Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc có thể thay Mỹ dẫn dắt thế giới?

    Mỹ đã và đang "thoái vị" khỏi vai trò dẫn dắt thế giới, nhưng Trung Quốc còn lâu mới giành được vị trí này, theo các nhà phân tích.
    Trung Quốc có thể thay Mỹ dẫn dắt thế giới?
    Việc Trung Quốc thoát ly nhanh khỏi đại dịch Covid-19, trong khi Mỹ và châu Âu vẫn còn phải giải quyết khủng hoảng, tạo ra ưu thế đáng kể cho cường quốc châu Á trong việc thúc đẩy ảnh hưởng trên bình diện quốc tế.

    Giờ đây, với việc Tổng thống Donald Trump dồn mối quan tâm chủ yếu tới kỳ bầu cử tháng 11, cũng như phải chật vật đối phó với làn sóng bất ổn sau cái chết của George Floyd, nước Mỹ càng khó khăn hơn trong việc duy trì vai trò dẫn dắt thế giới.

    Liệu Trung Quốc có tranh thủ cơ hội hiện tại để đoạt lấy vị trí dẫn dắt thế giới vốn lâu nay được coi là của Mỹ?

    Ngoại giao y tế

    "Dù xử lý khủng hoảng (dịch Covid-19) rất kém trong giai đoạn đầu, đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở lại làm chủ tình hình. Giờ đây, nước này đang lấy bài học thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh để quảng bá hình ảnh trong và ngoài nước", báo cáo "Thế giới hậu Covid-19" (The World After Covid-19) của Rasmussen Global đánh giá.

    Rasmussen Global là tổ chức nghiên cứu do cựu Thủ tướng Đan Mạch đồng thời là cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen sáng lập.

    Theo báo cáo, sau khi tạm thời giải quyết được khủng hoảng dịch bệnh trong nước, Bắc Kinh đã tiến hành "ngoại giao y tế" bằng cách cung cấp trang thiết bị và sự trợ giúp y tế tới nhiều nước.

    Đối tượng hỗ trợ của Trung Quốc rất đa dạng, từ các nước giàu có và dân chủ lâu đời như Ý, Tây Ban Nha tới các nước lân cận như Philippines, Malaysia.

    Đây là đường lối mà chính quyền Trung Quốc gọi là "Kiện khang ty thao chi lộ" (Con đường tơ lụa sức khỏe), ngầm liên hệ với chiến lược Vành đai - Con đường mà nước này đang ra sức xây dựng để khuếch trương vai trò của mình.

    Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhận định Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực như viễn thông, giao thông, công nghệ tại nhiều nơi trên thế giới.

    Trong mục Ý kiến trên báo The New York Times, nhà phân tích Joshua Kurlantzick từ Council on Foreign Relations, một tổ chức tư vấn của Mỹ, viết: "Bắc Kinh coi cuộc khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để giành lấy vị thế lãnh đạo toàn cầu đúng lúc Hoa Kỳ thoái vị, một ý niệm khiến các nhà quan sát lo ngại".

    Đánh giá này được đưa ra giữa lúc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump, đang "thoái vị" khỏi một số trách nhiệm quốc tế. Mới nhất là tuyên bố "rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới" của ông Trump vào hôm 29/5.

    Không khẳng định, nhưng báo cáo Rasmussen Global nghi ngờ liệu Covid-19 sẽ càng đẩy nhanh sự suy giảm trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ và xói mòn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho hợp tác đa phương. Hoặc liệu cuộc khủng hoảng sẽ tạo ra một chiến thắng Dân chủ vào tháng 11 để thúc đẩy trở lại vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới.

    Giữa lúc khủng hoảng dịch bệnh chưa tan, nước Mỹ lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng sâu rộng khác.


    Sau khi người đàn ông da đen George Floyd "bị giết" trong khi đang bị cảnh sát bắt giữ, biểu tình và bạo động đã nổ ra tại hàng chục thành phố. Cách mà ông Trump dùng cảnh sát và Vệ binh Quốc gia, cũng như tuyên bố sẽ điều động quân đội, để đối phó với các cuộc bạo loạn cũng hứng chịu nhiều chỉ trích.

