Header Ads

  • Breaking News

    Trần Đình Ba - Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng

    Ngày 9/2/1930, giữa lúc xuân mới đang còn hiện diện nơi lộc biếc, thì nơi đất Yên Bái, “sấm động giữa trời quang”, thực dân Pháp hoảng hốt giật mình. Vì cơ sự gì ư? Khởi nghĩa Yên Bái đấy, một cuộc nổi dậy đã đi vào lịch sử dân Việt. Dẫu máu đổ, đầu rơi, nhưng những anh hùng nghĩa sĩ xả thân vì nước của Việt Nam quốc dân đảng, thì tất thảy xứng danh anh hùng cả, dù án tử chia lìa linh hồn và thể xác.


    Trần Đình Ba - Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng


    Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng.

    Khởi nghĩa thất bại, 13 án tử được tuyên. Cầm đầu trong cuộc nổi dậy ngày 9/2 đất Yên Báy, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh Bắc Kỳ dạo ấy, là một tay anh hùng mà chí lớn đã ấp ủ từ thuở mới lớn. Đó là Nguyễn Thái Học (1902-1930).

    Chân dung người đứng đầu

    Nơi quê quán Nguyễn Thái Học, là làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Bởi vậy, “Việt sử mông học” có chép:

    “Có ông Nguyễn Thái Học,

    Quê ở phủ Vĩnh Tường.

    Tổ chức Quốc dân đảng,

    Đánh Pháp chí kiên cường”.

    Bạn đồng chí cùng tổ chức với Nguyễn Thái Học là Nhượng Tống, đã viết riêng một cuốn sách về ông và Việt Nam quốc dân đảng mang tên “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”. Qua đó, ta biết được, Nguyễn Thái Học sinh ra trong gia đình tiểu nông, có 4 người con trai, và Học là con trưởng.

    Miêu tả về người đồng chí của mình, Nhượng Tống cho biết “Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân. Trán hói; tóc thưa; đôi mắt thông minh, một nhìn đủ khiến ta đem lòng tin mến. Da ngăm đen, thuộc dòng huyết tính. Môi dày; hàm răng vổ; miệng lúc nào cũng tươi”…

    Ẩn chứa trong cái hình dung được miêu tả trên, là một chí lớn muốn “đội trời, đạp đất”. Như chính lời tâm sự của Học, thì ngay từ độ lên 10, nơi cậu thiếu niên đã lộ chí lớn rồi, mà từ sự việc cụ thể hẳn hoi liên quan đến Đội Cấn - anh hùng khởi nghĩa Thái Nguyên 1917. Ít ra lúc đó, Học phải 15, dạo Học còn ở quê, xong buổi học thì đi chăn trâu.

    Có lần chăn nơi đồng làng bên, “làng ấy là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa ra kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: “Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi”. Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy! Tư tưởng cách mệnh nảy ra trong óc tao từ đấy!”

    Hành động ghê gớm đầu tiên của chàng trai yêu nước Nguyễn Thái Học, quả là táo bạo như con người Học vậy. Khi anh đang học trường Cao đẳng năm 1926, thì trong “Việt Nam, bi thảm Đông Dương”, Louis Rouband rất ấn tượng với hành động “coi trời bằng vung” ấy: “ông thả trái bom đầu tiên bằng lá thư đòi chính quyền trung ương thực hiện dự án kinh tế, chương trình cải cách.

    Thư gửi đích danh toàn quyền Đông Dương. Bất mãn vì không được mời người tố cáo đến hỏi, chàng thanh niên Nguyễn Thái Học bèn thành lập Đảng Quốc Gia An Nam vào năm 1927”. Sau cái lần “nổi gió” không thành này, tháng 6/19267, Nguyễn Thái Học ra tạp chí “Nam Thanh”, mục đích nâng cao dân trí. Nhưng nhà cầm quyền gạt phắt đi không cho. Có hề chi, anh hùng đâu dễ bó tay. Cuối năm ấy, đã có cả một đảng cách mệnh ra đời.

    Một tổ chức “phản loạn”

    Việt Nam Quốc Dân Đảng, giữa những trào lưu yêu nước trong những năm 20 thế kỷ XX, đã trọn một hướng đi khác theo con đường dân chủ tư sản, lấy bạo động làm phương tiện chính. Theo Phạm Văn Sơn ghi nơi “Việt sử tân biên”, phần “Chế độ Pháp thuộc ở Việt Nam”, ta biết rằng, Nam Đồng thư xã của Phạm Tuấn Tài (lập năm 1926) và Thực nghiệp dân báo của Nhượng Tống chính là phôi thai cho tổ chức. Chủ trương của Việt Nam quốc dân đảng, ấy là “Trước là cách mạng dân tộc, sau làm cách mạng thế giới”. Lẽ dĩ nhiên, thực dân Pháp chính là kẻ thù chính phải đánh đuổi.

    Nếu chúng ta chú ý đến ngày ra đời của tổ chức do Nguyễn Thái Học đứng đầu, sẽ thấy cũng có điểm thú vị. Không phải ngẫu nhiên, Việt Nam quốc dân đảng được thành lập ngày 25/12/1927. Mở lịch Tây ngày hôm ấy, là ngày lễ Noel. Chúa Jesus giáng sinh, thì người Pháp phải vui hội hè rồi, họ là những con chiên ngoan đạo cơ mà. Nhưng với đa phần người Việt dạo ấy, đó cũng chỉ là một ngày thường.


    Mà nào có hề chi, nhân lúc quan quân Pháp đang vui lễ Giáng sinh, thì ắt việc canh phòng, cảnh giác sẽ có phần lỏng lẻo. Ấy là cơ hội để việc tụ tập đông người ít bị chú ý hơn. Và là cơ hội, để một tổ chức chính trị khai sinh, thuận tiện hơn khi con mắt nhà cầm quyền lơ là. Bởi, nó chống Pháp.

    Muốn biết cơ cấu, tôn chỉ mục đích của tổ chức này, nên chăng, xem trong “Vụ án Quốc dân đảng 1929-1930” để tỏ đôi phần vậy. Cơ cấu tổ chức được vạch ra với Nguyễn Thái Học làm đảng trưởng. Hoạt động của đảng chia làm ba thời kỳ, được “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi là:

    “Ba thời kỳ vạch chương trình,

    Thời đầu phá hoại, cố tình diệt Tây.

    Thời kỳ giữa móng nền xây,

    Thời sau bình định dựng gầy quốc gia”.

    Án tù khiếm diện 20 năm

    Đảng cách mạng được lập, Việt Nam Quốc Dân Đảng ráo riết hoạt động, những mong làm một cuộc lật đổ thay đổi vận mệnh dân tộc. Để tuyên truyền, báo “Hồn cách mệnh” được lập, còn phần kinh tế, thì lập nên “Việt Nam khách sạn”, ngặt nỗi đường kinh tài này không được lợi. Song song với đó, đảng viên được kết nạp, không phân biệt thành phần.

