Quyết định của chính phủ Anh sẽ khiến Trung Quốc giận dữ, nhưng đây lại là một chiến thắng về mặt ngoại giao cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định gạch tên Huawei khỏi mạng 5G của Anh vào hôm thứ Ba (14/7), như vậy là nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc không còn được chào đón ở phương Tây, theo Reuters.
Động thái mới nhất này của chính phủ Anh cũng đảo ngược quyết định hồi tháng 1 cấp cho Huawei một vai trò hạn chế trong hệ thống 5G.
Quyết định được đưa ra khi Anh không còn là thành viên liên minh châu Âu được xem có phần mạo hiểm nhưng nay London đã “mất tinh thần” vì cuộc đàn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông và hiểu ra rằng Bắc Kinh không nói toàn bộ sự thật về cuộc khủng hoảng virus corona.
Phía Mỹ coi các thiết bị Huawei được sử dụng để làm công cụ do thám phương Tây.
Pháp tổ chức Quốc Khánh 14/07 không có diễu binh vì Covid-19
Lần đầu tiên từ năm 1945, Pháp tổ chức mừng Quốc Khánh mà không có lễ diễu binh quy mô lớn trên đại lộ Champs-Elysées và không có công chúng.
Theo quy định cấm tụ tập trên 5.000 người đề phòng dịch Covid-19, lễ Quốc Khánh ngày 14/07/2020 trên quảng trường Concorde Paris chỉ có 2.200 người tham dự, trong đó có khoảng 1.400 nhân viên y tế và nhân viên những ngành nghề thiết yếu vẫn hoạt động trong gần ba tháng phong tỏa chống Covid-19.
Tổng thống Pháp Emmanuel chủ trì buổi lễ bắt đầu từ 10 giờ 45 (giờ Pháp) với chủ đề « một Quốc gia dấn thân, thống nhất và đoàn kết » nhằm vinh danh đội ngũ nhân viên y tế, những người trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 cũng như lực lượng quân đội tham gia chiến dịch « Résilience » tham gia chống virus corona.
Lễ diễu binh năm 2020 không có màn trình diễn của chiến xa, xe bọc thép, tuy nhiên công chúng vẫn có thể được ngắm qua màn hình màn trình diễn trên không với khoảng 20 máy bay trực thăng và khoảng 50 máy bay, trong đó có máy bay vận tải A400M và một máy bay tiếp liệu A330 của Không Quân được sử dụng trong đợt khủng hoảng để chuyên chở bệnh nhân Covid-19 nhằm giảm tải cho các vùng bị tác động nặng nhất. Đội bay « Patrouille de France » sẽ bay qua hai lần, lần đầu thả khói ba mầu cờ Pháp vào lúc 11 giờ 11, lần thứ hai là mầu trắng để vinh danh đội ngũ nhân viên y tế.
Sách trắng Quốc Phòng Nhật tố cáo Trung Quốc lợi dụng đại dịch bành trướng lãnh thổ
Cùng lúc Washington lên án mạnh mẽ Bắc Kinh gây căng thẳng ở Biển Đông, Nhật Bản ra báo cáo Quốc Phòng tố cáo Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động đòi chủ quyền gần các đảo có tranh chấp ở biển Hoa Đông cũng như ở Biển Đông, giữa lúc thế giới phải lo đối phó với dịch bệnh.
Theo hãng tin Reuters, trong sách trắng Quốc Phòng thường niên công bố hôm nay, 14/07/2020, Nhật Bản tố Trung Quốc « tiếp tục ý đồ thay đổi nguyên trạng vùng biển Hoa Đông và Biển Đông ».
Báo cáo về quốc phòng của Nhật tố cáo Trung Quốc xâm nhập liên tục vùng biển xung quanh các đảo đang có tranh chấp giữa hai nước trên Biển Hoa Đông. Cụ thể đó là quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, hiện do Nhật quản lý nhưng Trung Quốc và Đài Loan đều có đòi hỏi chủ quyền.
Còn trong vùng Biển Đông, tài liệu của Tokyo nêu rõ, trong lúc các nước đang tập trung chống đại dịch virus corona, Bắc Kinh đã có các hành động xác quyết chủ quyền bằng cách tuyên bố thành lập các đơn vị hành chính trên các đảo đang có tranh chấp.
Nhật Bản vẫn coi Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài, nhất là chi phí quốc phòng của Trung Quốc lớn gấp bốn lần của Nhật.
Philippines ủng hộ Mỹ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
Bộ Quốc phòng Philippines hôm nay bày tỏ sự nhất trí với Mỹ sau khi Washington ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách của Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Chúng tôi nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết trong thông cáo hôm nay.
Ông Lorenzana cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc tuân thủ các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Trung Quốc phản đối thông cáo của Mỹ về Biển Đông
Chính quyền Trung Quốc hôm nay tuyên bố họ kiên quyết phản đối thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Reuters.
Bắc Kinh tuyên bố cáo buộc từ phía Washington đối với nước này là “hoàn toàn phi lý”.
Khảo sát: Đa số người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump tái đắc cử
Democracy Institute/Sunday Express hôm thứ Ba (14/7) công bố kết quả khảo sát cho thấy, đa số người Mỹ có tín ngưỡng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.
Cuộc khảo sát về đối đầu giữa Tổng thống Trump và ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden được Democracy Institute phối hợp với Sunday Express thực hiện từ ngày 1/7 đến 3/7 với sự tham gia của 1.500 đáp viên. Sai số khảo sát là +-2,5%.
Theo kết quả khảo sát, ông Trump và ông Biden hòa nhau ở phiếu phổ thông, với 47% phiếu ủng hộ. Trong khi, ở phiếu Đại cử tri, ông Trump dẫn ông Biden 309 so với 229.
Chia theo tín ngưỡng của cử tri, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng tôn giáo. 90% người Công giáo Phúc âm (Evangelical Christians) ủng hộ ông Trump, chỉ có 8% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Biden.
56% người theo đạo Tin lành ủng hộ ông Trump, 42% bỏ phiếu cho ông Biden. 52% người theo Công giáo Roma ủng hộ ông Trump, trong khi 44% ủng hộ ông Biden.
Ông Biden nhận được sự ủng hộ của đa số người theo Do Thái giáo (61%) và những người vô thần (90%).
Anh phạt tiền người không đeo khẩu trang
Chính phủ Anh hôm 13/7 thông báo người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang khi mua sắm tại các cửa hàng kể từ ngày 24/7 tới, nếu không có thể bị phạt tới 125 USD, theo hãng thông tấn AP.
“Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang trong một không gian kín giúp bảo vệ các cá nhân và người xung quanh khỏi nCoV”, Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết.
Những ai không tuân thủ có thể bị phạt tới 100 bảng (125 USD), căn cứ theo luật y tế công cộng của Anh.
Đài Loan tặng Los Angeles, Mỹ 400.000 khẩu trang
Phòng Thương mại Mỹ – Đài Loan hôm nay đã quyên tặng 400.000 khẩu trang phẫu thuật cho Los Angeles để hỗ trợ khu vực này chống dịch Covid-19, theo Taiwan News.
Bà Kathryn Barger, giám sát viên quận Los Angeles cho biết đây là đợt quyên tặng lớn nhất mà quận nhận được kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đại diện cho 10 triệu cư dân trong quận, bà Barger cảm ơn chính phủ Đài Loan và văn phòng Thương mại Mỹ – Đài vì hành động tốt đẹp của họ. Bà nói thêm rằng khẩu trang sẽ được phân phát cho các nhân viên y tế tuyến đầu.
Máy bay Mỹ bay sát bờ biển Trung Quốc
Hôm thứ Hai, một máy bay do thám của Mỹ đã tiến gần địa phận tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP) nhận định đây là một động thái được Mỹ thiết kế để giám sát các hoạt động quân sự dọc bờ biển phía nam Trung Quốc.
Nhóm chuyên gia đại học Bắc Kinh đã công bố tọa độ hoạt động của máy bay Mỹ trên Twitter, nói rằng máy bay E-8C của Mỹ được ghi nhận hoạt động cách bờ biển Trung Quốc 110 km.
