Từ vụ đụng độ với Ấn Độ trên dãy
Himalaya, làm thiệt mạng 20 binh sĩ Ấn, cho đến những căng thẳng xung
quanh Đài Loan và Biển Đông, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
(APL), khiến các nước láng giềng lo lắng, e sợ rằng quân đội Trung Quốc
sẽ tận dụng lợi thế chiến lược mà đại dịch Covid-19 sẽ đem lại cho Trung
Quốc.
Ảnh minh họa. Một chiến đấu cơ Thẩm Dương-11 (Shenyang J-11) của Không quân Trung Quốc. |
Tuy
nhiên, sử gia Benjamin Lai trả lời phỏng vấn tuần báo Pháp Le Point
nhắc rằng các lực lượng quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp các
chậm trễ công nghệ và giải quyết được các vấn đề cơ cấu so với quân đội
các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.
Từng
là cựu quân nhân dự bị Hồng Kông cho quân đội Hoàng gia Anh, ông
Benjamin Lai nghiên cứu kỹ từng biến đổi gia tăng của APL mà ông đề cập
đến trong nhiều tập sách (Dragon's Teeth, The Casemate, 2016 và The
Chinese People's Liberation Army since 1949, Osprey Publishing, 2012).
Như ông quan sát từ Thượng Hải ngày nay, nền quốc phòng Trung Quốc vẫn
đang trong giai đoạn chuyển đổi. Trong trào lưu chiến dịch chống tham
nhũng của Tập Cận Bình, quân đội Trung Quốc buộc phải cắt giảm lực lượng
bộ binh cồng kềnh, và kể từ giờ tìm cách xây dựng lực lượng hải quân và
không quân có khả năng tác chiến xa, bên ngoài biên giới quốc gia.
RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài phỏng vấn giữa Le Point và nhà sử học Benjamin Lai. Mời quý vị theo dõi.
******
Le Point :
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (APL) được cho là một đội quân
đông đảo nhất thế giới với khoảng 2,18 triệu quân nhân. Tại sao quân đội
Trung Quốc chưa là một quân đội hùng mạnh nhất thế giới ?
Benjamin Lai :
Người ta không đánh giá một quân đội chỉ bằng các con số. Số lượng
không là chất lượng, cũng không phải là điều có ích. Nước Pháp năm 1940
có nhiều xe tăng hơn Đức nhưng vẫn bại trận. Trên thực tế, Trung Quốc
không ngừng giảm bớt quân số các binh chủng, đặc biệt là bộ binh, theo
truyền thống là có quân số đông nhất, và ngày nay, ưu tiên được dành cho
hải quân và không quân. Ngoài ra, APL còn bao gồm cả những quân nhân mà
phương Tây xem như là dân sự : Đó là những họa sĩ, nhà văn, diễn viên
múa và ca sĩ, và thậm chí cả người dẫn chương trình TV… Nhiều quân y
viện cũng mở cửa cho các thường dân, và cả các nhà khoa học nữa. Rất
nhiều nhà xưởng sản xuất vũ khí nằm trong hệ thống của APL và các nhân
viên chủ chốt của họ được xem như là những ʺngười línhʺ.
Ngoài
ra, cũng đừng quên diện tích to lớn của Trung Quốc, đây là một đất nước
rất rộng. Với 9,5 triệu km2, lớn hơn nước Pháp đến 14 lần. Nhưng quân
đội Trung Quốc cũng chỉ đông hơn quân đội Pháp có 8 lần, vốn chỉ có
268.000 người bao gồm cả khối dân sự. Nếu so sánh với tầm mức của Trung
Quốc, quân đội nước này không mấy gì đông đảo. Cuối cùng, quân đội Trung
Quốc là quân đội bao gồm lính nghĩa vụ, trong khi quân đội Pháp là quân
đội chuyên nghiệp. Các quân đội lính nghĩa vụ thường đông hơn các quân
đội lính tình nguyện chuyên nghiệp có đào tạo. Lính nghĩa vụ của Trung
Quốc hầu như không được trả lương. Họ được nuôi ăn, ở, nhưng không cần
phải đãi ngộ tốt như những người theo nghiệp nhà binh với đầy đủ các
tiện nghi hiện đại…
Phải
chăng Quân đội Giải phóng Nhân dân đã đạt được một trình độ công nghệ
có thể tương đương với phương Tây, đặc biệt là với Hoa Kỳ ?