    Thế rồi giữa lúc ấy, nổ ra một sự kiện đầu năm 1929 làm thay đổi biết bao dự định. Vụ ám sát Ba-zin. Hắn vốn là tay buôn người khét tiếng. Sở mộ phu của Ba-zin ở đường Chợ Hôm, Hà Nội. Kế hoạch hạ sát tên trùm mộ phu được vạch ra. Và rồi, như “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi:

    “Đêm ba mươi tết mưa phùn,

    Phố phường pháo nổ đì đùng điếc tai.

    Thăm tình nhân, ả đầm lai,

    Ba-zin bị bắn nằm dài bỏ thây”.

    Cụ thể ra sao? Theo lời người trong cuộc, Nhượng Tống, cho hay: “Chiều tối hôm ba mươi Tết Kỷ Tỵ (tháng Hai, 1929) khi hắn đi ô tô về đến trước cửa sở, thì một thanh niên vận âu phục màu xám, đưa cho hắn một bức thư. Kỳ thực thì đó là một bản cáo trạng mà tòa án cách mệnh kể tội hắn, và khép hắn vào tử hình. Trong khi hắn cầm lấy thư xem thì người ấy cầm súng sáu bắn hắn chết lăn xuống bên đường. Tiếng súng nổ lẫn vào tiếng pháo nên chung quanh chẳng ai biết gì”.

    Vụ này, Quốc Dân Đảng chủ trương. Sau sự kiện chấn động cả Bắc kỳ ấy, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố. Bởi việc này, thành viên của Việt Nam quốc dân đảng bị bắt rất nhiều. Riêng Nguyễn Thái Học phải không ngừng thay hình đổi dạng. Trước tình thế ấy, vị đảng trưởng họ Nguyễn chỉ đạo phải đánh gấp bằng cách nội công (anh em binh lính giác ngộ), ngoại kích. Vũ khí được chuẩn bị ráo riết.

    Về phần người Pháp, chúng “in ra hàng vạn tấm ảnh anh Thái Học, anh Song Khê, phát đi các làng, lại treo giải thưởng hàng năm nghìn đồng, mà không sao bắt được”. Còn các yếu nhân khác thì sao? Xem nơi “Việt sử tân biên” thì hẵng rõ, nhà Phạm Tuấn Tài liên tục bị khám xét, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Nhượng Tống lần lượt phải đeo gông. Sau đó, Hội đồng đề hình được lập, do Công sứ Brides làm chủ tọa. Vẫn “Cận đại Việt sử diễn ca” cho hay:

    “Án kêu tối thiểu năm năm,

    Sáu mươi tám kẻ đi nằm Côn Lôn.

    Yếu nhơn mưu chước khéo khôn,

    Lọt ngoài lưới sắt, bảo toàn Đảng cương”.

    Cụ thể là, ngày 3/7/1929, “Hội đồng này tuyên xử 80 án tù từ 20 năm trở xuống đến 2 năm. Đào Hưng, Nhượng Tống: 10 năm lưu đày. Nguyễn Thế Nghiệp, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê và 19 người khác: 2 năm tù treo”. Còn phần vị đảng trưởng thì sao? Vẫn “Việt sử tân biên” ghi: “Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu dĩ nhiên mang cái án nặng nhất (20 năm cầm cố) huống hồ họ lại vắng mặt”. Vậy là biết bao yếu nhân của tổ chức vào nhà lao. Còn vị đảng trưởng chịu án khiếm diện 20 năm. Nhưng có hề chi, khi đã đối địch với kẻ thù, thì đã xem cái chết “nhẹ tựa hồng mao” rồi…/.

    Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng : Bản lĩnh nhà lãnh đạo

    Thứ Bảy, 27/5/2017

    Đón nhận phút giây vĩnh viễn xa lìa sự sống, người anh hùng ấy “tỏ vẻ cực kỳ bình thản: Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”...



    Lễ tưởng niệm hai nhà yêu nước Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học tại Nhà Đấu xảo Hà Nội

    Tổng lược về cuộc đời Nguyễn Thái Học, trong “Ba thế hệ tri thức người Việt (1862-1954)” ghi: “Họ và tên: Nguyễn Thái Học; Năm sinh, mất: 1902-1930; Nguồn gốc xuất thân: Nông dân; Trình độ học vấn: Chuyên ngành Thương mại Đại học Đông Dương; Nghề nghiệp, chức vụ: Dạy học, lãnh đạo phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng (hoạt động bí mật); Đặc điểm về sự nghiệp văn chương, hoạt động chính trị: Bị bắt, xét xử và hành quyết sau cuộc nổi dậy Yên Bái”.

    Sau vụ Ba-zin, thực dân Pháp tầm nã khắp nơi, khởi nghĩa Yên Bái vì thế được chuẩn bị và thực hiện trong thế bị động, và đã dự trù trước có thể thất bại, nên mới có châm ngôn: “Không thành công, cũng thành nhân” (Nhà sử học Trần Huy Liệu ghi là “Một thành công, hai thành nhân” (Sát thân thành nhân).

    Không thành công cũng thành nhân

    GS. Lê Thành Khôi trong “Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX” cho hay, cuộc khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở Yên Bái vào lúc 1 giờ sáng ngày 10.2.1930: “đội quân đồn trú Yên Bái nổi dậy và chiếm thành phố. Cùng lúc đó, Xứ Nhu tiến đánh Hưng Hóa và Lâm Thao nhưng đã tử nạn tại đây”… Ở Hà Nội thì đánh bom vài nơi. Khi trời sáng, do lực lượng chênh lệch bất lợi cho Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) nên nhiều nơi án binh bất động.

    “Lịch sử 80 năm chống Pháp” của nhà sử học Trần Huy Liệu còn cho biết do khởi nghĩa nổ ra ở miền trên và đồng bằng nên thời gian không đều. Yên Bái nổ ra trước, phải đến 6 ngày sau miền dưới mới nổi dậy ở Vĩnh Bảo (Hải Dương), Phụ Dực (Thái Bình)… Phối hợp không đồng bộ như thế, thì kẻ thù đã chủ động đối phó rồi. Sự kiện “trời long đất lở” hiếm có đầu thế kỷ XX của nước Việt, được “Cận đại Việt sử diễn ca” ghi lại được đôi dòng:

    “Yên Báy cướp đồn trừ ác tặc,

    Lâm Thao chiếm phủ diệt Nam Giao”.

    Cái nguyên do dẫn tới sự thất bại của cuộc bạo động này, được “Việt Nam thời Pháp đô hộ” đúc kết là bởi thiếu sự chuẩn bị, thiếu liên lạc, hiệp đồng phối hợp nên chẳng chóng thì chầy cũng bị đàn áp dễ dàng. Đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, các yếu nhân lần lượt sa lưới. Nguyễn Thái Học bị bắt ở Chi Ngại, Hải Dương. Thực dân Pháp tiến hành phiên tòa xử không lâu sau đó.

