Hình minh hoạ. Tàu chiến USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 11/4/2017 |
Ngày
14/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo ra tuyên bố lập trường của
Washington đối với những yêu sách biển của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong
đó khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở
rộng; việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với những nguồn tài nguyên
trên hầu hết Biển Đông cũng như tiến hành những chiến dịch để kiểm soát
vùng này là bất hợp pháp.
Tuyên
bố của Ngoại trưởng Mỹ đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao nêu rõ: Mỹ
tìm cách gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông, duy trì tự do hàng
hải phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ cho lưu lượng thương mại không bị
cản trở và chống lại bất cứ âm mưu nào muốn sử dụng sự cưỡng ép hay vũ
lực để giải quyết tranh chấp.
Ngoại
trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ chia sẻ những lợi ích sâu sắc với nhiều đồng
minh và đối tác vốn từ lâu ủng hộ trật tự quốc tế căn cứ trên luật lệ.
Những lợi ích cùng chia sẻ này đang chịu sự đe dọa chưa từng thấy từ
Trung Quốc. Ông Pompeo tố cáo Bắc Kinh sử dụng sự uy hiếp để phá hoại
quyền chủ quyền của các nước ven biển Đông Nam Á tại Biển Đông, ức hiếp
và đẩy các nước ra khỏi các nguồn tài nguyên ngoài khơi, áp đặt sự chiếm
lĩnh đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế theo kiểu “chân lý thuộc
về kẻ mạnh.”
Ngoại
trưởng Mỹ cho rằng “mọi người đã thấy rõ cách thức của Bắc Kinh trong
nhiều năm qua” và dẫn chứng lời cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết
Trì năm 2010 phát biểu trước các đối tác ASEAN rằng “Trung Quốc là một
nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, đó là sự thật”. Ngoại
trưởng Pompeo khẳng định: “Quan điểm xâm chiếm thế giới của Trung Quốc
không có chỗ đứng trong thế kỷ 21”.
Vẫn
theo lời Ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để áp đặt ý
định đơn phương trong khu vực cũng như không đưa ra được cơ sở pháp lý
thích đáng về “đường 9 đoạn” tại Biển Đông kể từ khi chính thức loan báo
vào năm 2009. Trong quyết định ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường
trực quốc tế - được thành lập theo Công ước về Luật Biển (UNCLOS) năm
1982 mà Trung Quốc là một thành viên - đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền trên
biển của Trung Quốc, gọi tuyên bố này là vô căn cứ theo luật quốc tế và
đứng về phía Philippines - quốc gia đưa vấn đề ra tòa trọng tài.
Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu tại một họp báo tại Washington DC hôm 9/11/2018 |
-
Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách biển một cách hợp pháp-bao gồm
bất cứ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào phát xuất từ Bãi cạn
Scarborough và Quần đảo Trường Sa - so với Philippines trong những khu
vực mà Tòa phát hiện nằm trong vùng EEZ của Philippines hay thềm lục địa
của nước này. Việc Bắc Kinh quấy nhiễu các hoạt động đánh bắt cá và
khai thác năng lượng ngoài khơi của Philippines trong những khu vực này
là bất hợp pháp, cũng như bất cứ hoạt động đơn phương nào của Trung Quốc
nhằm khai thác các nguồn tài nguyên đó. Cùng với quyết định ràng buộc
pháp lý của tòa án, Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hay yêu
sách biển hợp pháp tại Đá Vành Khăn hay Bãi Cỏ Mây, cả hai thực thể này
hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines. Bắc
Kinh cũng không thể có bất cứ yêu sách lãnh thổ hay yêu sách biển phái
sinh từ những thực thể này.
-
Vì Bắc Kinh không đưa ra được yêu sách nào trên Biển Đông hợp lý và hợp
pháp, nên Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối các vùng
biển bên ngoài 12 hải lý tính từ các đảo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền
tại Trường Sa. Do đó, Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối
với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam, Bãi cạn
Luconia ngoài khơi Malaysia, vùng biển trong khu vực EEZ của Brunei và
Natuna Besar ngoài khơi Indonesia. Bất cứ hành động nào của Trung Quốc
quấy nhiễu việc đánh cá hay việc khai thác dầu khí của các nước khác
trong các vùng biển này - hoặc tiến hành các hoạt động đơn phương như
thế, là bất hợp pháp.
