Sau
một phần tư thế kỷ bình thường hoá quan hệ, hai quốc gia cựu thù Mỹ và
Việt Nam đang có một mối quan hệ được đánh giá là “mạnh mẽ”. Tuy nhiên,
họ đã không thể nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược trong 25 năm qua
vì những quan niệm khác biệt, mà theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học
New South Wales, là do “đồng sàng dị mộng” về lợi ích chiến lược.
Mỹ
chính thức công bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với quốc gia cựu
thù Cộng sản Việt Nam vào ngày 11/7/1995. Một ngày sau đó tại Hà Nội,
Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra tuyên bố thành lập quan hệ ngoại giao với Hoa
Kỳ, mà theo truyền thông trong nước, đã mở ra một chương mới trong lịch
sử hàn gắn và phát triển giữa hai nước.
Giờ
đây, theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, mối quan hệ giữa
Mỹ và Việt Nam mạnh hơn bao giờ hết, khi hai quốc gia đi từ không có bất
kỳ quan hệ thương mại nào tới chỗ có dòng chảy thương mại hai chiều trị
giá hơn 77 tỷ USD.
Những
xung đột hàng hải trên Biển Đông là một trong số bốn yếu tố chính – gồm
cả giải quyết các vấn đề di sản Chiến tranh Việt Nam, thương mại và đầu
tư, và vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khối ASEAN, đã tác động đến
quỹ đạo phát triển mạnh của mối quan hệ song phương giữa hai nước, theo
nhận định của GS Thayer, người thường xuyên theo dõi quan hệ Việt-Mỹ
trong nhiều năm qua.
Đã
có một sự hội tụ về lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ trong 25 năm
qua về các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, như Biển Đông và việc
không phổ biến vũ khí hạt nhân, theo đánh giá của GS Thayer. Sự hội tụ
này càng trở nên rõ rệt trong những năm gần đây khi Trung Quốc tăng
cường quân sự hoá trên vùng biển mà Việt Nam và quốc gia trong khu vực
đều có tuyên bố chủ quyền.
Chính
phủ Mỹ nhiều lần lên tiếng phản đối Trung Quốc khi đưa tàu vào khu vực
thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông để cản trở hoạt động thăm dò
dầu khí hay đâm chìm tàu cá như Việt Nam cáo buộc. Hai hàng không mẫu
hạm của Mỹ lần đầu tiên cập cảng Đà Nẵng sau chiến tranh được coi là một
dấu hiệu tăng cường sự hiện diện và hỗ trợ của Mỹ đối với Việt Nam và
khu vực trước sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển mà các chuyên
gia đánh giá là Mỹ cũng có nhiều lợi ích.
Với
một thoả thuận đạt được vào năm 2013, Việt Nam và Mỹ đã trở thành những
đối tác toàn diện và 3 năm sau đó, lần đầu tiên sau hơn 40 năm kể từ
khi kết thúc chiến tranh, Mỹ quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ
khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Barack
Obama trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Tuy
nhiên, dù có sự phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ và sự hội tụ lớn
về lợi ích trong khu vực, nhưng Việt Nam và Mỹ đã không thể nâng tầm
quan hệ lên đối tác chiến lược trong nhiệm kỳ cuối cùng của Tổng thống
Obama, theo GS Thayer. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có chuyến
thăm tới Nhà Trắng ở Washington DC vào tháng 5/2017, chỉ vài tháng sau
khi Tổng thống Donald Trump nhận chức, nhưng hai nhà lãnh đạo chỉ có thể
đồng ý về việc “tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện.”
Thế nào là ‘đối tác chiến lược’?
“Có
nhiều thách thức cần phải vượt qua trước khi mối quan hệ song phương
(giữa Mỹ và Việt Nam) có thể được đưa lên tầm cao mới,” GS Thayer, thuộc
Học viện Quốc phòng Hoàng gia Úc của Đại học New South Wales, nói. Ông
cho rằng “cả hai phía có những nhìn nhận khác biệt về thế nào là một
(mối quan hệ) đối tác chiến lược” và gọi sự hội tụ về lợi ích chiến lược
với cách nhìn nhận khác nhau của Việt Nam và Mỹ là “ đồng sàng nhưng dị
mộng.”
Mỹ
đặt nặng về quốc phòng và những khía cạnh an ninh trong các mối quan hệ
chiến lược với Singapore, Philippines, Thái Lan và Indonesia. Trong khi
đó Việt Nam kiên trì với chính sách “ba không” trong các mối quan hệ
quốc phòng kể từ khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 1998 với các
phiên bản tiếp theo vào năm 2004 và 2009. Trong Sách trắng Quốc phòng
mới nhất được đưa ra cuối năm ngoái. Việt Nam mở rộng chính sách “ba
không” thành “bốn không” – không liên minh quân sự, không căn cứ quân
sự, không đứng về phía nào để chống lại phía kia, và không dùng vũ lực.
Dù
Hà Nội ngày càng bị Bắc Kinh “bắt nạt” trên Biển Đông, nhưng theo GS
Thayer, Việt Nam sẽ không chọn đứng về phía Mỹ để trực tiếp chống lại
Trung Quốc vì nó sẽ đi ngược lại chính sách “ba không” mà hiện nay là
“bốn không” của Việt Nam. Chính sách quốc phòng này của Việt Nam tiếp
tục làm Mỹ “vô cùng ngờ vực” và theo GS Thayer cho biết, một số nhà lãnh
đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có quan điểm tương tự.