    Chật vật đối phó với các vấn đề quốc nội, Tổng thống Trump càng ít rảnh rang hơn để có thể quan tâm tới các vấn đề quốc tế. Trong bối cảnh đó, ý niệm về việc Trung Quốc chớp lấy thời cơ càng hiển lộ rõ hơn.

    Không thể là Trung Quốc

    Nhiều nhà nghiên cứu, phân tích quốc tế cơ bản đồng ý với nhau hai điểm: Thứ nhất là Trung Quốc đang mạnh lên nhanh chóng và đang có chủ ý giành lấy vai trò dẫn dắt thế giới; Thứ hai là Mỹ cần phải củng cố lại vai trò và trách nhiệm của mình đối với thế giới nếu muốn duy trì vị thế của mình. Tuy nhiên, dù đang mạnh lên nhanh chóng, vai trò dẫn dắt thế giới của Trung Quốc vẫn còn bị nghi ngờ.

    Không chỉ cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc có nhiều điểm mờ ám, cách mà họ đối xử với các quốc gia khác trong nhiều vấn đề, chẳng hạn tranh chấp tại Biển Đông, cũng khiến nước này không thể hiện được tư cách lãnh đạo.

    "Tôi không tin rằng Hoa Kỳ đang suy giảm vai trò của mình, nhưng các quốc gia khác, như Trung Quốc, đang phát triển nền kinh tế và tăng cường năng lực và khả năng quân sự. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh và với Lực lượng vũ trang của mình, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc quân sự toàn cầu", ông Raul Pedrozo, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ và là chuyên gia luật quốc tế, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

    "Các cường quốc như Trung Quốc sẽ không bao giờ được coi là lãnh đạo thế giới trừ khi họ tôn trọng quyền của các quốc gia khác, hành xử có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế", ông Pedrozo lưu ý

    Cách mà Trung Quốc gia tăng áp lực theo hướng hạn chế quyền tự do của người dân và thu hẹp quyền tự quyết của đặc khu hành chính Hong Kong cũng khiến nước này trở thành một "hình mẫu xấu".

    Chính cách hành xử của Trung Quốc tác động vào nhận thức chung của cộng đồng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo một kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2019, người dân khu vực này vẫn thích Mỹ hơn Trung Quốc.

    Với những hỗ trợ hoặc giao thương hàng hóa của Trung Quốc liên quan đến đại dịch Covid-19, phản ứng của các nước cũng khác nhau.

    Sau khi Slovakia chi 16 triệu đôla Mỹ để mua bộ xét nghiệm của Trung Quốc, Thủ tướng Igor Matovic nói rằng: "Chúng tôi có một tấn và chưa dùng tới." Ít nhất một quan chức Phần Lan phải từ chức liên quan đến việc mua khẩu trang "không sử dụng được" của Trung Quốc.

    Dù Trung Quốc không được đánh giá cao trong triển vọng giành lấy vai trò lãnh đạo thế giới, vị thế của Mỹ cũng đang bị thách thức. Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận của mình để khôi phục lại vị trí mà họ đang đánh mất.

    Các cường quốc như Trung Quốc sẽ không bao giờ được coi là lãnh đạo thế giới trừ khi họ tôn trọng quyền của các quốc gia khác, hành xử có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế

    "Nếu Hoa Kỳ muốn cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, thì vai trò lãnh đạo Hoa Kỳ nên được thể hiện vào việc xây dựng một cái gì đó tích cực từ cuộc khủng hoảng thay vì cố gắng sử dụng cuộc khủng hoảng đó để cô lập và xa lánh Bắc Kinh", giáo sư Michael Green và Evan Medeiros nhận định trong bài viết chung trên tạp chí Foreign Affairs.

    Ông Alexander Vershbow, từng làm đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Nga và NATO, mới đây đã đánh giá:

    "Ngay cả khi đảng Dân chủ trở lại Nhà Trắng, sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và khôi phục lại niềm tin và sự tin tưởng từ phía các đồng minh truyền thống, điều vốn đã mất đi do dịch Covid-19 cũng như hành động rút khỏi WHO.''

    "Tôi nghĩ rằng thái độ được phản ánh trong chủ trương rút khỏi vị trí lãnh đạo có nguồn gốc sâu xa trong nền chính trị Mỹ và sẽ không dễ dàng - ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền - trở lại như trước kia".

    https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào