Cuộc gặp giữa Chu Ân Lai - Hồ Chí Minh & Võ Nguyên Giáp tại miền nam Trung Quốc, bước ngoặt trong quá trình đàm phán năm 1954 ở Genève.
Vai trò của Chu Ân Lai tại Genève năm 1954 Hội nghị Liễu Châu then chốt
Hội nghị Liễu Châu từ ngày 3 đến 5 tháng 7 năm 1954 |
Đang lúc giữa hè nóng nực nhất, lãnh đạo hai bên Trung Việt tiến hành tám lần họp trong ba ngày tại Liễu Châu, đưa ra quyết định trọng đại cho số phận tương lai của Việt Nam, điều hoà lập trường của hai bên tại Genève được nhất trí. Chu Ân Lai là người định ra luận cứ cho Hội nghị Liễu Châu, sự lý giải và ủng hộ của Hồ Chí Minh cũng có tác dụng then chốt. Hoàn toàn thực hiện dự tính của Chu Ân Lai, Hội nghị Liễu Châu đã lát con đường cho hội nghị Genève cuối cùng giải quyết được vấn đề Đông Dương.
Bài này là Chương 27 của cuốn Chu Ân Lai dữ Nhật Nội Ngoã hội nghị (周恩来与日内瓦会议 / Chu Ân Lai và Hội nghị Genève, nhà xuất bàn Trung Cộng Đảng Sử Xuất Bản Xá, 2005), mà tác giả là Tiền Giang. Chúng tôi cảm ơn dịch giả Dương Danh Dy đã cho phép Diễn Đàn công bố bản dịch này (và công bố toàn văn bản dịch cuốn sách trong tháng 1.2009 tới đây).
Hội nghị Liễu Châu (3-5.7.1954) là bước ngoặt trong quá trình thương lượng tại Genève, chấm dứt cuộc Kháng chiến lần thứ nhất, với những thành quả và hậu quả mọi người đều biết.
Tiấc rằng cho đến nay, hầu như không có nghiên cứu sử học nào đã được công bố ở Việt Nam về cuộc gặp ở Liễu Châu.
Bài này cho ta biết cách trần thuật và quan điểm của phái đoàn Trung Quốc do thủ tường Chu Ân Lai dẫn đầu. Như chú thích số 4 cho biết, những ghi chép của Mã Liệt (thư kí đối ngoại của Chu) đã bị Chu Ân Lai xoá đi rất nhiều, "đại bộ phận phần xoá bỏ là những điểm bất đồng của hai bên". Qua những nguồn tài liệu khác, chúng ta biết rằng Trung Quốc đã gây sức ép lớn để buộc phía Việt Nam phải chấp nhận giải pháp phân vùng theo giới tuyến, chấp nhận vĩ tuyến 16 (thay vì 13 hay 14), để rồi cuối cùng, trong những ngày chót ở Genève , là vĩ tuyến 17. (xem, chẳng hạn, China & The Vietnam Wars, 1950-1975 của Qiang Zhai (Trạch Cường), The University of North Carolina Press, 2000).
Tuy phiến diện và đơn phương, đây là một tài liệu tham khảo quan trọng, giúp ta tìm hiểu thêm về một giai đoạn quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam.
Diễn Đàn
Ngày 30 tháng 6 [1954], Chu Ân Lai đáp chuyên cơ “Công chúa” do Ấn Độ cung cấp, trở về Quảng Châu, rồi tập trung tinh lực chuẩn bị cho cuộc gặp mặt Hồ Chí Minh, điều hoà lập trường của hai nước Trung Việt tại Genève, bởi vì tại Genève, ý kiến của Phạm Văn Đồng, đại biểu Việt Nam chưa thể thống nhất với ý kiến của hai Ngoại trưởng Trung Xô.
Truy ngược lại thời gian thì rõ, khi chuẩn bị tham gia Hội nghị Genève, ba phía Trung, Xô, Việt chưa hoàn toàn nhất trí ý kiến về dự án đàm phán vấn đề Việt Nam ; rốt cuộc là vạch một giới tuyến quân sự Nam Bắc hay là xác định vùng tập kết quân sự của hai bên Việt Pháp, phương án nào là lợi nhất, còn đang trong thương lượng. Chu Ân Lai nghiêng về vạch giới tuyến Nam Bắc và cho rằng vĩ tuyến 16 là thích hợp. Lúc này chiến dịch Điện Biên Phủ còn đang gay go quyết liệt, chưa phân thắng bại ; vì vậy, mặt trận phương Đông quyết định sau khi đến Genève, sẽ căn cứ vào kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ mà xác định phương án đàm phán.
Tại Genève, phương án giới tuyến dần dần rõ thêm. Ngày 7 tháng 5, quân đội Việt Nam toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thái độ của Phạm Văn Đồng nhanh chóng cứng rắn lên, đưa ra ý tưởng to gan, vạch giới tuyến quân sự tại vĩ tuyến 13. Như thế Việt Minh có thể khống chế hai phần ba lãnh thổ cả nước. Các cường quốc phương Tây, phản đối dữ dội phương án này.
Phạm Văn Đồng phản đối mạnh mẽ việc rút quân đội Việt Nam ra khỏi Lào và Campuchia. Thái độ của nhà đương cục Việt Nam như vậy đã làm cho Chu Ân Lai, Molotov cảm thấy vô cùng tế nhị, không tiện nói. Sau nhiều lần khuyên can của Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng mới đồng ý rút quân đội Việt Nam ra khỏi Lào và Campuchia ; nhưng trên vấn đề vạch giới tuyến, Phạm Văn Đồng chỉ đồng ý lùi có giới hạn. Ngày 19 tháng 6, khi Hội nghị Genève thông qua quyết nghị về việc trước tiên rút quân đội ra khỏi Lào và Campuchia ; sau hội nghị, Phạm văn Đồng đã biểu thị có bảo lưu với đại biểu Trung Xô.
Trước việc giữa đoàn đại biểu Liên Xô và đoàn đại biểu Việt Nam xuất hiện bất đồng, ngày 19 tháng 6, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ ra nếu trong vấn đề Lào và Campuchia có nhượng bộ thì tại Việt Nam có thể yêu cầu được nhiều hơn một chút, “ tình hình trước mắt là, nếu trong hội đàm quân sự ta đưa ra phương án cụ thể, hợp lý thì có thể tranh thủ Pháp nhanh chóng giải quyết vấn đề, đạt được đình chiến. Như vậy có thể thúc đẩy chính phủ mới của Pháp chống lại sự can thiệp của Mỹ, lại vừa có thể kéo dài vấn đề quân đội châu Âu. Điều này có lợi cho cả Đông, Tây. Vì thế, những vấn đề có tính quan trọng như vậy cần phải bàn cho rõ.” Do đó, nhân dịp Ngoại trưởng các nước rời Hội nghị Genève, tôi “ cần phải, sau khi thăm Ấn Độ và trên đường về nước, giữa đường cùng đoàn đi Nam Ninh, Quảng Tây, mời mấy vị phụ trách Trung ương ĐLĐ Việt Nam để tôi báo cáo tình hình với họ, thuyết minh trọng điểm phương châm chia vùng.”1
Ngày 20 tháng 6, Chu Ân Lai gửi điện cho Đặng Tiểu Bình, chuyển Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói đã bàn và được sự đồng ý của Molotov và Phạm Văn Đồng, sau khi thăm Ấn Độ trên đường về nước sẽ đến Nam Ninh gặp Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, và La Quí Ba, Vi Quốc Thanh, giới thiệu “ tình hình đàm phán và vấn đề chia vùng, mong được nhất trí ý kiến nhằm làm cho đàm phán Genève tiến triển ” Chu Ân Lai dự tính trong ngày sẽ được phê chuẩn.
