Header Ads

  • Breaking News

    Tô Văn Trường - Bình luận nội dung thư kiến nghị gửi lãnh đạo về dự án Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ

    Nhiều vị lão thành cách mạng, nhà khoa học, nhà báo, bạn hữu hỏi tôi bình luận về bản kiến nghị v/v xem xét lại đánh giá độc lập toàn bộ dự án khu du lịch lấn biển Cần Giờ 2870 ha TP. Hồ Chí Minh của các cá nhân và một số tổ chức xã hội yêu môi trường ký tên gửi Tổng bí thư – Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và UBND, TP. Hồ Chí Minh.
    Tô Văn Trường - Bình luận nội dung thư kiến nghị gửi lãnh đạo về dự án Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ
    Tôi sống và làm việc ở TP. HCM từ năm 1975 đến nay (ngoại trừ thời gian đi học và làm chuyên gia ở nước ngoài) về chuyên môn liên quan nhiều đến công tác quy hoạch quản lý tài nguyên nước và môi trường nên rất thấu hiểu và chia sẻ với nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều người dân quan tâm đến chủ trương, quy mô và tác động của dự an Cần Giờ đến môi trường.

    Về bản chất đây là bài toán “trade-off” đánh đổi vì khi con người tác động vào tự nhiên không bao giờ được tất cả. Nhiệm vụ của chủ đầu tư và những người ra quyết định cần chứng minh hiệu quả của dự án là lớn nhất và các tác động đến môi trường là ít nhất và có các giải pháp giảm thiểu các tác hại, v.v.

    Để khách quan và lắng nghe ý kiến đa chiều, hôm qua (17/7) tôi đã trao đổi với bạn đồng nghiệp TS Đào Trọng Tứ là người ký tên trong bản kiến nghị với chức danh Trưởng ban điều hành tổ chức điều phối mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận được phản hồi rất chân tình, đáng suy ngẫm nguyên văn như sau: “Mình chưa có thời gian tìm hiểu đọc hồ sơ tài liệu về dự án đô thị du lịch Cần Giờ nhưng vẫn hưởng ứng lời kêu gọi ký tên để nhắc nhở, khuyến cáo chủ đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến bài toán giữa phát triển và bảo vệ môi trường, còn việc quyết định đầu tư dự án là của Chính phủ…”

    Dưới góc nhìn của chuyên gia độc lập, đã tiếp cận và đọc hồ sơ tài liệu dự án đô thị du lịch Cần Giờ 2870 ha, tôi mạnh dạn bình luận để chia sẻ với những người quan tâm tham khảo và cùng suy ngẫm.

    1. Quyết định phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được đánh giá khách quan, toàn diện.

    Theo tôi tìm hiểu được biết việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động của Dự án được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường làm căn cứ quyết định chủ trương đầu tư của Dự án.

    Riêng Dự án Cần Giờ do tính chất phức tạp và tầm quan trọng đã có tới 21 nhà khoa học đầu ngành và đại diện các cơ quan quản lý nhà nước trong những lĩnh vực tác động trực tiếp đến Cần Giờ tham gia Hội đồng đánh giá tác động môi trường xem xét, phản biện. Đó là Chuyên gia về thủy thạch động lực, đa dạng sinh học, chuyên gia về đô thị; chuyên gia về môi trường, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, biển đảo…

    Bên cạnh đó, ĐTM của dự án còn lấy ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các tổ chức về môi trường. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của hội đồng, các chuyên gia trong nước và quốc tế, chủ đầu tư dự án đã chỉnh sửa để đáp ứng được các yêu cầu đưa ra. ĐTM của dự án đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, và thận trọng các tác động có thể có và cho giải pháp tổng thể nhằm giảm thiểu tác động này; đồng thời, xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường chặt chẽ nhằm dự báo, ứng phó kịp thời các sự cố. Ngoài báo cáo ĐTM, dự án còn có các chuyên đề nghiên cứu, báo cáo đánh giá độc lập được thực hiện bởi các đơn vị, tổ chức uy tín ở trong nước và quốc tế. Đây là các báo cáo chuyên đề liên quan đến các vấn đề lớn mà Dự án có thể gây tác động như: đa dạng sinh thái rừng ngập mặn; dòng chảy tự nhiên; nguy cơ gây bồi lắng, xói lở; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; các tác động về kinh tế – xã hội…

    Một số thông tin chưa đầy đủ trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đã được chỉ rõ trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để tiếp tục đánh giá trong các giai đoạn tiếp theo của Dự án.

    2. Về nguồn cát san lấp

    Nguồn cát san lấp không thuộc phạm vi phê duyệt tại Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và sẽ tiếp tục được đánh giá cụ thể trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở nghiên cứu tận dụng tối đa các nguồn tại chỗ, tận dụng tài nguyên như vật liệu nạo vét, tro xỉ đáp ứng yêu cầu, vật liệu từ quá trình đào metro của thành phố Hồ Chí Minh và sẽ được xem xét, thẩm định, quyết định theo đúng các quy định của pháp luật.

