Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 21 tháng 7 năm 2020

    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 21 tháng 7 năm 2020
    Điểm tin thế giới ngày Thứ ba 21 tháng 7 năm 2020
    Kế hoạch chấn hưng 750 tỉ euro: Liên Âu đạt thỏa thuận "lịch sử"

    Sau bốn ngày thương lượng căng thẳng tại Bruxelles, sáng sớm hôm nay, 21/08/2020, lãnh đạo 27 nước châu Âu đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch chấn hưng, trị giá 750 tỉ euro, với mục tiêu giúp châu Âu thoát thỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử của khối, do đại dịch Covid-19.

    Kế hoạch chấn hưng, với số tiền trợ giúp không hoàn lại hàng trăm tỉ đô la, do Đức và Pháp thúc đẩy, có lợi trước hết cho các nước miền nam châu Âu, nạn nhân chủ yếu của đại dịch (trước hết là Ý và Tây Ban Nha), bị nhóm các nước « khắc khổ » đứng đầu Hà Lan phản đối quyết liệt. Thượng đỉnh ban đầu dự kiến diễn ra trong hai ngày, rốt cuộc đã phải kéo dài bốn ngày. Rất nhiều lần thượng đỉnh gần như đi vào ngõ cụt, thất bại tưởng không tránh khỏi.

    Phản ứng của Ý và Hà Lan

    Ý, với 35.000 người chết do đại dịch Covid-19, sẽ là quốc gia được hưởng hỗ trợ nhiều nhất, với 28% tổng số tiền của kế hoạch chấn hưng sẽ được dùng để giúp Ý (trong đó có 81 tỉ euro trợ giúp không hoàn lại và 127 tỉ euro tín dụng). Từ Bruxelles, thủ tướng Ý Giuseppe Conte gửi đến người dân Ý thông điệp hoan hỉ: khối 27 nước « đã thông qua được một kế hoạch chấn hưng đầy tham vọng… cho phép chúng ta đối mặt với cuộc khủng hoảng này một cách hiệu quả ».

    Về phần mình, theo AFP, thủ tướng Hà Lan, quốc gia từng phản đối quyết liệt kế hoạch chấn hưng, cũng tỏ ra rất hài lòng sau thượng đỉnh. Ông Mark Rutte cho biết : « Tôi vui mừng về thỏa thuận này, và không có bất cứ thất vọng nào ».

    Cập nhật Đại dịch cúm Tàu tại Đức ngày 20/07/2020

    Trong vòng 7 ngày vừa qua, nước Đức có thêm hơn 2800 ca bệnh mới, trong đó thành phố tôi có thêm 6 ca.

    Chính phủ liên bang Đức tăng gấp ba số tiền tài trợ cho nghiên cứu về virus Vũ Hán. Bộ Nghiên cứu Liên bang đã tăng đáng kể tiền tài trợ cho nghiên cứu về các chiến lược và liệu pháp hiệu quả chống lại virus Vũ Hán. “Chúng tôi muốn đầu tư 45 triệu euro vào gần 90 dự án nổi bật”, Bộ trưởng Anja Karliczek tuyên bố.


    Chính phủ Pháp và Tây Ban Nha lại thắt chặt các quy định chống cúm Tàu vì số lây nhiễm đang tăng lên, tuy chưa đến mức báo động. Ở Pháp bắt buộc phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng khép kín (cửa hàng, ngân hàng, hội trường, rạp chiếu phim, bảo tàng,…). Hồi cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Tây Ban Nha khuyến cáo người dân vùng Catalunya với thủ phủ Barcelona không nên đi ra khỏi nhà, tuy không bắt buộc, không có lệnh giới nghiêm.

    Chính quyền ở Hồng Kông cũng vẫn chưa kiểm soát được tình hình. Các cơ quan báo cáo có thêm 73 trường hợp mới, bao gồm 66 trường hợp được lây nhiễm tại chỗ. Chủ nhật vừa rồi tạo kỷ lục với hơn 100 ca bệnh mới.

    Một nghiên cứu từ Hàn Quốc cho thấy trẻ em từ 10 tuổi trở lên sẽ lây lan bệnh như người lớn.


    Bangladesh đã chấp thuận một thử nghiệm có quy mô lớn về vắc-xin chống cúm Tàu từ công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc. Thử nghiệm giai đoạn III sẽ bắt đầu vào tháng tới và bao gồm 4.200 tình nguyện viên, giám đốc Hội đồng nghiên cứu y tế Bangladesh Mahmood Uz Jahan nói với Reuters. Một nửa trong số họ sẽ được tiêm ngừa. Sinovac đang tìm kiếm đối tượng thử nghiệm bên ngoài Trung Quốc vì số bệnh nhân cúm tàu ở đó đã giảm nhiều. Bangladesh có hơn 207.000 ca bị lây nhiễm được xác nhận và 2.928 ca tử vong.

    Phan Ba

    Đọ sức Trung–Mỹ ở Biển Đông: Thế trung dung đầy rủi ro của Việt Nam


    Một dấu hiệu về thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc: Chiến hạm Mỹ USS Gabrielle Giffords (phía trên) bám sát tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 4 trên Biển Đông ngày 01/07/2020. Ảnh US Navy. © Command Destroyer Squadron 7 - Petty Officer 2nd Class Brenton

    Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây liên tiếp phô diễn sức mạnh trên Biển Đông, đồng thời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hoa Kỳ không còn giữ thái độ trung lập trong các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Theo giới quan sát được Asia Times ngày 20/07/2020 trích dẫn, cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ tại Biển Đông đang đẩy Việt Nam vào một thế trung dung khó xử.

    Điều làm cho Asia Times chú ý là phản ứng rất dè dặt của chính quyền Việt Nam sau khi ngoại trưởng Mỹ mạnh mẽ phản đối những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là « bất hợp pháp », một tuyên bố lẽ ra đối với Hà Nội phải là một thắng lợi. Thế nhưng, trong thông cáo ngày 15/07/2020, bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề nhắc đến lập trường mới của Mỹ, mà chỉ ghi rằng « Việt Nam hoan nghênh quan điểm của các nước về vấn đề Biển Đông, theo quy định của luật quốc tế ».

    Asia Times còn ghi nhận các phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý phần lớn « im lặng » về tuyên bố của Mỹ, chỉ tường thuật vụ việc nhưng không phân tích cũng như bình luận về sự thay đổi chiến lược này của Mỹ. Vì sao ?

    Thế giới ‘cảm lạnh’ khi Mỹ chịu tác động mạnh vì COVID-19?


    Cảng Los Angeles, Long Beach, California.


    Vào lúc tăng trưởng tốt năm 2018, tức sau một thập kỷ tăng trưởng kinh tế, chính Hoa Kỳ đã giúp kéo thế giới cùng tiến lên.

    Nhưng nếu chính sách của Hoa Kỳ đã giúp đưa kinh tế thế giới lên cao hơn, thì chính nó cũng là nguy cơ kéo cả thế giới đi xuống khi nước này gặp khó khăn trong việc đối phó với đại dịch COVID-19, Reuters nhận định, dẫn câu: “Khi Mỹ hắt hơi, thế giới bị cảm lạnh”.

    “Trên phương diện toàn cầu, sẽ có những tháng và những năm sắp tới khó khăn và điều đặc biệt đáng lo ngại là số lượng các ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng lên,” theo một đánh giá kinh tế Hoa Kỳ của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF). Báo cáo nói rằng “tình trạng bất ổn xã hội” do sự nghèo đói gia tăng là một trong những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.

    “Rủi ro trước mắt là một phần lớn dân số Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm quan trọng về mức sống và khó khăn kinh tế đáng kể trong vài năm. Điều này có thể làm suy yếu thêm nhu cầu tiêu dùng và làm suy yếu động lực tăng trưởng,” báo cáo của IMF viết.

    Tại Hoa Kỳ có hơn 3,6 triệu người bị nhiễm bệnh và 140.000 người thiệt mạng vì COVID-19.

    Nền kinh tế Hoa Kỳ chiếm khoảng ¼ GDP thế giới.

    Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông


    Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hôm thứ Hai (20/7) đưa tin, các lực lượng hàng không hải quân Trung Quốc trong tuần qua đã tổ chức các cuộc tập trận tấn công mục tiêu bằng đạn thật trên Biển Đông, với sự tham gia của “các máy bay ném bom chiến đấu JH-7” và các chiến cơ khác.

    Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trích dẫn thông tin từ Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận được thực hiện bởi lực lượng không quân của hải quân Chiến khu Nam bộ, trú tại tỉnh Hải Nam, từ ngày 15-17/7.

    Bài báo không nêu chính xác vị trí tập trận, nhưng nói rằng các máy bay chiến đấu đã được triển khai tới quần đảo Hoàng Sa. Điều này trùng khớp với thông tin từ BenarNews, trong đó cho biết 8 chiến cơ Trung Quốc đã xuất hiện tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

    Tờ Hoàn Cầu tuyên bố rằng cuộc tập trận này là nhằm đối phó với “các hành vi khiêu khích quân sự liên tục của Hoa Kỳ” ở Biển Đông. Bài báo cũng cáo buộc Hoa Kỳ là “kẻ thật sự đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh cuộc tập trận của Trung Quốc là nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

    Thỏa thuận Trung Quốc – Iran

    Dường như bằng cách tiết lộ về một thỏa thuận với Bắc Kinh, Iran đang báo hiệu cho châu Âu và Mỹ rằng các chính sách đe dọa Tehran sẽ đẩy nước cộng hòa Hồi giáo ngả vào cánh tay của Trung Quốc.

    Nhiều thỏa thuận đã được ký giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Trung Đông vào năm 2016, nếu những thỏa thuận này được thực hiện, sẽ mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước với cấp số nhân từ 10 tỷ đến 600 tỷ USD và tăng cường đáng kể hợp tác quân sự.

    Các thỏa thuận cũng báo hiệu khả năng Trung Quốc xiêu lòng trước Iran. Nhưng những hy vọng đó đã vỡ tan khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2018 với Iran và đưa trở lại các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nước này. Kể từ đó Trung Quốc đã phải tuân theo các hạn chế của Hoa Kỳ. Trong tháng này, dường như Iran đã làm ầm lên không còn che đậy gì nữa với việc cho rò rỉ bản dự thảo cuối cùng của một thỏa thuận hợp tác kéo dài 25 năm, dự kiến khoản đầu tư này của Trung Quốc lên tới 400 tỷ USD để phát triển lĩnh vực dầu mỏ, chất đốt và giao thông ở Iran, tờ Straits Times dẫn nguồn từ tờ Daily Star.

    Huawei có thể ‘chết đói’ trước khi kịp bán tài sản ở nước ngoài

    Hôm nay, hãng Reuters cho hay, Huawei có thể sẽ chết đói trước khi bán tài sản của mình ở nước ngoài. Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc đang hứng chịu sự tấn công được nối lại sau đại dịch Covid-19, suốt từ Phố Downing (Anh) cho tới Washington (Mỹ). Người sáng lập công ty Nhậm Chính Phi đã suy tính đến việc thoái vốn, nhưng người mua nước ngoài là rất ít. Ông Nhậm đã cố gắng ‘né’ cuộc cãi vã giữa Mỹ với Bắc Kinh nhưng thất bại. Vả lại, Bắc Kinh sẽ không cho phép một vụ bán tháo giống như một kẻ bại trận.

    Canada xác nhận hộp đen trong vụ máy bay Ukraina bị Iran bắn hạ đã đến Paris

    Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne hôm 19/7 đã xác nhận trên Twitter rằng các hộp đen của chiếc máy bay Ukraina bị bắn hạ khiến 179 người trên boong thiệt mạng hồi tháng 1/2020, đã đến Paris, chấm dứt một bế tắc kéo dài hàng tháng, theo Reuters.

    Dự kiến các hộp đen sẽ được mang đến cơ quan tai nạn hàng không BEA của Pháp vào thứ Hai (20/7) để phân tích giải mã, ông Champagne cho biết và nói thêm rằng các quan chức giao thông Canada sẽ có mặt ở đó.

    Iran nói họ đã vô tình bắn rơi chuyến bay PS752 của hãng hàng không Ukraina vào ngày 8/1, do nhầm đó là một tên lửa vào thời điểm căng thẳng tăng cao giữa Iran và Mỹ. Nhiều nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn này là công dân Canada hoặc thường trú nhân hoặc Canada là điểm cuối trong hành trình của họ.

    Kim Jong Un mắng và ra lệnh thay thế quan chức Triều Tiên chịu trách nhiệm xây dựng bệnh viện


    Trong chuyến thăm “hướng dẫn thực địa” công trường xây dựng Bệnh viện Đa khoa ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong Un mắng Ủy ban điều phối xây dựng vì đã thiết lập ngân sách xây dựng một cách bất cẩn, đi ngược lại cuộc cải cách nghiêm túc từ chính sách của đảng Lao động cầm quyền, và ông ra lệnh điều tra, kỷ luật và thay thế tất cả các quan chức ủy ban chịu trách nhiệm xây dựng bệnh viện này, truyền thông Triều Tiên, hãng KCNA đưa tin hôm thứ Hai (20/7).

    Tin tức dạng “hướng dẫn thực địa” của ông Kim được truyền thông Triều Tiên “nối lại” sau nhiều tháng họ thiếu vắng loại tin này.

    Nhà vua Ả-Rập Saudi bất ngờ nhập viện

    Vua Salman bin Abdulaziz, 84 tuổi, đã được đưa vào bệnh viện ở thủ đô Riyadh vì viêm túi mật, truyền thông Saudi Arabia, hãng tin SPA cho biết ngày 20/7.

    Saudi Arabia là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và một đồng minh của Mỹ tại Trung Đông. Vua Salman bin Abdulaziz chính thức trở thành người đứng đầu hoàng gia từ năm 2015.

    Trung Quốc nói trong 22 ca nhiễm mới Covid-19, có 17 trường hợp ở Tân Cương


    Trung Quốc ghi nhận 22 ca nhiễm Covid-19 ở đại lục vào ngày 19/7, đã tăng so với 16 trường hợp một ngày trước đó, Ủy ban Y tế Trung Quốc cho biết hôm 20/7. Trong số các ca nhiễm mới, 17 người ở phía tây Tân Cương, 5 trường hợp còn lại là nhập cảnh. Tính đến ngày 19/7, Trung Quốc đại lục có 83.682 ca nhiễm Covid-19. Số người chết vì dịch bệnh vẫn ở mức 4.634.

    Biển Đông kích hoạt khẩu chiến Mỹ – Trung trên mạng xã hội


    Reuters tối thứ Hai cho hay, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông đã kích hoạt một cuộc khẩu chiến lớn trên mạng xã hội.

    Sau khi Washington vào tuần trước ra thông cáo bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhiều đại sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines đã sử dụng Facebook để đưa lên những phát biểu chỉ trích hành động ngang ngược của chính quyền Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên.

    Trung Quốc cũng đã dùng mạng xã hội để đáp trả bằng những phát biểu gay gắt theo kiểu “sói chiến”, cáo buộc Washington nói xấu Trung Quốc, đánh lừa người dân ASEAN.

    Cuộc khẩu chiến Mỹ – Trung đã thu hút hàng ngàn bình luận của cư dân ASEAN. Một cư dân mạng Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ. “Cám ơn Mỹ vì đã làm những gì pháp luật yêu cầu”.

    Ngoại trưởng Mỹ tới Anh bàn vấn đề Trung Quốc

    Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến Vương quốc Anh vào thứ Hai để thảo luận với Thủ tướng Boris Johnson về vấn đề Trung Quốc, mạng 5G và một thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Anh, Reuters đưa tin.

    “Khi ở London, Bộ trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Boris Johnson và Ngoại trưởng Dominic Raab để thảo luận về các ưu tiên toàn cầu, bao gồm các kế hoạch phục hồi kinh tế từ Covid-19, các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Hồng Kông, và Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Anh”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thông tin trước chuyến đi của ông Pompeo.

    Trên chuyến bay tới Anh, Ngoại trưởng Pompeo không chia sẻ thêm thông tin chi tiết với phóng viên về chuyến đi của mình. Ông được Đại sứ Mỹ tại Anh, Woody Johnson, chào đón ngay sau khi máy bay hạ cánh.