Lúc này trong nước [Trung Quốc] đã chuẩn bị nơi hội đàm lãnh đạo Trung Việt tại Nam Ninh. Thế nhưng khi về tới Quảng Châu, Chu Ân Lai lại một lần nữa tỏ ra thận trọng, cho rằng Nam Ninh cách biên giới Trung Việt quá gần, lại đông dân, khó bảo mật, nên chuyển lên phía bắc thì tốt hơn. Tuân theo ý kiến của ông, địa điểm gặp gỡ lãnh đạo Trung Việt lần này tạm thời được đổi đến Liễu Châu.
Lãnh đạo Việt Nam đồng ý việc đổi địa điểm hội nghị của phía Trung Quốc. Hồ Chí Minh cử Võ Nguyên Giáp đến Trung Quốc trước. Trung Quốc cử La Quí Ba, Vi Quốc Thanh cố vấn chủ yếu ở Việt Nam, ngoài ra còn có Giải Phương, nguyên Tham mưu trưởng chí nguyện quân Trung Quốc tại Triều Tiên, vừa đến Việt Nam không lâu, trợ giúp lãnh đạo quân sự Việt Nam tiến hành đàm phán quân sự [với Pháp tại] Trung Giã, và Phùng Mục Minh, cán bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tham gia đàm phán đình chiến Triều Tiên cũng theo đoàn về Quảng Tây.
Giải Phương là Tham mưu trưởng rất được Bành Đức Hoài, Tư lệnh quân chí nguyện tín nhiệm, sinh năm 1908, vốn tên là Giải Bái Nhiên. Ông sớm gia nhập quân Đông Bắc, biết rất rõ hai anh em Trương Học Lương, Trương Học Minh2; sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông được hai người này bảo đảm, đưa tới học tập tại Trường Sĩ quan lục quân Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp lại trở về quân Đông Bắc, nhanh chóng được thăng là thiếu tướng. Ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1936, là một trong những đảng viên hoạt động bí mật đầu tiên trong quân Đông Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ toàn diện, ông gia nhập Bát lộ quân, từng công tác tại Bộ tham mưu Diên An, sau đó ra mặt trận. Trong chiến dịch vượt biển giải phóng đảo Hải Nam, ông là phó quân đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng quân đoàn 40, Dã chiến quân thứ tư, trợ giúp quân đoàn trưởng Hàn Tiên Sở chỉ huy quân đội giải phóng Hải Nam. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ông giữ chức Tham mưu trưởng quân chí nguyện, phò tá Bành Đức Hoài xuất mưu tính kế. Bành Đức Hoài kiêu dũng thiện chiến gọi ông là “ Gia-cát Lượng trong quân ”.
Sau khi tham gia chỉ huy “ năm chiến dịch ” trên chiến trường Triều Tiên, Giải Phương được cử làm đại biểu đàm phán của phía Trung-Triều. Ông giỏi tiếng Nhật, hơi hiểu tiếng Anh, đầu óc nhanh nhạy, trí tuệ hơn người, ngoan cường kiên định trên bàn đàm phán, từng làm cho đại biểu đàm phán phía Mỹ trực tiếp nếm đủ những lợi hại của ông. Sau khi chiến trường Triều Tiên yên tĩnh dần, Bành Đức Hoài đã nhiều lần nói : “ Sau khi về nước tôi phải giới thiệu Giải Phương với Thủ tướng Chu, để anh ta làm ngoại giao, nhân tài ngoại giao như thế không nhiều ! ”
Vì thế, vào đêm trước của cuộc đình chiến Triều Tiên năm 1953, sau khi về nước, Giải Phương cứ đi ở không quyết giữa việc lưu lại quân đội hay sang ngoại giao. Hội nghị Genève quyết định tiến hành cuộc gặp gỡ Tư lệnh hai bên tại mặt trận Việt Nam thảo luận vấn đề cụ thể của đình chiến, Hồ Chí Minh đề xuất với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề nghị cử cán bộ hiểu biết về đàm phán quân sự sang Việt Nam giúp đỡ, thế là Giải Phương tự nhiên trở thành nhân vật đầu tiên có tên trong danh sách. Nhưng ban đầu, lãnh đạo Quân uỷ còn có chút chưa muốn để Giải Phương vừa mới rời khỏi chiến trường Triều Tiên phải tới ngay chiến trường Việt Nam, nên đã từ chối, ngay cả Chu Ân Lai đang ở Genève cũng gửi điện về nước nói, các tướng lĩnh quân sự quan trọng như Đặng Hoa, Đỗ Bình, Giải Phương có kinh nghiệm quân sự tại Triều Tiên không thể điều đi, “ nếu cần thiết chỉ có thể điều đồng chí Phùng Mục Minh tương đối có kinh nghiệm đàm phán tại Triều Tiên đi công tác [tại Việt Nam] ”.3
Lưu Thiếu Kỳ phê chuẩn Phùng Mục Minh đi Việt Nam. Không ngờ phía Việt Nam kiên trì mời Giải Phương đi, kết quả là vào tháng 6, Giải Phương và Phùng Mục Minh cùng đi Việt Nam, rồi lại cùng về nước tham gia Hội nghị Liễu Châu.
Về đoạn thời gian đã qua này, Phùng Mục Minh còn nhớ như in. Ông là người Thiên Tân, sinh năm 1913, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Bắc Kinh, trong kháng chiến tới Diên An, sau khi thành lập nước công tác tại Phòng Ngoại vụ Thiên Tân. Ông tham gia đàm phán Bàn Môn Điếm, sau đình chiến vẫn tiếp tục ở lại Bàn Môn Điếm giải quyết vấn đề tù binh.
Đầu tháng 6 năm 1954, ông và Giải Phương tới Việt Nam. Khi hội kiến họ, Hồ Chí Minh đã biểu thị hoan nghênh nhiệt liệt. Hồ Chí Minh nói, Việt Nam đã đánh nhau nhiều năm, đã học được cách đánh nhưng chưa học được cách đình chiến, cho nên mời các đồng chí đến giúp đỡ.
Theo ấn tượng của Phùng Mục Minh thì Tham mưu trưởng Giải Phương tự coi mình là khách nợ về ngoại giao. Trên đường từ căn cứ địa Việt Nam trở về Liễu Châu, khi chợt thấy những ngọn núi nhô cao, như Thạch Lâm xinh đẹp của Quế Lâm, mọi người đều vui vẻ, đua nhau nói ngọn núi đó giống nơi nào, nơi nào. Không ai ngờ, Giải Phương đã bất thình lình nói xen vào một câu : “ Ngọn núi này không có giá trị quân sự.”
Thế nhưng đối với vấn đề đình chiến ở Việt Nam sẽ phải đối mặt, Giải Phương hiểu biết vô cùng sâu sắc, trên đường đi xe lửa tới Liễu Châu, ông chậm rãi nói với Phùng Mục Minh : “ Các đồng chí Việt Nam có chút miễn cưỡng đối với đình chiến.”
