Header Ads

  • Breaking News

    Giang Nguyễn - Luật tôn giáo của Việt Nam vi phạm Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền

    Luật tôn giáo của Việt Nam vi phạm Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền(UDHR), là phát biểu của một ủy viên của Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF tại Hội luận về ‘Quyền tự do tôn giáo và các quyền của người bản địa’ tại Việt Nam. Hội luận qua mạng diễn ra vào ngày 31 tháng 7 do tổ chức Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS (BPSOS) điều phối.

    Nữ luật sư Anurima Bhargava, phó chủ tịch USCIRF, cho rằng Luật Tôn giáo- Tín ngưỡng mà Việt Nam ban hành từ năm 2018, với những điều khoản đòi hỏi các tổ chức tôn giáo phải đăng ký, là những đòi hỏi không cần thiết và làm hạn chế quyền hành đạo.

    Ủy viên Bhargava chia sẻ như vậy và bà cũng tái khẳng định quan điểm của USCIRF về việc đề nghị Bô Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (Country of Particular Concern - CPC).

    “Trước dịch COVID, công việc của tôi trong vai trò ủy viên là thăm viếng các quốc gia mà chúng tôi theo dõi để đánh giá tình hình tự do tôn giáo. Tháng 9 năm ngoái tôi cùng phái đòan USCIRF chính thức đến Việt Nam. Chuyến đi này thật thiết yếu vì nó cho chúng tôi cơ hội gặp gỡ các các lãnh đạo Công giáo, Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Tin Lành. Tôi trực tiếp được nghe về những khó khăn mà các tổ chức tôn giáo trải nghiệm dưới Luật Tôn giáo Tín ngưỡng mới. Có những tổ chức từ chối đăng ký vì quan ngại mất độc lập. Ngay cả những tổ chức tôn giáo đã lựa chọn đăng ký cũng đã gặp phải nhiều trở ngại quan liêu, và họ bị buộc phải cung cấp những thông tin riêng tư của thành viên của họ.

    Ủy viên Bhargava kể rằng có nhiều lần, phái đoàn nghe thuật lại chuyện những quan chức địa phương không chịu thực hiện thủ tục đăng ký cho các hội thánh theo đúng thời hạn dưới pháp luật. Việt Nam đã ký và phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Khi làm như thế, họ đã hứa với thế giới rằng họ sẽ tôn trọng và tuân thủ theo Điều 18 để bảo vệ tự do tín ngưỡng.

    USCIRF quan niệm rằng những đỏi hỏi đăng ký của Luật Tôn giáo Tín ngưỡng quá nặng nề và vi phạm Điều 18 theo diễn dịch của Liên Hiệp Quốc.

    USCIRF đã kêu gọi Việt Nam thay đổi bộ luật này và bãi bỏ yêu cầu đăng ký.

    Ủy viên Bhargava nói rõ:

    “Ít nhất chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ tháo gỡ những ngăn cản quan liêu và cho phép bất kỳ tổ chức nào được đăng ký nếu muốn.”

    Lời phát biểu của ủy viện Bhargava mở đầu cho một chuỗi sinh hoạt được gọi là Ngày Vận Động cho Việt Nam, một chương trình thường niên của BPSOS từ năm 2012, quy tụ hàng trăm người hoạt động cho nhân quyền tại Washington DC, nhằm vận động ngành lập pháp Hoa Kỳ. Ngày Vận Động cho Việt Nam của BPSOS năm nay khác với hàng năm, được tổ chức trực tuyến vì đại dịch Covid-19.

    Ngoài ủy viên Bhargava, còn có sự tham gia trực tuyến từ trong nước của Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, giám mục chính tòa Giáo Phận Hà Tĩnh; cựu tù nhân lương tâm Hòa Thượng Thích Thiện Minh, và ông Trần Ngọc Sương, Chánh Trị Sự Đao Cao Đài.

    Ba vị diễn giả từ Việt Nam cũng chia sẻ những nhận định của ủy viên Bhargava, với những dẫn chứng cụ thể mà họ trải nghiệm.

    Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nói với gần 150 người theo dõi trực tuyến, rằng Luật Tôn giáo Tín ngưỡng 2018 tuy “có một chút tích cực” nhưng bộ luật còn nhiều điều đáng quan ngại:

    “Bộ luật quy định rõ ràng hơn nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về lãnh vực tôn giáo. Đồng thời thừa nhận tư cách pháp nhân phi thương mại của các tổ chức tôn giáo. Mới đây Ban Tuyên giáo chính phủ đã mở hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm đơn giản và công khai hóa các thủ tục hành chánh cấp chính phủ về tôn giáo. Tuy nhiên trong bộ luật còn nhiều điều chúng tôi quan ngại, nhất là vẫn còn vực thẩm giữa văn bản và thực tế, giữa thành thị và nông thôn, giữa trung ương và địa phương.”

