Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ tư 1 tháng 7 năm 2020


    Đài Loan mở văn phòng hỗ trợ người Hồng Kông
    Đài Loan hôm nay đã mở văn phòng nhằm hỗ trợ cư dân muốn rời Hồng Kông để tới hòn đảo, sau khi Bắc Kinh cho thông qua luật an ninh quốc gia, theo Reuters.

    Chính quyền Đài Loan cho mở Văn phòng trao đổi và dịch vụ Đài Loan – Hồng Kông tại hòn đảo hôm nay, nhằm giải quyết các đơn đăng ký của những người dân thành phố muốn ở lại Đài Loan vì “lý do chính trị”.

    “Đây là cột mốc quan trọng để chính quyền Đài Loan hỗ trợ hơn nữa đối với nền dân chủ và tự do của Hồng Kông”, ông Chen Ming-tong, chủ tịch cơ quan chính sách về Đại lục của Đài Loan, nói với các phóng viên hôm nay.

    “Chúng tôi cũng hoan nghênh các công ty đa quốc gia chuyển trụ sở của họ đến đây”, ông Chen nói, và thêm rằng Đài Loan đang xem xét các quy tắc của mình.

    Trung Quốc siết 4 cơ quan truyền thông Mỹ


    Chính quyền Trung Quốc hôm nay yêu cầu 4 hãng thông tấn của Mỹ cung cấp chi tiết về nhân sự và hoạt động tài chính tại nước này trong vòng 7 ngày, theo Reuters.

    4 hãng thông tấn Mỹ bị Bắc Kinh nhắm đến là Associated Press (AP), United Press International (UPI), Columbia Broadcasting System (CBS) và National Public Radio (NPR).

    Trước đó, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu cho biết trên Twitter rằng Bắc Kinh sẽ sớm công bố các biện pháp đáp trả động thái của Mỹ với các kênh truyền thông Trung Quốc tại Mỹ.

    Hôm 22/6, chính quyền Trump đã bổ sung 4 hãng thông tấn của Trung Quốc vào danh sách các thực thể của chính phủ nước ngoài, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chịu các quy định giám sát, thay vì có được những quyền tự do hoạt động mà báo chí được hưởng.

    Bốn hãng thông tấn bị chế tài này là Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Dịch vụ Tin tức Trung Quốc (CNS), Nhân dân Nhật báo và Thời báo Hoàn Cầu (Global Times). Chính phủ Mỹ xác định các tổ chức trên “không phải báo chí”, mà thực chất là các cơ quan tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Canada cảnh báo công dân ở Hồng Kông

    Canada hôm nay cảnh báo công dân tại Hồng Kông rằng họ phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ tùy tiện và bị dẫn độ về đại lục sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia với đặc khu, theo AFP.

    Cảnh báo của Canada cho thấy mối lo ngại ngày càng gia tăng của một số chính phủ phương Tây sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông.

    Úc tăng chi tiêu quốc phòng lên gần 200 tỷ USD trong 10 năm tới

    Thủ tướng Scott Morrison hôm nay cho biết Úc sẽ tăng 40% chi tiêu quốc phòng, lên 270 tỷ AUD (186,5 tỷ USD) trong 10 năm tới, đồng thời xoay trục tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo Reuters.

    Ông Morrison cho biết trước tiên Úc sẽ mua 200 tên lửa chống hạm tầm xa của Hải quân Mỹ trị giá 800 triệu AUD, và cũng sẽ xem xét tăng cường hệ thống tên lửa siêu thanh có thể di chuyển ít nhất gấp năm lần tốc độ âm thanh.

    “Chúng tôi muốn một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương không có sự áp bức hay bá quyền. Chúng tôi muốn một khu vực mà tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, có thể tự do hợp tác với nhau và hành động theo các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, ông Morrison cho biết trong một bài phát biểu tại Canberra.

    Hàn Quốc kêu gọi Trump – Kim gặp mặt trước bầu cử Mỹ


    Một quan chức Hàn Quốc hôm nay cho biết Tổng thống Moon Jae-in nói rằng Tổng thống Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nên gặp lại nhau trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11, theo Reuters.

    Tổng thống Moon Jae-in trong cuộc họp trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hôm 30/6 cho biết một hội nghị thượng đỉnh khác giữa ông Trump và Kim sẽ giúp nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đình trệ.

    “Tôi tin rằng Triều Tiên và Mỹ cần thử đối thoại một lần nữa trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ”, một quan chức Hàn Quốc dẫn lại lời Tổng thống Moon Jae-in.

    “Các vấn đề về chương trình hạt nhân và lệnh trừng phạt sẽ phải được giải quyết qua đối thoại Mỹ-Triều”, vị quan chức này nói thêm, và cho biết Nhà Xanh đã truyền đạt lại quan điểm tới Washington và các quan chức đang nỗ lực thúc đẩy cuộc đàm phán.

