Header Ads

  • Breaking News

    Alexander Neill - Mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?

    Hình chụp Bãi đá Chữ thập từ trên cao
    Mặc dù năm nay có rất nhiều vấn đề đòi hỏi sự chú ý của Trung Quốc - virus corona, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, luật an ninh quốc gia Hong Kong, và nhiều mối lo kinh tế khác - Biển Đông lại trỗi dậy như một lĩnh vực gây căng thẳng nghiêm trọng trong vài tháng qua.

    Với việc Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo lần đầu tiên nói các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, ông Alexander Neill, một nhà phân tích quân sự phân tích kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

    Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường biển quan trọng, đã là một điểm nóng tranh chấp trong nhiều năm, với một số quốc gia tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo và bãi đá, cũng như quyền tiếp cận các tài nguyên ngoài khơi trên vùng biển này.

    Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng quả quyết hơn khi khẳng định lại những lời tuyên bố chủ quyền từ nhiều thế kỷ tại khu vực có tranh chấp này, và nhanh chóng xây dựng sự hiện diện quân sự để hỗ trợ cho các tuyên bố của mình.

    Cựu Tư lệnh vùng Thái Bình Dương Hoa Kỳ, Đô đốc Harry Harris đã từng nói đến vùng này như "Vạn lý Trường thành Cát" - đường chín đoạn vạch ra một vành đai bảo vệ và hệ thống cung ứng xung quanh lãnh hải Trung Quốc, tương tự như bức tường thành trên cạn.

    Nhưng trong khi Trung Quốc và Mỹ có lời qua tiếng lại ngày một gay gắt về Biển Đông, nhìn chung, hai bên đã kiềm chế những khác biệt.

    Mặc dù có xung đột thương mại, Hoa Kỳ từng tránh đứng về một phía trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước khác - trừ việc yêu cầu tự do hàng hải cho tàu bè của mình.

    Nhưng rồi, đại dịch Covid-19 xảy ra.

    Những ý kiến chỉ trích cách Trung Quốc xử lý đại dịch trong thời gian đầu, mà Mỹ dẫn đầu, đã làm Trung Quốc tức giận.

    Nhiều lãnh đạo phương Tây dường như bị thuyết phục bởi lý lẽ của ông Pompeo rằng Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch để tăng cường các hành động đe dọa nói chung.

    Và những căng thẳng ngày một tăng này đã bùng lên ở Biển Đông.

    Căng thẳng quân sự trong thời điểm đáng lo ngại

    Hồi đầu tháng Tư, một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu đánh cả gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền.

    Hoạt động khai thác dầu khí của công ty Malaysia Ten cũng bị một chiếc tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc, tàu Hải Dương 8, với sự hỗ trợ của lực lượng hải cảnh và hải quân Trung Quốc, làm gián đoạn.

    Sau đó, tàu USS America, một tàu chiến đổ bộ, cùng một tàu khu trục nhỏ của Úc, được điều đến vùng biển lân cận.

    Căng thẳng leo thang tiếp tục với việc Mỹ điều hai tàu tuần dương, USS Bunker Hill và USS Barry tới quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).

    Các tàu chiến này tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) nhằm thách thức, theo quan điểm của Mỹ, những tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc ở các vùng biển quốc tế.
    A 2019 protest in Manila, Philippines against Chinese "aggression" in the South China Sea

    Gần đây nhất, Trung Quốc đóng cửa một khu vực hải phận để tiến hành tập trận hải quân trên vùng biển quanh Hoàng Sa. Hoa Kỳ tức giận tuyên bố điều này vi phạm cam kết của Trung Quốc tránh các hoạt động làm tăng tranh chấp.

    Trong khi đó, Hải quân Hoa Kỳ triển khai không phải một mà là hai hàng không mẫu hạm - USS Nimitz và USS Ronald Reagan - cho các hoạt động chung ở khu vực.

    Ngoài việc các phi cơ chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ từ hàng không mẫu hạm, và chiếc máy bay tuần tra chống ngầm P8-Poseidon bay lượn trên không, Không quân Mỹ còn điều thêm một chiếc B-52 để tăng thêm sức mạnh.

    Truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng bằng các bài đả kích như dự đoán.

    Hoạt động tăng cường của Hải quân Hoa Kỳ tại Biển Đông làm tăng nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc và sự leo thang thù địch nhanh chóng.

    Tình hình đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quả quyết về "những lo ngại cốt lõi" của họ.

    Việc Trung Quốc dùng bạo lực trong tranh chấp gần đây với Ấn Độ, và áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hong Kong gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc sẽ kiềm chế tới mức nào trong phản ứng trước những thách thức này.


    Mục tiêu của Trung Quốc ở Biển Đông là gì?

    Bắc Kinh coi Biển Đông là một phần quan trọng trong lãnh hải của họ, không những chỉ đóng vai trò một pháo đài cho hoạt động cản trở hạt nhân trên biển đóng trên đảo Hải Nam mà còn là cửa ngõ cho Con đường Tơ lụa Hàng hải, một phần trong kế hoạch Vành đai Con đường của Trung Quốc.

