Tàu tác chiến cận bờ USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông, ngày 16/6/2020. |
Báo
Dân Việt, vào ngày 8/7, thực hiện một cuộc phỏng vấn với Thượng tướng
Võ Tiến Trung, liên quan sự kiện Trung Quốc tập trận tại khu vực quần
đảo Hoàng Sa, từ ngày 1 đến ngày 5/7, và việc Hoa Kỳ đưa tàu chiến đến
vùng Biển Đông để tập trận.
Thượng
tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc
Học viện Quốc phòng, trong cuộc phỏng vấn này, cho rằng hành động tập
trận của Trung Quốc trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là vi
phạm chủ quyền. Đồng thời, hành động của Mỹ ở Biển Đông là nhằm “dằn
mặt” Trung Quốc, muốn khẳng định vị thế siêu cường số 1 về quân sự và
kinh tế, không để cho Trung Quốc trỗi dậy và đe dọa đến vai trò của Mỹ.
Ông
Tướng Võ Tiến Trung còn nhấn mạnh rằng động thái tập trận của Mỹ và
Trung Quốc nhằm “diễu võ, dương oai”. Tuy nhiên, hai quốc gia này đã gây
ra sự bất ổn và căng thẳng tại Biển Đông.
Vị
tướng của Việt Nam lưu ý Mỹ tập trận ở Biển Đông không phải để ủng hộ
Việt Nam bảo vệ chủ quyền. Do đó, Việt Nam cần phản đối tất cả các hành
động vi phạm chủ quyền của Việt Nam, của các nước ASEAN. Và, Tướng Võ
Tiến Trung kêu gọi khối ASEAN phải đoàn kết trong việc phản đối Mỹ và
Trung Quốc tập trận ở Biển Đông, cũng như tỏ thái độ để hai nước này
kiềm chế hành động của họ, không gây phức tạp thêm và đặc biệt là không
được lặp lại.
Giới chuyên gia nói gì?
Nhà
nghiên cứu Biển Đông, thạc sĩ Hoàng Việt, vào tối ngày 9/7 lên tiếng
với RFA rằng nhận định và tuyên bố của Thượng tướng Võ Tiến Trung cho
thấy:
“Ông
là tướng nhưng chưa chắc ông nắm vững, nắm sâu được vấn đề vì ở Việt
Nam có nhiều tướng lắm, nhưng tướng trong lĩnh vực nào và phát biểu dưới
góc độ gì? Cá nhân tôi thì cho rằng nhiều khi ông không hiểu vấn đề.
Phải nói rõ gần đây nhất, trong bài viết của một giáo sư Trung Quốc, ông
Ngô Sĩ Tồn, thì ông đã đặt ra một vấn đề là tình hình ở Biển Đông rất
đáng lo ngại. Và điều này bắt nguồn từ hai nguyên nhân. Theo ông Ngô Sĩ
Tồn, nguyên nhân thứ nhất là Mỹ đã kích động quân sự hóa tại Biển Đông.
Và thứ hai là các nước ASEAN; trong đó có Việt Nam, Malaysia, Indonesia,
Philippines đã cùng với Trung Quốc tạo ra ảnh hưởng đến vai trò của
Trung Quốc. Thế thì, chúng ta phải đặt ra vấn đề là ông tướng Võ Tiến
Trung phải hiểu ra vấn đề rằng không phải Mỹ hay các nước ASEAN đã gây
ra căng thẳng ở Biển Đông, mà chúng ta phải chỉ ra trực tiếp vấn đề là
căng thẳng Biển Đông bắt đầu từ Trung Quốc”.
Thượng tướng Võ Tiến Trung. |
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Chu, vào ngày 9/7 cũng đăng tải một bài viết trên trang
Facebook cá nhân của ông để phản biện lại đối với Thượng tướng Võ Tiến
Trung.
Trong
bài viết có nhan đề “Ông Võ Tiến Trung đừng nhầm lẫn kẻ xâm lược trên
biển”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trưng dẫn những bằng chứng chứng minh
Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Các bằng chứng đó xuyên suốt từ cuộc đánh chiếm Hoàng Sa hồi tháng
1/1974 kéo dài cho đến mới nhất là vào ngày 4/7 đã cho tàu Hải cảnh 5402
tiến sát một cách khiêu khích đến giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây
thuộc lô 06.1 mà Việt Nam đang khai thác. Sau đó hai ngày, vào ngày 6/7
tàu Hải cảnh Trung Quốc 5402 còn di chuyển đến giếng dầu mỏ Phong Lan
Dại ở khoảng cách 2,5 hải lý.
Qua
liệt kê một số những diễn tiến quan trọng rõ ràng mà phía Trung Quốc
“quấy phá” vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu
đề cập đến vấn đề rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản đối Mỹ tập trận
không, cũng như các nước ASEAN có nước nào phản đối Mỹ tập trận hay
không.