    Liên quan đến phương án khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ cho dự án Cần Giờ, chủ đầu tư cần tìm kiếm đơn vị tư vấn uy tín, có kinh nghiệm để thẩm tra phương án và đo lường các tác động của phương án đối với môi trường.

    3. Về đánh giá kinh tế – xã hội

    Báo cáo ĐTM cũng đã cung cấp thông tin về tác động đến kinh tế – xã hội được trích dẫn từ các báo cáo chuyên đề:

    - Báo cáo hiện trạng kinh tế – xã hội và đánh giá tác động xã hội khi thực hiện Dự án do Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư và Thương mại CCG thực hiện gửi kèm hồ sơ báo cáo ĐTM của Dự án.

    - Báo cáo đánh giá tác động giao thông do Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải thực hiện, v.v.

    Tuy nhiên, chủ đầu tư cần cung cấp thông tin về phương án tài chính, cho dù đó chỉ là tiền khả thi. Tính khả thi về tài chính cực kỳ quan trọng, để cho thấy nhà đầu tư có thể thực hiện được các cam kết nhiều mặt của mình, trong đó có môi trường, hạ tầng giao thông, v.v., không dở dang nửa chừng và có thể kiểm soát được các nguồn tài chính để bảo đảm an ninh, chủ quyền.

    4. Về Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo

    Dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ với diện tích 2.870 ha hoàn toàn là diện tích phía ngoài biển. Toàn bộ diện tích không nằm trong phạm vi 100 m tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền. (Phần đất của dự án không ở đất liền). Như vậy, dự án không bị điều chỉnh bởi Khoản 1 – Điều 79 Luật 82/2015/QH13 liên quan đến phạm vi 100 m hành lang bảo vệ bờ biển.

    Về “hành lang bảo vệ bờ biển”: theo quy định tại Khoản 4, Điều 23, Luật 82/2015/QH13 và Điều 31, Nghị định 40/2016/NĐ-CP: UBND thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tổ chức thiết lập (thẩm quyền của UBND thành phố Hồ Chí Minh), công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển ở khu vực này.

    Chủ đầu tư cũng đã có phương án và cam kết đảm bảo người dân được tiếp cận bờ biển trong Hồ sơ báo cáo ĐTM.

    5. Về sự phù hợp với Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ

    Theo Văn bản số 139/BTK/19 ngày 23/12/2019 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Văn bản số 273/BQL ngày 05/06/2018 của Ban quản lý Rừng Phòng hộ Cần Giờ xác định Dự án nằm kế cận với vùng chuyển tiếp của Khu Dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ.

    Như vậy, việc thực hiện Dự án không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, tại khu vực kế cận với vùng chuyển tiếp là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO.

    Báo cáo ĐTM cũng đã cung cấp thông tin tác động đến đa dạng sinh học được trích dẫn từ các báo cáo chuyên đề:

    - Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

    - Báo cáo đánh giá lan truyền ô nhiễm nước thải từ dự án do Phòng thí nghiệm Trọng điểm quốc gia điều khiển số và Kỹ thuật hệ thống, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

    - Báo cáo thẩm tra thủy thạch động lực do trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

    6. Nhắc nhở, lưu ý lãnh đạo

    Trong nội dung bản kiến nghị về dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ, tôi rất tâm đắc với đoạn nhắc nhở về cam kết của người đứng đầu Chính phủ: “Bản thân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế”.

    Cách đây khoảng ba năm, tôi đã viết loạt bài phản biện xã hội đăng tải trên các báo Người Lao động, báo Thanh Niên… phân tích, đánh giá nói có sách, mách có chứng về chủ trương đầu tư nhà máy giấy và bột giấy gần một tỷ đô la của Trung Quốc ở Định Vũ – Hải Phòng và các tác động xấu đến môi trường chỉ mang lại “lợi bất cập hại”.

    Các bản gốc của bài báo nói trên, tôi cũng gửi trực tiếp đến Thủ tướng và không quên lưu ý ông còn có vai trò trách nhiệm là đại biểu Quốc hội của Hải Phòng. Kết quả là dự án “mất lòng dân” nói trên và nguy cơ mang đến những thiệt hại cả về chính trị, kinh tế xã hội và môi trường đã bị hủy bỏ. Đây là minh chứng cụ thể nói về sự cam kết của Thủ tướng “không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội để lấy phát triển kinh tế.”

    7. Căn cứ ra quyết định

    Để Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 826/QĐ-TTg ngày 12/6/2020, Hồ sơ dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ đã được xem xét và đánh giá cụ thể:

    -Chủ đầu tư trình hồ sơ dự án từ tháng 9/2018 đến thời điểm ra Quyết định 826 là gần hai năm. Dự án đã báo cáo và lấy ý kiến của rất nhiều các Bộ Sở ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Xây Dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia Unesco Việt Nam… để thẩm định về An ninh quốc phòng, năng lực chủ đầu tư, ảnh hưởng của dự án đến khu dự trữ sinh quyển…

    -Dự án cũng đã được đánh giá độc lập về môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng lên khu dự trữ sinh quyển – theo yêu cầu của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 21/11/2019. Việc thẩm tra độc lập là Công ty TNHH ERM Việt Nam (Công ty đa quốc gia có uy tín trong lĩnh vực môi trường có chi nhánh tại Việt Nam) và Trung tâm Công nghệ môi trường (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) thực hiện.

