Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách 'bất hợp pháp' của TQ trên Biển Đông

    Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên Twitter hôm 2/6 rằng Hoa Kỳ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc phản đối các yêu sách hàng hải bất hợp pháp trên Biển Đông của Trung Quốc.

    Mỹ gửi công hàm lên LHQ phản đối yêu sách 'bất hợp pháp' của TQ trên Biển Đông
    "Chúng tôi phản đối những tuyên bố bất hợp pháp và nguy hiểm này. Các quốc gia thành viên phải đoàn kết để duy trì luật pháp quốc tế và tự do hàng hải," ông Mike Pompeo tweet cùng hagtag #FreeAndOpenIndoPacific (Ấn Độ Thái Binh Dương Tự do và Cởi mở).

    Trong tweet, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đính kèm bức công hàm mà Mỹ gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 1/6/2020.

    Nội dung bức công hàm có gì?

    Nội dung bức công hàm do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft ký tên có đoạn:

    "Phản đối các yêu sách hàng hàng bất hợp pháp của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc."

    "Kính gửi ngài António Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc"

    "Tôi rất vinh dự được gửi tới ngài một bức thư liên quan tới Công hàm số CML / 14/2019 do Phái bộ thường trực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gửi cho ngài vào ngày 12/12/2019 để phản hồi đệ trình của Malaysia lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) ngày 12/12/2019. Hoa Kỳ bác bỏ các yêu sách hàng hải này vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật biển 1982."

    Trong công hàm, Mỹ cũng nhắc lại kết quả phán quyết của tòa trọng tài thường trực tại Hague năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

    Image caption Mỹ gửi công hàm lên LQH phản đối yêu sách 'bất hợp pháp' của TQ trên Biển Đông ngày 1/6/2020

    Công hàm của Trung Quốc mà Mỹ đề cập, là công hàm Trung Quốc gửi lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS) ngày 12/12/2019, nhằm phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia gửi lên CLCS cùng ngày. Đồng thời, Trung Quốc cho rằng họ "có chủ quyền" với quần đảo ở Biển Đông, "bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa)". Trung Quốc cũng đề cập "quyền lịch sử" ở Biển Đông.

    Mỹ phản đối "quyền lịch sử" này vì cho rằng chúng vượt quá các quyền lợi hàng hải mà Trung Quốc được hưởng như phản ánh trong Công ước Luật biển 1982.

    Mỹ cũng cho rằng các yêu sách về quyền lợi rộng lớn trên Biển Đông của Trung Quốc "là nhằm cản trở quyền và tự do hàng hải của Mỹ và tất cả các nước khác". Và lưu ý rằng các nước như Việt Nam, Philippines, Indonesia đã lần lượt lên tiếng chính thức phản đối các yêu sách này. Mỹ một lần nữa yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế, phán quyết của tòa quốc tế ở Hague, và chấm dứt các hoạt động khiêu khích trên Biển Đông.

    Trong thư đính kèm công hàm, bà Kelly Craft yêu cầu gửi công hàm phản đối này đến tất cả thành viên của Liên Hiệp Quốc và đăng tải công khai trên website của văn phòng pháp chế Liên Hiệp Quốc.

    Trước Mỹ, ngày 26/5, Indonesia đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối các yêu sách đề ra trong 3 công hàm của Trung Quốc, trong đó có công hàm nói trên.

    Trước Indonesia, 30/3, Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc, phản đối công hàm nói trên của Trung Quốc, khẳng định yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông.

    "Mỹ khẳng định 'là một bên liên quan' trên Biển Đông"

    Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 3/6, thạc sỹ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, bình luận rằng công hàm mới nhất của Mỹ gửi Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc cho thấy Mỹ khẳng định rõ lập trường rằng họ 'là một bên liên quan' trên Biển Đông.

    Công hàm này cho thấy Mỹ khẳng định lập trường rằng họ là một bên liên quan trên Biển Đông.Thạc sỹ luật quốc tế Hoàng Việt

    "Những lập trường của Hoa Kỳ về Biển Đông đã được trình bày nhiều trong giới chức và Quốc hội Hoa Kỳ cùng nhiều tài liệ liên quan. Tuy nhiên với công hàm này, Mỹ một lần nữa thể hiện rõ rằng mình là một bên liên quan, dù không trực tiếp, trên Biển Đông, do các vấn đề Biển Đông ảnh hưởng tới tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại trên khu vực này của Mỹ."

    "Đặc biệt, Mỹ ra công hàm vào thời điểm một loạt các quốc gia ASEAN khác cùng lên tiếng phản đối Trung Quốc, gồm, Malaysia, Philippines, Việt Nam và mới đây nhất là Indonesia. Như vậy, việc này giống như thông điệp Hoa Kỳ muốn truyền tải tới Trung Quốc, rằng Hoa Kỳ sát cánh cùng các quốc gia ASEAN để phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc."

    "Hai nội dung quan trọng mà Mỹ nêu trong công hàm, đều đồng quan điểm với lập trường mà các quốc gia ASEAN đã nêu ra: Phản đối yêu sách trái luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982; và Hoa kỳ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài thường trực Hague năm 2016."

    Ông Hoàng Việt dự đoán rằng một cuộc chiến tranh trên Biển Đông trong thời gian tới ít có khả năng xảy ra do các quốc gia đều phải kiềm chế tối đa. Tuy nhiên, tần suất và cường độ các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông sẽ tăng lên.

    "Mỹ và các quốc gia ASEAN ngày càng nhận thấy Trung Quốc ngày càng vô lối, phi lý, do đó càng cần thiết có một cường quốc như Hoa Kỳ với các hành động cụ thể hơn. Tuy nhiên Mỹ sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra trên Biển Đông, đến những nơi mà luật pháp cho phép (như Hoa Kỳ nói). Vừa qua Hoa Kỳ đã cho tàu chiến đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa."

    "Các quốc gia ASEAN hiện cũng đang xem xét hình thành một hiệp ước Ấn Độ-Thái Bình Dương, dựa trên sáng kiến Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Vừa rồi Việt Nam cũng được Hoa Kỳ mời tham gia Bộ tứ Mở rộng. Như vậy Hoa Kỳ đang mở rộng đối tác và liên minh để tạo thế kiềm chế với Trung Quốc trên khu vực này."

    Về phía Việt Nam, ông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này để tăng cường thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng quan điểm trên Biển Đông. Đặc biệt, cần tranh thủ phát huy vai trò chủ tịch ASEAN để thuyết phục các quốc ra cùng lập trường trong việc đưa ra một bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc về pháp lý để kiềm chế Trung Quốc."

    https://www.bbc.com/

    Không có nhận xét nào