Con người đặc biệt này dẫn đến một hiệu quả đặc biệt: hiện tượng tôn sùng.
Sự tôn sùng cá nhân ở các nước độc tài thường được thực hiện qua một hệ thống tuyên truyền dối trá: tẩy não. Hiện tượng tôn sùng Trump hoàn toàn ngược lại. Không có một bộ máy tuyên truyền nào đứng đàng sau ông. Ông tự phơi bày chính ông. Ông luôn luôn xuất hiện như một Trump nguyên vẹn, không giống ai, đầy cá tính. Thay vì tốt khoe, xấu che, ông để cho cá tính của mình bộc lộ thoải mái, không cần giấu giếm, che đậy. Nó biến ông thành một người mà đối thủ của ông có thể sử dụng bất cứ hình dung từ nào xấu nhất để mô tả, những là idiot (xuẩn ngốc), arrogant (kiêu ngạo), nut (gàn dở), những là clown (hề), pompous (đại ngôn) vân vân và vân vân. Bất ngờ là, điều đó, thay vì dìm ông xuống, lại đẩy ông lên, hấp dẫn những “fan” của ông.
Trong lúc một số trong giới tinh hoa CH cũng như giới có trình độ đại học ở các đô thị chia tay với Trump, thì đa phần số cử tri nòng cốt vốn đã từng đưa ông vào tòa Bạch Ốc vẫn trung thành. Do đó, khi những nhân vật tai to mặt lớn, cũng cùng phe CH, như các ông Bush, Mattis, Romney, Powell lên tiếng chống Trump, điều này hầu như rất ít ảnh hưởng đến họ. Trump nắm vững sự kiện này nên chiến lược tranh cử của ông là thỏa mãn khối người ủng hộ mình trước (base first strategy). Khối người đó là ai?
Theo nghiên cứu của những nhà chuyên môn, số cử tri đó là những người cư ngụ ở các vùng nông thôn, là giới thợ thuyền ở các tiểu bang công nghiệp hiện bị suy đồi do chủ trương toàn cầu hóa và điện tử hóa; đặc biệt là nhữngngười có lập trường bảo thủ cư ngụ ở vùng đất nội địa, xa biển gọi là “heartland”.
“Heartland” là một thuật ngữ chính trị để chỉ những tiểu bang Hoa Kỳ “không tiếp giáp với biển”. Nó cũng còn là một thuật ngữ văn hóa, ám chỉ một số ý tưởng và giá trị về những người lao động chân tay (blue collar): siêng năng, cần cù, mộc mạc, giản dị, đàng hoàng. Khối người này là hình ảnh một nước Mỹ cũ, da trắng, ổn định, có căn có gốc, luôn giữ gìn truyền thống, tin tưởng các giá trị Thiên Chúa giáo; ngược hẳn lại với các vùng đô thị và vùng biển (coastal) là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của di dân, đa chủng, đa văn hóa và nhiều thay đổi. Họ không tin truyền thông vì theo họ, xu hướng chung của truyền thông Mỹ là phiến diện, có xu hướng thiên về vùng biển (coastal) và tự do (liberal), không mấy khi quan tâm đến những nhu cầu của “heartland”. Theo họ, sao cũng được, miễn là phải trả về lại khung cảnh của một nước Mỹ với các giá trị truyền thống của nó, thứ giá trị mà theo họ, đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trước đây. Ông Trump nắm bắt được nguyện vọng cốt tủy của thành phần này. Chỉ cần thỏa mãn nguyện vọng đó là đủ, còn những thứ linh tinh khác thì sao cũng được. Chả thế mà trong một lần vận động tranh cử năm 2016, ông không ngần ngại tuyên bố, “Tôi có thể đứng ngay giữa Đại Lộ Số Năm, bắn [chết] một ai đó mà không bị mất bất cứ cử tri nào.”[23]
Xin ghi lại một vài chi tiết lấy từ cuộc phỏng vấn những người ủng hộ Trump của CNN tại Florida vào ngày 9/6/2020:[24]
Nói chung, những người ủng hộ Trump không phải không biết những khuyết điểm của Trump, nhưng nhìn chúng qua một lăng kính khác. Chẳng hạn với bà Karen Deeter, một người hưu trí: “Tôi cho rằng cá tính của Trump rất khó để bàn, cách xử thế của ông cũng khó. Ông không phải là chính trị gia, nhưng ông đã làm được một số việc.” Bà không thích những cái “tuýt” của Trump và muốn ông đừng “tuýt” nữa. Bà cũng không thích cách sử dụng ngôn ngữ của Trump, muốn ông dịu giọng bớt, nhưng đồng thời lại cho rằng đó đã là cá tính thì không thể thay đổi. Do đó, bà không quan tâm đến cách ăn nói mà quan tâm đến các chính sách của Trump và kết quả của chúng. Được hỏi về chuyện ông Trump cho giải tán biểu tình để đi chụp ảnh ở nhà thờ Saint John’s Church hôm 1/6/2020, một bà nói “Tôi nghĩ là ông muốn bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với Thiên Chúa giáo. Ông dám đi bộ đến đó là rất can đảm.” Bà không trách Trump về tỷ lệ thất nghiệp trong cơn dịch. Một người khác thì mong ông phải suy nghĩ thật kỹ trước khi gửi ra những cái “tuýt” có tính gây gổ. “Ông luôn luôn muốn nói ra những gì có trong đầu và tôi thì tôi đánh giá cao những cái tuýt của ông. Đôi khi tôi nhìn vào ông và nghĩ, OK, cái đó có lẽ ông đã đi quá giới hạn rồi đó, nhưng không sao, ông có ý tốt, ông là người yêu nước.” Được hỏi về những lời phát biểu bất lợi cho Trump của các tướng Powell và Mattis, những người được phỏng vấn đều cho rằng ai cũng có ý kiến của riêng mình. Theo họ, những người chống đối Trump chỉ là số ít. Đại đa số những lãnh tụ CH và những người theo CH vẫn đứng sau lưng và tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ những gì ông thực hiện.
Vậy tâm lý hay thần kinh những người ủng hộ Trump khác với những người khác như thế nào? Cái gì trong đầu óc họ khiến cho họ tin tưởng Trump một cách gần như tuyệt đối như vậy? Có người cho rằng người ta ủng hộ Trump là vì họ thiếu thông tin hay bị ảnh hưởng bởi tin giả. Khi ông nói những điều rõ ràng là sai, họ vẫn không cho là sai. Tiến sĩ Bobby Azarian, một nhà nghiên cứu thần kinh về nhận thức (cognitive neuroscientist), có một cái nhìn khác. Trong cuốn biên khảo “The Psychology Behind Donald Trump's Unwavering Support”,[25] ông giải thích hiện tượng tôn sùng tổng thống Trump qua một số tính cách sau:
Hiệu ứng The Dunning-Kruger (The Dunning-Kruger effect) (thiên kiến nhận thức). Các nghiên cứu cho thấy những người thiếu kiến thức trong một số lãnh vực nào đó thường có một thiên kiến nhận thức (cognitive bias) khiến cho họ không nhận ra là họ sai lầm. Hơn thế nữa, họ còn tự cho rằng họ luôn luôn đúng. Những người tôn sùng Trump không phải vì họ thiếu thông tin mà vì không nhận biết là họ nhận thông tin sai.
Tâm lý sợ hãi quá đáng (Hypersensitivity to Threat). Người có xu hướng bảo thủ thường có những phản ứng sinh lý mạnh mẽ hơn khi nghe tiếng ồn hay nhìn thấy những hình ảnh sinh động hơn là người có đầu óc tự do. Các khảo sát về hình ảnh não bộ (brain-imaging study) cho thấy não bộ của những người bảo thủ thường phản ứng tự động, không chịu ảnh hưởng của lý trí hay luận lý. Chừng nào mà ông Trump còn kích hoạt nỗi sợ hãi Hồi giáo, sợ hãi di dân thì óc não của họ tự động sáng lên y như thể được kiểm soát bởi một cái nút bấm.
Gây sự chú ý cao (High Attentional Engagement). Theo một khảo cứu về não bộ những người tham dự tranh cãi của các ứng viên tổng thống, người ta nhận thấy ông Trump có điểm độc đáo: khả năng giữ cho não bộ khán giả thường xuyên hoạt động. Trong lúc bà Hillary chỉ có thể giữ sự chú ý của khán giả một khoảng thời gian ngắn, thì Trump lại giữ mức độ chú ý và cảm xúc cao, xuyên qua suốt cả thời gian tranh cãi. Cách nói (cố ý) khoe khoang và những thông điệp đơn giản mà ông đưa ra đánh động mạnh vào xúc cảm của người nghe, để lại nhiều âm vang về sau.
Chứng nghiện giải trí và truyền hình thực tế (Reality TV). Truyền hình thực tế là chương trình người thực việc thực, không cần đạo diễn, không cần diễn viên. Xem truyền hình thực tế, khán giả không thể suy đoán câu chuyện. Trong các cuộc vận động tranh cử, thông thường các chính trị gia chỉ đọc những bài đã soạn sẵn, khán giả hầu như có thể đoán biết sẽ được nghe những gì. Trump khác hẳn. Là một người dày kinh nghiệm về truyền hình thực tế, mỗi lần xuất hiện, ông ứng khẩu, dựa vào thực tế, lúc nào cũng có điều bất ngờ, mới mẻ để nói. Trong buổi nói chuyện tại Tulsa (20/6/2020), ông dành cả hơn chục phút để giải thích tại sao ông phải bưng ly nước hai tay để uống hôm đọc diễn văn ở trường West Point: bận đưa tay lên chào các tân sĩ quan đến…600 lần; vừa nói ông vừa làm điệu bộ, cử chỉ minh họa. Và khán giả vỗ tay rầm trời. Nói chung, khi nghe ông nói, khán giả thường ít khi suy đoán được những gì ông sắp nói hay sắp làm. Nên hứng thú, hồi hộp, chờ đợi. Đang họp báo, ông đột ngột chấm dứt, quay lưng bỏ đi, không thèm trả lời câu hỏi của thông tín viên, khiến mọi người chưng hửng; đang ở trong tòa Bạch Ốc theo dõi cuộc biểu tình ở bên ngoài, ông đùng đùng ra lệnh giải tán biểu tình để đi bộ tới nhà thờ, cầm cuốn Thánh Kinh chụp hình rồi đi về, khiến ngay cả đoàn tùy tùng đi theo ông cũng ngẩn ngơ. Bất ngờ như trong một phim kinh dị!
Tóm lại, hễ xuất hiện, Trump bao giờ cũng tìm cách“make news”: làm cho sự kiện trở thành tin nổi bật. Hoặc khoe khoang thành tích của mình, hoặc rủa sả truyền thông hoặc đưa ra những giả thuyết khác thường: thuốc ngừa sốt rét chống được con siêu vi, tiêm chích thuốc sát trùng vào cơ thể để chữa bệnh, vân vân và vân vân. Chẳng lạ gì, như được “kích hoạt”, các hành vi hay phát biểu của ông bao giờ cũng được truyền thông đưa lên tin hàng đầu, không những thế, được nhắc đi nhăc lại vô số lần. Có vẻ như họ bị lọt vào bẫy! Theo nhận xét của một thành viên trong cuộc thảo luận về bầu cử ở trang “FiveThirtyEight”,[26] Trump có năng khiếu tạo ra tranh cãi, (nguyên văn: controversy/tranh cãi, chaos/hỗn loạn, division/chia rẽ). Khả năng đó làm cho ông trông mạnh, vững, ra vẻ lãnh tụ (leader-ish). Đã thế, Trump còn tìm cách thay đổi trò chơi nhiều lần để kích thích trạng thái tâm lý của những người ủng hộ, thúc đẩy họ tiếp tục duy trì quan điểm cực đoan của mình và ủng hộ ông. Dưới mắt họ, Trump không bao giờ sai. Cố thượng nghị sĩ McCain nhận xét: nghệ thuật của Trump là nghệ thuật thổi bùng sự cuồng nhiệt (crazies).[27]
Tắt lại, sự tôn sùng thường tập trung vào cá nhân. Tôn sùng một người là tôn sùng chính bản thân người đó trước. Người được tôn sùng, Trump, trở thành mẫu mực. Trump chống bác sĩ Anthony Fauci là người ta chống Anthony Fauci; Trump chống Bill Gates là người ta chống Bill Gates, Trump chống Tedros Adhanom (tổng giám đốc WHO) là người ta chống Tedros, Trump ủng hộ thuốc sốt rét là người ủng hộ thuốc sốt rét, Trump nói đừng đeo mặt nạ là người ta không đeo mặt nạ…Mặt khác, ai đụng đến Trump là bị “đánh” te tua, không thương tiếc, dù đó là các khuôn mặt cao cấp vốn từng được kính trọng như các thượng nghị sĩ McCain, Romney hay cựu tổng thống Bush (Con), cựu cố vấn John Bolton, hay tướng Mattis, vân vân và vân vân.