Trên đường đi Liễu Châu, Hồ Chí Minh thường cùng ngồi với các cố vấn Trung Quốc, dọc đường các địa phương đều chiêu đãi, ăn thịt gà rất nhiều. Võ Nguyên Giáp thường gắp thức ăn cho Hồ Chí Minh, đủ thấy quan hệ thân thiết của họ.4
Sau khi về Quảng Châu, do tiết trời nóng bức, ăn uống kém nên sức khoẻ của Chu Ân Lai có chút không tốt, nên đã nghỉ một ngày, đến trước trưa ngày 2 tháng 7 mới đáp máy bay rời Quảng Châu, buổi trưa đến Liễu Châu. Ông không kịp nghỉ ngơi, lập tức đến thăm Hồ Chí Minh vừa đến trước, trao đổi ý kiến bước đầu.
Lúc này các trợ thủ thân cận chủ yếu của Chu Ân Lai là Kiều Quán Hoa, Chương Văn Tấn, phiên dịch chủ yếu của Hội nghị Liễu Châu là Trương Dực. Thư ký đối ngoại của Chu Ân Lai là Mã Liệt cũng tới. Mã Liệt tham gia công tác tại nhóm quân sự của Hội nghị Genève, tương đối nắm được tình hình. Cộng thêm các cố vấn từ Việt Nam trở về và Trần Mạn Viễn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân [tỉnh] Quảng Tây, phụ trách viện trợ Việt Nam, nhân tài của Hội nghị Liễu Châu rất đông.
Phiên họp thứ nhất của hội nghị bắt đầu lúc 9 giờ sáng ngày 3 tháng 7, phía Trung Quốc tham dự có Chu Ân Lai, Vi Quốc Thanh, La quí Ba, Giải Phương, Trần Mạn Viễn, Kiều Quán Hoa, phía Việt Nam là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan. Phùng Mục Minh làm nhiệm vụ ghi chép.
Trước tiên Hồ Chí Minh mời Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình thực chiến trường của cuộc chiến tranh Đông Dương.
Võ Nguyên Giáp lấy ra bản đồ tình hình hai bên giao chiến ở Đông Dương, báo cáo về bốn bộ phận : tình hình chung của chiến tranh, so sánh lực lượng địch ta, tình hình Việt Nam, tình hình Lào và Campuchia.
Võ Nguyên Giáp chỉ ra : sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tình hình rất có lợi. Trước mắt vùng Tây Bắc Việt Nam đã được giải phóng hoàn toàn và đang được củng cố, chiến trường Lào cũng phát sinh thay đổi trọng đại. Tại Liên khu Năm, hơi nằm về phía nam Trung bộ Việt Nam, lực lượng quân đội Việt Nam vốn tương đối yếu, nhưng hiện nay kẻ địch đã rút chạy khỏi nhiều nơi, quân đội Việt Nam đã giành được quyền chủ động chiến tranh.
Trên toàn Đông Dương, tổng binh lực quân Pháp và quân đội của Bảo Đại ước khoảng hơn 400.000 người, trong đó gồm cả hương dũng5 địa phương. Do bị chiến tranh tiêu hao, nước Pháp đã tăng thêm binh lực từ trong nước, trong tổng số 190.000 quân viễn chinh Pháp có khoảng 120.000 quân Âu, Phi. Quân đội của Bảo Đại vào khoảng 240.000, quân đội Vương quốc Lào ước khoảng 17.000 người. Quân đội của chính phủ Campuchia ước khoảng 15.000 người. Trong số quân trên, gồm quân chính quy và quân bổ sung, lính hậu cần và hải quân, không quân. Quân Pháp phân tán cao, quân cơ động không quá 110.000 người. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, tổng binh lực của địch có khả năng đạt 180.000 người.
Võ Nguyên Giáp nói, tổng binh lực của chúng ta khoảng 300.000 người (bao gồm bộ đội địa phương, đội du kích) trong đó 295.000 người là bộ đội Việt Nam, có sáu sư đoàn bộ binh và hai sư đoàn pháo binh do Tổng bộ chỉ huy. Ngoài ra còn có 4.000 bộ đội Lào và khoảng 3.000 bộ đội Campuchia, nhưng trong những bộ đội này, phân đội cấp đại đội biên chế hỗn hợp cả người Việt Nam, người Lào, người Campuchia.
Chiến trường Việt Nam là chiến trường chính của Đông Dương, 90 % lực lượng của đối phương ở tại Việt Nam. Hiện nay các trung tâm kinh tế đều đang dưới sự khống chế của quân Pháp, như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng v.v.. Xem xét từ lực lượng kinh tế thấy, một phần ba là ở Bắc Bộ, chủ yếu là công nghiệp than, xi măng. Thực lực kinh tế Nam Bộ chiếm hai phần ba.
Lào đất rộng người thưa, ven bờ sông Mekong sản xuất nhiều lúa gạo. Hiện nay liên quân Việt, Lào khống chế một vùng rộng 130.000 km2, miền bắc đã được củng cố, nhưng vùng mới khống chế miền nam còn chưa nối liền thành một mạng. Quân đội Việt Nam đã tiến vào Lào là 14.000 người, cộng thêm mấy ngàn bộ đội của Souphanouvong, tình hình quân sự tương đối có lợi. Nhưng nếu quân đội Việt Nam rút khỏi đây, thì bộ đội của Souphanouvong sẽ lâm vào khó khăn. Hiện nay ở Lào số người tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương6 ước khoảng 220 người, có cơ cấu lãnh đạo.
Võ Nguyên Giáp cho rằng, hoàng thân Sihanouk còn có ảnh hưởng ở Campuchia. Trong lịch sử Việt Nam và Campuchia thường xuyên có chiến tranh, nước Pháp thường dùng cái đó để xúi giục quan hệ hai bên. Hiện nay quân đội Việt Nam có khoảng 1.000 người đã vào Campuchia. Có khoảng hơn 100 người là đảng viên Campuchia của Đảng Cộng sản Đông Dương7.
Vì báo cáo của Võ Nguyên Giáp cần phải phiên dịch, nên trình bầy cả buổi sáng vẫn chưa xong, buổi chiều còn phải bổ sung. Sau đó đến Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, Vi Quốc Thanh phát biểu. Vi Quốc Thanh chỉ ra, những số liệu nêu trong báo cáo của Võ Nguyên Giáp tương đối mới, có thể thấy quân Pháp đã bổ sung binh lực vì vậy không giảm bớt về tổng số nhưng chất lượng thì thấp. Do quân đội Pháp đang rút gọn lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng, bây giờ nếu tấn công vào đó sẽ khó khăn tương đối lớn.
Trong khi Vi Quốc Thanh phát biểu, Chu Ân Lai đã hỏi xen vào : nếu Mỹ không can thiệp, Pháp gia tăng binh lực như cũ, tiếp tục đánh nhau thì phải bao lâu nữa chúng ta mới lấy được toàn Đông Dương ?
Vi Quốc Thanh cho rằng : trong tình hình sửa chữa tốt đường sá, vẫn còn cần hai, ba năm, mà cũng chưa có căn cứ tuyệt đối. Ông nói thêm, La Quí Ba cũng đồng ý quan điểm này.
Hồ Chí Minh cũng đồng tình nói, trong điều kiện nói trên, phía Việt Nam phải đánh thêm từ ba đến năm năm nữa mới có thể giành thắng lợi.
Buổi chiều khi kết thúc hội nghị, Chu Ân Lai đã trình bày tóm tắt cách nhìn về tình hình quốc tế. Ông chỉ ra, vấn đề Đông Dương đã quốc tế hoá, Mỹ và Liên Xô chưa bị cuốn vào cuộc chiến tranh Đông Dương, nên đều muốn cục bộ hoá vấn đề. Vấn đề Đông Dương cũng ảnh hưởng đến cả Đông Nam Á, ảnh hưởng đến tình hình châu Âu và thế giới. Hội nghị Genève có ảnh hưởng tới nội các Pháp khiến nước Pháp phải thay đổi nội các, có thể thấy có mối liên hệ giữa địa vị của nước Pháp tại châu Âu và mâu thuẫn trong nước. Vấn đề Đông Dương cũng ảnh hưởng tới nước Anh. Nước Anh có liên hệ với bảy lãnh thổ như Pakistan, Ấn Độ, Xây Lan, Malaysia, Hongkong, Australia và New Zealand. Vấn đề Đông Dương cũng ảnh hưởng tới Mỹ. Nước Mỹ đang đặt ra tuyến phong toả trên toàn thế giới mà Đông Dương là một khâu quan trọng. Đông Dương đã trở thành sợi dây xích nối liền ba châu Á, Phi, Âu.
Chu Ân Lai nói, chúng ta nên tranh thủ hoà bình, mở rộng lực lượng hoà bình. Phải phát triển hoà bình khiến Mỹ không thể tìm được cớ gây chiến. Phải đề phòng Mỹ can thiệp vũ trang vào ba nước Đông Dương. Ông chỉ ra, vấn đề Triều Tiên phức tạp hoá là do Mỹ tăng viện, mà tăng viện của họ nhanh như vậy là ngoài dự kiến. Nhân lúc Liên Xô không có mặt tại Hội đồng Bảo an, LHQ tiến hành can thiệp. Nếu không có tăng viện của Mỹ, phía Triều Tiên đã đuổi Lý Thừa Vãn xuống biển từ lâu. Bây giờ Đông Dương lại là một vấn đề như vậy. Những nhà đương cục thường bị cục bộ hạn chế. Gần đây Mỹ, Xô họp hội nghị ở Wasington, Mỹ cũng chuẩn bị hai con đường, nếu Đông Dương không hoà bình được, Mỹ sẽ tiến hành can thiệp. Từ điểm đó cho thấy, chúng ta còn chưa có khả năng ngay lập tức được cả Đông Dương.
Chu Ân Lai đề xuất, nếu như tại Việt Nam lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến ; Lào, Campuchia trung lập, cô lập Bảo Đại, hai năm sau do LHQ giám sát bầu cử, ĐLĐ có khả năng thành công trong bầu cử. Làm tốt công tác, có khả năng giành được cả Việt Nam, xu thế này có thể khẳng định. Vì thế hiện nay chỉ có một nhiệm vụ, đó là tranh thủ Đông Dương hoà bình, dùng phương thức hoà bình giành được cả Việt Nam, tiến hành cạnh tranh hoà bình, khiến tình hình thế giới phát sinh thay đổi có lợi cho chúng ta.
8 giờ tối, cử hành phiên họp lần thứ ba. Chu Ân Lai đã phát biểu dài về đề tài “ Vấn đề chiến tranh và hoà bình ”. Tư tưởng trung tâm của bài nói là, phải toàn lực tranh thủ giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương. Nếu không làm được điểm này, cuộc chiến Đông Dương có nguy cơ mở rộng. Nếu như vậy là nguy hiểm, sẽ phải trả giá nặng nề.
Ông chỉ ra, áp dụng mô hình Triều Tiên vào vấn đề Việt Nam, vạch ra một giới tuyến tạm thời, xem ra phải cắt miền Nam, miền Nam tạm thời không có lợi. Nhưng có thể chờ đợi bầu cử, và có thể giành thắng lợi trong bầu cử. Vấn đề là phải nhìn về lâu dài, nếu Mỹ tiến hành can thiệp thì có khả năng mọi cái đều mất hết. Nếu Mỹ xây căn cứ ở Xiêng Khoảng, Bảo Đại ngả vào lòng Mỹ thì miền Nam Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng, thậm chí bị tàn phá. Cho nên phải xem xét vấn đề từ trong thay đổi và phát triển. Dù cho không thay đổi, tiếp tục đánh cũng phải 3 năm. Nếu Mỹ tiến hành can thiệp thì khu Đỏ sẽ biến thành Trắng. Kinh nghiệm của Trung Quốc về mặt này quá nhiều. Hồng quân công nông Trung Quốc khi trường chinh đã từng để lại [ở khu Xô viết Giang Tây] mấy ngàn người địa phương, sau này không còn ai.
Nếu như theo phương châm của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tranh thủ Đông Dương hoà bình vạch đường giới tuyến, đối với Việt Nam mà nói, đã có thể củng cố được địa phương, vùng giải phóng có 12, 13 triệu dân, so với Bắc Triều Tiên còn nhiều hơn, lại có cửa biển, có thể thành một cục diện ở Đông Nam Á. Tương lai khi Trung Quốc và Việt Nam sửa thông đường sắt, cho dù miền Nam Việt Nam nhất thời chưa thể tuyển cử, chúng ta vẫn có thể ảnh hưởng tới nó. Lào, Campuchia cho dù có lạc hậu một chút thì vẫn tốt hơn là biến thành căn cứ của Mỹ.
Lật ngược lại vấn đề mà nói, nếu tình hình Đông Dương bước đầu không lợi, nếu Mỹ can thiệp, trước tiên Đông Dương sẽ bị tàn phá. Có khi một địa phương chậm giải phóng, nhưng lại có lợi cho toàn cục, cho nên có khi phải biết chờ đợi một chút. Phải căn cứ vào khả năng mà làm việc. Điểm này phải nói cho rõ. Trung Quốc đã có ví dụ như vậy, chúng tôi rút khỏi vùng đã chiếm, như Đại Biệt sơn, Đông Giang, Quảng Đông v.v... Chúng tôi rút đi, cách một, hai năm hoặc bốn năm, rồi chúng tôi lại trở lại. Phải nói rõ cho cán bộ, đại bộ phận cán bộ sẽ rút đi, để lại một bộ phận cán bộ, tương lai sẽ tốt. Cũng nên nói rõ với dân chúng, sau này không nên oán trách. Nên nói rõ với uỷ viên Trung ương, cán bộ cao cấp, cán bộ trung cấp và cấp dưới, thuyết minh nếu đánh nhau nữa, về quân sự không thể giành được cả Việt Nam, mà lợi ích trước mắt cũng không thể giữ nổi. Còn nếu sử dụng phương thức hoà bình thì có khả năng giành được cả Việt Nam, nhưng cũng không phải là nói nhất định giành được, phải xem sự phát triển.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chứng minh chúng ta đang có sự thay đổi về chất, mặc dù còn chưa thể nói rằng chúng ta có thể giành được thắng lợi trên toàn Việt Nam. Thế nhưng chiến dịch này đã làm quân địch kinh hoàng tỉnh ngộ, thúc đẩy nó hạ quyết tâm can thiệp. Nhưng phương pháp can thiệp của kẻ địch có khó khăn. Kẻ địch sợ Trung Quốc “ bành trướng ” cho nên không muốn để một nuớc Việt Nam giành được thắng lợi quy mô lớn. Vì vậy, muốn dựa vào thắng lợi quân sự để giành được toàn Việt Nam, xét từ mặt nào cũng đều không có khả năng. Nhưng tồn tại khả năng hoà bình thì giành được toàn Việt Nam. Thế nhưng giành được vào lúc nào phải có bước đi. Đường số 9 hiện nay dường như không có vấn đề, chúng ta có thể bảo trì. Cảng Đà Nẵng có thể suy tính để cho nước Pháp một, hai năm, cũng có thể coi là một biện pháp. Vĩ tuyến 16 trở ra bắc là nơi Việt Nam hưng quốc, có 13 triệu dân, có thể xây dựng, có cảnh biển lại có thể sửa chữa đường sắt, cán bộ cũng có thể ra nước ngoài huấn luyện quân sự, chí ít có thể tăng cường vũ trang đã có, tương lai lưu lại ở vùng du kích làm công tác.
