Hình minh hoạ. Giàn khoan Hakuryu-5 ngoài khơi Vũng Tàu hôm 29/4/2018 |
Thêm một cơ hội bị bỏ lỡ
Những
mong đợi về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện quyền
thăm dò và khai thác dầu khí tại Lô 06.1 vừa qua đã tiêu tan khi ngày
9/7, thông tin chính thức trên trang web của tập đoàn Noble đã đưa tin
hợp đồng của giàn khoan Noble Clyde Boudreaux ở Việt Nam đã bị huỷ bỏ.
Tập đoàn Noble cũng cho biết là trong hợp đồng thuê giàn khoan này có
bao gồm điều khoản phải bồi thường khi huỷ hợp đồng.
Trước
đó, năm 2017 Việt Nam đã phải yêu cầu công ty Repsol huỷ bỏ việc thăm
dò tại Lô 136.3. Năm 2018, Việt Nam tiếp tục yêu cầu Repsol huỷ bỏ dự án
đang tiến hành tại Lô 07.3. Tất cả các sự huỷ bỏ này đều có nguyên do
Việt Nam lo ngại sự đe doạ từ Trung Quốc.
Theo
một số nguồn tin nội bộ thì Repsol đã yêu cầu bên ký hợp đồng là
PetroVietnam phải bồi thường tổng số tiền khi yêu cầu dừng các dự án
thăm dò và khai thác này với số tiền khoảng 2,6 tỉ USD.
Mới đây, báo chí cho biết, Repsol đã bán lại toàn bộ phần vốn của mình trong các dự án này cho Petro Vietnam.
Bị đe doạ và ngăn cản ngay trong nhà
Hợp
đồng dầu khí lô 06.1 hiện nay gồm Rosneft - chiếm 35%, ONGC của Ấn Độ -
45% và PVN - 20%. Rosneft Vietnam B.V. là nhà điều hành việc khai thác
khí và condensate tại các mỏ Lan Tây, Lan Đỏ và Phong Lan Dại trong suốt
15 năm qua, cung cấp hàng năm khoảng hơn 30% sản lượng khí cho Việt
Nam. Sản lượng khai thác trung bình ngày hiện nay khoảng 8,8 triệu m3
khí/ngày và khoảng 1.500 thùng condensate/ngày. Các mỏ này thuộc Lô
06.1. Sản lượng khai thác cộng dồn của Lô 06.1 đến tháng 6/2017 là 53,5
tỷ m3 khí và 19,8 triệu thùng condensate.
Mặc
dù Việt Nam vẫn đang tiến hành khai thác tại Lô 06.1 này, tuy nhiên,
vẫn còn nhiều khu vực tiềm năng chưa khai thác. Vì vậy, cần phải tiếp
tục thăm dò và khai thác các mỏ mới tại Lô này. Năm 2019, Công ty
Rosneft đã thuê giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC)
điều hành để tiến hành khoan thăm dò tại lô 06.1 từ ngày 15-5 đến
30-7-2019. Và đây cũng là lý do để Trung Quốc đã đưa tàu cảnh sát biển
được trang bị vũ khí hạng nặng Haijing 35111 vào khiêu khích xung quanh
giàn khoan Hakuryu-5 ở lô 06.01. Đồng thời, tàu Hải Dương Địa chất 8 của
Trung Quốc cùng các tàu cá hộ tống tiến hành khảo sát địa chất trái
phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hơn 100
ngày liên tiếp. Chỉ khi giàn khoan Hakuryu-5 kết thúc việc khoan thăm dò
thì tàu hải cảnh 35111 của Trung Quốc mới rút ra khỏi khu vực biển của
Việt Nam. Mục đích chính của Trung Quốc khi triển khai các tàu xâm phạm
vùng biển của Việt Nam nhằm đe doạ việc thăm dò và khai thác dầu khí tại
Lô 06.1. Cho dù, Lô 06.1 nằm trên bể Nam Côn Sơn, sâu trong vùng thềm
lục địa của Việt Nam, và theo quy định tại Điều 56 và Điều 77 của UNCLOS
1982, Việt Nam có đầy đủ các quyền để thăm dò và khai thác tại các Lô
06.1 này.