    Kế hoạch đưa dân ra sống ngoài Biển Đông của Trung Quốc được mở từ năm 2012, khi "Thành phố Tam Sa", trung tâm hành chc thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, được nâng cấp từ 'huyện cấp thị' [cấp quận] lên 'địa cấp thị' [thành phố cấp địa khu].

    Chính phủ Trung Quốc tái định cư cộng đồng ngư dân nhỏ ở đó thành các khu dân cư hiện đại, xây dựng trường tiểu học, ngân hàng, bệnh viện và lắp hệ thống liên lạc viễn thông. Khách du lịch thường xuyên tới thăm đảo này trên những chuyến du thuyền.

    Giai đoạn hai của kế hoạch này bắt đầu từ tháng Tư năm ngoái, khi Trung Quốc thiết lập thêm hai khu vực hành chính cấp quận trực thuộc "thành phố Tam Sa", trong đó có việc lập chính quyền Nhân dân Quận Nam Sa, có trụ sở tại Bãi đá Chữ thập và điều hành tất cả các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa.

    Trong sáu năm kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đắp các bãi đá ở Trường Sa, các hình ảnh quan sát từ trên không và vệ tinh cho thấy một trong những nỗ lực xây dựng quân sự và thiết kế hàng hải lớn nhất trên thế giới.

    Ngoài việc xây các cơ sở quân sự trên các đảo - gồm đường bay dài 3000 mét, các bến hải quân, nơi đỗ máy bay, các hầm chứa vũ khí kiên cố, bệ phóng tên lửa và radar - các hình ảnh còn cho thấy các khu dân cư ngay ngắn với các tòa nhà hành chính mái ngói xanh lam, các bệnh viện và thậm chí cả trung tâm thể thao trên các hòn đảo bồi đắp ngày một trở nên xanh tươi hơn.

    Bãi đá Subi nay là nơi có một trang trại - gồm khu trồng rau và hoa quả rộng sáu mẫu, được thụ phấn bởi đàn ong đưa từ lục địa, một đàn lợn, nhiều đàn gà và ao nuôi cá.

    Trong khi đó, Viện khoa học Trung Quốc mở Trung tâm Nghiên cứu Đại dương ở Bãi đá Vành khăn vào tháng 1/2019.

    Các nhà thủy văn học tuyên bố mực nước ngầm ở Bãi đá Vành Khăn - trước đây chẳng là gì ngoài một tảng đá trên biển - đã được mở rộng nhanh chóng và sẽ có khả năng tự túc về nước ngọt trong vòng 15 năm.

    Người dân sống trên đảo này đã có sóng 5G và hoa quả tươi được chở tới từ các container đông lạn

    Các hình ảnh cũng cho thấy các các đội tàu đánh cá lớn đậu ở các phá lớn hơn trên Bãi Subi và Bãi Vành khăn.

    Có lẽ chẳng bao lâu, các hộ ngư dân sẽ định cư trên các hòn đảo này, con cái của họ sẽ đi học cùng con cái các quan chức chính quyền và cán bộ đảng.

    Đường biển của Trung Quốc 'không thể đảo ngược'?

    Bằng chứng mang tính biểu tượng nhất trong việc xâm lấn của Trung Quốc ở Biển Đông thực sự được khắc bằng đá - phiến đá được chuyển ra từ đại lục.

    Tháng 4/2018, các phiến đá kỷ niệm nặng 200 tấn mỗi phiễn, được dựng ở ba đảo lớn nhất trên Quần đảo Trường Sa, được phát hiện vén màn bí mật.

    Được khắc từ đá Thái Sơn và chuyển tới Quần đảo Trường Sa, các tượng đài này phản ánh Giấc mơ Trung Hoa tái tạo đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình.

    Núi Thái Sơn được coi là một trong những ngọn núi thiêng liêng nhất của Trung Quốc, biểu tưởng của nền văn minh Trung Hoa hàng ngàn năm không gián đoạn.

    Tất cả cho thấy Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn hai của một kế hoạch được toan tính nhằm biến đường biển chiến lược này của Đông Nam Á thành một đường biển của Trung Quốc không thể đảo ngược.

    Các cuộc tập trận gần đây của Hoa Kỳ ở Biển Đông nhằm thể hiện quyết tâm bảo vệ "tự do của các vùng biển": cho hải quân Hoa Kỳ hoạt động ở đây và mục đích cuối cùng là bảo vệ hải phận trên các vùng biển quốc tế này.

    Bên cạnh hoạt động của Hải quân Mỹ, tuyên bố chính thức của ông Pompeo rằng tuyên bố chủ quyền trên vùng này của Trung Quốc là "hoàn toàn bất hợp pháp" cũng đặt câu hỏi liệu Mỹ sẽ chuẩn bị làm gì tiếp.

    Ở mức tối thiểu, ông Pompeo muốn xây dựng liên minh ngoại giao để cho thấy sự tự cô lập của Trung Quốc, không những chỉ với các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn với các cường quốc khác.

    Hoa Kỳ có thể nhanh chóng biến quận Nam Sa của Trung Quốc thành bê tông và đá san hô - nhưng điều này có nghĩa phải có cuộc chiến, điều mà cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều không muốn xảy ra.

    Alexander Neill

    * Alexander Neill là một nhà phân tích quân sự và giám đốc một tổ chức tư vấn chiến lược ở Singapore. 

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào