Hình minh họa |
Ngày 4, tháng 7, năm 1776 - Một quốc gia mới ra đời.
Bản
Tuyên Ngôn Độc Lập khắc cốt, đi trước thời đại, vang vọng khắp thế
giới: "Chúng ta khẳng định chân lý tự nhiên rằng mọi người sinh ra đều
bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm
phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc".
Thấm
thoát 244 năm trôi qua, bao nhiêu thăng trầm. Ngay cả lúc đất nước mong
manh nhất là cuộc nội chiến Mỹ với 618,222 người chết, bản Tuyên Ngôn
Độc Lập và Hiến Pháp Hoa Kỳ vẫn đứng vững trước thử thách của thời
gian, để làm nền tảng cho chẳng những nước Mỹ, mà cả thế giới tự do, và
niềm hy vọng cho tất cả những ai khát khao tự do, dân chủ.
Tôi
đến New York vào mùa Thu lá trở màu năm 1981, khi đã là một thanh niên
19 tuổi. Một người tị nạn tay trắng, trình độ chập chững trung học,
bỏ đã lâu, tiếng Anh vài chữ. Nước Mỹ bao dung đã nâng đỡ tôi, tạo điều
kiện cho tôi trải qua hai năm trung học, đại học, rồi thạc sĩ. Cho tôi
cả một tương lai, và một gia đình trọn vẹn. Văng vẳng tiếng người bạn:
"Nếu mày ở Việt Nam thì trình độ mày chỉ có chạy xe ôm".
Không
riêng tôi, bao trăm ngàn người Việt đã được cho cơ hội để học hành,
làm việc và xây dựng sự nghiệp trên mảnh đất đầy cơ hội này.
Chúng
tôi chăm chỉ làm ăn. Làm thân cây mắm và cây đước bồi đắp cho thế hệ
tương lai. Bây giờ, thế hệ trẻ đã đạt được thành công rực rỡ trên hầu
hết các ngành nghề khác nhau: thương mại, tài chính, nghệ thuật, báo
chí, chính trị, luật pháp, y khoa, kỹ thuật, khoa học, quân sự, giáo
dục, v.v. Và cứ như thế, thế hệ kế tới lại nối tiếp.
Kinh tế nước Mỹ là đầu tàu của cả thế giới. Năm 1947, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, tổng sản lượng của Mỹ là 2 ngàn tỉ Đô la.
Năm
2019, tổng sản lượng của Mỹ đã tăng gần 20 ngàn tỉ. Chỉ riêng
California tiểu bang tôi ở, tổng sản lượng 2019 là 3200 tỉ. Nếu là một
nước riêng, California chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, và Đức. Quận hạt
Orange County với 3.3 triệu dân, nơi tôi ở, có tổng sản lượng là 271
tỉ, so với tổng sản lượng của Việt Nam năm 2019 đạt 266 tỉ.
Sức
làm ra tiền khủng khiếp cho tất cả mọi người, trong xã hội Mỹ pháp
quyền và sáng tạo, đã thu hút hầu hết các chất xám khắp thế giới, để
giúp cho người dân thêm cuộc sống địa đàng. Một ví dụ: Khoảng 15% thu
nhập hàng tháng, $600-$750 Đô la, của một gia đình Việt trung bình 4
người ở Mỹ cho đồ ăn có chất lượng hàng ngày.
Khi mới đến nước Mỹ, hay Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, tôi được nghe đất nước này là một "melting pot", nồi soup chan hòa.
Tất cả các dân tộc không phân biệt, sẽ được trộn lẫn để cùng một tiếng nói, tư tưởng, đồng lòng.
Nhưng
dần dần, tôi nhận ra ý tưởng là như thế, nhưng nước Mỹ thực ra là một
dĩa rau salad, với rất nhiều kiểu nước chấm. Đôi khi chỏi nhau vì sắc
tộc, văn hóa, tư duy, thế hệ, và quyền lợi. Mặc dù sau cùng, hầu hết
đều ăn được phần của mình một cách ngon lành.
Đài tưởng niệm quốc gia Mount Rushmore |
Nước
Mỹ có hai khối chính: Khối bảo thủ và khối cấp tiến. Một phần đã quen
cách sống truyền thống, không muốn thay đổi, nhất là khi sự thay đổi có
thể khiến niềm tin, kinh tế, công ăn việc làm của họ bị xáo trộn.
Nhưng
thế hệ mới và những người cấp tiến lại muốn hướng tới thay đổi. Đó là
định nghĩa đối lập của đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Hai thế lực
giằng co. Và cứ thế, con thuyền Hoa Kỳ cứ dích dắc đi tới.
Thủ
Tướng huyền thoại Anh Quốc Winston Churchill từng nói: "Dân Chủ là kiểu
mẫu tệ nhất của quản lý đất nước, ngoại trừ tất cả những kiểu mẫu khác
( democracy is the worst form of government except all those other
forms). Rõ ràng một nước Mỹ hoàn hảo còn xa lắm, nhưng đất nước này đã
mang đến cho tôi và những người thân yêu của tôi tất cả những gì chúng
tôi cần.