    Giám mục Hợp nêu ra điển hình vấn đề mua bán đất của các tổ chức tôn giáo. Theo ông, tuy bộ luật thừa nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo,

    “Nhưng cho đến này chưa một tổ chức tôn giáo nào có thể tự do mua bán đất đai vì còn bị chị phối bởi hiến pháp và luật đất đai. Theo luật đất đại hiện hành, các tổ chức tôn giáo không được mua bán, chuyển đổi, nhân thừa kế hoặc nhận tặng… Con đường duy nhất là xin nhà nước cấp đất. Đây là một một nút thắc bóp nghẹt quyền mở rộng cơ sở và hoạt động tôn giáo.”

    Hòa Thương Thích Thiện Minh cho rằng Việt Nam đã và đang thi hành một chính sách bách hại tôn giáo. Ngoài việc không cho phép các tổ chức tôn giáo mua đất còn những áp lực khác:

    “Với chủ trương quốc doanh hóa tôn giáo và đặt tôn giáo dưới sự kiểm soát của Mặt Trận Tổ Quốc, nhà nước Việt Nam đã thi hành một chính sách bách hại Phật giáo nói riêng và các tôn giáo nói chung bằng các hình thức sau đây:

    Không chấp nhận các tôn giáo chân truyền hay độc lập.

    Thúc đẩy vá áp lực các tôn giáo vào hệ thống quốc doanh.

    Chiếm đoạt chùa chiền, chiếm đất đai tài sản của chùa độc lập phù thuộc GHPGVNTN.

    Không cho phép xây cất hay mở mang cơ sở của các chùa độc lập hay chùa thuộc GHPGVNTN.

    Không cấp hộ khẩu cho các tăng ni độc lập hay thuộc GHPGVNTN.

    Cô lập hóa các chùa độc lập bằng cách ngăng cấm phật tử đến lễ Phật tại các chùa không thuộc hệ thống quốc doanh.”

    Ông Trần Ngọc Sương, Chánh Trị Sự Đạo Cao Đài ở Thị Xã Gò Công, cho rằng bản chất chính quyền không thay đổi.

    Tháng 4 năm 2020, chi phái Cao Đài do Đảng Cộng Sản Việt Nam dựng lên năm 1997 ra huấn lịnh tước bỏ vai trò Chánh Trị Sự, vốn do đồng đạo bầu lên, và trục xuất ông Sương ra khỏi Đạo Cao Đài.

    “Tôi nhập môn vào Đạo Cao Đài 1926 vào năm 1974. Chi phái 1997 ra đời 23 năm sau đó, nhưng tháng 4 năm 2020, chi phái 1997 kết hơp với Ban tôn giáo tỉnh Tiền Gia ra huấn lệnh trục xuất tôi ra khỏi tôn giáo của họ là vô lý. Ngày 18 /6 /2020 tôi đã khởi kiện với tòa án huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Đến nay, tòa không phản hồi.”

    Ông Sương kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ thường xuyên gửi phái đoàn đến Việt Nam, đặc biệt đến các nơi “bị hạn chế về tự do tôn giáo để Việt Nam thực sự có chính sách tôn trọng tôn giáo.”

    Việc này càng khó trong thời kỳ đại dịch Covid. Ủy viên Bhargava kêu gọi những tham dự viên buổi hội luận trình với USCIRF những trường hợp vi phạm quyền tự do tôn giáo để ủy ban có cơ hội đáp ứng.

    Cũng theo bà, chính quyền Việt Nam đã giam tù hơn 100 cá nhân chỉ vị họ đòi quyền tự do biểu đạt ôn hòa, trong đó có quyền tự do tôn giáo. USCIRF ghi nhận những nhà đấu tranh cho nhân quyền tự do tín ngưỡng vẫn tiếp tục bị tra tấn trong tù, và ủy viên Bhargava nói, đó chính là lý do USCIRF đề nghi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC.

    Trong phần hai của Hội luận vào chiều ngày 31/7, ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc Tế, chia sẻ:

    “Dường như Việt Nam theo đuổi một đường lối tiệm cận đúng mức chứ không để trở thành Quốc gia bị quan tâm đặc biệt vì tự do tôn giáo. Chúng tôi cảnh cáo khi nói với họ là họ không thể ngược đãi, đặc biệt đối với dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên theo cách này. Vấn đề là quí vị không thể bắt bớ những người dân bản địa. Quý vị cần đối xử với tốt với người Hmong, người Montagnard, các tín đồ Cao Đài, Phật giáo… Chính phủ Việt Nam thực sự chỉ muốn đẩy đến ranh quốc gia đáng quan tâm đặc biệt chứ không để bị liệt vào CPC.”

    Đại sứ Brownback cho biết Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế được công bố vào tháng 10 hiện đang trong giai đoạn được Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo xem xét để lấy quyết định về quốc gia nào cần đưa vào danh sách CPC.

    Chương trình Hội luận Vận động Nhân quyền và Tự do Tôn giáo sẽ tiếp diễn với những cuộc hội luận trực tiếp dẫn đến ngày 22 tháng 8, ngày Quốc tế Tưởng niệm Nạn Nhận bị Bạo hành vì Tôn giáo hay Niềm tin.

    https://www.rfa.org/


    Không có nhận xét nào