    Bộ trưởng Brazil từ chức sau 5 ngày tại nhiệm

    Bộ trưởng Giáo dục Brazil Carlos Alberto Decotelli từ chức hôm 30/6, sau 5 ngày được Tổng thống bổ nhiệm, do bị cáo buộc khai man bằng cấp, theo AFP.

    Tổng thống Bolsonaro bổ nhiệm ông Decotelli tuần trước, thay thế người tiền nhiệm Abraham Weintraub, người từ chức vào giữa tháng 6 sau khi liên quan một loạt tranh cãi.

    Ông Decotelli khai báo ông có bằng Thạc sĩ của Brazil, bằng tiến sĩ tại Đại học Rosario của Argentina và bằng tiến sĩ tại Đại học Wuppertal, Đức.

    Tuy nhiên, hiệu trưởng Đại học Rosario cuối tuần trước cho hay ông Decotelli không có bằng tiến sĩ ở trường này và chưa từng bảo vệ luận án tại đây. Trong khi đó, Đại học Wuppertal cũng cho biết không cấp tấm bằng nào cho ông Decotelli.

    Ông Decotelli cũng bị cáo buộc đạo văn từ một số bài học thuật trong thời gian học tại Brazil. Đại học Brazil hôm qua cho hay Decotelli không phải giáo sư trường này từ năm 2016-2018 như ông nói.

    Trung Quốc kết án công dân Canada 8 năm tù, đáp trả vụ dẫn độ giám đốc Huawei
    Một tòa án Trung Quốc đã kết án 8 năm tù một công dân Canada do thực hành một môn khí công bị Bắc Kinh cấm đoán ở đại lục. Phán quyết này cũng là một biện pháp đáp trả việc Canada cân nhắc dẫn độ một giám đốc Huawei do vi phạm lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, theo the Globe and Mail.

    Đối tượng trong phán quyết là bà Sun Qian. Bà Sun cũng tuyên bố từ bỏ quyền công dân Canada trong quá trình xét xử – một động thái được những người ủng hộ cho rằng bà đã bị ép buộc thực hiện dưới sự tra tấn và bức bách của chính quyền đại lục.

    Tòa án Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên chỉ vài tuần sau khi một thẩm phán Canada ra phán quyết chống lại giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Châu – người đã bị bắt tại sân bay quốc tế Vancouver hồi cuối năm 2018 theo sau yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Những người ủng hộ bà Sun cho rằng phán quyết hôm thứ Ba có liên hệ trực tiếp đến vụ kiện của bà Mạnh. Trước đó Bắc Kinh cũng đã bắt giữ và khởi tố hai công dân Canada khác vì tội danh gián điệp, tuy nhiên cũng bị giới quan sát đánh giá là đòn đáp trả của Bắc Kinh đối với vụ bà Mạnh.

    Mỹ thu giữ 10.800 bộ phận vũ khí tuồn lậu từ Trung Quốc

    Một lô hàng vũ khí từ Trung Quốc trị giá hơn 100.000 USD đã bị tịch thu trong khi đang trên đường tuồn lậu vào tiểu bang Florida của Mỹ, theo thông cáo báo chí của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP).

    Thông cáo cho biết, lô hàng từ Thâm Quyến, Trung Quốc, được gửi đến một địa chỉ tại thành phố Melbourne, bang Florida. Các nhân viên hải quan tại Louisville đã thu giữ lô hàng này vào ngày 22/5, trong đó có 10.800 bộ phận vũ khí sát thương. Bưu kiện được kê khai là chứa 100 mẫu phù hiệu cài áo bằng thép – một mánh khóe thường được sử dụng bởi những kẻ buôn lậu, theo thông cáo báo chí của CBP.

    Ông Thomas Mahn, lãnh đạo hải quan tại cảng Louisville, cho biết: “Việc nhập khẩu bất kỳ loại đạn dược nào được quy định bởi Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ (ATF). Những kẻ buôn lậu này đã cố tránh bị phát hiện, tuy nhiên, các sĩ quan của chúng tôi vẫn luôn cảnh giác, đảm bảo cộng đồng của chúng tôi được an toàn”.

    Trung tâm chuyên môn của hải quan Mỹ ước tính giá trị trong nước của lô hàng là 129.600 USD

    Nhiều lãnh đạo của BLM có mối quan hệ chặt chẽ với các phong trào cực đoan cánh tả trong quá khứ, và nó hoàn toàn không phải là một phong trào chỉ đơn giản là chiến đấu cho những người bị thiệt thòi ngày nay. BLM đã tuyên chiến với cảnh sát và lập ra một kế hoạch chi tiết để tuần tra có vũ trang kiểu ‘chiến binh Báo Đen’ nhằm theo dõi các sĩ quan cảnh sát trên đường phố. Lãnh đạo BLM tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng họ đang huy động một đội quân được đào tạo quân sự bài bản.

    Mỹ phản ứng gay gắt về luật an ninh Hồng Kông mới


    Hôm thứ Ba, các nghị sĩ Hoa Kỳ đã phản ứng gay gắt đối với việc Bắc Kinh chính thức cho thông qua luật an ninh quốc gia Hồng Kông.

    Theo SCMP, với luật này trong tay chính quyền Trung Quốc có thêm công cụ để tước đoạt các quyền tự do dân chủ của người dân Hồng Kông.

    “Chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marsha Blackburn, một thành viên của Ủy ban Thương mại và Dịch vụ Quốc phòng, viết trên Twitter.

    Trong khi đó, một Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là Tom Cotton, nói rằng “Ông Tập Cận Bình và những tên côn đồ Cộng sản của ông phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng vì đã đè bẹp các quyền tự do của Hồng Kông”.

    Ông Cotton cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump xem xét “tất cả các biện pháp” để Bắc Kinh không còn có thể hưởng lợi từ các chính sách ưu tiên của Hoa Kỳ đối với hòn đảo từng là thuộc địa của Anh.

    EU phản ứng hành động trả đũa của chính phủ Maduro

    Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, hôm thứ Ba nói rằng, EU sẽ triệu tập đại sứ Venezuela để hỏi về quyết định trục xuất phái viên EU tại Caracas của chính phủ Maduro, và tuyên bố mọi phương án đáp trả “đang nằm trên bàn”, theo AP.

    Tổng thống Maduro hôm thứ Hai đã yêu cầu đại sứ EU rời khỏi Venezuela trong 72 giờ sau khi EU áp các biện pháp tài chính cứng rắn đối với 11 quan chức Venezuela, bao gồm cả Luis Parra, người đứng đầu Nghị viện ủng hộ chế độ Maduro.

    Hiện tại EU đã áp các biện pháp trừng phạt đối với 36 quan chức Venezuela. Những người này bị EU đóng băng tài sản và cấm tới các quốc gia thành viên của họ.

    Hoa Kỳ liệt Huawei, ZTE là đối tượng đe dọa an ninh Mỹ

    Cơ quan giám sát viễn thông Mỹ, hôm thứ Ba, đã liệt hai công ty công nghệ Huawei Technologies và ZTE của Trung Quốc vào danh sách các thực thể đe dọa an ninh và cấm các công ty Hoa Kỳ mua sản phẩm của hai công ty này, theo SCMP.

    Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng “dựa trên các bằng chứng thuyết phục” họ đã liệt hai công ty Trung Quốc cùng với các chi nhánh “là rủi ro an ninh đối với các mạng truyền thông và mạng 5G của Mỹ”.

    ““Cả hai công ty này đều có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc và bộ máy quân sự của Trung Quốc, cả hai đều phải tuân theo những quy định bắt họ phải hợp tác với các dịch vụ tình báo của chính quyền Trung Quốc”, ông Ajit Pai chủ tịch FCC nói.

    Putin tiến gần hơn tới mục tiêu thay đổi Hiến pháp Nga
    Fox News cho hay, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Tư đã tiến thêm một bước gần hơn tới mục tiêu thay đổi một loạt điều khoản trong Hiến pháp để tạo điều kiện cho ông duy trì quyền lực đến năm 2036.

    Một cuộc bỏ phiếu về những thay đổi trong Hiến pháp Nga đã kết thúc vào thứ Tư theo giờ địa phương. Việc bỏ phiếu đã được thực hiện trong một tuần để tránh tụ tập đông người khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn đang bùng phát tại Nga.

    Theo Fox News, Putin đã làm tất cả mọi thứ để đảm bảo một kết quả rằng người dân phải nói “đồng ý” đối với những thay đổi trong hiến pháp, tuy nhiên, chính việc này có thể làm suy yếu hình ảnh của ông trong mắt họ.

    Mỹ đề nghị LHQ nới thêm lệnh cấm vũ khí đối với Iran
    Reuters đưa tin, hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran trước khi nó hết hạn vào tháng 10.

    “Đừng chỉ cho rằng điều này là vì Hoa Kỳ, hãy lắng nghe các quốc gia trong khu vực. Từ Israel tới Vùng vịnh, các quốc gia ở Trung Đông, những nước tiếp xúc nhiều nhất với thói hung hăng của Iran, đang cùng đồng lòng nói: Nới thêm lệnh cấm vũ khí”, ông Pompeo phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Hội đồng bảo an.

    Hoa Kỳ đã đề xuất một dự thảo nghị quyết cho hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên để sẽ kéo dài vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran, nhưng có dấu hiệu cho thấy Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết đề nghị này.

    Không có nhận xét nào