Trên
phương diện công nghệ thì Không. Trung Quốc vẫn đứng sau Hoa Kỳ rất xa,
cho dù là quân đội nước này càng ngày càng khá hơn. Quân đội Trung Quốc
có cùng cấp độ hoặc tiến bộ hơn một chút trong một số lĩnh vực, rất hạn
chế. Trong lễ diễu binh ngày 01/10/2019, người ta đã có thể nhìn thấy
chiếc máy bay siêu thanh DF-ZF, một tên lửa hành trình siêu thanh rất
tiên tiến, có lẽ là hiện đại hơn cả tên lửa của Hoa Kỳ. Trung Quốc còn
nghiên cứu chế tạo cả railgun – một loại đại pháo điện từ và có thể là
đang dẫn trước trong việc phát triển loại vũ khí này.
Nhưng
quân đội Trung Quốc đặc biệt yếu về công nghệ tầu ngầm và chống tầu
ngầm, cũng như là trong việc sản xuất động cơ hàng không. Hệ quả là, các
chiến đấu cơ của Trung Quốc không đủ mạnh. Quân đội Trung Quốc cũng yếu
về hàng không mẫu hạm. Nước này chỉ có hai chiếc. Đúng hơn là một chiếc
rưỡi vì Trung Quốc chỉ mới đang học cách sử dụng. Năng lực triển khai
quân xa của Trung Quốc vẫn còn thấp. Các lực lượng của Trung Quốc chưa
thể đi quá xa ngoài lãnh thổ. Dù là họ đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh
vực này.
Hồi
tháng 4/2020, Trung Quốc đã cho hạ thủy một tầu tấn công đổ bộ mới,
Type 75, một bãi đáp đổ bộ cho trực thăng. Họ cũng đã nâng cấp chiếc máy
bay vận tải hạng nặng, Y-20, chiếc đầu tiên thuộc loại này của Trung
Quốc. Tuy nhiên, hệ thống công nghiệp – quân sự của Trung Quốc có một
lợi thế so với phương Tây, đó là tất cả các linh kiện mà họ sử dụng đều
được sản xuất tại Trung Quốc.
Về mặt luyện tập, quân đội Trung Quốc liệu có cùng trình độ với phương Tây ?
Liên
quan đến chương trình luyện tập, Trung Quốc có một vấn đề, đó là từ năm
1980, họ không có tham chiến vào một cuộc chiến nào. Trong khi đó người
Mỹ không ngừng chiến đấu kể từ năm 1945. Giờ bay của phi công Trung
Quốc ít hơn phi công Mỹ. Và các tướng lĩnh Trung Quốc ít sáng tạo hơn
trong các cuộc luyện tập, thường hay theo sát một kế hoạch đã được lập
trước. Nhưng điều này đang có những thay đổi nhanh chóng. Năm 2012,
Trung Quốc cho thiết lập lực lượng đối kháng riêng của mình, phỏng theo
mô hình Opfor của Mỹ, một đơn vị chuyên đóng vai kẻ thù trong các cuộc
luyện tập.
Quân
đội Trung Quốc đã xây một căn cứ rất lớn dành cho luyện tập quân sự tại
vùng Nội Mông, trại Chu Nhật Hòa (Zhu Ri He), rộng hơn 1.000 km2. Trung
Quốc giờ cũng chuyển sang luyện tập theo kiểu phương Tây, tức là không
luyện tập theo một chương trình định sẵn từ trước mà sử dụng trí não là
chính. Trong một bộ phim tài liệu mới đây về Opfor Trung Quốc, viên chỉ
huy của lực lượng này giải thích rằng trong số 7 đợt luyện tập, ông ta
đánh bại những kẻ tấn công Trung Quốc đến 6 lần. Điều này cho thấy là
quân đội Trung Quốc vẫn chưa mấy đổi mới trong các phương thức chiến
đấu.
Ngân
sách của APL cho năm 2020 dự kiến tăng 6,6% dù là kinh tế trì trệ. Tại
sao ? Phải chăng là Trung Quốc đang chuẩn bị bị tấn công như một số
truyền thông phương Tây khẳng định khi trích dẫn một báo cáo bí mật của
hội đồng tham vấn CICIR ?
Tôi
không mấy tin vào những thông tin rò rỉ giả mạo đó. Ở Trung Quốc, loại
thông tin như vậy không được tiết lộ ra ngoài. Tốt hơn hết nên nhớ rằng
kể từ năm 1949, Trung Quốc chưa bao giờ được yên tĩnh cả. Lúc nào cũng
có những mối đe dọa, tranh chấp với Liên Xô, xung đột với Đài Loan và
Hoa Kỳ đứng ở phía sau, và thậm chí là các cuộc chiến tranh biên giới,
tại Triều Tiên và ở Việt Nam… Chính vì lý do này mà Trung Quốc chú trọng
đến chính sách phòng thủ. Bây giờ thì tranh chấp biên giới đã được giải
quyết với Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, quốc gia còn lại mà Trung
Quốc có tranh cãi biên giới là Ấn Độ.
Nhưng
trong năm 2020 này, mối đe dọa không còn đến từ một cuộc xâm lược trên
bộ nữa. Điều đó sẽ chẳng xảy ra. Các cuộc tấn công ngày nay là kinh tế
và chính trị, đặc biệt là những « cuộc cách mạng màu », những cuộc nổi
dậy được nước ngoài ủng hộ nhằm dẫn đến việc thay đổi chế độ như tại
Libya chẳng hạn. Cuối cùng, việc tăng ngân sách quân sự thêm 6,6% cho
năm 2020 trên thực tế là một sự suy giảm so với mức tăng 7,5% năm 2019.
Kể từ những năm 1980, chi tiêu quân sự của Trung Quốc tương đối ổn định
tỷ lệ theo GDP, dưới 2% GDP. Đơn giản là vì kinh tế Trung Quốc đã tăng
rất nhiều. 2% của một chiếc bánh lớn là rất nhiều tiền.
Liệu có những lý do nội bộ nào cản trở việc giảm ngân sách hay không ?
Quân
đội Trung Quốc không nắm, không điều khiển được chính phủ cũng như đảng
Cộng sản. Cho dù quân đội Trung Quốc có một tầm ảnh hưởng lớn trong
đảng, nhưng đảng Cộng sảng kiểm soát quân đội chứ không phải ngược lại.
Các tướng lĩnh thực ra không có quyền lực ở mức có thể nói với Tập Cận
Bình phải làm gì !
Để phát triển, đâu là những ưu tiên của APL hiện nay ?
Kể
từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, đã có những thay đổi lớn trong Quân
đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Ông ấy tấn công nạn tham nhũng. Điều
này có thể thấy rõ trong giai đoạn 2014 – 2016, ít thấy hơn trong 2019 –
2020. Giang Trạch Dân đã bổ nhiệm những tay chân thân tín để lãnh đạo
quân đội và ông ấy vẫn còn kiểm soát Trung Quốc trong hậu trường khi Hồ
Cẩm Đào là chủ tịch nước. Giang Trạch Dân vẫn là chủ tịch Quân Ủy Trung
Ương trong suốt bốn năm đầu Hồ Cẩm Đào đứng đầu Nhà nước. Trong suốt
những năm đó, ông ta đã đặt bạn bè của ông ta vào những vị trí chủ chốt
trong quân đội. Điều này đã làm cho quân đội trở nên bị tham nhũng nặng,
một số người còn mua cả chức vụ và bậc hàm. Nhiều sĩ quan điều hành đơn
vị của họ như là những tiểu vương quốc của cá nhân. Một số người vẫn
giữ nhà công vụ, trị giá đôi khi hàng triệu đồng sau khi rời khỏi vị
trí. Số khác thì lén lút cho người ngoài thuê tài sản của quân đội, để
xây nhà ở, khách sạn hay điểm kinh doanh, như ở đây Thượng Hải chẳng
hạn, các bãi đỗ xe của các viện quân y từ lâu trở thành các cửa hiệu.
Tôi
cũng không nói là APL giờ hoàn toàn không còn nạn tham nhũng nữa, nhưng
tệ nạn này kể từ giờ có quy mô nhỏ hơn. Thật sự là rất khác so với cách
nay 5 năm theo như những mối quen biết của tôi trong quân đội và ngành
công nghiệp quân sự cho biết. Không còn những bữa dạ tiệc, không còn
rượu cognac trong các bữa ăn của các sĩ quan ! Tập Cận Bình đã sa thải
những ai không tuân thủ ông ấy và những kẻ tham nhũng, đồng thời nắm lại
quyền kiểm soát quân đội, cho phép ông khởi động một chương trình cải
cách trong Quân Ủy Trung Ương, và bốn bộ chỉ huy của ông ta, chính trị,
hậu cần, vũ khí và nhân sự. Ông ta đã giảm số quân khu từ 7 xuống còn 5.
Tập Cận Bình còn thành lập một nhánh mới của quân đội : Lực lượng hỗ
trợ chiến lược, có khả năng tiến hành chiến tranh mạng. Hải quân đóng
nhiều tàu chiến mới. Không quân cũng đang chuyển các chiến đấu cơ từ hệ
thứ 4 sang thứ 5.
Nhưng
vì quân đội Trung Quốc rất lớn, mọi sự thay đổi trang thiết bị đòi hỏi
nhiều thời gian. Họ vẫn còn cho bay các chiếc J-7 đời cũ, tương đương
với loại Mig-21 cũ, các loại chiến đấu cơ thời Chiến Tranh Lạnh, và họ
còn sử dụng các chiếc xe tăng đời thứ nhất, T-59, một bản sao của xe
tăng Liên Xô T-54, có từ năm 1954 ! Hơn nữa, những loại vũ khí mới đắt
hơn rất nhiều : Chiếc T-59 giá chỉ vừa 30.000 đô la, xe tăng đời mới
T-99MBT giá hơn hai triệu đô la/chiếc. Tiền lương cho lính đã được cải
thiện, các doanh trại cũng vậy, và giờ có thể tiếp đón các gia đình binh
sĩ. Sau cùng, APL bắt đầu mở cửa cho phép các công ty tư nhân cung cấp
hậu cần như SF Express chẳng hạn.
Những vụ va chạm ở biên giới gần đây với Ấn Độ trên dãy Himalaya được nói đến như thế nào tại Trung Quốc ?
Trên
các kênh truyền thông có rất ít giải thích. Nhìn từ góc độ lịch sử,
Trung Quốc chưa bao giờ công nhận đường kiểm soát thực sự, nơi mà quân
đội hai bên dừng lại vào cuối cuộc chiến năm 1962, và Ấn Độ xem như là
biên giới của họ. Tại sao ư ? Bởi vì trước đây, Trung Quốc chưa bao giờ
ký kết chấp nhận đường ranh giới Mac Mahon, được thỏa thuận vào năm 1914
giữa Anh Quốc và người Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc không công nhận
Tây Tạng như là một đất nước tự do. Một chính quyền địa phương không có
thẩm quyền ký kết các thỏa thuận. Bây giờ Ấn Độ tố cáo Trung Quốc xâm
nhập vào lằn ranh này. Chúng ta đang trở lại với vấn đề của thế kỷ XIX.
Phải chăng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mạnh hơn quân đội Ấn Độ như một số nhà bình luận có nói đến ?
Trung
Quốc vượt trội trên phương diện vũ khí, nhưng chủ yếu là có lợi thế địa
hình chiến lược. Đầu tiên, Tây Tạng nằm ở phía trên cao, Ấn Độ thì ở
phía dưới. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tốt hơn rất nhiều, như
tàu hỏa, đường bộ, viễn thông… Trung Quốc có thể vận chuyển quân và tiếp
tế cho họ nhanh hơn rất nhiều. Ấn Độ cố gắng bù đắp điều này bằng cách
trang bị các chiếc máy bay vận tải của Mỹ như chiếc C-17 Globemaster.
Nhưng quân đội Ấn Độ cũng bị bất lợi do thiếu sự phối hợp tập trung. Các
lực lượng vũ trang của Ấn Độ có đến 17 loại súng khác nhau, được mua từ
Mỹ, Úc, Israel… Làm đau đầu ban quân nhu ! Tiểu liên INSAS do Ấn Độ chế
tạo chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt, và cảnh sát Ấn Độ lại rất ưng
loại AK-47. Dẫu sao thì Ấn Độ cũng có một lợi thế đáng kể, đó là các
đội quân sơn cước của họ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, chống quân đội
Pakistan trên cao nguyên. Ấn Độ có thể lấy lại thế thắng đó nhưng dường
như vẫn chưa làm được điều đó.
Ông
Kiều Lương (Qiao Liang), một chiến lược gia Trung Quốc gần đây có đánh
giá rằng tiến hành xâm lược Đài Loan có lẽ sẽ « trả giá đắt ». Tại sao
ông ấy nói như thế ? Có phải là vì sẽ phải đối đầu với một liên minh
phương Tây ? Hay bởi vì APL không có khả năng tiến hành một chiến dịch
đổ bộ như thế mà không bị tổn thất nặng nề ?
Ông
Kiều Lương là giáo sư tại Học Viện Quân Sự và là tác giả thuộc APL.
Những gì ông ấy nói không phải là đúng. Hơn nữa, đó cũng không phải là
lập trường chính thức của APL, cũng như là của Tập Cận Bình. Dù sao, như
cuộc xâm lược Irak của Hoa Kỳ đã minh chứng rõ, vấn đề không phải là
thắng trận, mà là có được hòa bình. APL có lẽ sẽ chẳng gặp vấn đề gì khi
đè bẹp quân đội Đài Loan. Nhưng người dân Đài Loan sẽ có phản ứng ra
sao nếu như nhà cửa của họ bị phá hủy và nếu như họ bị mất người thân ?
Trung
Quốc muốn sáp nhập Đài Loan trở về với mẫu quốc, nhưng lựa chọn quân sự
không là một giải pháp. Tốt hơn hết là nên dùng đòn kinh tế và chính
trị, với một chút xíu dọa nạt quân sự. Một cuộc phục kích nhỏ là rất có
khả năng. Tàu chiến Đài Loan rất có thể sẽ bị phá hủy. Các hòn đảo đối
diện với Hạ Môn (Xiamen) như đảo Kim Môn (Jinmen) rất có thể sẽ bị xâm
chiếm hoàn toàn để cho thấy rõ là Trung Quốc có thể nghiền nát Đài Loan
một cách dễ dàng. Nhưng người ta sẽ không được thấy một cuộc đổ bộ hùng
hậu như D-Day tại vùng Normandie của Pháp. Người ta nghĩ nếu như vậy thì
giống cách nay 70 năm, họ đã xem quá nhiều phim chiến tranh.
Cuối
cùng, tôi không nghĩ rằng quân đội Trung Quốc khiếp hãi trước những tổn
thất đáng kể. Trung Quốc không là một nền dân chủ phương Tây. Những
người đang điều hành Trung Quốc chẳng phải được bầu lên mỗi bốn năm. Họ
không lo lắng cho những tổn thất đó. Năm 1979, Trung Quốc mất rất nhiều
binh sĩ trong cuộc chiến chống Việt Nam. Nhưng điều đó không quan trọng
đối với Trung Quốc, bởi vì nước này đã đạt được mục tiêu chiến lược của
mình.
Mục
tiêu khi ấy là không còn tranh chấp biên giới với Việt Nam nữa, để khởi
xướng kế hoạch mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Việt Nam trở thành
một vấn đề (đối với Trung Quốc) vì lúc đó, Việt Nam nghĩ rằng sẽ có được
sự ủng hộ của người anh cả Liên Xô. Nhưng Liên Xô đã không đến hỗ trợ
như là Hoa Kỳ từng đến cứu Israel năm 1973. Việt Nam hiểu ra rằng nếu
cuộc chiến kéo dài, họ sẽ thua. Về mặt chiến thuật, Trung Quốc thua
nhưng nước này lại thắng cuộc tranh luận chiến lược.
Những lực lượng nào của quân đội Trung Quốc hiện diện tại vùng Biển Đông ?
Những
hòn đảo ở Biển Đông rất là nhỏ, diện tích chỉ bằng một hay hai sân đá
bóng. Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đó chỉ để hỗ trợ hậu cần, để
cho tàu bè và phi cơ được tiếp liệu. Các lực lượng chính nằm ở đảo Hải
Nam, gắn liền với lục địa. Căn cứ quân sự chính là căn cứ hải quân Du
Lâm (Yulin). Chắc chắn đó là nơi neo đậu các tầu ngầm hạt nhân của Trung
Quốc. Trên các đảo đá ở Biển Đông chỉ là những tiền đồn mà thôi !
Một ngày nào đó, phải chăng hải quân Trung Quốc rất có thể sẽ thống trị hải quân Mỹ như một số người tin như thế ?
Đây
là một câu hỏi khó. Nếu đối đầu xảy ra gần bờ biển Trung Quốc, hải quân
của APL có lợi thế. Lực lượng này sẽ được bảo vệ bởi một dàn tên lửa
rất hiệu quả đặt trên đất liền. Nhưng ở xa Trung Quốc thì hải quân nước
này bị mất lợi thế đó. Hơn nữa, các tầu chiến của Trung Quốc sẽ gặp khó
khăn trong việc tiếp liệu nếu đi quá xa Trung Quốc. Chính vì điều này mà
Bắc Kinh quyết định mở một căn cứ quân sự tại Djibouti. Trong 20 năm
nữa, Trung Quốc có thể sẽ có khả năng điều tầu chiến đi xa hơn. Nhưng
Trung Quốc không có lợi lộc gì tại Địa Trung Hải, như là ở Ấn Độ Dương,
bờ đông châu Phi và tại Đông Nam Á.
(RFI)
Không có nhận xét nào