Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 7 tháng 7 năm 2020

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 7 tháng 7 năm 2020

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 7 tháng 7 năm 2020



    Bắc Kinh lại lu loa về cuộc tập trận của Hoa Kỳ tại Biển Đông

    Trung Quốc lu loa rằng Hoa Kỳ “có những động cơ đen tối” khi điều hai tàu sân bay tới tập trận ở Biển Đông. Truyền thông của Bắc Kinh đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng chống lại các thách thức từ Washington, theo bản tin tối thứ Hai của SCMP.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, hôm thứ Hai, tuyên bố tình hình ở Biển Đông vẫn ổn định, nhưng cáo buộc Hoa Kỳ đang khuấy động rắc rối giữa Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á bằng những động cơ đen tối, nói thêm rằng Mỹ muốn thông qua cuộc tập trận để “khoe cơ bắp”.

    Hoa Kỳ đã cử hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đến Biển Đông để thực hiện một cuộc tập trận quân sự bắt đầu từ thứ Bảy, trong khi Trung Quốc cũng đang có một cuộc tập trận ở vùng biển này.

    Trung Quốc cảnh báo Anh không can thiệp Hồng Kông

    SCMP đưa tin, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo London rằng Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với “những hậu quả” nếu chính phủ của ông Boris Johnson cư xử với Trung Quốc như kẻ thù.

    Trong bối cảnh Trung-Anh căng thẳng vì các vấn đề liên quan tới luật an ninh Hồng Kông và Huawei, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Lưu Hiểu Minh, hôm thứ Hai, nói rằng việc chính phủ Anh có kế hoạch trao hộ chiếu hải ngoại cho người Hồng Kông là “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.

    Ông Lưu cũng đả kích các chính trị gia Anh vì “những nhận xét vô trách nhiệm” về luật an ninh Hồng Kông, nói rằng những bình luận như thế có thể ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trong tương lai của Trung Quốc vào Anh.

    “Chúng tôi muốn trở thành bạn của các bạn. Chúng tôi muốn trở thành đối tác của các bạn. Nhưng nếu các bạn muốn biến Trung Quốc thành một quốc gia thù địch, các bạn sẽ phải gánh chịu hậu quả”, ông Lưu đe dọa.

    Trung Quốc bắt người lên án Tập Cận Bình

    Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ giáo sư luật Xu Zhangrun, người đã viết các bài tiểu luận chỉ trích cách xử lý đại dịch Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình và cáo buộc người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng cách cai trị “chuyên chế”, theo bản tin tối thứ Hai của SBS News.

    Ông Xu đã bị hơn 20 người đưa ra khỏi nhà của ông ở ngoại ô Bắc Kinh, một trong những người bạn giấu tên của ông cho biết.

    Giáo sư Xu vào tháng Hai đã viết một bài luận lên án văn hóa dối trá và kiểm duyệt được ông Tập ủng hộ, nói rằng chính thứ văn hóa này đã gây ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

    “Hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc đang tự phá hủy cấu trúc quản trị”, ông Xu viết trong bài tiểu luận được các trang web nước ngoài công bố, và nói thêm rằng sự hỗn loạn ở tâm dịch Hồ Bắc phản ánh các vấn đề mang tính hệ thống ở nhà nước Trung Quốc.

    Ông Pompeo: Mỹ đã nhận lời EU đối thoại về Trung Quốc
    Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ gần đây đã nhận lời tham gia một cuộc đối thoại giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu để bàn về những thách thức và mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra, Breitbart đưa tin hôm thứ Hai.

    “Tôi vui mừng thông báo rằng Hoa Kỳ đã nhận lời mời của ông Josep Borell [quan chức ngoại giao EU] tham gia một thảo luận giữa Mỹ và EU về Trung Quốc. Tôi rất vui vì điều này”, ông Pompeo nói.

    “Tôi mong muốn những người bạn của Mỹ ở châu Âu bảo vệ những giá trị này trong thời đại của chúng ta. Điều đó có thể định hình thế giới với một tương lai tốt đẹp, tương tự như những gì họ đã làm trong quá khứ, Chúng tối sẽ cùng nhau bảo vệ những giá trị này”, ông Pompeo nói.

