Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 17 tháng 7 năm 2020

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 17 tháng 7 năm 2020
    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 17 tháng 7 năm 2020
    Nhà khoa học Đài Loan: virus corona có thể tồn tại lâu dài cùng con người

    Cựu Chủ tịch học viện Sinica Đài Loan Wong Chi-huey, một nhà hoá sinh nổi tiếng mới đây đã tuyên bố chủng virus gây ra đại dịch COVID-19 sẽ cùng tồn tại lâu dài với con người vì nó có khả năng thích nghi với vật chủ hơn và ít độc lực hơn các loại virus khác như SARS, theo CNA đưa tin.

    Dựa trên sự đột biến của virus, ông Wong – hiện là chủ tịch của Viện công nghệ Sinh học và công nghiệp y học tại Đài Loan cho rằng không hẳn là loại virus này sẽ gây hại cho con người hơn, bởi để bảo toàn cho sự tồn tại của chính nó, virus này đa phần không giết vật chủ.

    Virus có thể tìm được cách tốt nhất để sống trong cơ thể người thuộc mọi chủng tộc, và chứng cứ là hơn 80% số người nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nào, ông Wong cho biết.

    “Khả năng virus sẽ sống cùng chúng ta rất lâu,” ông nói với CNA khi được hỏi về chủng COVID-19 đã làm hơn 13 triệu người lây nhiễm và cướp đi hơn nửa triệu sinh mạng khắp thế giới kể từ khi nó xuất hiện ở Trung Quốc cuối năm ngoái.

    Ông Wong lưu ý rằng kiến thức của chúng ta về chủng virus mới, gọi là SARS-CoV-2 và cách nó truyền từ người sang người còn rất hạn chế. “Chúng ta thậm chí không biết nó đến từ đâu.”

    Ông cũng cảnh báo rằng việc không có triệu chứng không có nghĩa một người nhiễm bệnh không thể truyền virus cho người khác, lặp lại tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

    Nói về việc phát triển vắc xin trong cuộc chiến chống COVID-19, một lĩnh vực mà cá nhân ông có liên quan, ông Wong thừa nhận việc phát triển một loại vắc xin an toàn và hiệu quả là một thách thức vì virus vẫn tiếp tục biến đổi.

    Thanh Thuỷ (theo Taiwan News)

    Ấn Độ ra tối hậu thư với 77 câu hỏi cho các công ty phần mềm Trung Quốc


    Theo Reuters, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã cho các công ty 3 tuần để trả lời câu hỏi và cho biết sẽ có các bước hành động tiếp theo tạm thời chưa được tiết lộ.

    Ấn Độ đã yêu cầu các công ty Trung Quốc như ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok hay Alibaba, chủ sở hữu trình duyệt UC phải trả lời 77 câu hỏi liên quan các ứng dụng của họ vốn đã chịu lệnh trừng phạt của New Delhi.

    Tiktok và UC nằm trong số 59 ứng dụng Trung Quốc bị Ấn Độ cấm. Các câu hỏi liên quan đến việc các công ty có kiểm duyệt nội dung hay không, có hành động theo lệnh của bất kỳ chính phủ nước ngoài nào để chỉnh sửa, quảng bá hoặc che giấu bất kỳ nội dung nào không.

    Theo Reuters, Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ đã cho các công ty 3 tuần để trả lời câu hỏi và cho biết sẽ có các bước hành động tiếp theo tạm thời chưa được tiết lộ.

    TikTok cho biết họ đang nỗ lực để trả lời các truy vấn của Công nghệ Thông tin Ấn Độ và rằng họ đã tuân thủ tất cả các luật pháp Ấn Độ. Đồng thời, họ khẳng định thêm rằng bảo mật và quyền riêng tư của người dùng là ưu tiên hàng đầu của ứng dụng. Lệnh cấm ứng dụng đã làm đảo lộn tham vọng của ByteDance ở Ấn Độ, nơi ứng dụng đăng video TikTok rất phổ biến.

    Vũ Hán phát cảnh báo lũ ‘màu đỏ’

    Vũ Hán phát cảnh báo lũ ‘màu đỏ’ khi nước sông, hồ đang tăng nhanh
    Miền trung và miền nam Trung Quốc tiếp tục chao đảo khi lũ lụt tồi tệ nhất thập niên gây gián đoạn các chuỗi cung ứng thiết yếu bao gồm các thiết bị bảo vệ cá nhân chống dịch Covid-19 và thiệt hại kinh tế chồng chất. Thành phố Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang hôm nay (17/7) phát cảnh báo “màu đỏ” khi mà mưa lớn khiến nước ở các sông, hồ đang tăng nhanh tới mốc tối đa trong thang an toàn, hãng Reuters đưa tin cùng ngày.

    Nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp vượt 10m so với mức an toàn

    Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ đang tích nhiều nước hơn nhằm cố gắng giảm nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu sông Dương Tử, mực nước ở hồ đã cao hơn 10 mét so với mức an toàn, với sức nước hiện tại hơn 50.000 mét khối mỗi giây, theo Reuters ngày 17/7. Hồ Bà Dương ở Giang Tây, mực nước đã cao hơn 2,5 mét so với cảnh báo. Nước hồ tràn ra hơn 2.000 km vuông khiến làng mạc xung quanh ngập úng. Về phía đông, Thái Hồ gần Thượng Hải cũng phát cảnh báo màu đỏ sau khi nước tăng lên gần 1m so với mức an toàn.

    Hàn Quốc thu hồi giấy phép của các nhóm phát tán tờ rơi chống Triều Tiên

    Hàn Quốc hôm thứ Sáu (17/7) hủy bỏ giấy phép của hai nhóm chống Triều Tiên với lý do là họ đã thả truyền đơn vào Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng tức giận, làm cho các nỗ lực hòa giải của Hàn Quốc với quốc gia cô lập bị suy yếu, theo Yonhap.

    Các nhóm này được những người đào thoát Triều Tiên vận hành trong nhiều năm, đã gửi tờ rơi chống Triều Tiên kèm thực phẩm, thuốc men, tiền giấy 1 USD, đài radio mini và USB cùng với các bộ phim truyền hình lẫn tin tức từ Hàn Quốc, vào Triều Tiên bằng bóng bay hoặc chai thả trên những con sông nơi biên giới. Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in muốn cải thiện quan hệ với Triều Tiên vì vậy đã yêu cầu các nhóm ngừng gửi tuyên truyền nhưng họ từ chối.

    Tại hội nghị thượng đỉnh EU, Ý sẽ chống lại những thay đổi trong Quỹ Phục hồi

    Tuyên bố trên được Bộ trưởng Kinh tế Ý Roberto Gualtieri đưa ra hôm nay (17/7).


    Ý muốn Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận mà không thêm thay đổi quan trọng nào trong Quỹ Phục hồi trị giá 750 tỷ euro nhằm tái thiết nền kinh tế Nam Âu đã gánh chịu tác động nặng nề của dịch virus corona, hãng Reuters dẫn lời ông Roberto.

    Ngày 27/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đề xuất quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trị giá 750 tỷ euro cho EU. Nếu được thông qua, đây sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử EU. Kế hoạch này được đưa ra sau nhiều áp lực lớn từ Ý và Tây Ban Nha là những quốc gia đầu tiên chịu tác động của đại dịch cũng như phải gánh chịu các khoản nợ lớn nhằm tái thiết nền kinh tế. Nếu được chấp thuận, Ý sẽ được viện trợ trực tiếp gần 82 tỷ euro trong 3 năm tới, Tây Ban Nha sẽ nhận được hơn 77 tỷ euro. Ý và Tây Ban Nha cũng sẽ được vay với số tiền lần lượt là 90 tỷ euro và 31 tỷ euro.

    Tin tặc hack 130 tài khoản Twitter để lừa lấy tiền ảo


    Twitter tiết lộ vào cuối ngày 16/7, trong tuần, khoảng 130 tài khoản người dùng mạng xã hội này lọt vào tầm ngắm của những tay tin tặc, một sự cố mà trong đó nhiều hồ sơ của các cá nhân và các tổ chức nổi tiếng bị xâm phạm.

    Tin tặc đã truy cập hệ thống nội bộ của Twitter để chiếm đoạt tài khoản của một số người dùng hàng đầu của nền tảng này bao gồm ứng viên tổng thống Mỹ Joe Biden, ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama và tỷ phú Elon Musk và sử dụng những tài khoản này để lừa lấy tiền kỹ thuật số, theo Reuters.

    Bộ trưởng Tư pháp Mỹ chỉ trích Hollywood vì sợ Bắc Kinh


    Hôm thứ Năm, Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ William Barr đã lên án những hãng phim của Hollywood và các công ty công nghệ Mỹ “quỳ gối” trước Bắc Kinh.

    Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới, bao gồm cả trên đất Mỹ”, ông Barr nói trong một sự kiện liên quan đến chính sách về Trung Quốc tại Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford ở Michigan.

