trump, vì họ đã chịu nhiều tổn thất sau các chính sách cứng rắn của ông Trump.

    Mỹ, Đài Loan ký thỏa thuận lịch sử về mở rộng hợp tác y tế

    Trong khuôn khổ chuyến thăm Đài Loan, hôm 10/8, Bộ trưởng Y tế và Dân sinh Mỹ Alex Azar và người đồng cấp Đài Loan Chen Shih-chung đã cùng chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ lịch sử mở rộng hợp tác y tế giữa Mỹ và Đài Loan.


    Trước khi chứng kiến buổi ký kết, ông Azar đã loan báo trên Twitter: “AIT và TECRO sẽ ký bản ghi nhớ mở rộng hơn 20 năm hợp tác giữa Bộ Y tế và Dân sinh Mỹ với Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan. Bộ trưởng Chen và tôi cũng sẽ ký một tuyên bố tái khẳng định về sự hợp tác lâu dài của chúng tôi”.

    Theo Taiwan News, buổi lễ ký bản ghi nhớ mở rộng hợp tác y tế Mỹ – Đài Loan diễn ra trong ngày thứ hai phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Azar dẫn đầu tới thăm Đài Loan và chỉ vài giờ sau khi ông Azar gặp mặt trực tiếp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bộ trưởng Alex Azar cùng người đồng cấp Chen Shih-chung chứng kiến lễ ký kết, trong khi trực tiếp ký vào bản ghi nhớ lịch sử này là ông Brent Christensen, giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) và Chủ tịch Hội đồng về Sự vụ Mỹ của Đài Loan Yang Jen-ni.

    Bà Yang phát biểu rằng bất chấp ảnh hưởng tàn phá mà đại dịch virus corona gây ra cho thế giới, “chúng ta thấy mối quan hệ Đài Loan – Mỹ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn”.

    Trong khi đó, ông Christenson cho biết sự hiện diện của quan chức cao cấp nhất của Mỹ tại Đài Loan trong vòng bốn thập kỷ qua đã khiến cho buổi lễ ký kết bản ghi nhớ trở thành “một sự kiện lịch sử đặc biệt”.

    Hạ viện và Nhà Trắng ngỏ ý thu hẹp bất đồng về gói cứu trợ COVID-19

    Hôm 9/8, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin cho biết họ sẵn sàng khởi động lại các cuộc đàm phán cho gói cứu trợ COVID-19, theo Reuters.

    Hôm 8/8, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra phương án riêng, bằng cách ký các sắc lệnh hành pháp và biên bản ghi nhớ nhằm vào trợ cấp thất nghiệp, tránh bị trục xuất ra khỏi nhà thuê, khoản vay cho sinh viên và ngưng thu thuế thu nhập từ lương.

    Ông Trump nói với các phóng viên ở New Jersey trước khi trở lại Washington hôm 9/8 rằng việc đình chỉ thu thuế thu nhập từ lương có thể được thực hiện vĩnh viễn. Ông nói rằng biện pháp này sẽ không ảnh hưởng đến quỹ An sinh Xã hội vì việc hoàn trả thuế sẽ được thực hiện thông qua quỹ chung.

    Tổng thống Trump, lưu ý rằng đảng Dân chủ muốn nối lại các cuộc thảo luận về gói kích thích kinh tế, cho biết Nhà Trắng sẽ sẵn sàng nói chuyện với họ một lần nữa “nếu điều đó không lãng phí thời gian.”

    Động thái của ông Trump được đưa ra khi số ca nhiễm COVID-19 tại Hoa Kỳ đã tăng hơn 5 triệu và hơn 160.000 người chết.

    Hôm 9/8, cả bà Pelosi và ông Mnuchin dường như sẵn sàng xem xét một thỏa thuận mà hai bên còn bất đồng nhằm sẽ kéo dài một số trợ cấp cho đến cuối năm, và sau đó xem xét lại nhu cầu hỗ trợ liên bang lớn hơn vào tháng 1/2021.

    Hồng Kông : Dân đổ xô mua báo Apple Daily, ủng hộ nhà tỷ phú bị bắt
     

    Nhật báo độc lập Hồng Kông Apple Daily bán chạy như tôm tươi hôm nay, 11/08/2020, chỉ một ngày sau khi nhà tỉ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ tập đoàn truyền thông Next Digital, bị bắt theo luật an ninh mới. Cũng hôm nay, cổ phiếu của tập đoàn Next Digital, công ty mẹ của Apple Daily, tăng 788% từ khi nhà tỉ phú bị bắt, từ 0,09 lên thành 0,80 đô la Hồng Kông.

    Trang nhất của Apple Daily số ra ngày 11/08 là hình ảnh ông chủ Lê Trí Anh, 71 tuổi, một gương mặt hàng đầu của phong trào ủng hộ dân chủ Hồng Kông, bị cảnh sát còng tay dẫn đi. Bài xã luận của tờ báo viết : « Hôm qua (10/08) sẽ không phải là ngày tăm tối nhất của Apple Daily, vì những sách nhiễu, trấn áp và những vụ bắt bớ sau này sẽ còn tiếp tục đe dọa chúng tôi ». Quyết tâm « chiến đấu » của đội ngũ nhân viên của Apple Daily cũng được in mầu đỏ đậm trên trang nhất.

    Sáng sớm 11/08, rất nhiều người dân Hồng Kông đã xếp hàng chờ mua Apple Daily. Số báo bán ra đã tăng gấp 5, lên đến 550.000 bản thay vì khoảng 100.000 mỗi ngày. Một chủ nhà hàng ở khu phố sầm uất Mongkok mua ủng hộ 50 tờ để phát cho khách hàng. Ông giải thích với AFP, « vì chính phủ không muốn Apple Daily sống, những người dân Hồng Kông như chúng tôi phải tự cứu lấy tờ báo ».

    Trong khi đó, ngày 10/08, Trung Quốc thông báo các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức Mỹ vì « đã hành xử xấu về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông ». Trong danh sách có hai thượng nghị sĩ Marco Rubio, Ted Cruz và ông Kenneth Roth, giám đốc điều hành tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch).

    Đài Bắc lo Trung Quốc biến Đài Loan thành một Hồng Kông khác


    Ngày 11/08/2020, trong cuộc họp báo với bộ trưởng Y Tế Mỹ đang công du Đài Bắc, ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp ( Joseph Wu ) cho rằng Đài Loan trong thế ngày càng khó khăn vì Trung Quốc gây sức ép, buộc Đài Bắc « chấp nhận những điều kiện biến hòn đảo dân chủ thành một Hồng Kông khác ».

    Bắc Kinh từng đề xuất với Đài Bắc mô hình « Một quốc gia, hai chế độ » như ở Hồng Kông. Tuy nhiên, tất cả các chính đảng lớn ở Đài Loan, trong đó có đảng của tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), đều bác bỏ đề xuất này.

    Theo phát biểu của ngoại trưởng Ngô Chiêu Nhiếp, được Reteurs trích dẫn, Đài Loan sẽ không lùi bước trong cuộc chiến « bảo vệ nền dân chủ trước cuộc xâm lược chuyên chế » và để « nền dân chủ chiến thắng ».

    Chuyến thăm Đài Loan của bộ trưởng Y Tế Mỹ bị Bắc Kinh đánh giá là một mối de dọa cho « hòa bình và ổn định ». Dường như để cảnh cáo Washington và Đài Bắc, ngày 10/08, nhiều chiến đấu cơ của Trung Quốc đã vượt đường ranh giới trên eo biển Đài Loan giữa Hoa lục và hòn đảo.

    Biển Đông: Nhật ký thỏa thuận cung cấp cho VN sáu tàu tuần tra

    Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cho vay trị giá 36,6 tỷ Yên (345 triệu đôla) với Việt Nam để cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra nhằm tăng cường khả năng thực thi luật biển, theo SCMP.

    Thỏa thuận này được công bố khi Bắc Kinh tăng cường các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

    Thỏa thuận này cũng đến vào thời điểm Hoa Kỳ ngày càng bày tỏ lập trường cứng rắn trước Trung Quốc, phản đối cái mà Washington gọi là yêu sách hàng hải "hoàn toàn trái pháp luật" cùng chiến lược "bắt nạt" Việt Nam và các quốc gia tranh khác trên Biển Đông.

    Theo báo Việt Nam, thời gian vay là 40 năm, thời gian ân hạn 10 năm. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án từ tháng 7/2020 - 10/2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

    Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 28/7, theo JICA.

    Thông cáo báo chí của JICA ngày 30/7 cho hay các tàu tuần tra (OPV) này dài 79 m, cấu trúc bằng thép và hợp kim nhôm. Việc gọi thầu và tiến hành đóng tàu bắt đầu từ năm 2021.

    Nhật Bản từng cung cấp tàu cá cho Việt Nam, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Tokyo cung cấp cho Hà Nội tàu tuần tra, theo một quan chức Bộ Ngoại giao.

    Sáu tàu tuần tra này sẽ là tàu mới và do Nhật Bản sản xuất.

    Trả đũa Mỹ, Trung Quốc trừng phạt 11 quan chức, Nhà Trắng nói không có tác dụng


    Hôm 7/8, Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với 11 quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hồng Kông phá hoại nền tự trị của Hồng Kông. Hôm thứ Hai (10/8) Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có động thái đáp trả khi cho biết sẽ trừng phạt 11 công dân Mỹ, bao gồm một nghị sĩ thường xuyên lên án ĐCSTQ cùng một số người trong các tổ chức nhân quyền dân sự, theo Reuters.

    Cùng ngày, Nhà Trắng đã phản hồi rằng các biện pháp trừng phạt đáp trả của ĐCSTQ sẽ không hiệu quả và Tổng thống Trump sẽ tiếp tục có các hành xử cứng rắn đối với ĐCSTQ và chống lại mối đe dọa của nó.

    Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai, Phát ngôn viên Nhà Trắng Kayleigh McEnany tuyên bố:

    “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không đưa ra hành động cụ thể nào có ý nghĩa, ví như ngay lập tức bãi bỏ luật an ninh quốc gia Hồng Kông, chấm dứt việc đàn áp có hệ thống đối với người Duy Ngô Nhĩ, mà thay vào đó đã viện đến hành động mang tính biểu tượng và không có tác dụng thực tiễn này (ám chỉ lệnh trừng phạt 11 công dân Mỹ nói trên)”.

    Bà nói tiếp: “Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới đang yêu cầu Bắc Kinh phải có những hành động cụ thể”.

    Mặc dù bà McKenney không tiết lộ chính phủ Mỹ sẽ có phản ứng tiếp theo như thế nào, nhưng bà nói: “Tổng thống Trump kiên quyết phản đối Trung Quốc (ĐCSTQ) và sẽ tiếp tục làm vậy”.

    Các lệnh trừng phạt của ĐCSTQ nhắm vào sáu nghị sĩ Đảng Cộng hòa: Ted Cruz, Marco Rubio, Tom Cotton, Josh Hawley, Pat Toomey và Chris Smith, cùng các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức nhân quyền.

    Nhưng danh sách trừng phạt không bao hàm bất kỳ quan chức nào trong chính quyền Tổng thống Trump.

    Các nhà lập pháp Mỹ không sợ ĐCSTQ


    Các nghị sĩ Mỹ bị ĐCSTQ trừng phạt hôm thứ Hai đã chỉ trích Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Họ tỏ thái độ phớt lờ các lệnh trừng phạt này của Trung Quốc.

    Văn phòng Thượng nghị sĩ Hawley đã đưa ra một tuyên bố cho biết vị thượng nghị sĩ này sẽ không “chùn bước” và sẽ “tiếp tục bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ”.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, không đưa ra bình luận nào về các lệnh trừng phạt.

    Thượng nghị sĩ Cruz : Bắt giữ Jimmy Lai cũng không tác dụng


    Trên Twitter cá nhân, ông Cruz cho biết việc Bắc Kinh đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng các lệnh trừng phạt tương tự sẽ không có tác dụng, bao gồm việc bắt giữ những người đấu tranh vì tự do như trùm truyền thông Jimmy Lai.

    Hôm thứ Hai, ĐCSTQ đã bắt giữ một số cư dân Hồng Kông, bao gồm ông trùm truyền thông Jimmy Lai, dựa trên Đạo luật An ninh Quốc gia mới, làm dấy khởi sự lên án của cộng đồng quốc tế.

    Tuy nhiên, trái với dự đoán, cổ phiếu tập đoàn truyền thông Next Media của ông Jimmy Lai lại tăng mạnh, cho thấy sự ủng hộ của các nhà đầu tư đối với cá nhân ông.

    Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết nước này sẽ “sát cánh cùng người dân Hồng Kông, chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ và sức mạnh của mình để chống lại việc tước đoạt quyền tự do của người dân” thành phố cảng.

    Không có nhận xét nào