    Ông Pompeo cho biết theo kế hoạch dự kiến cuộc đối thoại sẽ bắt đầu trong tuần tới và các cuộc đối thoại tương tự giữa Mỹ-EU sẽ được tiếp tục trong tương lai.

    Báo cáo khoa học mới chỉ ra đường lây lan khác của nCoV

    Reuters hôm thứ Hai đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nghiên cứu một báo cáo kêu gọi họ cập nhật hướng dẫn về virus Vũ Hán sau khi hơn 200 nhà khoa học, trong một lá thư gửi WHO, đưa ra bằng chứng rằng nCoV có thể lây lan thông qua các hạt nhỏ lưu truyển trong không khí.

    Hiện tại WHO cho rằng virus Vũ Hán lây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ thoát ra từ mũi và miệng của người nhiễm bệnh và những giọt này nhanh chóng chìm xuống đất.

    Nhưng trong một bức thư ngỏ gửi WHO, được công bố vào thứ Hai trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng, 239 nhà khoa học ở 32 quốc gia đã đưa ra bằng chứng cho thấy các hạt có virus Vũ Hán bám vào di truyển trong không khí có thể lây nhiễm Covid cho những người hít phải chúng.

    Những nhà khoa học này tin rằng những hạt nhỏ hơn chứa virus không chìm xuống đất mà bay trong không khí.

    Pháp công bố thành phần chính phủ với một số thay đổi trong các bộ chủ chốt


    Tối qua, 06/07/2020, thành phần tân chính phủ Pháp, đứng đầu là thủ tướng Jean Castex, đã được công bố, với một số thay đổi trong các bộ chủ chốt như Nội Vụ, Môi Trường và Tư Pháp.

    Trên mạng Twitter từ tối Chủ Nhật, tổng thống Emmanuel Macron đã loan báo ý định thành lập một chính phủ tập hợp nhiều thành phần để thi hành chính sách của ông, một chính sách « phải thích ứng với những đảo lộn quốc tế và với các khủng hoảng hiện nay ».

    Theo chiều hướng này, trong thành phần tân nội các, chức bộ trưởng Nội Vụ được giao cho ông Gérald Darmanin, nguyên bộ trưởng Ngân sách, thay thế ông Christophe Castaner, một nhân vật thân cận với tổng thống Pháp, nhưng bị giới cảnh sát phản đối. Ông Gérald Darmanin, năm nay 37 tuổi, là một chính khách cánh hữu giống như thủ tướng Jean Castex, từng là nhân vật thân cận của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.

    Thay đổi lớn thứ hai là ở bộ Môi Trường. Vài ngày sau thắng lợi của phong trào sinh thái tại một số thành phố lớn trong cuộc bầu cử địa phương, bà Barbara Pompili đã được chỉ định vào chức vụ này để thực hiện chính sách bảo vệ môi trường của tổng thống Macron. Năm nay 45 tuổi, bà Pompili, nguyên là đảng viên đảng Sinh Thái Châu Âu-Xanh trước khi theo đảng Cộng Hòa Tiến Bước của ông Macron, là nhân vật đứng hàng thứ ba trong tân nội các.

    Anh trừng phạt 49 thực thể nước ngoài vi phạm nhân quyền


    Ngày 06/07/2020, chính phủ Anh thông báo « danh sách đen » gồm 49 cá nhân và tổ chức vi phạm nhân quyền, chủ yếu là người Nga và Ả Rập Xê Út, liên quan đến các vụ sát hại, như vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Những đối tượng này có nguy cơ bị phong tỏa tài sản và cấm visa nhập cảnh vào Anh.

    Thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình từ Luân Đôn :


    « Đây là các biện pháp trừng phạt chưa từng có vì lần đầu tiên Luân Đôn hành động độc lập với luật lệ riêng của Anh Quốc, ngoài khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu sau Brexit.

