Reuters
Hôm 15 tháng 8 năm 2020, trên trang web của VTV có một video ngắn với tiêu đề “Những gánh hàng rong chật vật “vượt bão” COVID-19 để mưu sinh”, trong đó, những người bán hàng rong bị gọi là “ký sinh trùng”. Đoạn phóng sự này ngay lập tức đã gặp phải những phản ứng gay gắt từ người dân trên mạng xã hội.
Trong lời giới thiệu cho mục Góc vỉa hè của VTV, xướng ngôn viên nói rằng:
“Đã không ít lần trong mục Góc vỉa hè, chúng tôi đưa các bạn đến những con phố của Thành phố Hồ Chí Minh. Những con phố du lịch, hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh, trở nên tiêu điều vì COVID-19. Góc vỉa hè tuần này chúng ta sẽ đến với một góc khác, câu chuyện của những gánh hàng rong vốn gắn chặt với vỉa hè đô thị. Khi những con phố không còn sức sống thì những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trên các con phố này, sẽ tồn tại ra sao?”
Theo giải thích của bách khoa toàn thư, ký sinh là một mối quan hệ cộng sinh không tương hỗ giữa các loài, trong đó có một loài là ký sinh, sống bám vào loài kia là vật chủ hay ký chủ. Trong y học, ký sinh trùng hay động vật ký sinh là sinh vật chiếm sinh chất của các sinh vật khác đang sống để tồn tại và phát triển.
Nhà xã hội học -Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu nhận xét của mình:
“Tôi cũng không biết là người ta hàm ý gì. Đôi khi người ta chỉ nói một cách vô tư, không kỳ thị, không phán xét. Nếu thực sự như thế thì đây chỉ là một sơ suất trong ngôn từ. Nếu VTV sơ suất, dư luận phản ứng là đúng, là cần thiết.
Còn nếu họ kỳ thị hay phán xét thì đó là điều không nên, không phải. VTV là một kênh chính thống và đàng hoàng cho nên không thể bộc lộ một sự sự kỳ thị như thế. Trên thực tế, những người di dân bán hàng rong rõ ràng có bị kỳ thị ở đâu đó. Dù chúng ta không muốn thì cũng phải thừa nhận đó là sự thật nhưng không thể nào vì thực tế đó mà VTV lại có thể dùng những ngôn từ đồng lõa với sự kỳ thị đó được.”
Theo ước tính vào năm 2017 của Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD), lao động khu vực phi chính thức (trong đó bao gồm cả kinh tế vỉa hè) ở Việt Nam chiếm một phần lớn lực lượng lao động ở khu vực thành thị, chiếm 1/4 tổng số việc làm và chiếm một nửa số lượng việc làm phi nông nghiệp.
Cũng theo IRD, những người bán hàng rong có mặt ở khắp mọi ngóc ngách ngõ hẻm trong thành phố, nhưng không thể thống kê được chính xác có bao nhiêu người vì họ thường xuyên di chuyển liên tục.
Còn theo thống kê cùng năm của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thì hàng năm có khoảng 1,2 triệu người di cư lên thành phố, chiếm 20% dân số thành thị trên cả nước. Một tỷ lệ lớn trong số họ làm việc ở khu vực kinh tế phi chính thức, tức là không hợp đồng, không bảo hiểm, không thuế và gần như không có quản lý. Ví dụ như những gánh hàng rong. Khối kinh tế phi chính thức này được cho là chiếm tới 20% GDP cả nước.
Liên quan tới câu nói của xướng ngôn viên của VTV về hàng rong, Luật sư Đặng Trọng Dũng từ Sài Gòn nêu quan điểm của ông:
“Hiện nay ở Hà Nội cũng như Thành phố Hồ Chí Minh, người bán hàng rong trên đường phố và các con hẻm là một thực tế. Họ bán đủ loại thức ăn. Việc buôn bán như vậy được xã hội chấp nhận vì hữu ích và hợp pháp. Chữ ký sinh trùng nó rất nặng. Không hiểu các em ở VTV, người biên tập dám cả gan dùng đến chữ ‘ký sinh trùng’ với những người bán hàng rong như vậy thì đúng là xúc phạm họ.”
Ông Đinh Quang Tuyến, một người bán hàng rong ở Sài Gòn bày tỏ bức xúc với VTV khi ví những người bán hàng rong như ông là ký sinh. Ông nói:
“Hàng rong là một giải pháp kinh tế nhân sinh. Nó giúp nhẹ gánh cho chính phủ rất nhiều. Đáng lý ra, nếu là một chính phủ nghiêm túc thì phải có nghĩa vụ lo công việc cho họ. Nếu không thì phải lo trợ cấp xã hội cho họ. Còn đây họ không có đòi gì hết, họ tự xoay xở vượt qua khó khăn. Chính phủ phải cám ơn người bán hàng rong!
Hàng rong còn là một nét văn hóa nữa cơ chứ không hoàn toàn chỉ là kinh tế. Hàng rong không chỉ giúp cho chính phủ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế mà nó còn là một nét văn hóa cần phải bảo tồn nữa cơ.”
Ông Đinh Quang Tuyến kết luận rằng, những người bán hàng rong còn đem lại lợi nhuận cho chính phủ và chính phủ từng đề cập đến việc thu thuế từ họ. Họ không phải là “ký sinh trùng”.
Tại buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp Quốc hội sáng 22 tháng 5 năm 2018, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đề cập đến những nguyên nhân làm cho nhà nước không thu được thuế, gây nên hụt thu cho quốc khố.
Vị đại biểu này nêu ra ví dụ là người bán trà đá tại Việt Nam là có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương.
Nói về đoạn phóng sự gọi người bán hàng rong là ký sinh, một số chuyên gia trong nước cho rằng VTV nên có lời xin lỗi khán giả.
Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho biết ý kiến của bà:
“Theo tôi, nếu VTV sơ suất thì nên có lời giải thích và xin lỗi. Làm được như thế thì rất tốt nhưng ở Việt Nam thì xưa nay người ta rất sợ mắc lỗi nên người ta ngại chuyện xin lỗi, vì xin lỗi có nghĩa là mình nhận có lỗi.
Cứ như vậy mà người mắc lỗi thường có xu hướng né tránh hoặc lờ đi để không phải xin lỗi. Tôi cũng đang trông đợi xem VTV sẽ ứng xử như thế nào. Hy vọng là họ biết xin lỗi!”
Luật sư Đặng Trọng Dũng cũng có cùng quan điểm. Ông cho rằng, những người bán hàng rong là những người có lòng tự trọng. Họ tự tìm đường mưu sinh, không là gánh nặng cho xã hội. Nên tôn trọng họ. Ông nói:
“Nhiều người bán hàng rong nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Có lẽ việc VTV nên làm là xin lỗi về điều này. Đó là điều mà dư luận đang đòi hỏi.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vtv-insults-street-vendors-dt-08172020140318.html
Không có nhận xét nào