Header Ads

  • Breaking News

    40 nhà báo Trung Quốc tại Mỹ không được gia hạn visa, đối mặt với việc bị trục xuất

    Theo tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin vào ngày 3/8, hiện có 40 ký giả truyền thông phục vụ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trú tại Mỹ chưa một ai được gia hạn thị thực. Họ đang phải đối mặt với tình cảnh hết hiệu lực lưu trú tại Mỹ sau ngày 6/8.
    40 nhà báo Trung Quốc tại Mỹ không được gia hạn visa, đối mặt với việc bị trục xuất

    Tổng biên tập tờ báo này, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) tuyên bố rằng Bắc Kinh đã "chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất nếu tất cả các nhà báo này buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ", và sẽ tiến hành trả đũa "mạnh mẽ" cho sự việc này.

    Ngày 8/5, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã rút ngắn thời gian lưu trú của các phóng viên truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ xuống còn 90 ngày. Do đó, họ cần nộp đơn xin gia hạn thị thực cứ ba tháng một lần. Điều này có nghĩa là các phóng viên của ĐCSTQ phải được cấp thị thực trước khi hết hạn vào ngày 6/8.

    Theo Luật Di trú Hoa Kỳ, các phóng viên ĐCSTQ ở Hoa Kỳ này có thể rời khỏi đất nước trong khoảng 90 ngày sau khi hết thị thực. Điều đó có nghĩa là họ có thể ở lại Hoa Kỳ cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, trừ khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu họ rời khỏi đất nước trong thời gian giới hạn nào đó. Tuy nhiên, họ sẽ không được tham gia vào công việc đưa tin.

    Ngày 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cũng xác nhận rằng các nhà báo Trung Quốc trú tại Hoa Kỳ không được gia hạn visa. "Chúng tôi được biết rằng các phóng viên Trung Quốc đã nộp đơn xin gia hạn visa Mỹ từ sớm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai nhận được phản hồi rõ ràng từ Mỹ", ông nói.

    Ông nói rằng nếu các phóng viên của ĐCSTQ không được gia hạn visa, Trung Quốc sẽ có hành động đáp trả.

    Khi được hỏi liệu các nhà báo Mỹ ở Hong Kong có bị ảnh hưởng hay không, ông Uông không đưa ra câu trả lời trực tiếp. Ông tuyên bố rằng phản ứng đáp trả của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ “thuộc về quyền lực ngoại giao của chính quyền trung ương”.

    Đầu năm nay, sau khi các phóng viên thuộc 3 kênh truyền thông lớn của Mỹ tại Trung Quốc bị chính quyền Trung Quốc trục xuất, họ cũng không được phép làm việc trong văn phòng tại Hong Kong.

    Vào tháng 12/2018, Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức truyền thông có liên quan tới ĐCSTQ trú ở Hoa Kỳ phải đăng ký làm người đại diện tại nước ngoài. Kể từ năm 2018, đơn xin thị thực của hơn 20 nhà báo Trung Quốc đã bị phía Mỹ trì hoãn hoặc từ chối vô thời hạn.

    Vào tháng 2 năm nay, Hoa Kỳ đã liệt kê 5 tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ là phái bộ ngoại giao, đồng thời áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế số lượng nhân viên thuộc 5 tổ chức truyền thông này tại Hoa Kỳ, trục xuất 60 phóng viên Trung Quốc. Vào tháng 5, Hoa Kỳ đã giới hạn thời gian lưu trú của các nhà báo Trung Quốc tại Hoa Kỳ xuống còn 90 ngày. Vào tháng 6, Hoa Kỳ tuyên bố một lần nữa rằng họ sẽ bổ sung 4 tổ chức truyền thông Trung Quốc tại Hoa Kỳ thuộc phái bộ ngoại giao nước ngoài.

    Vào cuối tháng 3, trên trang web Share America thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đăng một bài viết với tiêu đề "Truyền thông Trung Quốc: là làm báo hay cổ vũ tuyên truyền?". Bài báo nói rằng các cơ quan báo chí thuộc nhà nước Trung Quốc muốn thế giới nghĩ rằng họ là độc lập và đáng tin cậy, nhưng họ hoàn toàn không như vậy. Nhiều tổ chức trong số này làm việc để truyền bá những tuyên truyền của ĐCSTQ trên khắp thế giới, và nhân viên của họ đang làm việc cho ĐCSTQ.

    Bài báo dẫn lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, nói rằng các tổ chức này là "cơ quan ngoại giao" và được chính phủ Trung Quốc kiểm soát một cách hiệu quả; "Không giống như các tổ chức truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc, các thực thể này không phải là cơ quan báo chí độc lập".

    Ông Pompeo cũng cho biết: “Từ lâu Chính phủ Hoa Kỳ luôn chào đón các nhà báo nước ngoài, bao gồm cả các nhà báo Trung Quốc, cũng đảm bảo rằng họ có thể làm việc tự do trong môi trường không bị uy hiếp trả thù”.

    Tuy nhiên, sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với truyền thông nhà nước là một trong những thủ đoạn được ông Tập Cận Bình sử dụng để cố gắng kiểm soát người dân Trung Quốc và gây ảnh hưởng tới dư luận truyền thông trên toàn thế giới.

    "Năm ngoái, ĐCSTQ đã giam giữ số nhà báo nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới", bài báo viết.

    Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ luôn phủ nhận thực tế này.



    https://www.ntdvn.com/

    Không có nhận xét nào