Trước khi được phát hiện lai vãng gần Quảng Đông, E-8C đã có mặt tại căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản và đã bay qua Tokyo vào sáng thứ Hai, theo hình ảnh được tài khoản No Callsign đăng trên Twitter.
Động thái của máy bay Mỹ trùng thời điểm Đài Loan tổ chức cuộc tập trận Hán Quảng thường niên. Cuộc tập trận này vừa khởi động hôm thứ Hai.
Mỹ tiếp tục lên án hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ coi việc Bắc Kinh theo đuổi các hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông và các hành vi bắt nạt của họ trên vùng biển này là bất hợp pháp, theo SCMP.
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng: việc Bắc Kinh tuyên bố sở hữu các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết khu vực Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, chiến dịch bắt nạt của họ để kiểm soát chúng cũng thế”, ông Pompeo nói.
SCMP bình luận, phát biểu của ông Pompeo là một nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế các hành động lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Việc lên án này gần như chắc chắn có tác dụng tức thì, hơn nữa sẽ làm Bắc Kinh khó chịu.
Pháp hạn chế hàng không Trung Quốc
Reuters đưa tin, Chính phủ Pháp hôm thứ Hai (13/7) đã bắt đầu hạn chế các hãng hàng không Trung Quốc, chỉ cho phép họ bay đến Pháp với mật độ mỗi tuần một chuyến. Paris cho biết họ làm vậy là để đáp trả hành động tương tự của Bắc Kinh đối với các hãng hàng không Pháp.
Đại sứ quán Pháp cho hay, theo thỏa thuận song phương ngày 12/6, Air France được Bắc Kinh cấp quyền thực hiện ba chuyến bay mỗi tuần đến Trung Quốc, nhưng thực tế Bắc Kinh chỉ cho phép hãng hàng không Pháp bay tới Đại Lục một chuyến mỗi tuần.
Cơ quan quản lý hàng không nhà nước Trung Quốc CAAC hiện vẫn chưa có phản ứng nào trước động thái đáp trả của Pháp.
Trung Quốc lại cảnh báo người dân không tới Úc
Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục gia tăng cảnh báo người dân không nên tới Úc, nói rằng nếu họ tới đó thì sẽ bị cơ quan thực thi pháp luật của Úc truy tìm “một cách tùy tiện”, theo AFP.
Chính quyền Trung Quốc đưa ra cảnh báo này chỉ ít ngày sau khi chính phủ Úc tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 10.000 người Hồng Kông tị nạn sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh mới.
Một tháng trước, Bắc Kinh cũng cảnh báo người dân nước này không nên tới Úc vì cho rằng có tồn tại tình trạng phân biệt đối xử người Hoa tại xứ sở chuột túi trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, chính phủ Úc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Bắc Kinh, đồng thời nói công dân của bất kỳ quốc gia nào đều được chào đón ở xã hội Úc.
WHO đưa ra cảnh báo tiêu cực về dịch Covid
SBS News đưa tin, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Hai cảnh báo có quá nhiều quốc gia đang có phản ứng rối loạn trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tức là thế giới khó có thể sớm trở lại bình thường.
Sau khi ghi nhận 230.000 trường hợp nhiễm Covid mới được báo cáo hôm Chủ nhật (12/7), WHO nhận định đại dịch sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trừ khi mọi người đảm bảo những biện pháp phòng ngừa cơ bản gồm giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang và ở nhà nếu bị bệnh.
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo rằng một số quốc gia dỡ bỏ tình trạng phong tỏa hiện đang chứng kiến sự hồi sinh của dịch viêm phổi Vũ Hán vì họ không tuân theo các phương pháp phòng chống bệnh đã được chứng minh có thể giảm rủi ro lây nhiễm.
“Tôi muốn thẳng thắn với các bạn: sẽ không thể về được trạng thái ‘bình thường trước đây’ trong tương lai gần”, tiến sĩ Tedros nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo ngắn. “Quá nhiều quốc gia đang đi sai hướng. Virus vẫn là kẻ thù công khai số một, nhưng hành động [và nhận thức ] của nhiều chính phủ và người dân không phản ánh điều này”.
Không có nhận xét nào