Header Ads

  • Breaking News

    Gặp gỡ phái đoàn ngoại giao nước ngoài xong sẽ dễ bị công an mời làm việc?

    Có ý kiến là không có bất kỳ luật pháp nào hạn chế công dân trong việc “gặp gỡ, tiếp xúc với tổ chức cá nhân là người nước ngoài”.
    Gặp gỡ phái đoàn ngoại giao nước ngoài xong sẽ dễ bị công an mời làm việc?
    Ông Võ Ngọc Lục, hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam, trên tài khoản facebook cá nhân(1), có kể câu chuyện rằng ở Việt Nam, khi gặp gỡ phái đoàn ngoại giao nước ngoài xong, xem ra sẽ dễ bị công an gửi giấy mời lên đồn:

    “Hôm 17/7, mục sư Nguyễn Ngọc Khánh, Quản nhiệm Chi Hội Tin Lành Tân Hoà, thành phố Buôn Ma Thuột được Công An thành phố Buôn Ma Thuột gửi giấy mời làm việc vào ngày 20/7 “vì liên quan đến hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc tổ chức, cá nhân người nước ngoài”.

    Mục sư Khánh là một trong hai người thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, được Đại sứ quán Hoa Kỳ mời gặp gỡ để trao đổi,tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Daklak.

    Hôm 16/7, Công an tỉnh Daklak và huyện Cư M’Gar cũng mời ông Y Kuan Ê Ban (Ama Sim) làm việc vì liên quan đến cuộc gặp trên.

    Khi đọc giấy mời tôi thật sự không tin nổi vào mắt mình. Đại sứ quán Hoa Kỳ là cơ quan ngoại giao cao nhất đại diện cho một nước văn minh nhất thế giới tại Việt Nam, được hoạt động công khai và hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam từ con người, kinh tế, thương mại, viện trợ nhân đạo…; chứ đâu phải họ xấu?” (hết trích dẫn).

    Căn cứ về những quy định liên quan xoay quanh vấn đề trên, đúng là việc gửi giấy mời như vậy cho thấy không nằm trong một quy định cụ thể nào.

    Theo Nghị định của chính phủ số 73-CP ngày 30-7-1994 “quy định chi tiết thi hành pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam” (2), tại điều 14 cho biết:

    “Điều 14.-

    1- Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của người đứng đầu cơ quan Đại diện ngoại giao (hoặc người đứng đầu cơ quan Lãnh sự nếu nước cử chưa có cơ quan Đại diện ngoại giao) và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế, các cơ quan này có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao Việt Nam trước 72 giờ khi người đứng đầu cơ quan có nguyện vọng tiếp xúc với lãnh đạo địa phương.

    2- Trong trường hợp cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế hoặc cơ quan Lãnh sự nước ngoài tổ chức những hoạt động mang tính chất chính thức như chiêu đãi, chiếu phim, họp báo, lễ hội truyền thống, hội thảo, gặp gỡ v.v… có mời khách là công dân Việt Nam hoặc cần sự giúp đỡ của phía Việt Nam thì các cơ quan đó có trách nhiệm thông báo cho Bộ Ngoại giao hoặc Sở Ngoại vụ hữu quan chậm nhất trước 72 giờ”.

    Như vậy, trong cụ thể trường hợp về cuộc gặp gỡ “để trao đổi,tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Daklak”, tin rằng phía đại diện ngoại giao nước ngoại đã có thông báo với cơ quan hữu trách Việt Nam.

    Vấn đề chính của các yêu cầu giấy mời theo thông tin từ ông Võ Ngọc Lục, có lẽ công an địa phương muốn tìm hiểu nội dung các trao đổi này giữa một số chức sắc tôn giáo với đại diện phái đoàn ngoại giao. Trong trường hợp những buổi làm việc “vì liên quan đến hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc tổ chức, cá nhân người nước ngoài”, giữa nhân viên công an với các vị đại diện tổ chức tôn giáo, xảy ra những lời hăm he, đe dọa hình sự thì cần thiết ngay sau đó các vị đại diện tổ chức tôn giáo này lên tiếng yêu cầu can thiệp.

    ***

    “Tối 15-7 theo thường lệ bà con Điểm nhóm Tin Lành buôn Croa B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’ Gar đang nhóm cầu nguyện thì chính quyền xã Cuôr Đăng và huyện Cư M’Gar vào khoảng 7 người. Sau đó họ yêu cầu được làm việc với ông Y Kuan Ê Ban, tên thường gọi là Ama Sim. Bà con rất lo cho chủ nhà nên không chịu ra về, họ chờ không được thì vào lập biên bản. Và trong biên bản có ghi rõ “Yêu cầu bà con giải tán và mời ông Y Kuan Ê Ban đúng 7 giờ sáng 16/7 lên UBND xã để làm việc”.

    Họ chỉ ghi “yêu cầu” trong biên bản và nói miệng không có giấy mời.

    Khi Ama Sim từ chối nói đang học lớp bổ túc Thần học tại Trung tâm Mục Vụ của Ban Đại diện Tin Lành tỉnh, họ nói bắt buộc phải đi, khoảng 30 phút rồi về.

    Ông Y Kuan Ê Ban là Trưởng Điểm Nhóm Tin Lành Croa B, hiện nay ông đang bổ túc Thần học để được công nhận Truyền Đạo cho Điểm nhóm

    Sáng 16/7 tôi có mặt tại UBND xã Cuôr Đăng để tìm hiểu sự việc, và theo quan sát của tôi thì bây giờ đã hơn giờ 9 giờ 30 phút Ama Sim và cán bộ công an vẫn còn đang làm việc trong phòng đóng cửa, bên ngoài sân có xe ô tô công vụ của công an biển số xanh. Và một số bà con điểm nhóm cũng đang ngồi bên ngoài sân vì lo cho Ama Sim.

    Qua tìm hiểu sơ bộ được biết bên trong họ đang làm việc với ông Ama Sim về việc đi gặp phái đoàn Đại sứ quán Hoa Kỳ theo lời mời của họ, trong chuyến thăm và làm việc tại Daklak và các tỉnh Tây Nguyên vừa rồi để tìm hiểu khách quan về tình hình tự do tôn giáo và nhân quyền tại Tây Nguyên”. (3)

    Võ Ngọc Lục

    Không có nhận xét nào