    Và để răn đe, trấn áp lòng yêu nước của dân Việt, thì không gì bằng kết án thật nặng để làm nhụt chí kẻ nào muốn chống lại “mẫu quốc”. Theo Nhượng Tống, thì kết quả của phiên tòa đó là “Hội đồng Đề hình của quân địch họp ở Yên Báy kỳ thứ nhất vào ngày 28 tháng Ba. Chúng khép 10 người khổ sai có hạn; 34 người khổ sai chung thân; 50 người đi đày và 40 người tử hình”.

    Lãnh tụ Nguyễn Thái Học bị kết án tử khi mới 28 tuổi

    Để biết tường tận phiên xét xử này, nên xem trong “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930”. Phiên tòa có 91 bị cáo. Tòa thẩm vấn Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Bắc, Phó Đức Chính. Sau khi tòa hỏi xong, các thầy kiện thay nhau biện hộ cho các bị cáo.

    Phiên tòa diễn ra 8 giờ sáng, mà tranh biện tới 5 giờ chiều mới xong. Sáng hôm sau, các bị cáo được nói thêm và đến 9 giờ tuyên án. Chính xác 44 người bị tử hình, 5 chung thân, 33 khổ sai chung thân, 9 bị án 20 năm khổ sai, 1 án 5 năm khổ sai. Trừ Phó Đức Chính, các bị cáo khác đều chống án lên Hội đồng bảo hộ.

    Bị kết án tử, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của anh bị giam 3 tháng trời. Đến chiều ngày 16/6/1930, 13 người chịu án chém bị giải đi Yên Báy. Giờ phút định mệnh sắp bắt đầu.

    13 tử tù bình thản ra pháp trường

    Muốn biết cuộc hành hình đó diễn ra như thế nào, xin bạn đọc xem qua ghi chép của Louis Roubaud trong “Viet-nam, la tragédie Indo-chinoise” (Việt Nam bi thảm Đông Dương). Ở đây, Louis Roubaud đã như một phóng viên, tường thuật chi tiết những giờ phút cuối cùng của 13 tử tù trong ngày 17/6/1930 tại Yên Bái. Trong khi ấy sau này, “Cận đại Việt sử diễn ca” chép:

    “Sách in khởi nghĩa Đông Dương,

    Mười ba người chết trên đường vinh hoa.

    Đoạn đầu đài trước thấy sa,

    “Việt Nam vạn tuế!” đồng là giữa trời”.

    Vẫn lời của cuốn “Việt Nam bi thảm Đông Dương”, vụ hành quyết diễn ra lúc 5 giờ rưỡi sáng tại một đồng cỏ, vốn là sân bóng đá gần trại lính khố xanh, trong không khí oi bức của mùa hạ nơi Bắc Kỳ. Tham dự phiên hành hình ấy, đứng đầu là Bottini, Công sứ Pháp. Lần lượt từng tử tù được đưa ra pháp trường.

    “Máy chém đặt xuống đất. Một tấm phản cao gần ngang tầm thước một dựng trước lỗ máy chém. Lính dẫn người xử tử ra là một người nhỏ bé mặc áo trắng. Giữa lúc ấy, một ông từ Hà Nội lên, đó là tay đao phủ An Nam, vừa vỗ vai kẻ bị xử tử hình nói vài lời rồi dẫn đi, không ngưng lời thúc giục, đến trước phản gỗ lắc lư như cái bẫy”. Người đầu tiên rơi đầu, là Nguyễn Như Liên.

    L. Roubaud cho hay, hầu như mỗi tử tù trước khi bị chém, đều chấp nhận một ly rượu đưa tiễn, và lời cầu nguyện của các linh mục Méchet và Drouet. Thường thì, kẻ tử tội nhờ các linh mục chuyển đến gia đình họ lời trăng trối cuối cùng. Khi thực hiện đến người thứ mười một, là Nguyễn Văn Chuân, thì còn lại hai người bị xử án cuối cùng trong số 13 tử tù, là Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Học.

    Trước đó, lần lượt những đồng chí của hai nhà cách mạng đã rơi đầu: “Bùi, người hòa giải; Bùi, sứ giả; Nguyễn ưa hòa bình; Hà chăm chỉ; Đức bủn xỉn; Nguyễn mưu sĩ; Nguyễn, người làm ơn; Nguyễn, người nhân đức; Nguyễn, viên ngọc quý giá; Ngô tài hoa son trẻ; Đỗ, người con thứ tư. Tất cả họ bước đến, không khoe mình và chết bình thản”. Với cách ghi của L. Roubaud, ta chỉ biết họ của tử tội mà thôi.

    Khí phách Nguyễn Thái Học

    Trong phiên tòa xử ngày 28 tháng 3 kết án tử Nguyễn Thái Học và 43 đồng chí của anh. Đến phiên Học, “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930” tường thuật lại, anh nói: “Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ tọa cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động”.

    Nhà lãnh tụ của VNQDĐ đã nhận hết trách nhiệm về mình, hòng mong những đồng chí của mình hoặc thoát tội, hoặc chí ít cũng được giảm nhẹ tội. Anh biết rằng, chắc chắn, mình sẽ không thoát khỏi án rơi đầu.

    Và sáng hôm sau trước khi tòa tuyên án, được nói thêm, Nguyễn Thái Học tiếp: “Tôi xin lãnh cả trách nhiệm trong các cuộc biến động vừa rồi, tôi xin cùng cha mẹ anh em tôi chịu chết theo bộ luật Gia Long, mà xin tha cho những người theo tôi, vì họ là những người vô tội”. Khí phách của người đứng đầu là thế. Dám hi sinh mình, để cứu đại cuộc. Hẳn nhiên, người Pháp nào có chịu theo lời ấy.

    Lại một điều chứng tỏ cho bản lĩnh của Học, ấy là khi bị bắt giam, anh đã viết một bức thư trong tù, gửi đến các nghị sĩ. Bức thư ấy, được L. Roubaud giới thiệu, trong đó, anh nêu rõ lý do bạo động, và khẳng định “Tôi sẽ chịu hết trách nhiệm cá nhân, qua các biến động chính trị đột biến trên xứ sở này, kể từ ngày thành lập Đảng. Chỉ có tôi và chỉ chính tôi là thủ phạm, vậy sự hành hình chỉ riêng tôi là đủ. Tôi xin ân xá cho những người khác”.

    Đồng thời, dù thân bị tù, nhưng Học vẫn đanh thép mà yêu cầu người Pháp phải bỏ hết những phương pháp tra tấn dã man, tàn bạo; phải cư xử với người An Nam như bạn; phải khôi phục sự bình đẳng, phải trị cái tội ăn hối lộ; phải mở mang kỹ nghệ…”. Và cách ký tên cũng thật ngạo nghễ: “Địch thủ của các ông. Nhà cách mạng: Nguyễn Thái Học”.

    Trong những phút giây cuối cùng còn được hít thở khí trời, Nhượng Tống trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)” đã ghi lại phong thái hiên ngang của người đồng chí. Khi bọn hành hình đưa rượu cho Nguyễn Thái Học uống để chuẩn bị hành hình, Nguyễn Thái Học từ chối, chỉ đòi hút điếu thuốc lào.

    Đón nhận phút giây vĩnh viễn xa lìa sự sống, người anh hùng ấy “tỏ vẻ cực kỳ bình thản: Anh mỉm miệng cười, đưa mắt nhìn công chúng, nhìn quân lính, nhìn máy chém, rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô thật lớn bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”...

    Là một trong những yếu nhân của Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ), được xem là vị quân sư của tổ chức, Phó Đức Chính (1909-1930) đã đóng góp công sức và cả sinh mạng của mình cho cuộc lật đổ bọn xâm lược, thống trị dân tộc mình, dẫu việc bất thành, mà tên tuổi mãi lưu danh trong sử sách. y

    Nói về Phó Đức Chính, nên điểm qua đôi nét về con người ông, như Nhượng Tống ghi lại trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”. Theo đó, Phó Đức Chính “quê ở Da Ngưu. Tốt nghiệp ở Công chính ra, anh được bổ sang Lào. Năm 1929 việc Đảng tiết lộ, anh bị bắt ở Lào về. Anh kém anh Học bảy tuổi, năm ấy mới đúng hai mươi. Coi là trẻ con, Bờ-rít tha cho miễn nghị”.

    Rồi một lần khác, Chính lại bị bắt cùng với các đồng chí, nhưng lại được tha. Anh nói dối là ở quê về Hà Nội cân thuốc, ngẫu nhiên gặp bạn cũ mời vào chơi, chứ không biết gì. Nhưng chúng biết đâu rằng, anh làm việc đảng rất hăng hái.

    Việc lớn bất thành

    Tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương còn lưu lại những hoạt động của các yếu nhân VNQDĐ, ghi rõ có lần Phó Đức Chính bị thương năm 1929, và trùng hợp làm sao, ấy là ngày kỷ niệm 2 năm VNQDĐ được thành lập.

    Xem hồ sơ của Sở Mật thám Đông Dương, được tập san “Sử Địa” số 6 giới thiệu, có đoạn: “Ngày 25 tháng 12, Nguyễn Thái Học và đội cận vệ bị tập kích bởi nhân viên Sở Mật thám tại vùng Võng La (Phú Thọ). Họ trốn thoát khỏi nhưng Phó Đức Chính, một tên phụ tá chính của Nguyễn Thái Học, lại bị thương”.

    Trong kế hoạch tiến hành khởi nghĩa của VNQDĐ mà người Pháp có được, ta thấy nhiệm vụ cụ thể của từng lãnh đạo đảng ở những địa điểm cụ thể: “Cuộc khởi nghĩa định vào ngày 10 tháng 2 năm 1930. Kế hoạch tấn công như sau: Nguyễn Thế Nghiệp phải chiếm Lao Kay. Nguyễn Khắc Nhu tức Sứ Nhu và Phó Đức Chính phải đánh Yên Báy, Hưng Hóa, Lâm Thao và Sơn Tây. Nguyễn Thái Học phải gây ra cuộc khởi nghĩa ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Hải Dương. Vũ Văn Giảng lãnh nhiệm vụ phát cuộc nổi loạn trong tỉnh Kiến An”.

    Về phần Phó Đức Chính, với nhiệm vụ được giao, anh ra tay tiến hành. Qua hồi ký “Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An”, ta được biết hành động của Chính. Tối hôm khởi nghĩa, tại khu Rừng Sơn cạnh tỉnh lỵ Yên Bái “Phó Đức Chính vận binh phục chỉ huy đạo quân cách mạng ra lệnh cho các đồng chí nội đêm ấy phải giết sạch quân thù, chiếm kỳ được Yên Báy để kéo về hợp lực với đạo quân Hưng Hóa tiến đánh Sơn Tây”.

    Nhưng rồi, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị thất bại, các yếu nhân lần lượt sa vào tay thực dân Pháp. Theo “Cận đại Việt sử diễn ca”, thì:

    “Khắp nơi lưới sắt bùa giăng,

    Sơn Tây nhị tướng: Thanh Giang bị còng.

    Cùng đồ Đức Chính mắc tròng,

    Tuần Đinh Cổ Vít đi rong tình cờ”.

    Sự thể là sau khi khởi nghĩa không thu được thành tựu, Phó Đức Chính thoát được vòng vây, lại đi liên lạc với anh em để gây dựng lại, định hạ thành Sơn Tây. Nhưng rồi, ngày 15, trong khi đang cùng các đồng chí bàn việc ở nhà Quản Thanh, Phó Đức Chính và các đồng chí của mình bị vây bắt, giải về Hà Nội.

    Vậy là, vị quân sư trẻ tuổi sa vào tay Pháp tại đất Sơn Tây. Và kết quả chung cục đã được báo trước, như trong “Lịch sử Việt Nam: Từ vua Tự Đức đến đức Quốc trưởng Bảo Đại 1949” có ghi: “Kết quả là: 1-làng Cổ Am, nơi cách mệnh giết tên tri huyện Hoàng Gia Mô, bị Pháp dùng phi cơ ném bom triệt hạ; 2-Xứ Nhu (một lãnh tụ) tuẫn tiết ở Lâm Thao; 3-Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí nữa bị bắt, lên đoạn đầu đài ở Yên Bái hôm 17-6-1930”. Trước khi đưa những anh hùng Yên Bái lên đoạn đầu đài, để cho hợp lý, người Pháp mở phiên tòa xét xử để kết án.

    Phó Đức Chính

    Từ chối chống án

    8g sáng ngày 28/3/1930, Hội đồng Đề hình xử vụ Yên Bái. Phiên tòa xử 91 thành viên của VNQDĐ được mở ra, và dẫu đúng dẫu sai, chính nghĩa hay phi nghĩa, thì lúc này, chân lý thuộc về kẻ mạnh - những kẻ xâm lược:

    “Đề hình cố quyết báo thù,

    Mấy mươi chết chém đền bù nước non”.

    Khi đến lượt mình được Chánh án hỏi, Phó Đức Chính dõng dạc trả lời: “Tôi cùng Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu làm việc trong Trung ương Đảng bộ Việt Nam quốc dân. Chính tôi đã đi tuyên truyền khắp các tỉnh để lấy đảng viên, và cũng tự tôi in những truyền đơn để cổ súy phong trào cách mệnh”.

    Vậy là, anh hùng họ Phó cứ ngay thẳng mà nhận những hành động mình làm, những mong bớt tội cho những anh em đồng chí khác, mà phần tội của mình thì nặng hơn. Phiên tòa ấy, cùng với 43 người khác, Phó Đức Chính đeo án tử.

    Phản đối việc kết án ấy, mọi người đều chống án lên Hội đồng Bảo hộ, trừ Phó Đức Chính. Việc này, được Nhượng Tống thuật lại sống động. Ấy là, khi tên Chủ tịch Đề hình hỏi anh có xin chống án không, thì anh cười và đáp: - Đời con người ta làm có một việc, hỏng cả một việc, sống nữa mà làm chi?

    Lời đáp của anh, chất chứa cái chí lớn bất thành và xem cái chết cũng chỉ là một chuyến đi xa vậy thôi. Lúc ấy Phó Đức Chính mới 21 tuổi đời, thế mà đã nghĩ chín lắm rồi vậy. Lúc ấy, hẳn anh coi thân mình, đã không còn là của riêng mình, mà là của nước, của dân tộc đấy thôi.

    Sau vụ xử ấy, Phó Đức Chính cùng những đồng chí của mình bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, chờ ngày thụ án. Và rồi, chiều ngày 16/6/1930, giờ phút định mệnh ấy cũng đến, những nhà cách mạng thụ án tử, nhẹ nhàng đón nhận. Chuyến tàu chở 13 tử tội, có sự áp giải của đội lính khố xanh, cùng bọn mật thám và hai cố đạo từ Hà Nội xuyên màn đêm lên Yên Bái.

    Ngắm máy chém trước khi lìa đời

    Trước giờ phút chuẩn bị cùng nhau đi về thế giới bên kia, trên chuyến tàu lần cuối được ngồi cùng nhau, cũng là lúc họ nói những lời cuối với nhau. Việc ấy, được Nhượng Tống ghi lại, hoặc, cũng có thể là tưởng tượng ra, bởi lúc ấy tác giả đâu có mặt trên chuyến tàu đi vào cõi tử ấy.

    Nhưng, cũng xin chép lại cho bạn đọc biết: “Trên tàu, các anh vẫn cùng nhau nói chuyện phiếm. Anh Chính cười: - Đến Yên Báy, chúng ta sẽ được đón tiếp long trọng lắm! Thế nào bốn anh Thính, Hoàng, Thuần, Thuyết, chẳng đứng chực sẵn chúng ta ở sân ga! (Bốn anh này đã bị chúng giết ở Yên Bái cùng một ngày trước các anh).

    Anh Học thì cãi lý với Cố Ân: - Việc gì chúng tôi phải ăn năn? Chúng tôi chỉ là kẻ thất bại, chứ đâu phải là kẻ có tội! Rồi anh đọc mấy câu thơ tiếng Pháp, dịch nghĩa là:

    “Chết vì Tổ quốc,

    Cái chết vinh quang!

    Lòng ta sung sướng!

    Trí ta nhẹ nhàng!...”.

    Đến Yên Báy, 13 người bị giam lại. Và mờ sáng hôm sau, án tử được thực hiện.

    Ghi về đoạn kết này, cũng là cái kết bi hùng của những anh hùng xả thân vì nghĩa lớn, trong “Việt Nam tranh đấu sử” để lại đôi dòng: “Xứ Nhu tuẫn tiết ở trận Lâm Thao, còn Thái Học thì lẩn tránh và định sang Tàu, nhưng mấy hôm sau bị bắt ở Hải Dương, đến ngày 17 tháng 6 lên đoạn đầu đài tại Yên Báy với Phó Đức Chính và 11 đồng chí khác”. Đầu lìa thân, nhưng dễ mấy ai được sử sách chép lại, và nghiêng mình trân trọng như vậy?.

    Trong danh sách 13 anh hùng bị rơi đầu tại Yên Báy, thống kê được tên tuổi cụ thể gồm: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Bùi Tự (Tử) Toàn, Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn An, Hà Văn Lào (Lạo), Đào Văn Nhất (Nhít), Ngô Văn Du, Nguyễn Văn Cửu, Nguyễn Như Liên, Nguyễn Văn Tiềm, Lê Văn Tụ, Nguyễn Văn Tính. Sử gia Huỳnh Thiên Kim cho hay, trong 39 người bị án tử, thì 13 người y án, còn 26 người được Tổng thống Pháp ân xá, hạ xuống án khổ sai chung thân.

    Là người thứ mười hai bước lên máy chém, cái ung dung đón nhận giờ phút cuối cùng của cuộc đời nơi Phó Đức Chính, thật ngạo nghễ làm sao. Bước lên máy chém, hãy xem vị quân sư trẻ tuổi hành xử ra sao?.

    Thì đây, Nhượng Tống thuật lại trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)” khí phách của kẻ xứng với cái tinh thần “đầu đội trời, chân đạp đất”: “Anh Phó Đức Chính thứ mười hai, đòi đặt anh nằm ngửa để xem lưỡi máy chém nó xuống như thế nào! Anh hô được đủ bốn tiếng “Việt Nam vạn tuế!”. Mấy ai đối diện với án tử, mà được như anh?

    Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng: Khí phách cô Giang


    Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) thất bại với cuộc nổi dậy Yên Báy, không chỉ các yếu nhân phải xộ khám, mà những đảng viên của đảng, cùng những nhân vật liên đới, cũng bị truy lùng ráo riết. Nguyễn Thị Giang, “người tình trăm năm” của vị đảng trưởng, dù không sa vào tay giặc, nhưng đã chọn một kết thúc vẻ vang.

    Tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương khi ghi nhận về hoạt động của VNQDĐ, đã nhận định, cô là một đảng viên hoạt động không biết mệt mỏi cho tổ chức. Điều ấy, quả đúng nếu xét những việc làm của cô Giang.

    Tận tụy việc đảng

    Trong “Cận đại Việt sử diễn ca”, đã có lời ngợi khen cho hoạt động của hai chị em nhà cô Bắc, cô Giang đối với tổ chức, là:

    “Nhiệt thành nhất: Bắc và Giang,

    Chị em len lỏi chẳng màng hiểm nguy.

    Cô Giang lanh lợi nhu mì,

    Xinh tươi duyên dáng, khinh khi gian tà”.

    Muốn biết về thân thế Nguyễn Thị Giang, nên xem ở “Anh thư nước Việt” ghi về những gương sáng của phụ nữ Việt cổ kim. Theo đó, cô Giang cùng với chị mình là cô Bắc người làng Đồng Vệ, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Bắc Giang, “sinh trưởng trong một gia đình thanh bạch luôn lấy đạo đức luân lý Đông phương làm căn bản lập thân xử thế”. Tinh thần yêu nước của cô Giang, được cụ Phan Bội Châu ca ngợi trong bài văn tế, có câu:

    “Đất nhà tinh hoa, trời trao bảng tuyệt

    Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi

    Thân khuê các mà can trường khí tiết.

    Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông.

    Tuổi xanh vào Quốc học trường, Pháp văn cũng biết

    Tang hải gặp xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau”.

    Bởi nhìn vận nước trong cơn bĩ cực, mà cô Giang cùng chị mình là cô Bắc gia nhập VNQDĐ ở tỉnh bộ Bắc Giang để góp phần cho công cuộc vần xoay đại cuộc, và dưới duyền chỉ huy của Song Khê Nguyễn Khắc Nhu (Xứ Nhu). Nên biết rằng VNQDĐ không dụng thu đàn bà, con gái vao đảng, mà chị em được tổ chức trong Phụ nữ đoàn. Nhưng riêng tỉnh bộ Bắc Giang lại có mấy nữ đảng viên như một ngoại lệ.

    Qua tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, được tập san “Sử Địa” số 6 dịch ra quốc ngữ với tiêu đề “Tìm hiểu về các đảng phái Việt Nam trong thời Pháp thuộc: Việt Nam quốc dân đảng (1927-1932)” ta được biết rằng, trong VNQDĐ “vai trò của phụ nữ đáng kể và nhiều nữ đảng viên trong khi hoàn thành nhiệm vụ cách mạng đã tỏ ra hoạt động và có nghị lực đáng sợ”. Không ai khác hơn, đó là cô Bắc, cô Giang.

    Trong thời gian 1929, cô Giang phụ trách việc liên lạc cho tổng bộ với chi bộ các tỉnh. Cũng bởi việc đảng, nên cô thường xuyên có liên hệ, gặp gỡ với vị đảng trưởng Nguyễn Thái Học, từ ấy mà tình cảm nảy nở, để rồi hai người bén duyên nhau. Và rồi, khi cuộc nổi dậy thất bại, khắp nơi nơi đảng viên của tổ chức bị truy lùng, bố ráp. Cô Bắc cũng bị sa lưới quân thù, còn cô Giang thì thoát được.

    Mưu giải cứu bất thành

    Nguyễn Thị Bắc, người chị của cô Giang bị bắt, và đem ra xét xử cùng với các yếu nhân khác như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính ngày 28/3/1930 tại Hội đồng Đề hình, đã khẳng khái mà trả lời tòa rằng: “Tôi gia nhập Việt Nam quốc dân đảng là vì tôi thương nước Nam của tôi”.

    Sau đó, tại phiên tòa sáng ngày 29/3, khi được nói lời cuối, cô lại dõng dạc tuyên bố, mà “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930” ghi lại lời ấy, là: “Xin Hội đồng tha cho tôi, vì tôi chỉ mưu đồ cho nền độc lập của nước Việt Nam chớ không có ý gì phá trật tự cả; còn nếu Hội đồng kết án tử hình, thì cho tôi được chết như bà Jeanne d’Arc”.

    Jeanne d’Arc là ai? Ấy là nữ anh hùng của Pháp trong chiến tranh với Anh quốc thời trung cổ. Cái chí của cô Bắc, cũng phản ánh phần nào cái tinh thần yêu nước của hai chị em nhà cô. Sau đó, cô Bắc lãnh án chung thân.

    Phần cô Giang, theo tài liệu của Sở Mật thám Đông Dương, thì sau khi Nguyễn Thái Học bị bắt, họ cho rằng, cô vẫn là người đóng vai trò liên lạc giữa Nguyễn Thái Học ở trong tù với những lãnh đạo mới của tổ chức. Và họ cũng cho rằng, cô đã chủ trương tiêu diệt những kẻ phản đảng như Phạm Thanh Dương, Nguyễn Thế Ngọc…

    Khi biết người trăm năm sẽ không còn được sống bao lâu nữa, cô Giang - như lời thuật của Nhượng Tống, người cùng trong VNQDĐ -thì vì nhớ thương Nguyễn Thái Học, mà tinh thần luôn thay đổi bất định, các đồng chí trong đảng “phải tốn rất nhiều công bảo vệ cho chị có thể ở yên tại Hà Nội, mà gián tiếp thăm nom anh Học”.

    Được tin Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bị giải lên Yên Bái để hành hình, cô bí mật đáp hỏa xa đi theo. Trong người cô Giang lúc ấy, là một khẩu súng, một trái bom. Cô mang theo để làm gì? Để phá pháp trường, để giải cứu anh Học đấy. Tuy nhiên, 13 người đều là chính trị phạm chịu án cao nhất, lẽ dĩ nhiên người Pháp canh phòng rất cẩn mật, bởi thế mà cô Giang không thể tới gần.

    Cái giờ phút tang thương của hai người, diễn ra thật bi thiết làm sao, mà lời kể dưới đây, cũng chỉ tỏ được phần nào điều ấy: “Đứng đàng xa, với một sức tự trị phi thường, chị đã đem nụ cười mà đáp lại nụ cười của anh Học khi sắp bước lên máy chém. Nấp trong đám người đứng xem, chị đã không lộ mảy may nỗi đau xót cho người ngoài biết”.

    Còn gì đau đớn hơn phải chứng kiến cái chết của người hẹn ước trăm năm cùng mình ngay trước mặt mình, mà không làm gì đổi khác được. Nhưng hẳn, chị cũng lấy làm tự hào với sự hi sinh ấy.

    Hai bức thư để lại

    Thoát khỏi nanh vuốt của thực dân Pháp, nhưng người đồng chí, vị lãnh tụ, cũng là người bạn đời đã lên đoạn đầu đài thụ án tử, người nữ chiến sĩ họ Nguyễn đã thực hiện đúng cái lời nguyện ước của mình với Nguyễn Thái Học lúc hai người còn ở bên nhau.

    Số là khi cùng nhau thề nguyền ở bên nhau trọn đời nơi đền Hùng vương, theo lời kể của Nhượng Tống, thì cô Giang đã cố xin người trong mộng “giao cho một khẩu súng sáu, và hứa “nếu Học chẳng may chết vì Nước, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!” Và quả thế, chị đã làm thật.

    Sau khi trực tiếp chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người cắt tóc thề cùng mình, trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)” kể lại rằng, chị quay về nhà trọ, viết hai lá thư tuyệt mệnh, ra chợ mua mấy vuông vải trắng làm khăn để tang chồng, rồi buổi chiều đi hỏa xa sang Vĩnh Yên.

    Sớm hôm sau, chị về Đồng Vệ gần làng Thổ Tang, thăm lại cái quán giữa đồng nơi hai người từng ngồi tâm sự, rồi sau đó người nữ anh hùng đóng cửa cuộc đời mình nơi cõi tạm bằng một phát súng vào thái dương bên phải. Lúc ấy, chị đang mang trong mình cốt nhục của Nguyễn Thái Học.

    Trước lúc quyên sinh ngày 18/6, cô Giang viết hai bức thư để lại, đều ký tên là “Nguyễn Thái Học phu nhân”, một gửi cho cha mẹ chồng, một gửi cho chồng. Xem hai bức di thư ấy, ai mà không cảm động và cảm phục cái chí khí lớn lao của người phụ nữ vốn thân bồ liễu. Hai thư ấy, đề ngày 17/6/1930, nay xin cứ chép nguyên văn ra, cho bạn đọc tỏ thêm về nữ liệt sĩ ấy.

    Bức thư gửi cha mẹ chồng viết: “Thưa Thầy, Mẹ, Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: không báo được thù cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con! Đứa con dâu thất hiếu kính lạy”.

    Bức thư gửi chồng viết: “Anh đã là người yêu nước! Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng! Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ” (Còn thêm bài thơ lục bát, vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi xin không chép ra đây).

    Hai di thư ấy, toàn là vì đại sự cả đấy, chẳng màng đến thân mình, phận mình. Cái chí ấy, chẳng phải đã xứng “Làm cho tỏ mặt đàn bà nước Nam” đấy ư! Chết đây, mà còn sống mãi vậy! Năm 1946, nhà văn Nguyễn Tư Hồng khi nhắc đến người nữ anh hùng họ Nguyễn, đã viết bài Đường luật, mà khái lược được cả cuộc đời, nghĩa cả của cô Giang:

    “Tình chồng, nợ đảng, gánh giang san;

    Thác xuống tuyền đài hận chửa tan.

    Xương trắng nêu cao gương tiết nghĩa,

    Máu hồng in thắm chữ trung can.

    Ngàn năm Tổ Quốc ơn ghi mãi,

    Một thác tình chung nghĩa trả trên.

    Thành bại mặc ai người nghị luận,

    Muôn ngàn năm để tiếng Cô Giang”.

    Án Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng - Nhà báo đặc biệt họ Phạm

    Thứ Bảy, 17/6/2017

    Được nhóm lửa từ Nam Đồng thư xã, Việt Nam quốc dân đảng (VNQDĐ) ra đời. Công sáng lập thư xã của Phạm Tuấn Tài (1905-1937), ông giáo gốc thành Nam nặng lòng với nước đối với nước thật to lớn. Dù có phải đứng trước vành móng ngựa của thực dân, mà lòng vẫn cứ bừng bừng lửa ái quốc.



    Nam Đồng thư xã nằm bên hồ Trúc Bạch xưa

    Nói đến sự ra đời của VNQDĐ, không thể không nhắc đến vai trò của Phạm Tuấn Tài. Sở Mật thám Pháp, trong hồ sơ điều tra về VNQDĐ, đã xác nhận rõ điều này. Hồ sơ ấy, bạn đọc có thể xem trong tập san “Sử Địa” số 6 năm 1967 với tiêu đề “Tìm hiểu về các đảng phái Việt Nam trong thời Pháp thuộc: Việt Nam quốc dân đảng (1927-1930)”: “Nhóm khai sáng VNQDĐ gồm một giáo viên trẻ tên Phạm Tuấn Tài, anh của Tài là Phạm Quế Lâm làm nghề quảng cáo và một nhà báo mới vào nghề là Hoàng Phạm Trân. Đầu năm 1927, những người trẻ này lập tại Hà Nội một nhà xuất bản lấy tên Nam đồng thư xã”.

    Thư xã yêu nước

    Theo ghi chép nơi “Việt sử tân biên”, phần “Chế độ Pháp thuộc ở Việt Nam”, thì những ngòi bút cổ động tinh thần ái quốc của VNQDĐ buổi ấy, nằm ở Nam Đồng thư xã và “Thực nghiệp dân báo”, mà hai cơ sở ấy, chủ trương bởi Phạm Tuấn Tài và Nhượng Tống đấy. “Cận đại Việt sử diễn ca” nói về việc thành lập Nam Đồng thư xã, chính là bởi ở sự kết hợp giữa hai nhà yêu nước này:

    “Hai người mật thiết giao du,

    Tự do nghề nghiệp mưu trù sinh nhai.

    Một nhà giáo: Phạm Tuấn Tài,

    Con người tâm trí ai hoài giang sơn.

    Nhà văn ký giả họ Hoàng,

    Bút danh Nhượng Tống, chính chàng Phạm Trân.

    Mở nhà xuất bản canh tân,

    Nam Đồng Thư Xã đỡ đầu nhà văn”.

    Nam Đồng thư xã được lập ra, về mặt công khai, là một cơ sở xuất bản và buôn bán sách vở, tọa lạc ở số 6, đường số 96 nơi bờ hồ Trúc Bạch, gần đối diện với chùa Châu Long ở Hà Nội, được lập cuối năm 1926. Nguyên do cho việc lập nên nhà xuất bản này, được Nhượng Tống ghi lại trong “Nguyễn Thái Học (1902-1930)”, là liên quan đến thực tế tình hình chính trị nước nhà dạo ấy:

    “Nguyên hồi ấy, phong trào chính trị đường bừng bốc. Tuy vậy, trình độ trí thức của dân mình còn thấp kém. Đại đa số người dân không có một chút gì là công dân giáo dục. Chúng tôi lập ra thư xã là mong làm việc ấy. Nghĩa là dạy cho người ta biết thương đồng bào, biết yêu Tổ quốc, biết thế nào là quyền lợi và nghĩa vụ của một người công dân. Sau nữa, giúp cho ai nấy có đôi chút thường thức về các khoa chính trị, như kinh tế học, xã hội học, các hiến pháp, các chủ nghĩa. Tất cả công việc ấy sẽ làm bằng cách xuất bản và phát hành các sách”.

    Vậy đấy, để “khai dân trí”, để góp phần đưa tri thức của dân ta nâng lên, thoát khỏi cái chính sách “ngu dân” của kẻ cai trị, mà Nam Đồng thư xã ra đời. Mục đích ấy cao cả lắm, vì dân, vì nước lắm. Và đây chính là cơ sở để khởi phát cho sự hình thành VNQDĐ về sau vậy. Lại vẫn về Nam Đồng thư xã, nhờ dạo ấy chưa thực hiện chính sách kiểm duyệt trước khi xuất bản sách.

    Nên nhiều bài có tính chính trị hoặc nhạy cảm không bị kiểm duyệt trên báo không đăng được, thì có thể tập hợp mà xuất bản thành sách. Dẫu sau có nghị định mà cấm sách ấy, thì sách cũng đã được bán hết rồi. Mà làm xuất bản, để lợi dân, nên sách bán rẻ cho mọi người có thể mua đọc. Còn mật thám, thì không biết sao mà cấm cho được, nên đành phải buộc các chủ nhà in những sách nào của Nam Đông thư xã đem in, thì phải đưa chúng xem trước.

    Không chỉ là một cơ sở xuất bản đơn thuần, Nam Đồng thư xã chính là nơi tập hợp những đồng chí cùng chí hướng với nhau, là nơi để kẻ anh hùng chí lớn tìm về. Nên đôi câu dưới đây của “Cận đại Việt sử diễn ca” viết cũng chẳng ngoa:

    “Nam Đồng bí mật họp nhau,

    Dọn đường cách mạng lật nhào Tây dương”.

    Việc thành lập VNQDĐ, được “Việt sử tân biên” cho rằng, nguồn cơn ở việc Phạm Tuấn Tài được đại biểu của Trung Hoa quốc dân đảng ở Hà Nội là Hứa Gia Ngũ đề nghị lập đảng theo mô hình của Quốc dân đảng bên Trung Hoa. Chính từ đó, Phạm Tuấn Tài “trình bày việc này với Nguyễn Thái Học và được các anh em tán đồng vào cuối năm 1927 rồi Việt Nam quốc dân đảng chính thức thành lập vào ngày 25/12/1927”. Các sáng lập viên của đảng chủ yếu là những người đã sáng lập nên Nam Đồng thư xã.






    Thực nghiệp dân báo


    Tranh biện trước tòa

    Tổng bộ đầu tiên được thành lập, nhưng không có Phạm Tuấn Tài. Bởi vì nghi Phạm Tuấn Tài tham dự vào việc chính trị, nên đầu năm 1928, chính quyền đã thuyên chuyển thầy giáo họ Phạm lên công tác ở Tuyên Quang. Và cũng vì thế, Nam Đồng thư xã đóng cửa, không xuất bản thêm được cuốn sách nào nữa.

    Đầu năm 1929, đúng lúc đương cả nước đón Tết Nguyên đán, thì trùm mộ phu Bazin lãnh đạn mà chết. Sau vụ ám sát Bazin, thực dân Pháp bố ráp, bắt bớ khắp nơi. Tòa soạn “Thực nghiệp dân báo” bị khám, tư gia của Phạm Tuấn Tài cũng bị xét... Nhiều anh em trong VNQDĐ bị bắt, tống giam. Phạm Tuấn Tài cũng nằm trong số ấy.

    Sau đó, Hội đồng Đề hình đã đưa ra xử các thành viên VNQDĐ ngày 3/7/1929 mà họ bắt được. Phiên họp bắt đầu lúc 8 giờ sáng tại Hà Nội, được “Vụ án Việt Nam quốc dân đảng 1929-1930” tường thuật chi tiết.

    Đến phiên xét hỏi Phạm Tuấn Tài, lúc này 26 tuổi, nguyên là giáo học Tuyên Quang, tòa hỏi về việc anh cùng Nhượng Tống lập Nam Đồng thư xã, việc anh xuất bản những cuốn sách sau bị cấm, lại phát truyền đơn ở Hải Phòng, cũng như việc nghi ngờ anh giáo trẻ lập đảng cách mạng ở Tuyên Quang.

    Đến phần phản biện của Phạm Tuấn Tài, anh dõng dạc tuyên bố cái mục đích lập nhà xuất bản để “khuếch trương về đường đức dục, trí dục cho anh em trong nước”, rồi điểm thẳng vào sự vô lý của chế độ đương quyền “Nếu nước Pháp có cấm người ta mến sự tự do, thì tôi là người có tôi; nếu không, thì nên tha cho tôi. Vì tôi oan, trong bốn tháng nay tôi vô tội mà lại đã bị giam cầm trong ngục tối”.

    Không chỉ kết tội thầy giáo họ Phạm tội xuất bản sách bị cấm, lập đảng, Hội đồng Đề hình còn quy cho Phạm Tuấn Tài tội lập Ban ám sát. Phạm trả lời rằng, đó chỉ là ban bù nhìn, và không biết Tổng bộ có lập hay không. Khi được tòa hỏi có nói thêm gì, Phạm Tuấn Tài biết rằng, công lý, pháp luật nằm trong tay kẻ thù, có cãi lý, thì cũng không dễ gì thay đổi được, anh ngạo nghễ mà rằng: “Tôi còn muốn nói nữa để bày tỏ ý kiến, song nếu ngài không cho phép thì tôi về chỗ”.

    Lưu đày đất Côn Lôn

    Phiên tòa trên, trong hồi ức của Hoàng Văn Đào nơi “Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-an”, ta được biết xửa 75 người, 27 người bị kết tội 2-5 năm tù, 25 người 5-20 năm cấm cố lưu đày và thêm 5 năm biệt xứ, 23 người chịu án treo hoặc tha bổng. Phạm bị kết án lưu đày 15 năm ra Côn Đảo. Nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian” này, thì sống không bằng chết.

    Cuối tháng 7 năm ấy, anh cùng 24 bạn tù được giải đi Hải Phòng đáp tàu đi Côn Đảo. Khi đến Côn Đảo, anh cùng mọi người bị đưa vào Khám đường số 2. Cảnh tù đày cực khổ, gạo hẩm, cá mắm mục cùng chút rau, ăn không no, lại phải lao động cực khổ, ấy nhưng Phạm Tuấn Tài vẫn giữ vững chí khí của người yêu nước.

    Với cái án chính trị phạm bên mình, nghĩa là như “Côn Lôn quần đảo trước ngày 9/3/1945” cho hay, đó là án chống lại nhà cầm quyền Pháp ở hình thức này hoặc hình thức khác. Thế nên, Phạm Tuấn Tài được để ý đặc biệt. Thế nhưng, anh vẫn cùng bạn tù bí mật làm cái việc mà anh giỏi nhất, ấy là ra báo, nào “Tiếng gọi”, “Tiếng rên”, “Tiếng gào”… để đấu tranh với chế độ, mà trước hết là với bọn cai ngục ác ôn.

    Tiếc rằng, hoàn cảnh lao tù khắc nghiệt, Phạm Tuấn Tài bị bệnh lao, loại bệnh nan y thời ấy không dễ gì chữa cho dứt được, nên sau khi ở tù gần 7 năm, dù được ân xá năm 1936, nhưng Phạm Tuấn Tài sau đó mất tại quê nhà Nam Định, khi mà đảng cách mạng anh có công sáng lập cũng đã chuyển hướng đi, và cuộc nổi dậy Yên Bái đã trở thành dĩ vãng. Nhưng có hề chi, với anh, vẫn đó sự ngạo nghễ như lời thơ ông chủ Nam Đồng thư xã một thời viết:

    “Giang sơn này hỡi giang sơn,

    Thề kia dù lỗi, hương tàn còn thơm”.

    Trần Đình Ba

    Không có nhận xét nào