Nhìn
lại chính trường Mỹ trong vài năm qua, tôi nhận thức rằng, nền tảng
của nước Mỹ dân chủ hóa ra mong manh và có thể bị xô đổ.
Tôi
nghiệm ra một điều: thực ra không phải chỉ nhờ bản Tuyên Ngôn Độc Lập
hay Hiến Pháp Hoa Kỳ mà nước Mỹ hùng mạnh đến ngày hôm nay.
Cái
chính làm nó hùng mạnh là vì những công dân Mỹ chân chính. Những người
được giáo dục, có văn hóa, có tư cách, và yêu chuộng tự do đã gìn giữ
hệ thống pháp quyền không bị lung lay vì quyền lợi riêng tư. Nước Mỹ
sản sinh ra rất nhiều người như thế. Họ dám bỏ cả sự nghiệp tương lai
để bảo vệ tiếng nói trung thực của họ, để bảo vệ đất nước và nền tảng
hiến pháp thấm nhuần trong máu thịt của họ.
Năm
2020 là một năm đầy biến động chưa từng thấy trong gần 40 năm tôi sống
ở Mỹ. Từ luận tội tổng thống, một việc vốn chỉ xảy ra ba lần trong
lịch sử Mỹ. Một cơn đại dịch trăm năm mới có một lần, đến ngày hôm nay
vẫn còn tăng. Dẫn đến thất nghiệp chưa từng thấy từ thời Đại Suy Thoái,
1930. Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử cấm cửa dân Mỹ vào. Rồi nổi
loạn đòi hỏi nhân quyền cho người da đen khắp nơi chưa từng có. Nguyên
nhân cho các biến động này là sự chia rẽ trầm trọng của người dân.
Niềm
tin vào sự liêm chính của các đảng phái đối đầu hầu như không có. Tin
tức giả lan tràn chưa từng thấy trên mạng xã hội, được chia sẻ, phát
tán vô tội vạ, không kiểm chứng, không trách nhiệm. Người nhận tin
tức giả hay không, hợp mắt, khoái tai củng cố thêm cho niềm tin của họ.
Nhìn
vào căng thẳng tình hình hiện nay, tôi cảm thấy xã hội gần như muốn
đổ bể. Tôi cảm thông cho những người có định kiến ở các khía cạnh khác
nhau, theo tầm nhìn và kinh nghiệm cá nhân của họ. Trong gần 40 năm ở
Mỹ, tôi chưa bao giờ cảm thấy lo âu như ngày hôm nay. Đất nước Mỹ mà tôi
biết, dường như có thể thay đổi hoàn toàn trong những năm tháng tới.
Nhưng,
dựa trên lịch sử nước Mỹ thăng trầm trong suốt 244 năm qua, tôi vẫn có
niềm tin. Cuộc kháng chiến giành Độc lập khỏi ách thống trị của Anh Quốc
năm 1776 đã cho chúng tôi vùng đất tự do này. Nội chiến tàn khốc nhưng
đã giải phóng cho những người nô lệ vào năm 1865, bảo đảm cho những
người da màu như tôi và các con tôi không bị phân biệt và được đối xử
bình đẳng theo luật pháp. Phụ nữ có quyền bỏ phiếu đúng 100 năm trước,
1920, cho phép con gái của tôi có quyền chọn người đại diện.
Phán
quyết Brown vs Board of Education năm 1954 giúp con tôi có thể học
chung trường với người da trắng. Đạo luật Dân Quyền (Civil Right Act)
năm 1964 nhờ cố gắng tranh đấu bất bạo lực không ngừng nghỉ của Tiến Sĩ
Martin Luther King Jr. và phong trào dân quyền người da đen, trừng phạt
những người phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới
tính hoặc gốc gác. Hôn nhân đồng tính được công nhận vào năm 2015 sau
những tranh đấu không mệt mỏi chống lại giáo điều và định kiến, để con
người đồng tính có thể sống đúng với chính họ sau những năm bị đối xử
bất công, đau khổ về tinh thần và bị ruồng bỏ.
Nước
Mỹ chưa bao giờ hoàn hảo. Nhưng lịch sử đã chứng minh, đất nước này vẫn
đang tiếp tục cố gắng để các thế hệ sau được sống trong một xã hội
tốt đẹp hơn, như đã hứa từ thời lập quốc: "mọi người sinh ra đều bình
đẳng." Họ có:"quyền được sống, quyền được tự do, và mưu cầu hạnh phúc".
Mục sư Martin Luther King đã có một giấc mơ nhưng chưa thành. Riêng tôi,
tôi vẫn luôn có niềm tin về một xã hội tương lai tốt hơn cho con cháu
da màu của mình.
Lương Tạ
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
(BBC)
Không có nhận xét nào