Vấn đề Đông Dương cần tham chiếu tình hình Triều Tiên. Bầu cử ở Triều Tiên cần hai bên hiệp thương, chế định biện pháp bầu cử. Hiệp thương hai bên Triều Tiên làm không tốt, Việt Nam cũng sẽ không thành, nói chung cần một, hai năm phát triển tình hình.
Chu Ân Lai chỉ ra thêm, hoà bình có thể làm tăng thêm mâu thuẫn Pháp, Mỹ, thậm chí Mendès-France cũng đã nói, nếu như không thể hoà bình chỉ có quốc tế hoá, nếu như Mendès-France thất bại, Đảng Cộng hoà Nhân dân hoặc Đảng Xã hội lên cầm quyền đều không có lợi đối với vấn đề Đông Dương.
Còn về điều kiện ngừng bắn tại Việt Nam, Chu Ân Lai chỉ ra, sau khi lên cầm quyền, Mendès-France tranh lấy Hải Phòng. Trong điều kiện ngừng bắn làm tốt, cuối cùng có thể lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến. Vạn nhất còn chưa được có thể tính tới việc lấy đường Chín làm giới tuyến. Cảng Đà Nẵng, Thuận Hoá [Huế] có thể coi là đặc biệt lưu lại cho Pháp một, hai năm, như thế chúng ta có thể đòi các điều kiện khác.
Điều kiện ngừng bắn ở Đông Dương là : một, ngừng bắn đồng thời ; hai, vạch vùng ; ba, không đưa vào quân đội mới và vũ khí đạn dược. Như vậy có thể bịt chặt Mỹ. Trước khi ngừng bắn, quân đội Việt Nam còn cần bao nhiêu vũ khí, chúng tôi có thể vận chuyển trước, sau đó trong nửa năm không vận chuyển vào bất kỳ vũ khí nào. Đề nghị các đồng chí làm một kế hoạch để tiện vận chuyển vào. Có thể vận chuyển vào những thứ mà mười sư đoàn bộ binh cần thiết.
Về vấn đề bầu cử. Khi thuyết minh với cán bộ và nhân dân, không nên nói bầu cử rất dễ, vấn đề này phải trải qua đấu tranh lâu dài. Tất nhiên Đông Dương không thể chia ra mà cai trị lâu dài.
Hội nghị ngày hôm ấy chia ra làm ba đoạn sáng, chiều và tối. Giữa hè nóng bức, lúc này còn chưa có điều hoà không khí, ngồi ở trong phòng mồ hôi ra như tắm. Do quá nóng bức, Hồ Chí Minh quấn khăn ướt lên đầu để giảm nhiệt, Chu Ân Lai vẫn quần áo chỉnh tề.
Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh
(Bắc Kinh, 1955).
Để họp tốt Hội nghị Liễu Châu, Phòng Giao tế Quảng Tây đã cử tới những nhân viên đắc lực. Khương Chấn Kiệt, người phụ trách các phòng đại biểu Việt Nam vốn theo Dã chiến quân thứ tư từ Đông Bắc đánh xuống Quảng Tây, sau khi vào thành phố được cử làm công tác tiếp đón. Mấy năm qua, bà đã trở thành một cán bộ đón tiếp có kinh nghiệm. Hôm đó Hồ Chí Minh đi họp, Khương Chấn Kiệt tới phòng ngủ của Hồ Chí Minh kiểm tra vệ sinh, phát hiện thấy trên nền nhà có một mảnh vải. Suy nghĩ một lúc bà cũng không biết là dùng để làm gì, hay là Hồ Chí Minh đã dùng để buộc cái gì vậy ? Rồi bà thuận tay vứt vào một hộp giấy.
Ai ngờ sau cuộc họp, khi về đến phòng Hồ Chí Minh lập tức tìm người phục vụ hỏi : “ Cái thắt lưng của tôi đâu rồi ? ” Các nhân viên phục vụ đều nói không thấy, rồi báo cáo lên Khương Chấn Kiệt. Và điều này đã làm Khương Chấn Kiệt nghĩ ra, bà tới phòng Hồ Chí Minh, từ thùng giấy nhặt mảnh vải lên, hỏi Hồ Chí Minh : “ Có phải mảnh vải này không ạ ? ” Hồ Chí Minh gật đầu nói phải, đại khái là đặt vào lưng ghế tựa rồi bị rơi xuống đất, còn nói nó là cái ông cần dùng. Khương Chấn Kiệt nói một cách cảm khái : “ Hồ Chủ tịch, người thật gian khổ, giản dị vậy ! ”8
Vào hạ tuần tháng 6, bốn sư đoàn chủ lực quân đội Việt Nam hoàn thành chiến dịch Điện Biên Phủ đã về tới vùng tập kết ở tây bắc Hà Nội 80 km. Văn Tiến Dũng, tổng tham mưu trưởng quân đội [Nhân dân] Việt Nam chỉ huy một bộ phận nhỏ sư đoàn 320 thâm nhập vào nơi chỉ cách Hà Nội 15 km. Để cố giữ chặt đồng bằng sông Hồng, Mỹ cho máy bay vận tải chở tới một trung đoàn 2.100 quân từ Bắc Phi, đến lúc này đã lộ rõ đó chỉ là đem muối bỏ biển, chẳng được tích sự gì. Chiến trường Việt Nam tiếp tục xảy ra những thay đổi có lợi cho quân đội Việt Nam.
Ngày 24 tháng 6, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm thị xã An Khê trên đường quốc lộ 19 tại Trung bộ Việt Nam, một bộ phận Trung đoàn cơ động số 100 của Pháp rút từ An Khê về Pleiku, giữa đường bị Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kích. Trong trận đánh này binh lực hai bên Việt, Pháp hầu như bằng nhau, binh lực của Việt Nam không nhiều hơn bao nhiêu, hai bên hoàn toàn có thể đánh nhau. Nhưng quân Pháp không còn sĩ khí, thần hồn nát thần tính, hoảng hốt sợ hãi vừa đánh đã thua, hơn 1.000 quân hầu như bị tiêu diệt toàn bộ. Qua trận đánh này quân đội Việt Nam hoàn toàn chiếm quyền chủ động trên chiến trường miền Trung Việt Nam.
Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, tại miền Bắc Việt Nam quân Pháp rút bỏ năm huyện lỵ, hơn 60 cứ điểm, trong đó có thủ phủ hai tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. Ngày 3 tháng 7 quân Pháp lại rút khỏi một thủ phủ tỉnh. Khi quân đội Pháp rút lui, quân đội Việt Nam tiến hành tấn công, quân Pháp tổn thất trên một ngàn người.
Trước tình hình này, dù đang ở Liễu Châu, nhưng Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh đều rất quan tâm chú ý.
Phiên họp thứ tư của Hội nghị Liễu Châu họp vào sáng ngày 4 tháng 7, do Chương Văn Tấn ghi chép.
