Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Quang Duy - Tranh cử Mỹ 2020: Khu Tự trị Capitol Hill, Seattle.

    Càng gần ngày tranh cử, càng nhiều người biểu lộ yêu mến Tổng thống Donald Trump và ngược lại cũng lắm người bày tỏ chán ghét ông Trump.
    Nguyễn Quang Duy - Tranh cử Mỹ 2020: Khu Tự trị Capitol Hill, Seattle.
    Có những người ghét ông chỉ vì họ yêu chủ nghĩa xã hội, yêu chủ nghĩa vô chính phủ, lợi dụng cơ hội ông George Floyd bị cảnh sát đè cổ chết đã chiếm khu Capitol Hill, nội đô Seattle, tiểu bang Washington, trong suốt ba tuần trước khi bị giải tán.

    Nhân 244 năm người Mỹ giành được độc lập từ Anh Quốc, và sau biến cố George Floyd, thử xem nền dân chủ và chính trị Hoa Kỳ sẽ chuyển đổi ra sao?

    Phong trào “Black Lives Matter”

    Ngay khi ông George Floyd bị cảnh sát đè cổ chết nhiều cuộc biểu tình đòi trừng phạt những cảnh sát viên chịu trách nhiệm, đòi cải tổ cách hành xử của cảnh sát, đòi bình đẳng cho người da đen đã nổ ra khắp nơi trên nước Mỹ.

    Biểu tình ôn hòa được Hiến Pháp Mỹ bảo vệ, và mạng sống con người là vô giá bất kể mạng của người da đen, da màu hay da trắng, nên hầu hết các cuộc biểu tình đều chính đáng.

    Khu Tự trị Capitol Hill…

    Tại thành phố Seattle tiểu bang Washington cũng liên tiếp xảy ra nhiều cuộc biểu tình, có cuộc lên đến cả ngàn người tham dự, cuối cùng đoàn biểu tình tập trung kéo đến văn phòng cảnh sát East Precinct thuộc khu Capitol Hill.

    Nhiều cuộc đụng độ dữ dội đã xảy ra khiến hàng chục cảnh sát và người biểu tình bị thương, tối ngày 8/6/2020, cảnh sát được lệnh từ Thị trưởng thành phố Seattle ra lệnh cảnh sát đóng cửa văn phòng và rút khỏi khu vực.

    Người biểu tình chiếm khu vực và thiết lập một vùng không cảnh sát được họ gọi là “Khu Tự trị Capitol Hill” (Capitol Hill Autonomous Zone, viết tắt là CHAZ), lập “Nước Cộng hoà Nhân dân Capitol Hill” (People’s Republic of Capitol Hill), biến "Sở Cảnh sát Seattle" thành "Ủy ban Nhân dân Seattle" (Seattle People's Department).

    Trong khu vực người biểu tình vẽ những biểu ngữ có dấu búa liềm cộng sản, và dấu Antifa vô chính phủ, họ thiết lập các trạm kiểm soát có vũ trang khám xét người ra vào, qua lại.

    Họ ra thông báo ngay trước rào chắn “bạn đang rời khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ” (you are now leaving the USA), hay ở nhiều nơi trong khu vực “không gian này giờ đây là tài sản của nhân dân” (this space is now property of the people)…

    Thị trưởng thành phố Seattle cho phép việc chiếm đóng khu vực, Thống đốc tiểu bang Washington cũng cho phép, cả hai người đều thuộc đảng Dân Chủ phe cấp tiến.

    Ngược lại, Tổng Thống Donald Trump phản đối đòi can thiệp nhưng bị Tòa Án phủ quyết vì theo Hiến Pháp Hoa Kỳ việc này thuộc quyền hạn của tiểu bang

    Từ ôn hòa…

    Ngày 10/6/2020, người biểu tình công bố yêu sách với 30 điểm đòi giải tán cảnh sát để dân quân kiểm soát địa phương, xóa bỏ nhà tù, thả tù nhân, lập tòa án nhân dân,… và cấp quyền công dân cho tất cả người nhập cư bất hợp pháp đang sống tại Mỹ.

    Khu Tự trị có lúc thu hút hằng chục ngàn người tham dự các cuộc biểu tình, diễn thuyết, văn nghệ, xem những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày, những trạm y tế, lều cung cấp thực phẩm và những quán cà phê phục vụ miễn phí.

    … đến bạo động.

    Nhưng sau đó xuất hiện những người vũ trang gậy gộc hay súng ống tuần tra trong khu vực, một “chính quyền nhân dân” được thành lập nghiêm cấm truyền thông báo chí, chỉ cho phép “live-streams”, và nghiêm cấm những ý kiến bất đồng tồn tại trong khu vực.

    Khu vực trở nên mất an ninh nhất là về đêm, số người tham dự ít dần.

    Theo tin Sở Cảnh sát Seattle, từ ngày 8/6 đến 30/6/2020 xảy ra ít nhất 65 vụ tội phạm hình sự, gồm 4 vụ xả súng làm 2 người chết và 3 người bị thương nặng, nhiều vụ bạo loạn, hiếp dâm, cướp, buôn bán ma túy, nhiều vụ phá hoại tài sản và trộm cắp tài sản đã xảy ra trong khu vực.



    Khởi kiện…

    Ngày 24/6/2020, một số các doanh nghiệp, chủ đất và cư dân ở Capitol Hill, nộp đơn khởi kiện chính quyền thành phố Seattle đồng lõa trong việc thành lập khu tự trị, làm thiệt hại đến công ăn việc làm, tài sản và quyền được cảnh sát bảo vệ của họ.

    Văn phòng công tố tiểu bang cũng đã kiện thành phố Seattle không được để các dân cử thành phố (và tiểu bang) cho phép thành lập “những vùng tự trị vô chính phủ” vi phạm pháp luật.

    Lệnh giải tán khu tự trị

    Cuối cùng, Thị trưởng thành phố Seattle đã ra lệnh cho cảnh sát giải tán Khu tự trị, 5 giờ sáng ngày 1/7/2020, cảnh sát chống bạo động đã tiến vào khu vực thi hành lệnh giải tán.

    Trong vòng 30 phút, cảnh sát bắt giữ 31 người, thu hồi khu vực và trật tự công cộng được vãn hồi. Theo tin mới nhất 31 người bị bắt đã được thả và chưa một ai bị truy tố.

    Những người biểu tình rút sang những khu vực khác, tiếp tục tổ chức nhiều cuộc biểu tình nhỏ với số người tham dự ít hơn trước đây.

    Một điều ít ai nghĩ tới là cuộc sống của những người không nhà (homeless) bị đảo lộn dưới sự cai trị của những người “vô chính phủ”, có người bị đuổi ra khỏi khu vực vì không chịu tuân phục “chính quyền nhân dân”.

    Tự do và đa nguyên

    Nước Mỹ đã từng chia đôi và chiến tranh Nam Bắc xảy ra vì một bên muốn xóa bỏ nô lệ da đen còn bên kia cố giữ.

    Nước Mỹ không chủ trương thống nhất làm một khối đại đoàn kết, như tại Việt Nam hiện nay, mà người Mỹ luôn đấu tranh để nước Mỹ ngày một bình đẳng và công bằng hơn về mọi mặt.

    Vì thế đây không phải lần đầu tiên những người biểu tình chiếm đóng một trung tâm thành phố, vào ngày 17/9/2011, Phong trào Chiếm Phố Wall (Occupy Wall Street) phát động từ trung tâm tài chính New York kéo dài gần 2 tháng, lan ra cả trăm thành phố và hơn 30 tiểu bang ở Mỹ.

    Biểu tình là quyền tự do được Hiến Pháp bảo vệ, nhưng lần này tại Khu tự trị thành phố Seattle, người biểu tình đã vũ trang bằng súng, đã xảy ra bạo hành chết người, nên chắc chắn sẽ có điều tra và truy tố các tội phạm hình sự.

    Chính trị hóa…

    Việc ông George Floyd bị cảnh sát đè cổ chết và việc chiếm đóng khu Capitol Hill, đã được chính trị hóa trong mùa tranh cử 2020.

    Ông Joe Biden ứng cử viên đảng Dân Chủ công khai ủng hộ bình đẳng cho người da đen “Mạng sống người da đen đáng quý” (Black Lives Matter), và chống nạn phân biệt chủng tộc.

    Ngược lại, tại Lễ Độc Lập Tổng thống Donald Trump phát biểu: "… chúng ta đang trong giai đoạn đánh bại phe cực tả, những kẻ Marxist, bọn vô chính phủ, những kẻ bạo loạn, bọn cướp bóc…", ông còn nhiều lần gởi những twitter “Luật pháp và Trật tự” (Law and Order).

    Bình đẳng cho người da đen, luật pháp và trật tự đang trở thành những đề tài tranh luận giữa các ứng cử viên cho nhiệm kỳ Tổng Thống 2020-24, và những đạo luật về cải tổ ngành cảnh sát chắc chắn sẽ được tiến hành trong nhiệm kỳ tới.

    Nhân ngày Lễ Độc Lập 4/7/2020, ca sĩ nhạc Rap Kanye West một người “yêu quý” Tổng thống Trump, nhưng đồng thời ủng hộ Phong trào “Black Lives Matter”, đột nhiên loan báo ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020.

    Phải chăng đây là cách ông Kanye West muốn thu hút phiếu của người Mỹ gốc Phi Châu để họ không bầu cho đảng Dân Chủ hay chính ông đã thay đổi tình cảm với ông Trump?

    Tạm kết

    Người yêu người ghét ông Trump chỉ là các nhóm thiểu số tích cực nêu quan điểm, trong khi đại đa số người Mỹ âm thầm quan sát những việc làm và chính sách của lưỡng đảng đối lập Cộng Hòa và Dân Chủ.

    Mọi người Mỹ sẽ có cơ hội để ngày 3/11/2020, đi bầu hoặc không muốn đi bầu, được chọn lựa bầu cho ông Trump hay một ứng cử viên Tổng thống khác.

    Người Mỹ còn được bầu Thượng Viện và Hạ Viện để kiểm soát và cân bằng quyền lực của Tổng Thống.

    Trải 244 năm, nền dân chủ Mỹ hình thành và phát triển như thế, nước Mỹ từ những thuộc địa người Anh đứng lên giành độc lập đã nhanh chóng trở thành một cường quốc số một trên thế giới.

    Chính sách và chiến lược của Mỹ đều ảnh hưởng đến tình hình thế giới, và vì vậy bầu cử ở Mỹ luôn được cả thế giới quan tâm, theo dõi và bình luận.

    Người Việt cũng càng ngày càng quan tâm và hiểu biết hơn về nền dân chủ và chính trị nước Mỹ, đây là một điều vô cùng tích cực vì dầu muốn hay không mọi thay đổi chính trị tại Mỹ đều ảnh hưởng đến chính trị tại Việt Nam.

    Nguyễn Quang Duy



    Không có nhận xét nào