Dư
luận đã tỏ ra phấn chấn trước thông tin Việt Nam sẽ tiến hành thăm dò
mới tại Lô 06.1 bất chấp sự đe doạ từ Trung Quốc. Mặc dù phía Việt Nam
không đưa ra thông tin chính thức nào nhưng nhiều báo chí đã xôn xao khi
biết thông tin một công ty nặc danh đã hợp đồng thuê giàn khoan Noble
Clyde Boudreaux để khoan ở vùng biển Việt Nam trong 2 tháng từ đầu tháng
6 đến cuối tháng 7 với giá thuê khoảng 165.000 USD/ngày.
Hình minh hoạ. Toàn cảnh mỏ Lan Tây do Rosneft Vietnam vận hành ở Biển Đông hôm 29/4/2018 |
Sau đó báo chí đã tìm ra công ty ký hợp đồng thuê giàn khoan Noble Clyde Boudreaux chính là Rosneft.
Hồi
đầu tháng 6, Bộ Chính trị Việt Nam đã có cuộc họp để quyết định có
quyết định thực hiện việc tiến hành khoan thăm dò mới tại Lô 06.1 không?
Bởi vì việc tiến hành khoan thăm dò chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự đe
doạ từ Trung Quốc. Nhiều người mong đợi Bộ Chính trị Việt Nam sẽ quyết
tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, thể hiện cụ thể qua việc
tiến hành tiếp tục thăm dò khai thác tại Lô 06.1 bất chấp sự đe doạ từ
Trung Quốc.
Thế
nhưng, Bộ Chính trị Việt Nam đã không thể ra quyết định trong trường
hợp này, và điều này cho thấy, Trung Quốc vẫn đang nắm phần thắng trong
cuộc chơi ở biển Đông, và Việt Nam vẫn còn chưa thể thoát khỏi “nỗi sợ”
từ Trung Quốc.
Nguy cơ cho ngành dầu khí
Việc
không thể thăm dò tại Lô 06.1 lần này cho thấy nguy cơ đe doạ đến ngành
dầu khí Việt Nam, vốn là một ngành kinh tế mang lại nhiều lợi ích quan
trọng cũng như đóng một vai trò quan trọng cho chiến lược phát triển
kinh tế biển của Việt Nam. Rất nhiều mỏ dầu khí của Việt Nam đã cạn kiệt
hoặc không thể khai thác vì nhiều lý do. Trên trang cá nhân của ông
Nguyễn Lê Minh - Thành viên Hội đồng biên tập tạp chí Năng lượng Việt
Nam, ông ta có liệt kê một số mỏ dầu khí có nguy cơ dừng khai thác, bao
gồm:
1/
Mỏ kình Ngư Trắng/Kình Ngư Trắng Nam (Lô dầu khí 09-2/09 bể Cửu Long):
khoan phát sinh chưa được quyết toán chi phí lên đến 28,5 triệu USD do
chưa cập nhật trong báo cáo đầu tư. Hiện Lô dầu khí này chưa đạt được
thỏa thuận chuyển nhượng cho VSP và Zarubezhneft do quan điểm khác nhau
về chi phí lịch sử, liên quan chi phí khoan này.
2/
Mỏ Thăng Long/Đông Đô (Lô dầu khí 01-02/97 bể Cửu Long): Phân cấp trữ
lượng không chuẩn theo quy định 38, dẫn đến sản lượng sụt giảm nghiêm
trọng, dưới 4000 thùng dầu/ngày (đang tiếp tục sụt giảm), thua lỗ và có
nguy cơ dừng mỏ sau 8 năm hoạt động, trên tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ
USD trong vòng đời 20 năm khai thác.
3/
Mỏ Gấu Chúa/Cá Chó (Lô dầu khí 10 – 11/1 bể Nam Côn Sơn), đánh giá trữ
lượng không tuân thủ tài liệu gốc, dẫn đến sai số và phải khoan thẩm
lượng lại, tốn thêm chi phí 110 triệu USD không cần thiết, dự án đắp
chiếu.