Ham vui với sự cổ võ nhiệt tình của những người ủng hộ hay tôn sùng, có lẽ đôi khi ông quên rằng ông là TỔNG THỐNG CỦA HOA KỲ chứ không chỉ là tổng thống của những “fan” hay “base” của ông. Lẽ ra, một khi đã là tổng thống, ông phải là tổng thống của cả những người “ÔNG KHÔNG ƯA”, chẳng hạn những Low Energy Jeb (Jeb Bush yếu đuối), Lyin’Ted (Cruz dối trá), Crooked Hillary (Hillary lươn lẹo), Cheatin' Obama (Obama lừa đảo), Little Marco (Marco bé bỏng), Wacko John Bolton (Bolton dở hơi), Nervous Nancy (Nancy hoảng hốt)…lẫn những người “KHÔNG ƯA ÔNG”, kể cả những Do-Nothing Democrats (đám Dân Chủ Không-Làm-Nên-Trò-Trống-Gì-Cả) hay phong trào BLM, vốn chiếm khoảng một nửa số cử tri Hoa Kỳ.[28]
Nhưng nghĩ cho cùng: người tôn sùng thì làm cho ông vui đã rồi, nhưng những người chống ông, tuy làm ông bực, nhưng lại là những tấm gương soi quý giá để ông nhìn lại chính ông và những việc ông làm.
Chẳng lợi lắm ru!
Trump vs Not-Trump.
Rốt cuộc, nói một cách nghịch lý, theo nhận định của nhiều chuyên gia, cuộc tranh cử tổng thống năm nay là cuộc chạy đua giữa Trump và chính ông! Một hình thức trưng cầu dân ý về Trump. Vì sao?
Đối thủ của ông, nguyên phó tổng thống Joe Biden, không phải là một ứng cử viên sáng giá của DC. Trong lúc Trump ăn nói lưu loát, hùng biện trước đám đông thì Biden khá yếu về mặt này. Biden ăn nói không trôi chảy, lại hay vấp váp, nhất là khi phải trả lời những câu hỏi bất ngờ từ báo chí. Điều này đã được chứng minh qua những lần tranh cãi giữa Biden và các ứng cử viên DC khác. Nắm vững điểm yếu này, hễ có dịp là Trump mang Biden ra bêu riếu. Trump đặt cho Biden biệt danh là “Sleepy Joe” (Biden ngái ngủ). Bóng bẩy hơn, Trump gọi Biden “là một con búp bê bơ vơ của đám cực tả” (Biden is a helpless puppet of radical left). Mới đây, ông còn tố cáo Biden là “giấu giếm những dấu hiệu suy đồi về nhận thức” (cognitive decline) và thách thức ông Biden đi thử nghiệm về chứng mất trí nhớ (dementia test).[29]
Có điều, trong lúc không có gì đáng nói về Biden, thì những vấp váp và lẫm lỗi của Trump đâm ra có lợi cho Biden. Khi không khí đảng tranh càng ngày càng tiêu cực, cơn dịch vẫn còn trong vũng lầy và phong trào BLM chưa có dấu hiệu lắng xuống, nếu ông Trump-tổng-thống càng vấp lỗi lầm thì điểm của Biden-ứng-cử-viên càng lên cao. Lẽ thường: ít nói, ít vấp; nói nhiều, vấp nhiều. Ông Trump nói nhiều, sao khỏi vấp. Đó là lý do khiến trong tháng Sáu, Biden cao điểm hơn hẳn Trump trong hầu hết các cuộc thăm dò, kể cả thăm dò của hệ thống Fox thân-Trump. Sáu mươi phần trăm (60%) những người được thăm dò cho biết họ ủng hộ Biden là vì họ chống Trump, theo CNN trong cuộc thăm dò dư luận vào đầu tháng 6/2020. Cũng thế, đầu tháng Bảy, thăm dò dư luận của USA Today (2/7/20)[30] cho thấy chống-Trump là yếu tố then chốt khiến người ta ủng hộ Biden.