    8. Bài học kinh nghiệm thực tế về dự án nâng bãi đê biển số 8 huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình.

    Cách đây khoảng chục năm, Thái Bình có dự án nâng bãi đê biển số 8 huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Lúc đầu dự án đề xuất nâng bãi đê biển 350 ha nhưng khi làm báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan đến chỉ thị 13 của Ban Bí thư về xâm phạm rừng ngập mặn. Báo cáo ĐTM phải chỉnh sửa rút xuống 150 ha và chủ đầu tư cam kết trồng rừng đền bù còn lớn hơn 150 ha (vì khu lấn biển đều là rừng trồng, không phải rừng tự nhiên). Đến khi mọi thủ tục đầu tư được “tháo gỡ” thì dự án lại “bị treo” vì nguyên nhân không có nguồn vốn đầu tư trung hạn (No money – No action)!

    9. Bài học kinh nghiệm về đổ 35 triệu m3 bùn đất ở ngoài phao số 0 của dự án cảng Lạch Huyện, tác động đến khu rừng sinh quyển Cát Bà - Hải Phòng.

    Nhớ lại, trước đây tôi đã từng tham gia hội đồng 21 chuyên gia thẩm định cấp nhà nước đánh giá báo cáo tác động môi trường của dự án cảng quốc tế Lạch Huyện Hải Phòng do chuyên gia Nhật Bản làm tư vấn. Sau khi nhận tài liệu có nhiều ý kiến phản biện nên phiên họp Hội đồng lần thứ nhất chỉ để lắng nghe chuyên gia tư vấn báo cáo về dự án và thảo luận về nội dung ĐTM.

    Phiên họp lần thứ hai của hội đồng tranh luận rất sôi nổi, thẳng thắn nêu ra nhiều vấn đề còn tồn tại bất cập của dự án phải chỉnh sửa báo cáo ĐTM. Kết quả bỏ phiếu có 3/21 người không tán thành thông qua báo cáo ĐTM (trong đó có phiếu của GS Nguyễn Ngọc Lung chuyên gia hàng đầu về lâm nghiệp và của Ts Tô Văn Trường). Chúng tôi phân tích, nhấn mạnh chuyên gia tư vấn quốc tế phải bổ cập, tính toán lại bài toán thủy lực lan truyền độ đục và các thành phần ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và phải làm rõ giải pháp thi công khi đổ 35 m3 bùn đất ra biển, v.v. Chủ đầu tư và tư vấn đã phải chỉnh sửa, báo cáo tiếp tục ở phiên họp lần thứ ba của hội đồng thẩm định ĐTM (phiên họp này tôi vắng mặt vì đi công tác ở nước ngoài).

    Chính nhờ phản biện sâu của tất cả 21 thành viên hội đồng đặc biệt là quan ngại về nạo vét mang đổ 35 m3 bùn cát ra ngoài khơi phao số 0 (ảnh hưởng đến khu sinh quyển Cát Bà), tư vấn Nhật Bản đã thiết kế quây lưới, và làm mạng giám sát theo dõi theo từng giờ quá trình thi công để điều chỉnh. Theo ông Trần Anh, giám đốc dự án cảng Lạch Huyện cho biết kết quả việc đổ 35 triệu m3 bùn đất từ 2016 hoàn tất 2018 quan trắc đến nay đều đúng như cam kết của chủ đầu tư và dự báo (không tác động xấu đến môi trường sinh thái khu dự trữ sinh quyển Cát Bà). Đây là bài học kinh nghiệm thực tế về cách làm của chuyên gia Nhật Bản rất hữu ích cho dự án đô thị du lịch Cần Giờ.

    Lời kết

    Thư kiến nghị của các tổ chức xã hội và cá nhân gửi lãnh đạo nhà nước về xem xét lại dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ rất hữu ích giúp cho chủ đầu tư và những người ra quyết định thấy được sự quan tâm của người dân đến bài toán hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Đây cũng là dịp tốt để những người “trong cuộc” có cơ hội giải trình, nói cho rõ hơn và bổ sung những vấn đề còn tồn tại một cách có hệ thống.

    Để tránh những suy diễn không đáng có, các thông tin tư liệu cơ bản của dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ cần được đưa ra công khai, minh bạch trên trang mạng của chủ đầu tư để những người quan tâm có điều kiện tiếp cận, tham khảo.

    http://vanviet.info/van-de-hom-nay/bnh-luan-noi-dung-thu-kien-nghi-gui-lnh-dao-ve-du-n-d-thi-du-lich-lan-bien-can-gio/

    Không có nhận xét nào