    “Vì lợi nhuận ngắn hạn, các công ty Mỹ đã chịu khuất phục trước ảnh hưởng đó, thậm chí phải trả giá bằng sự tự do và cởi mở ở Hoa Kỳ”, ông Barr nói.
    Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã chỉ ra một ví dụ chứng minh khẳng định của mình. Ông nói rằng Marvel Studios, một chi nhánh của hãng phim Disney, vào năm 2016, trong sản phẩm Doctor Strange đã tự ý thay đổi câu chuyện gốc về một tu sĩ từ Tây Tạng, bằng việc chuyển sắc tộc của tu sĩ này sang Celtic. Theo ông, đây là một hành động có biểu hiện e sợ chính quyền Trung Quốc.

    “Những nhà kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc không cần nói một tiếng, bởi vì Hollywood đang làm việc cho họ”, ông Barr nói.

    Công ty Trung Quốc thử trái phép vắc xin Covid-19 trên người

    Một công ty quốc doanh Trung Quốc SinoPharm đang tự hào rằng cả giám đốc điều hành và nhân viên của họ đã được tiêm thử nghiệm vắc xin điều trị virus Vũ Hán ngay cả trước khi việc này được chính quyền chấp thuận, theo AP.

    “Chìa tay giúp mài sắc thanh gươm chiến thắng”, một bài đăng của công ty dược phẩm SinoPharm viết, kèm hình ảnh ca ngợi những nhân viên của họ đang “thử nghiệm trước” vắc xin trị Covid-19 do chính công ty này sản xuất.

    SinoPharm tuyên bố rằng họ có 30 “tình nguyện viên đặc biệt” giúp thử nghiệm vắc xin do họ tự chế trước khi họ được cấp phép thử nghiểm vắn xin trên người. Theo AP, điều này khiến giới quan sát phương Tây lo ngại vì nó vi phạm các quy chuẩn chuyên môn và đạo đức.

    Cuộc sống khó khăn, người Iran xuống đường biểu tình

    Hôm thứ Năm, lực lượng an ninh Iran đã bắn hơi cay nhằm giải tán những người biểu tình đang tuần hành tại thành phố Behbahan, phía tây nam Iran để bày tỏ sự bất bình về điều kiện sống khó khăn, các nhân chứng nói với hãng tin Reuters.

    Một video đăng tải trên mạng xã hội Iran cho thấy người biểu tình hô vang những câu như “Không sợ, không sợ, chúng ta cùng nhau ở đây”. Một video khác cho thấy lực lượng an ninh Iran xuất hiện dày đặc xung quanh người biểu tình. Bất chấp việc này, nhiều người biểu tình hô vang khẩu hiệu phản đối những quan chức hàng đầu của chính phủ Iran.

    “Người dân đang giận dữ. Nền kinh tế tồi tệ tới mức chúng tôi không thể sống được”, một người Iran giấu tên ở Teheran nói với Reuters qua điện thoại.

    Trung Quốc tuyên bố sẽ tuân thủ thỏa thuận thương mại với Mỹ


    Hôm thứ Năm, bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Hoa Kỳ, nhưng cảnh báo rằng sẽ đáp trả các chiến thuật “bắt nạt” của Washington, theo Reuters.

    Bà Hoa cũng tuyên bố mời Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Trung Quốc thăm khu tự trị Tân Cương để thấy rằng không có vi phạm nhân quyền như truyền thông, các nhà hoạt động và các thế lực khác “đổ oan” cho Bắc Kinh.

    Khi được hỏi liệu các lệnh trừng phạt gần đây mà Washington áp dụng với các quan chức cao cấp Trung Quốc vì liên quan tới việc đàn áp nhân quyền ở Tân Cương có ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại gia đoạn 1 hay không, bà Hoa nói với các phóng viên rằng Trung Quốc hy vọng thỏa thuận này vẫn có thể được thực thi, nhưng lưu ý Bắc Kinh sẽ “đáp trả và có hành động phản ứng” với các hành động “bắt nạt” của Hoa Kỳ.

    Tin tặc Nga đang cố ăn cắp vắc xin Covid-19

    Các tin tặc được chính phủ Nga hỗ trợ đang cố gắng đánh cắp vắc xin điều trị Covid-19 và những nghiên cứu điều trị khác từ các tổ chức học thuật và dược phẩm trên khắp thế giới, Trung tâm an ninh mạng quốc gia Anh (NCSC) cho biết.

    Một tuyên bố chung giữa Anh, Mỹ và Canada đã cáo buộc nhóm tin tặc có tên APT29, hay còn được gọi vởi tên “Cozy Bear” thực hiện các cuộc tấn công này. Tuyên bố cho rằng gần như chắc chắn APT29 làm việc cho tình báo Nga.

    “Chúng tôi lên án những cuộc tấn công thấp kém này, nó chống lại những người đang làm công việc quan trọng để chiến đấu với đại dịch Covid-19”, Giám đốc điều hành NCSC, Paul Chichester, nói hôm thứ Năm.

    Không có nhận xét nào