Chu Ân Lai nhấn mạnh nói về những vấn đề có liên quan tới việc Việt Nam vạch giới tuyến tạm thời để cai quản. Ông chỉ ra, căn cứ vào mức độ mà hai bên có khả năng tiếp nhận, nói chung cuối cùng đạt được hiệp nghị ở vĩ tuyến 16 mới là tốt. Một bộ phận người lãnh đạo ở nam vĩ tuyến 16 có thể rút lên phần bắc vĩ tuyến 16, nhưng những người lãnh đạo chủ yếu có liên hệ với quần chúng, nói chung phải ở lại, chuẩn bị bầu cử. Công tác công khai và bí mật đều cần người. Nếu có thể tiến hành bầu cử tất nhiên là tốt rồi, còn nếu bầu cử chậm, thậm chí không thể tiến hành vẫn có thể công tác trong quần chúng. Về việc rút khỏi phần nam vĩ tuyến 16, phải thuyết phục quần chúng. Dù có khó khăn cũng phải thuyết phục họ, làm như vậy là vì lợi ích chung.
Về vấn đề Lào và Campuchia, Chu Ân Lai cho rằng, phương châm cần phải khác với Việt Nam. Việt Nam dựa vào sự phấn đấu của mình mà đi lên, mà bản chất là chủ nghĩa dân chủ mới. Nhưng Lào và Campuchia không giống thế, trước mắt chỉ cần họ được tự do, dân chủ, độc lập là tuyệt lắm rồi. Điều quan trọng là làm cho họ không ngả về phía đế quốc, bảo trì được trung lập.
Nhìn lại phía sau, một lần nữa Chu Ân Lai chỉ ra, Hội nghị Genève tám tuần lễ qua, nói chung cho rằng là có thành tích, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cũng cho là như vậy, chủ yếu là do lực lượng ba nước, thêm nữa là tác dụng lãnh đạo của Đoàn đại biểu Liên Xô. Đoàn đại biểu Liên Xô có nhiều kinh nghiệm, không chỉ cần họ nắm về sách lược mà kỹ thuật, văn kiện, cũng phải dựa vào họ. Tất nhiên họ cũng có một số khuyết điểm, có lúc chuẩn bị chưa được tốt, có khi nói quá nhiều, có khi lại nói ít.
Từ sau ngày 20 tháng 6, Ngoại trưởng các nước rời Genève. Ba tuần lễ sau đó, công tác của chúng ta là, tuần lễ thứ nhất làm tốt không khí. Vì vậy tôi đã gặp Mendès-France, cũng gặp Đoàn đại biểu Lào, Campuchia. Tuần lễ thứ hai, cố ý kéo dài ra một chút, thế là nước Pháp đề xuất một phương án về vạch giới tuyến ở Việt Nam, thể là nắm được con bài của ông ta. Tuần lễ thứ ba, cũng tức là hiện nay, chuẩn bị giải quyết một số vấn đề. Như thế là trong tuần lễ thứ ba, cũng có thể có tuần lễ thứ tư cố sức có thể bàn xong vấn đề. Sau đó trong tháng 7 phải họp Hội nghị Ngoại trưởng thông qua vấn đề nguyên tắc và bàn vấn đề chính trị. Hy vọng là Hội nghị Genève không đứt đoạn, đợi đến cuối năm mới họp một lần nữa, như thế thì LHQ không có tác dụng. Đợi sau khi đình chiến mấy tháng họp lại, đem cụ thể hoá vấn đề chính trị, đồng thời do các nước bảo đảm, thẩm tra tình hình đình chiến, cũng có thể suy tính tới việc mở rộng nước bảo đảm. Nếu như thu hút được các nước như Ấn Độ vào thì có chỗ tốt, có thể buộc chặt Mỹ.
Chu Ân Lai nói rất tỉ mỉ, trình bày ý kiến Trung Quốc hy vọng vạch đường phân giới tạm thời tại vĩ tuyến 16 vô cùng rõ ràng. Lúc này quan điểm hai bên về việc có thể đạt thành hiệp nghị tại vĩ tuyến 16 trên thực tế đã được phía Việt Nam tiếp thu. Tiếp đó đã thảo luận một số vấn đề cụ thể.
Chu Ân Lai chỉ ra, về vấn đề ĐLĐ Việt Nam bỏ một số căn cứ địa tại miền Nam, rút quân đội đi không phải là sẽ nộp vũ khí quân không chính quy. Chúng ta có thể giải thích, phàm là đơn vị quân đội đều rút đi, nhưng không rút đi tất cả vũ khí. Vũ khí, thứ nào cất giấu đươc thì cất giấu, cán bộ quân đội ai lưu lại được thì lưu. Cất giấu vũ khí phải phân tán, không được tập trung nhằm tránh rơi vào tay quân địch.
Võ Nguyên Giáp nói, bước đầu chúng tôi dự tính rút khỏi miền Nam khoảng 60.000 người, trong đó 50.000 bộ đội, 10.000 là những người làm công tác chính trị, những người “đỏ” quá phải rút đi. Cũng có tính toán, lưu lại một ít trong số 60.000 người. Ví dụ từ 5.000 đến 10.000 người ở lại miền Nam, chờ thời cơ.
Trong đối thoại liên tục, Chu Ân Lai nói, tình hình trước mắt có ba khả năng, tức là cũng có ba thượng, hạ và trung sách.Thượng sách là hoà được, trung sách là đánh rồi hoà, hạ sách là đánh tiếp. Nếu như tình hình đòi hỏi phải đánh, phương hướng chủ công của các đồng chí là ở đâu ?
Võ Nguyên Giáp nói, nếu chiến tranh mở rộng, chủ trương đánh trước ở đồng bằng sông Hồng, một bộ phận ở Lào và Liên khu Năm có tác dụng kiềm chế.
Chiều ngày hôm đó họp hội nghị lần thứ năm, vẫn Chu Ân Lai là người nói chủ yếu, giới thiệu vấn đề kiểm soát quốc tế một khi ngừng bắn. Sau khi nói xong vấn đề đó, ông kiến nghị, văn kiện về tình hình trước mắt và phương châm chính sách liệu có thể dùng danh nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo luận tại hội nghị Bộ Chính trị ĐLĐ Việt Nam hay không ? Vì hiện nay thời cơ đã đến rồi, thảo luận trước tại Bộ Chính trị, rồi lại thảo luận tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương. Sau đó truyền đạt cho các địa phương, nhằm đạt được sự thống nhất tư tưởng chính trị trong cán bộ. Nếu không, qua bước ngoặt này không dễ. Ông chỉ ra, trong Hội nghị Genève, yêu cầu chính của chúng ta có khả năng là như thế này : tại Việt Nam lấy vĩ tuyến 16 vạch đường ranh giới. Tại Lào chúng ta yêu cầu tại Thượng, Trung, Hạ Lào mỗi nơi đều được một mảnh, cuối cùng là tranh thủ được Thượng Lào, còn có khả năng được thêm một mảnh ở Trung Lào. Tại Campuchia có thể yêu cầu vạch vùng tập kết, nhưng không thể có hy vọng tương đối lớn.