4/
Mỏ Sông Đốc (Lô dầu khí 46/13 bể Malay – Thổ Chu): Sau 10 năm hoạt
động, sản lượng hiện tại chỉ còn dưới 1000 thùng dầu/ngày, đang tiếp tục
sụt giảm do mỏ ngập nước hơn 90%, dự kiến dừng mỏ.
5/
Mỏ Rồng Đôi/Rồng Đôi Tây (bể Nam Côn Sơn): sản lượng khí không đủ bù
theo cam kết hợp đồng mua bán khí dù nhà điều hành đã có một số biện
pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu khí; hiện mỏ đang dừng khai thác do sự
cố kỹ thuật đến hết năm nay và có nguy cơ dừng hẳn.
Trong
khi đó, những mỏ có trữ lượng rất lớn như Cá Kiếm Nâu tại Lô 136.3 và
mỏ Cá Rồng Đỏ tại Lô 07.3 lại không thể khai thác được vì sự đe doạ từ
Trung Quốc.
Hoa Kỳ lên tiếng ủng hộ Việt Nam
Ngày
9/7, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink liên tiếp lên tiếng phản
đối Trung Quốc can thiệp vào việc khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Trong
buổi giao lưu trực tuyến với độc giả trên VietnamNet ngày 7/7 , ông đã
phát biểu rằng: “Chúng tôi phản đối những nỗ lực của một số nước trong
khu vực nhằm tìm cách can thiệp vào hoạt động thăm dò năng lượng vốn đã
có lâu đời ở Biển Đông, bao gồm cả Việt Nam, tại những lô đã được thiết
lập lâu nay.
Chúng
tôi nghĩ rằng điều quan trọng là các quốc gia không sử dụng vũ lực hoặc
hành động cưỡng ép, hoặc bắt nạt để tìm cách thúc đẩy lợi ích của họ”.
Trước
đó, tại một cuộc họp báo ngày 2/7 nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập
quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt, Đại sứ Kritenbrink cũng đã lên tiếng phản
đối các hành động của Trung Quốc trong việc can thiệp và cản trở các
quốc gia khai thác dầu khí trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh: “Đặc biệt,
chúng tôi phản đối Trung Quốc cố gắng cản trở các quốc gia ASEAN tiếp
cận, khai thác nguồn tài nguyên trị giá 2.500 tỷ USD tại vùng biển này.
Chúng
tôi cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra
để tăng cường khiêu khích và thể hiện sự hiếu chiến trên Biển Đông vì
lợi ích của họ. Mỹ phản đối Trung Quốc, hay bất kỳ nước nào, sử dụng các
biện pháp cưỡng ép để gia tăng các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc cần dừng các hoạt động mang tính khiêu khích làm ảnh hưởng
đến sự ổn định trong khu vực”.
Điều
đáng lưu ý là cách đây vài ngày, nhân trả lời báo chí, Thượng tướng Võ
Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện
Quốc phòng cho rằng: “Hành động của Trung Quốc và Mỹ đã gây bất ổn và
căng thẳng trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc diễn tập quân sự trong
vùng chủ quyền của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, còn Mỹ cũng tiến hành
tập trận gần khu vực Trung Quốc tập trận cũng là hành động gây căng
thẳng.”
Với
phát biểu này từ một tướng quân sự, đã từng là Giám đốc Học viện Quốc
phòng thì chúng ta cũng có thể hiểu được thái độ của phần đông các giới
chức quân sự Việt Nam vẫn có cách nhìn thiếu thiện cảm với Hoa Kỳ. Mặc
dù vậy, các giới chức ngoại giao Việt - Mỹ vẫn nhận thức rất rõ những
bước tiến vượt bậc trong quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, với tư duy lạc
hậu từ các giới chức quân sự Việt Nam, mặc dù họ có ảnh hưởng rất lớn
trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Chúng ta có thể thấy chính
những lực cản để vượt qua “nỗi sợ” từ “quốc gia láng giềng bốn tốt, mười
sáu chữ vàng” đến từ đâu.
Nguyễn Trọng Thiêm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
(RFA)
Không có nhận xét nào