Tuy
nhiên, GS Thayer cho rằng Việt Nam sẵn sàng tận dụng mọi sự giúp đỡ mà
Mỹ cung cấp, như việc chuyển giao các tàu tuần duyên và tiếp đón các
chuyến cập cảng của hàng không mẫu hạm Mỹ, cũng như ủng hộ sự hiện diện
ngày càng nhiều của Hải quân Mỹ trên Biển Đông vì mục đích “đóng góp vào
hoà bình và an ninh của khu vực.”
Một thách thức khác cần được giải quyết để nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ là các vấn đề thương mại.
“Đứng
đầu trong danh sách này là yêu cầu của Việt Nam đối với Mỹ trong việc
không chỉ định Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường,” GS Thayer
nói.
Mỹ
tiếp tục áp dụng thuế quan đối với cá da trơn và tôm nhập khẩu từ Việt
Nam và gần đây chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế xuất khẩu lên
thép và nhôm từ Việt Nam cũng như loại Việt Nam ra khỏi danh sách các
nước đang phát triển. Dưới chính quyền Trump, vấn đề thặng dư thương mại
ngày càng tăng của Việt Nam được chú ý nhiều khi đạt 47 tỷ USD vào năm
ngoái. Tổng thống Trump tháng 7/2019 đã gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng
thương mại” mà ông cho là “tồi tệ” hơn cả Trung Quốc.
“Những
thách thức và khác biệt trong các mối quan hệ song phương (giữa Việt
Nam và Mỹ) chỉ có thể giải quyết được thông qua các cuộc đàm phán giữa
hai phía nhờ vào sự tăng cường gặp mặt thường xuyên của các quan chức
cấp cao trong chính phủ bao gồm người đứng đầu ở cấp nhà nước,” GS
Thayer nói.
Trong
năm 2019, việc Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bất ngờ đổ
bệnh đã ngăn cản ông không thể nhận lời mời của Tổng thống Trump tới
thăm Mỹ. Hiện tại cả Việt Nam và Mỹ đều đang tập trung vào các nỗ lực
chống đại dịch virus corona.
“Cả
hai phía đều phải chờ cho đến khi Mỹ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào
tháng 11 và Việt Nam họp đại hội Đảng 13 vào đầu năm 2021,” GS Thayer
nói.
‘Chiến lược’ trong 25 năm tới
Đã
có 4 kỳ tổng thống Mỹ trong 25 năm qua kể từ khi mối quan hệ giữa hai
nước cựu thù được bình thường hoá, gồm hai tổng thống của đảng Dân chủ –
Bill Clinton (1993-2000) và Barack Obama (2009-2016) – và hai tổng
thống của đảng Cộng hoà – George W. Bush (2001-2008) và Donald Trump
(2017-nay).
Theo
nhận định của GS Thayer, kể từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm
1995, các chính quyền Mỹ, dù là đảng Dân chủ hay Cộng hoà, đều phát
triển mối quan hệ với Việt Nam được thiết lập từ những chính quyền tiền
nhiệm. Theo ông Thayer, những phát triển chính trong mối quan hệ giữa Mỹ
và Việt Nam diễn ra trong các chính quyền của Đảng Dân chủ, như việc
bình thường hoá năm 1995 dưới thời Tổng thống Clinton, và việc thành lập
đối tác toàn diện năm 2013 và dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Mỹ
đối với Việt Nam năm 2016 đều dưới thời Tổng thống Obama.
“Nhưng
dù ai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021, ông Trump hay
ông Biden, cũng đều sẽ tiếp tục trân trọng những thoả thuận và những
tuyên bố chung trong đó xác định mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Việt
Nam,” GS Thayer nói, và cho rằng các vấn đề thương mại sẽ tiếp tục là
một vấn đề nếu ông Trump tái đắc cử.
“Dù ai trở thành tổng thống cũng sẽ theo đuổi một (mối quan hệ) đối tác chiến lược với Việt Nam,” GS Thayer nói.
Tổng
thống Trump, trong bức thư gửi Chủ tịch Trọng nhân dịp hai nước kỷ niệm
25 năm bình thường hoá quan hệ hôm 11/7, cho biết Mỹ sẽ “tiếp tục những
cam kết của mình trong việc tăng cường và mở rộng hơn nữa mối quan hệ
song phương trên cơ sở tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương hoà bình và thịnh vượng cũng như sự tôn trọng lẫn nhau về chủ
quyền và luật lệ quốc tế.”
Trước
đó hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ cam kết “làm
cho 25 năm tiếp theo của mối quan hệ song phương (giữa Hoa Kỳ và Việt
Nam) trở thành một mô hình của hợp tác và đối tác quốc tế.”
Dù
đó là những lời nói mang nhiều tính ngoại giao nhưng theo GS Thayer có
một sự thật trong đó là sự hội tụ những lợi ích chiến lược giữa
Washington và Hà Nội sẽ tăng cao trong 1/4 thế kỷ tới.
“Trong
25 năm tới, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ cuối cùng sẽ dẫn đến một
sự cân bằng quyền lực mới,” GS Thayer nhận định. “Trung Quốc sẽ đóng một
vai trò chi phối nhiều hơn ở Đông Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái
Bình Dương nói chung. Việt Nam cũng sẽ hợp tác nhiều hơn với Trung
Quốc.”
Theo
nhận định của một nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam với GS Thayer,
“Việt Nam có lợi nhất khi quan hệ Trung-Mỹ không quá nóng nhưng cũng
không quá lạnh.”
(VOA)
Không có nhận xét nào