Hội nghị đã tới xế chiều, lúc này Hồ Chí Minh, người từ khi hội nghị họp đến nay phát biểu không nhiều, đã phát biểu. Ông nói, trên vấn đề lớn của Hội nghị Genève chúng ta phải giúp Mendès-France một chút, đừng để ông ta bị đổ. Mendès-France đối với hội nghị vẫn là tích cực, nếu đàm phán không thành, ông ta sẽ đổ, không có lợi đối với chúng ta. Phải có quan hệ tốt với Pháp, tranh thủ hoà bình. Mặc dù Hồ Chí Minh nói không nhiều nhưng phân lượng rất nặng, thuyết minh ông đã hạ quyết tâm, tranh thủ triển vọng hoà bình tại Hội nghị Genève.
Hội nghị Liễu Châu họp đến lúc này, lập trường và cách nhìn của hai bên đã điều hoà được.
Tối hôm đó không sắp xếp họp tiếp. Nhưng lãnh đạo hai bên cũng không nghỉ ngơi, Chu Ân Lai báo cáo tiến trình hội nghị với Trung ương, nói rõ, ngoài nói chuyện trong hội nghị ra, còn trao đổi ý kiến riêng với Hồ Chí Minh. Hội nghị Liễu Châu vốn dự định họp hai ngày, bây giờ thấy do liên quan đến phương án giải quyết cụ thể, ngày mai phải họp thêm một ngày nữa, nên phải lùi ngày về Bắc Kinh.
Nói một cách tương đối, các trợ thủ của Chu Ân Lai được thoải mái hơn một chút. Mấy hôm trước khi vừa tới Quảng Châu, đang lúc mùa vải chín, Mã Liệt ăn hơi nhiều, bị đau bụng. Sau khi đến Liễu Châu, Kiều Quán Hoa đã nói đùa với ông : “ Ăn tại Quảng Châu, chết tại Liễu Châu ”. Câu sau chỉ ở Liễu Châu có nhiều gỗ tốt có thể đóng quan tài. Tối hôm đó không có việc, hai người ra đường tìm kiếm. Kết quả chẳng thấy gì. Thì ra vật đổi sao rời, các khu rừng cổ của Liễu Châu đã bị người đời sau chặt hết, môi trường thiên nhiên rất đáng lo, nghề đóng quan tài đã mất từ lâu rồi.9
Đúng vào ngày hôm đó, 9 giờ sáng ngày 4 tháng 7, trên chiến trường miền Bắc Việt Nam, căn cứ vào [thoả thuận tại] Hội nghị Genève, đại biểu hai quân đội Việt, Pháp đã tiến hành hội đàm tại một địa điểm tên là Trung Giã, nằm trên đường quốc lộ số 3 cách thị xã Thái Nguyên 30 km về phía nam. Hai bên cử đoàn đại biểu mỗi bên đều gồm năm sĩ quan,, thiếu tướng Văn Tiến Dũng đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại tá [Marcel] Lennuyeux, đại biểu quân đội Pháp đều phát ngôn. Hai bên quyết định, trong khuôn khổ của hiệp nghị Genève thảo luận:
Trong khuôn khổ hiệp nghị Genève thảo luận vấn đề tù binh.
Vấn đề thực hiện ngừng bắn.
Vấn đề điều chỉnh vùng tập kết.
Vấn đề hai bên thành lập Uỷ ban Liên hiệp.
Giải quyết những vấn đề cụ thể do Hội nghị Genève nêu ra.
Ngày 5 tháng 7, hai bên đạt được vấn đề trao trả trước tù binh bị thương, bị ốm, quyết định loạt tù binh bị thương, bị ốm đầu tiên sẽ được trao trả vào ngày 14 tháng 7.
Thế nhưng đàm phán trên chiến trường Việt Nam chỉ có thể tiến hành trong khuôn khổ hiệp định Genève qui định. Lúc này cuộc hội đàm Văn Tiến Dũng - Lennuyeux vừa cử hành đã phải dừng lại chờ Hội nghị Genève phát triển hơn nữa. Vì thế, giới hạn đàm phán cuối cùng của mặt trận phương Đông phải dựa vào Hội nghị Liễu Châu để xác định.
Sáng ngày 5 tháng 7 cử hành phiên họp thứ sáu Hội nghị Liễu Châu, Mã Mục Minh ghi chép. Hôm ấy, Hồ Chí Minh đề xuất với Chu Ân Lai nhiều vấn đề, bao gồm trong hiệp nghị sắp tới liệu có trình bầy lý luận hay không, xử lý ngụy quân như thế nào v.v.. Võ Nguyên Giáp cũng biểu thị với Chu Ân Lai đồng ý phương án vĩ tuyến 16, nhưng ông lại nói, hiện nay Phạm Văn Đồng đang đề xuất phương án vĩ tuyến 13 hoặc vĩ tuyến 14. Võ Nguyên Giáp cho rằng có thể lùi từng bước, nhưng đến vĩ tuyến 16 là giới hạn cuối cùng. Vì vậy yêu cầu đề xuất đối ngoại hiện nay có thể từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 14.
Chu Ân Lai đồng ý với Võ Nguyên Giáp.
Hồ Chí Minh nói, nếu lấy vĩ tuyến 16 làm giới hạn thì cả Vịnh Bắc bộ thuộc về chúng ta.
Võ Nguyên Giáp còn đề xuất không ít ý kiến sửa chữa đối với những soạn thảo trong dự thảo hiệp nghị, cho thấy rõ ông suy xét vấn đề chặt chẽ tỉ mỉ. Nhiều chỗ, Chu Ân Lai biểu thị đồng ý, đồng thời yêu cầu Kiều Quán Hoa căn cứ vào ý kiến nhất trí của mọi người sửa chữa phương án.
Võ Nguyên Giáp còn đề xuất ý tưởng, khi rút quân khỏi miền Nam, các vùng từ cấp tỉnh trở lên, đơn vị từ cấp đại đội trở lên, đều rút ; nhưng từ cấp huyện trở xuống và đội du kích thôn không rút, đem cất giấu vũ khí, để lại phục vụ cho việc tranh giành miền Nam sau này.
Tại phiên họp thứ 7 buổi chiều hôm đó, Chu Ân Lai nhấn mạnh, nhất định cần phải giải thích nhiều lần cho cán bộ : “ trải qua bầu cử, đạt được thống nhất ”. Ở đây có hai hàm nghĩa, thứ nhất là nói, cán bộ có cố gắng công tác thì mới có thể giành được thắng lợi bầu cử. Thứ hai là nói, phải tạo thành cục diện bầu cử, tạo thành xu thế không bầu cử không được. Đặc điểm của Việt Nam là, bất kể là Anh, Pháp, Bảo Đại đều không dám phản đối thống nhất. Về phương diện này, điều kiện của Việt Nam tốt hơn so với Triều Tiên, Đức.
Võ Nguyên Giáp nói, phải thống nhất tư tưởng trong Đảng. Tháng 7 có thể họp hội nghị Trung ương. Khó khăn là đại biểu miền Nam không dễ dàng đến được, mà truyền đạt cho miền Nam rất khó khăn.
Chu Ân Lai nói, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay đúng là vô cùng phức tạp, có sự khác biệt giữa vùng cũ, vùng mới, có sự khác biệt giữa thành thị, nông thôn, có sự khác biệt trong Đảng ngoài đảng, có sự khác biệt giữa miền Nam, miền Bắc, có sự khác biệt giữa ba nước, lại còn sự khác biệt với các nước khác. Quan hệ của sáu loại khác biệt này vô cùng tế nhị. Khi đạt được hiệp nghị, nhất định phải đồng thời tuyên bố các nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc này là, nước Pháp công nhận nền độc lập, thống nhất của ba nước Đông Dương cũng như nước Pháp rút quân, tiến hành bầu cử v.v..