    Danh sách đen được bộ Ngoại Giao Anh công bố có 25 người Nga bị cáo buộc liên quan đến vụ luật sư Sergueï Magnitski chết trong tù năm 2009. Ông là người đã tiết lộ một vụ gian lận thuế quy mô lớn của nhiều công chức. Ngoài ra, trong danh sách còn có 20 người Ả Rập Xê Út bị tình nghi tham gia vào vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018 ở Istanbul.

    Khi thông báo quyết định của chính phủ trước các dân biểu, ngoại trưởng Anh Dominic Raab giải thích rằng những biện pháp trên nhằm gửi một thông điệp rõ ràng đến những người nhuốm máu trên tay : Họ không thể đến đất nước này (Anh Quốc) để mua nhà trên đường King’s Road hay rửa tiền bẩn của họ thông qua các ngân hàng của Anh. Lời cảnh cáo của ngoại trưởng Anh ngụ ý đến những khu phố ở Luân Đôn rất được người giầu nước ngoài chọn sống.

    Quyết định của Luân Đôn cũng là câu trả lời cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền thường xuyên cáo buộc Anh Quốc nhắm mắt làm ngơ trước rất nhiều vụ vi phạm nhằm duy trì các hợp đồng bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út hoặc tiếp tục là thiên đường tài chính cho rất nhiều tỉ phú trên thế giới ».

    Nga đe dọa trả đũa


    Ngay cùng ngày 06/07, đại sứ quán Nga tại Luân Đôn ra thông cáo khẳng định Nga sẽ « có những biện pháp đáp trả tương xứng với quyết định thù nghịch của Vương quốc Anh » vì những biện pháp của Luân Đôn thể hiện ý định « gây sức ép đối với những Nước có chủ quyền ».

    Theo AFP, mối quan hệ Anh và Nga xấu đi trong những năm gần đây do các hồ sơ Syria và Ukraina. Luân Đôn vẫn cáo buộc chính quyền Matxcơva ám sát cựu điệp viên Serguei Skripal và con gái của ông tại Anh vào năm 2018.

    Mỹ: Du học sinh chỉ học trực tuyến sẽ bị rút visa


    Sinh viên nước ngoài sẽ không được phép ở lại Mỹ trong khóa học mùa thu này nếu trường đại học mà họ theo học chuyển hoàn toàn qua hình thức học trực tuyến (online), trừ khi chuyển sang khóa học có đến lớp.

    Cơ quan thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) cảnh báo các du học sinh có thể đối mặt với việc bị trục xuất nếu không tuân thủ luật.

    Nhiều trường đại học đang chuyển sang hình thức học online do đại dịch virus corona.

    Không rõ có bao nhiêu sinh viên sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách này.

    Số lượng lớn sinh viên nước ngoài đến Mỹ để học tập hàng năm là nguồn thu đáng kể của các trường đại học vì nhiều sinh viên trả mức học phí đầy đủ.

    Harvard đã ra thông báo tất cả các khóa học sẽ được thực hiện online khi các sinh viên trở lại trong năm học mới, bao gồm cả những sinh viên đang sống trong ký túc xá của trường đại học.

    Trước đó, chương trình sinh viên và trao đổi sinh viên do ICE điều hành đã cho phép sinh viên nước ngoài tiếp tục các khóa học mùa xuân và mùa hè 2020 theo hình thức online khi vẫn ở Mỹ.

    Mỹ cân nhắc cấm mạng xã hội Trung Quốc


    Ngoại trưởng Mike Pompeo cuối ngày 6/7 (giờ Mỹ) cho biết chính quyền Washington đang cân nhắc việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm cả TikTok, do lo ngại an ninh quốc gia.

    “Liên quan đến các ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại mọi người, tôi có thể cam đoan rằng Mỹ sẽ xử lý ổn thỏa”, ông Pompeo phản hồi sau khi biên tập viên Laura Ingraham của Fox News hỏi về khả năng cấm ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc, cụ thể là TikTok.

    “Tôi không muốn tiết lộ thông tin sớm hơn Tổng thống, nhưng vấn đề đó đang được chúng tôi nghiên cứu”, ông Pompeo nói thêm.

    Chiết Giang xả lũ hồ thủy điện

    Hồ thủy điện Tân An Giang ở Chiết Giang hôm nay mở 7 cửa xả lũ, khi mực nước vượt giới hạn và vẫn có xu hướng dâng cao, theo hãng tin China News.