Tiến
sĩ Nguyễn Ngọc Chu đưa ra câu hỏi rằng vì sao ông Tướng Võ Tiến Trung
lại không nhìn nhận được sự hiện diện của Hải quân Mỹ là vô cùng quan
trọng, và rất có lợi cho Việt Nam? Và, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu tự trả
lời rằng phát biểu của Tướng Võ Tiến Trung không đại diện cho “trí tuệ
và dũng khí của các tướng lĩnh và Quân đội Việt Nam”.
Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu độc lập, khẳng định phát
biểu của Thượng tướng Võ Tiến Trung chỉ là quan điểm của cá nhân mà
không đại diện cho bất kỳ ai.
“Ông
đã không hiểu tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ bây giờ như thế
nào. Thứ hai là chính sách của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương
như thế nào, ông cũng không nắm được. Thậm chí ông còn không hiểu được
là Trung Quốc gây hấn ở trên biển không chỉ là 'diễu võ- dương oai', mà
còn có mục đích rất rõ là độc chiếm Biển Đông.”
Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp còn đưa ra thêm những bằng chứng cho thấy động thái gây
hấn của Trung Quốc ngày càng nhiều không chỉ ở khu vực Biển Đông.
“Mặc
dù là trong thời gian đại dịch COVID-19, nhưng họ làm nhiều chuyện khắp
nơi, cả ở Biển Hoa Đông, Hoàng Hải, eo biển Đài Loan, Biển Đông ở cả
Trường Sa và Hoàng Sa, rồi trên các đường giao thông hàng hải qua eo
biển Philippines và hai eo biển thuộc Indonesia, rồi eo biển Malacca
giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc cũng đưa tàu đến vùng
biển đó khá đông. Thế thì, thật sự mà nói là Trung Quốc đang có một kế
hoạch bành trướng và dùng sức mạnh ở trên biển để có thể các nước liên
quan, trong đó có Việt Nam mà mất cảnh giác thì họ gây xung đột.”
Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp lập luận rằng Thượng tướng Võ Tiến Trung phát biểu như
thế là do đã không đọc về chính sách của Hoa Kỳ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Chuyên gia nghiên cứu độc lập, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nói rằng ông Tướng
Võ Tiến Trung đã không hiểu gì về nước Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển
Đông. Trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ có 4 điểm lớn, mà trong
đó điểm thứ hai là điểm quan trọng “bảo vệ hòa bình bằng sức mạnh”. Cho
nên việc Mỹ tập trận là góp phần bảo vệ cho lợi ích của tất cả các quốc
gia, trong đó có lợi ích của nước Mỹ.
Tiến
sĩ Hà Hoàng Hợp còn lập luận rằng có thể phát biểu của Tướng Võ Tiến
Trung ngầm ý rằng tại Việt Nam có những quan điểm khác nhau hoặc có thể
hiểu là mặc dù Việt Nam có thay đổi rất lớn trong mối quan hệ quốc tế,
nhưng cũng có những người chống lại sự tiến bộ đó.
Về
lời kêu gọi của Thượng tướng Võ Tiến Trung liên quan việc các nước
ASEAN đoàn kết để phản đối Trung Quốc và Hoa Kỳ gây bất ổn và căng thẳng
ở Biển Đông, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết Việt Nam, trong vai trò Chủ
tịch ASEAN 2020, gặp không ít trở ngại và thách thức vì ảnh hưởng của
đại dịch COVID-19.
“Việt
Nam có rất nhiều dự định trong việc thúc đẩy và đoàn kết trong khối
ASEAN, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông. Nhưng 6 tháng đầu năm 2020, dịch
COVID-19, khởi nguồn từ Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều tới Việt Nam
trong vai trò Chủ tịch ASEAN. Mặc dù vậy, Việt Nam đã cố gắng hết sức,
qua cuộc họp online gần đây nhất, để đưa ra một tuyên bố chung của
ASEAN; trong đó sử dụng UNCLOS 1982 làm nền tảng giải quyết những bất
đồng trong khu vực Biển Đông.”
Những
lời tuyên bố của Thượng tướng Võ Tiến Trung trùng hợp trong thời điểm
Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định về mối quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ trong 1/4
thế kỷ qua:
“Với
tư cách là một nhà nghiên cứu về Biển Đông, tôi vẫn cho rằng vai trò
của Mỹ rất tích cực trong vấn đề Biển Đông và mối quan hệ Việt-Mỹ càng
ngày đang trên đà rất mạnh.”
Vào
ngày 5/7, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, trong cuộc
phỏng vấn với VITV xoay quanh chủ đề dấu mốc lịch sử 25 năm quan hệ
Việt-Mỹ, đã nhấn mạnh hơp tác an ninh giữa hai nước là rất quan trọng,
trong đó có sự hợp tác về vấn đề Biển Đông.
(RFA)
Không có nhận xét nào