Vi Quốc Thanh phát biểu tiếp, biểu thị ủng hộ những ý kiến của Chu Ân Lai. Trung tâm tư tưởng của những phát biểu của Vi Quốc Thanh là nắm chắc thời cơ có lợi, chấm dứt chiến tranh vào lúc có thể chấm dứt được. “ Nếu tiếp tục đánh, có thể đuổi được kẻ địch yếu [Pháp] nhưng lại đưa vào kẻ địch mạnh [Mỹ]. Đó là tình hình, đòi hỏi chúng ta phải tránh né nhất.” Lúc này Chu Ân Lai nói xen vào : “ Đó không phải là giả thiết mà là sự thực. ”
Vi Quốc Thanh còn đề xuất, nếu khi đàm phán không đạt được dự án của hiệp nghị, nếu “hoà” không đến thì vào tháng 10 sẽ chuẩn bị đánh đồng bằng sông Hồng.
Vào lúc hội nghị gần kết thúc, Võ Nguyên Giáp phát biểu, nói “ trước đây được nghe Hồ Chủ tịch truyền đạt, [bây giờ] lại được [nghe] Chu Thủ tướng báo cáo, càng hiểu thêm tình hình mới và nhiệm vụ mới. Vấn đề trung tâm trước mắt là tranh thủ thống nhất tư tưởng trong Đảng. Mặc dù có khó khăn, nhưng lòng tin được nâng cao. Nếu Trung ương truyền đạt chính sách này xuống dưới, lòng tin của bên dưới càng nâng cao. Ở Lào và Campuchia cũng sẽ như thế. Đợi đến lúc đàm phán có kết quả, cán bộ miền Bắc nhìn thấy thắng lợi, tâm tình sẽ thoải mái nhẹ nhõm. Còn cán bộ miền Nam có thể xuất hiện tâm tình bi quan. Campuchia và Lào cũng có thể có tình hình giống như thế. Tất nhiên, vấn đề này cần phải giải quyết.”
Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến có tính tổng kết. Ông nói : đồng chí Chu Ân Lai không chỉ phấn đấu tại Hội nghị Genève hơn nữa còn đến Liễu Châu báo cáo, nói rất thấu triệt. Chúng tôi rất cám ơn ! Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, 30 năm nay đều được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng chí Chu Ân Lai giúp đỡ. Trong lần hội nghị này, các đồng chí bổ sung rất tốt, tôi đồng ý, còn phải cám ơn các loại giúp đỡ của các đồng chí Quảng Tây. Hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã tư đường, có khả năng hoà cũng có khả năng chiến. Phương hướng chủ yếu là tranh thủ hoà chuẩn bị chiến. Tính phức tạp của công việc đòi hỏi phải có hai loại chuẩn bị. Đối với người bình thường, thậm chí là cán bộ, vấn đề này rất phức tạp. Bởi vì khẩu hiệu trước đây là “ kháng chiến đến cùng ” bây giờ lại muốn hoà, “ rốt cuộc thì cái nào đúng đây ? ” Người ta có thể hỏi như vậy. Tôi đồng ý với cách nhìn của mọi người, vấn đề hàng đầu là đánh thông tư tưởng, tuy khó khăn nhiều, nhưng trước tiên phải dựa vào sự cố gắng của các đồng chí Việt Nam, ngoài ra còn phải dựa vào sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc.
Công tác của Trung ương ĐLĐ Việt Nam là phải đả thông tư tưởng của cán bộ cao cấp, còn phải đả thông tư tưởng các đồng chí Campuchia, Lào, thời gian rất khẩn trương. Vấn đề là cán bộ không nhiều mà công việc lại rất nhiều. Nếu chuẩn bị tiếp thu Hà Nội, Hải Phòng thì phải chuẩn bị một loạt cán bộ, hiện nay lo lắng nhất vẫn là cán bộ không đủ, nói những cái đó vì còn cần các đồng chí cố vấn giúp đỡ.
Hồ Chí Minh nói, tôi thay mặt hội nghị lần này hỏi thăm Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đến đây Hội nghị Liễu Châu đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Cuối cùng Chu Ân Lai phát biểu, nói : cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm Mao Chủ tịch. Kết luận vừa rồi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài phần khen ngợi ra, tôi hoàn toàn tiếp nhận. Mỗi chúng ta đều có khuyết điểm sai lầm, chủ yếu là dựa vào lực lượng tập thể.
Tối ngày 5 tháng 7, cử hành phiên họp thứ tám. Thời gian tương đối eo hẹp, chủ yếu thảo luận là một khi thực hiện ngừng bắn, những tình hình mới mà quân đội Việt Nam tiếp quản thành thị sẽ phải đối mặt. Hội nghị thảo luận và sửa chữa bốn điều trong “ Bố cáo yên dân khi vào thành phố ” do La Quí Ba khởi thảo, cũng thảo luận và sửa chữa “ Chính sách vùng tiếp quản” cũng do La Quí Ba khởi thảo. Cuối cùng Chu Ân Lai tuyên bố hội nghị kết thúc.
Trong Hội nghị Liễu Châu, Chu Ân Lai trình bầy thấu triệt, kiên nhẫn giải thích vấn đề đã để lại ấn tượng sâu sắc trong những người tham dự hội nghị. Tình hữu nghị giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh cũng thường xuyên thể hiện ra. Trong tiến trình hội nghị, Chu Ân Lai phát hiện đồng hồ đeo tay của Hồ Chí Minh hỏng, ông bảo La Quí Ba tìm ngay cho Hồ Chủ tịch một chiếc đồng hồ khác. La Quí Ba làm theo, đã mang tới cho Chu Ân Lai một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ rất tốt, Chu Ân Lai đã tặng chiếc đồng hồ đó cho Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không từ chối, nói “cám ơn” rồi đeo vào tay. Theo ấn tượng của La Quí Ba, Hồ Chí Minh đã đeo chiếc đồng hồ đó trong một thời gian rất dài.10
Mã Liệt, sau này là đại sứ Trung Quốc tại Hungari chỉ ra, then chốt của Hội nghị Liễu Châu lần đó là “ vạch giới tuyến ”, vấn đề trung tâm là phải để nước Pháp rời khỏi Đông Dương, đồng thời không để Mỹ can thiệp vào. Đó là suy nghĩ rõ ràng của Chu Ân Lai khi đến Hội nghị Liễu Châu, kết quả đã thực hiện hoàn toàn dự kiến của ông.11
Chiều ngày 6 tháng 7, Chu Ân Lai trở về Bắc Kinh. Ngày 8 tháng 8, Nhân dân Nhật báo đăng “ Tuyên bố về cuộc hội đàm Trung Việt ” tại vị trí trang trọng đầu trang nhất, toàn văn như sau :
“ Thủ tướng nước CHND Trung Hoa Chu Ân Lai và Chủ tịch nước Việt Nam DCCH Hồ Chí Minh đã cử hành hội đàm tại biên giới Trung Việt từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1954. Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương và các vấn đề có liên quan khác. Tham gia hội nghị còn có Hoàng Văn Hoan, đại sứ nước Việt Nam DCCH tại Trung Quốc và Kiều Quán Hoa, cố vấn Đoàn đại biểu nước CHND Trung Hoa tại Hội nghị Genève. ”
https://www.diendan.org/
Không có nhận xét nào