    Mực nước ở hồ chứa Tân An Giang dâng lên tới 107,29 mét sáng nay, trong khi mưa lớn được dự báo tiếp tục trút xuống, buộc chính quyền Chiết Giang ra lệnh mở ba cổng xả lũ của hồ lúc 10h hôm nay và mở thêm 4 cổng nữa trước 17h. Giới chức cho biết cổng sẽ đóng khi mực nước hồ hạ xuống 107 mét.

    Đợt xả lũ này từ hồ Tân An Giang có thể ảnh hưởng tới 8 thị trấn và thành phố dưới hạ lưu với 300.000 dân.

    Trung Quốc: Xe buýt chở học sinh lao xuống hồ

    Tờ SCMP dẫn tin từ giới chức Trung Quốc cho biết, 21 người chết và 15 người bị thương khi chiếc xe buýt chở học sinh lao qua rào chắn, rơi xuống hồ chứa Hồng Sơn ở thị trấn An Thuận, tỉnh Quý Châu.

    Trong số 36 người trên xe buýt có học sinh, nhưng chưa rõ con số cụ thể. Hiện cũng chưa rõ các nạn nhân tử vong tại hiện trường hay bệnh viện và có còn người mất tích hay không. Cơ quan quản lý khẩn cấp tỉnh Quý Châu cho biết 19 xe cứu hỏa, 21 xuồng cứu hộ và 97 nhân viên, trong đó có 17 thợ lặn, đã được triển khai tới hiện trường.

    Vụ tai nạn trên xảy ra khi Trung Quốc đang tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học (cao khảo). Một số học sinh trên xe được cho là vừa tham gia cao khảo vào buổi sáng cùng ngày.

    UAE sẽ xét nghiệm Covid-19 cho 2 triệu người

    Reuters đưa tin, chính phủ các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm 6/7 thông báo kế hoạch xét nghiệm Covid-19 cho 2 triệu người, tương đương khoảng 20% ​​dân số, trong hai tháng tới.

    Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 ở UAE tăng nhanh trở lại sau khi giới chức dỡ lệnh hạn chế ngăn virus lây lan vào hôm 24/6.

    Carrie Lam tuyên bố luật an ninh không khiến Hồng Kông ‘u ám’


    Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hôm nay tuyên bố rằng luật an ninh quốc gia không phải sự bi quan và u ám đối với thành phố, trong bối cảnh đạo luật này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân và các nước trên thế giới.

    “Tôi chắc chắn rằng, khi thời gian trôi qua, và những nỗ lực cùng thực tế đang diễn ra, niềm tin về chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’ cũng như tương lai của Hồng Kông sẽ tăng lên”, bà Carrie Lam tuyên bố.

    Đại học Stanford ở Mỹ nhận hơn 58 triệu USD từ chính quyền Trung Quốc
    Đại học Stanford ở Mỹ đang phải đối mặt trước những chỉ trích về mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc, khi trường đại học này đã nhận hàng chục triệu USD quà tặng và hợp đồng từ nhà cầm quyền ở Bắc Kinh.

    Theo Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, kể từ năm 2013 đến tháng 6/2019, Đại học Stanford đã nhận 58,1 triệu USD quà tặng và hợp đồng từ Trung Quốc. Đại học Stanford là trường nhận tiền nhiều thứ 4 sau ba trường khác ở Mỹ là Đại học Harvard, Đại học Nam California và Đại học Pennsylvania.

    Theo tờ The College Fix, Đại học Stanford được cho là có mối quan hệ thân thiết với chính phủ Trung Quốc, như vào tháng 3/2014, tại một buổi dạ hội ở San Francisco, ông John Hennessy, chủ tịch Đại học Stanford đã nhận giải thưởng về sự đóng góp của trường cho sự phát triển mối quan hệ Mỹ-Trung. Giải thưởng được trao bởi Ủy ban 100, một nhóm người Mỹ gốc Hoa bao gồm các nhà kinh doanh, quan chức chính phủ, nghệ sĩ, học giả….

    Không có nhận xét nào