-
Trung Quốc không có yêu sách về lãnh thổ hay yêu sách biển hợp pháp đối
với (hoặc xuất phát từ) Bãi ngầm James, một thực thể hoàn toàn chìm
dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000
hải lý. Bãi ngầm James thường được ghi trong các tài liệu tuyên truyền
của Trung Quốc là “lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc.” Luật quốc tế ghi rõ
là: Một thực thể chìm dưới nước như Bãi ngầm James không thể bị tuyên
bố chủ quyền và không thể tạo ra vùng biển kèm theo được. Bãi ngầm James
(chìm gần 20 mét dưới mặt biển) không phải và không bao giờ là lãnh thổ
của Trung Quốc, cũng như Bắc Kinh không bao giờ có thể khẳng định các
quyền về biển hợp pháp từ Bãi ngầm này.
Ngoại
trưởng Mỹ kết luận: Thế giới không cho phép Bắc Kinh đối xử với Biển
Đông với tư cách như là đế chế biển của Trung Quốc. Mỹ đứng về phía các
đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của
các nước này đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với quyền và
nghĩa vụ của các nước theo luật quốc tế. Mỹ cũng đứng về phía cộng đồng
quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, bác bỏ
bất cứ lực đẩy nào áp đặt “mạnh thì thắng” tại Biển Đông hay tại khu
vực rộng lớn hơn.
Các thông điệp gửi đi từ tuyên bố này
Việc
công khai những quan điểm này được đưa ra một ngày sau kỷ niệm 4 năm
phán quyết của tòa trọng tài thường trực hồi tháng 7/2016 trong vụ
Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông. Đây là tuyên bố mạnh mẽ mới
nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thách thức Trung Quốc,
nước mà Trump ngày càng coi là kẻ thù trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào
cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Có một số thông điệp đáng lưu ý ở đây.
Thứ
nhất, động lực thúc đẩy việc ra tuyên bố lần này dường như xuất phát
các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại biển Đông. Trước
đây, Mỹ đã có những phát biểu tương tự nhưng với mức độ nhẹ nhàng hơn.
Năm 2019, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra những tuyên bố kêu
gọi Trung Quốc ngừng hành động “bắt nạt” Việt Nam tại vùng đặc quyền
kinh tế của Hà Nội.
Thứ
hai, quan điểm của Washington về tự do hàng hải và tự do hàng không hầu
như không thay đổi, theo đó Mỹ xác định tự do hàng hải là một lợi ích
cốt lõi của họ ở Biển Đông. Quan điểm này được đưa ra từ nhiệm kỳ đầu
tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Thứ
ba, về mặt pháp lý, Washington khẳng định rằng Trung Quốc “không có cơ
sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ ở khu vực” và Bắc Kinh
không “đưa ra được cơ sở pháp lý chặt chẽ về tuyên bố cái gọi là ‘đường 9
đoạn’ ở Biển Đông kể từ khi chính thức tuyên bố đường này từ năm 2009”.
Để hậu thuẫn 2 sự khẳng định này của mình, Mỹ đã viện dẫn phán quyết
của tòa trọng tài thường trực hôm 12/7/2016 về vụ Philippines kiện Trung
Quốc ở Biển Đông.