    Mỹ đưa thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen

    Reuters đưa tin, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USCD) hôm thứ Hai đã bổ sung 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì liên quan đến hành vi đàn áp nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    Các công ty trong danh sách đen sẽ không thể mua sản phẩm của các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ.

    Đây là nhóm các công ty Trung Quốc thứ ba bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen. Hai nhóm trước gồm 37 công ty Trung Quốc cũng bị cáo buộc liên quan tới các hoạt động đàn áp nhân quyền ở Tân Cương.

    “Bắc Kinh tích cực thúc đẩy hành vi cưỡng bức lao động, cũng như lạm dụng việc thu thập và phân tích gen để đàn áp công dân của mình”, bản thông cáo trích tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.

    Bang phản đối chính phủ Putin có thống đốc mới

    Tổng thống Nga hôm thứ Hai đã bổ nhiệm ông Degtyaryov làm thống đốc mới cho bang Khabarovsk, nơi có hàng chục ngàn người đã biểu tình phản đối việc chính phủ Putin cho bắt giữ thống đốc cũ là ông Sergei Furgal, theo AP.

    Ông Putin đã ký sắc lệnh bãi nhiệm ông Furgal, người bắt đầu nhận quyền điều hành bang Khabarovsk từ năm 2018, nhưng bị bắt vào ngày 9/7 với cáo buộc dính líu tới việc giết người.

    Ông Furgal đã bác bỏ cáo buộc rằng ông có liên quan một số cái chết vào khoảng thời gian 2004-2005, thời điểm ông còn đang là một doanh nhân. Việc ông Furgal bị bắt giữ đã kích hoạt một làn sóng phản ứng Kremlin mạnh mẽ ở bang Khabarovsk, vì nhiều người sinh sống ở bang cách Moscow khoảng 6000 km cho rằng ông Furgal là một quan chức tốt.

    Mỹ trừng phạt thủ lĩnh Cộng hòa Chechnya thuộc Nga


    Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã áp các lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga với các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm các hành vi tra tấn và giết người phi pháp, theo Fox News.

    Ramzan Kadyrov, 43 tuổi, đã sử dụng lực lượng an ninh của mình để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Các nhóm nhân quyền quốc tế đã cáo buộc Kadyrov đã ra lệnh cho tay chân bắt cóc, tra tấn và giết hại các đối thủ của ông ta.

    Trong một tuyên bố công bố các lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng có “thông tin đáng tin cậy và được lưu truyền rộng rãi rằng Kadyrov phải chịu trách nhiệm cho nhiều hành vi vi phạm nhân quyền từ hơn một thập niên, bao gồm cả tra tấn và giết người phi pháp”.

    Mỹ khởi tố nhà nghiên cứu Trung Quốc gian dối thị thực

    Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hôm 20/7 cho biết một nhà nghiên cứu Trung Quốc đã bị buộc tội gian lận thông tin thị thực vào Mỹ trong khi đang làm việc cho quân đội Bắc Kinh.

    Thông báo của Bộ Tư pháp cho biết bà Song Chen đang bị khởi tố tội hình sự về gian lận visa, nói dối rằng bà đã rời khỏi quân ngũ, trong khi thực tế vẫn là thành viên của quân đội Trung Quốc. Bà Song đã ra hầu tòa trong phiên xét xử đầu tiên vào sáng ngày 20/7.

    Khi nộp đơn xin thị thực Mỹ năm 2018, bà Song, 38 tuổi, khai rằng bà đã kết thúc nghĩa vụ quân sự vào năm 2011. Bà Song đã nhận được thị thực tới Mỹ vào cuối năm 2018 để làm nghiên cứu tại Đại học Standford.

    Tuy nhiên, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tìm được bằng chứng cho thấy bà Song vẫn là một cán bộ dân sự của quân đội Trung Quốc.

    Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, nếu bị kết án, bà Song sẽ đối mặt với án tù tối đa 10 năm và tiền phạt 250.000 USD (khoảng 5,8 tỷ đồng).

    Không có nhận xét nào