Bởi thế, thay vì là cuộc đối đầu Trump vs Biden, các chuyên gia bầu cử hình dung cuộc bầu cử tổng thống năm nay một cách khác: cuộc đối đầu Trump vs Not Trump. Trump và/hay Không Trump! Cụ thể ra: hoặc Trump hoặc bất cứ ai. Đúng là xem thường ông Biden. Phải chăng bóng dáng Trump quá lớn, lớn đến nỗi choáng hết không gian bầu cử?
Chờ xem: dzậy mà đôi khi không phải dzậy! Sau quá nhiều sóng gió do cung cách làm việc và những phát ngôn đầy cá tính của Trump, bầu cho Biden, đối với một số người, là bầu cho sự trở về nguyên trạng (status quo), bầu cho sự ổn định. Chính đây cũng lại là xu hướng của một số nhân vật CH cao cấp, trước đây đã từng là quan chức dưới thời tổng thống Bush (Con). Kristopher Purcell, một trong số đó, phát biểu, “Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với nghị trình của DC, nhưng lần này là cuộc “bầu cử một-chủ-điểm” (one-issue election): “Bạn ủng hộ Trump hay ủng hộ nước nước Mỹ” (Are you for Donald Trump, or are you for America).[31] Chỉ là một cách nói. Tóm lại:
Trump hay Không-Trump.
Chẳng hay lẻ.
Thế thôi!
IV. Kết
Từ ngày có quốc tịch, tôi đã từng năm lần đi bầu tổng thống với tính cách cử tri độc lập, nhiều lần đi bầu thượng viện, hạ viện, liên bang cũng như của tiểu bang, và các cuộc bầu cử địa phương linh tinh khác. Thỉnh thoảng có đi bầu sơ bộ (primary). Khi thì tôi bầu cho CH khi thì cho DC. Có khi bầu cho tổng thống DC nhưng lại bầu cho thượng nghị sĩ hay dân biểu CH, có khi thì ngược lại. Cũng có vài lần tình nguyện đi xem phòng phiếu (poll worker). Khác với không khí tranh cử ồn ào, náo nhiệt và gay gắt khi tranh cử, ngày bầu cử lúc nào cũng diễn ra êm thắm, trật tự. Bầu xong, ai về nhà nấy đợi xem kết quả.
Trong tất cả các lần đi bầu, tôi thích thú theo dõi cách người Mỹ giải quyết cuộc bầu cử tổng thống khá gay cấn năm 2000. Kết quả phiếu cử tri đoàn của 47 tiểu bang cho thấy hai ứng cử viên George Bush (CH) và Al Gore (DC) ngang ngửa nhau: Gore 250, Bush 246. Còn lại 3 tiểu bang chưa có kết quả. Vì hai tiểu bang kia, con số cử tri đoàn quá nhỏ, nên tiểu bang Florida với 25 phiếu cử tri đoàn đóng vai trò quyết định, ai thắng Florida, sẽ đắc cử tổng thống.[32] Sau khi đếm phiếu, Bush thắng. Nhưng chênh lệch phiếu giữa hai ứng cử viên quá nhỏ (Bush hơn Gore 1784 phiếu) nên theo luật, phải tiến hành thủ tục đếm phiếu lại (recount). Đếm xong, ông Bush vẫn dẫn trước nhưng số chênh lệch còn ít hơn nhiều, nên DC đòi đếm lại phiếu bằng tay (manual recount). Hai bên tranh cãi nhau kịch liệt, cuối cùng phải nhờ đến Tối Cao Pháp Viện (TCPV) phân xử. TCPV bang Florida bênh DC, ra lệnh cho đếm phiếu lại bằng tay. CH không chịu, kiện lên TCPV liên bang. TCPV liên bang bênh CH, không chấp nhận đếm phiếu bằng tay, rốt cuộc, ông Bush (Con) thắng cử với cách biệt 547 phiếu bầu trong sự cay đắng của đảng DC. Trước sự giận dữ của toàn đảng DC và người ủng hộ, phó tổng thống Al Gore thẳng thắng tuyên bố, “Bây giờ TCPV đã lên tiếng. Không còn nghi ngờ gì nữa, trong khi hoàn toàn không đồng ý với quyết định của tòa, tôi chấp nhận nó.”[33]
Đẹp!
Năm nay, vừa tự nhốt ở nhà để tránh dịch, lại vừa nhìn hai đảng đem nhau ra bêu riếu trước bàn dân thiên hạ năm châu bốn biển để tranh phiếu, nhìn những người trong phong trào BLM rùng rùng đi biểu tình trong lúc có cơn dịch bệnh, tôi thật chán nản pha lẫn đôi chút ngượng ngùng. “Miếng đỉnh chung” làm cho một nước văn minh như Mỹ mà chia rẽ, đấu đá nhau, dày vò nhau, rủa sả nhau, bần tiện và thô lỗ đến như vậy sao? Ai đúng ai sai?
Tôi tự trả lời tôi: Trong một xã hội vô cùng mở như Hoa Kỳ, không có cái gì là duy nhất Đúng và cũng chẳng có cái gì là duy nhất Sai. Trong mỗi Đúng có cái Sai và trong mỗi Sai có cái Đúng; hôm nay Đúng ngày mai Sai; chỗ này Đúng chỗ kia Sai. Đúng trong sai, sai trong đúng,chính là dân chủ vậy. Tôi vẫn thích phát biểu này của nhà văn Voltaire, Pháp: “Tôi không đồng ý với những điều bạn nói nhưng tôi sẽ tranh đấu đến cùng quyền của bạn được nói lên điều ấy” (Je ne suis pas d’accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que vous ayez le droit de le dire). Dân chủ là tạo cơ hội để đối thủ mình nói chứ không tìm cách bịt miệng đối thủ. Khác với cái ổn định buồn nản, trơ tráo của những nước độc tài, ổn định ở Mỹ là một ổn định…sinh động. Báo chí, truyền hình và các trang mạng Mỹ tràn đầy những tranh cãi không dứt. Tranh cãi mà không bôi bẩn. Hãy theo dõi Fox và CNN chẳng hạn: liên miên phê phán, chỉ trích lẫn nhau, nhưng không miệt thị nhau.
Ông Donald Trump được bầu làm tổng thống có thể là vì người Mỹ cần điều chỉnh những gì không đúng trước đó. Nếu ông được bầu lại thì có lẽ nước Mỹ vẫn còn cần ông để tiếp tục công cuộc điều chỉnh. Nhưng nếu ông không còn được tín nhiệm nữa, thì có lẽ nước Mỹ không chấp nhận cái cách điều chỉnh của ông, hoặc điều chỉnh như thế là …quá đủ.
“It’s time for me to go” (Đây là lúc tôi phải ra đi). Đó là câu kết thúc trong lời tuyên bố chấp nhận thất cử của ứng cử viên Al Gore 20 năm trước đây. Sau đó, ông cựu phó tổng thống này lặng lẽ biến mất khỏi chính trường.
Cái hơn người của Mỹ là ở chỗ đó: định chế.
Nước Mỹ không cần “minh quân”, cũng chẳng cần “vị cứu tinh” nào cả.
Cứu tinh của Mỹ chính là nền dân chủ.
THT
(7/2020)
(Ghi chú: tác giả viết bài này dựa trên khoảng 6, 7 chục bài báo và bản tin Anh ngữ có sẵn trên Internet. Chỉ những chi tiết nào thật đặc biệt cần ghi lại để kiểm tra, tác giả mới chỉ rõ nguồn ở các chú thích cuối bài viết. Vì thế, để tránh rườm rà, tác giả không liệt kê phần tài liệu tham khảo. Mong quý độc giả thông cảm.)
Không có nhận xét nào