Nhận
thức mới về quan điểm của Mỹ nói trên có thể mở ra một mặt trận mới về
cách thức Trung Quốc chọn cách đối phó với những hoạt động quân sự của
Mỹ diễn ra hiện nay ở Biển Đông. Sự thay đổi chính sách nói trên của Mỹ
trùng với sự thay đổi của Philippines về vấn đề Biển Đông. Manila gần
đây đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của tòa trọng
tài, trong đó vô hiệu hóa những yêu sách tham lam của Trung Quốc tại
Biển Đông dựa trên các căn cứ lịch sử mà không có bất kỳ khả năng thỏa
hiệp nào. Ngoại trưởng Philipines Teodoro Locsin Jr. đã đưa ra lời kêu
gọi nói trên nhân lễ kỷ niệm ngày 12/7/2016, ngày Toà trọng tài đưa ra
phán quyết mà ông cho rằng đã giải quyết một cách thuyết phục vấn đề
quyền lịch sử và các quyền lợi biển tại Biển Đông dựa theo Công ước Liên
hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ông Locsin tuyên bố: "Phán
quyết này là không thể đem ra thương lượng. Tòa án có thẩm quyền đã phán
quyết rằng những tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử đối với các
tài nguyên trong vùng biển này là không có cơ sở pháp lý". Đây là tuyên
bố đanh thép nhất mà Philippines đưa ra cho tới nay liên quan phán quyết
mang tính bước ngoặt này.
Hoa Kỳ đã quyết định đẩy mạnh chính sách biển Đông của mình?
Tuyên
bố về quan điểm của Mỹ về Biển Đông nói trên được đưa ra giữa lúc xảy
ra những căng thẳng gia tăng liên quan Trung Quốc, bao gồm vụ đụng độ
biên giới hồi tháng 6/2020 giữa Trung Quốc và Ấn Độ mà Ngoại trưởng Mỹ
Mike Pompeo gọi là một phần của chiến lược của Bắc Kinh gây thách thức
các nước láng giềng. Trước đó, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng sau khi
Trump chỉ trích mạnh mẽ Bắc Kinh không nỗ lực nhiều hơn nhằm ngăn chặn
đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trump cũng tăng cường sức ép
đối với Trung Quốc về vấn đề giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ Hồi
giáo. Hồi tuần trước, Mỹ đã áp đặt các đòn trừng phạt đối với giới chức
Trung Quốc.
Chính
sách của Mỹ trước đây tỏ ra “mơ hồ” ở chỗ nó chủ yếu giới hạn trong
việc kêu gọi đảm bảo quyền “tự do hàng hải” ở Biển Đông vốn rất quan
trọng đối với các tuyến thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Washington cũng
kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, theo con
đường ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế, song Washington
không thể hiện quan điểm về tính hợp pháp trong các yêu sách biển của
bất cứ bên nào. Cho dù Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch kéo dài
nhiều năm để xây dựng các căn cứ và các tiền đồn khác trên các bãi cát,
đá ngầm và các mỏm đá như một cách để khẳng định yêu sách của mình.
Bằng
cách gọi những yêu sách biển của Trung Quốc đối với các nguồn tài
nguyên ngoài khơi Biển Đông là bất hợp pháp và ủng hộ một “Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Mỹ đã đảo ngược chính sách được cho
là theo “chủ nghĩa biệt lập” của mình và đã tái khẳng định cam kết mạnh
mẽ của họ với các đối tác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)
cũng như các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Australia.
Tuyên
bố của Ngoại trưởng Pompeo không chỉ là một sự thể hiện ý chí chính trị
to lớn của Mỹ là sát cánh với các đồng minh của mình tại khu vực Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương, mà còn là một sự củng cố trên tiền tuyến ở Biển
Đông. Một nhà quan sát về vấn đề Trung Quốc nhận định: “Tuyên bố này đã
thay đổi quan niệm rằng chính quyền Trump chỉ hướng nội và có chủ
trương biệt lập. Bằng cách công khai lập trường rõ ràng về Biển Đông,
đây là một lời tái khẳng định học thuyết của Mỹ đối với khu vực này. Nó
chỉ ra rằng Mỹ vẫn kiên định sát cánh cùng với các đồng minh của mình
như Philippines và Việt Nam, cũng như công nhận các tuyên bố chủ quyền
của Indonesia và Malaysia chống lại sự chèn ép của Trung Quốc trong khu
vực này”.
Tuyên
bố về Biển Đông của Mỹ không chỉ thách thức Trung Quốc mà còn là một
lời cam kết ủng hộ đanh thép đối với các quốc gia khác như Nhật Bản,
Australia và Hàn Quốc.
Trương Hoàng Phương
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào